Cuộc báo thù của Putin

Featured, Làm quan

Chịu nhục trong thập niên 1990, nhà độc tài của Nga quyết tâm thắng Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0. Có thể ông đang thành công. Đó là nhận định của Michael Crowley, ký giả của tạp chí Politico, trong bài phân tích sau đây. Nhận định này càng có tính thời sự khi Mỹ vừa khẳng định Nga đã hỗ trợ thao túng bầu cử Mỹ. Hôm thứ Sáu 6-1-2017, các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ giải mật một báo cáo đặc biệt và cung cấp cho tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Theo báo cáo này, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo một cuộc tấn công trên mạng quy mô lớn nhằm để khiến Hillary Clinton thất cử và đưa Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc.

Cuộc báo thù của Putin

Michael Crowley, Politico Magazine, 16-12-2016

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Minh họa của Politico, ghép ảnh của AP/Getty Images)

Hai mươi năm trước khi Vladimir Putin bắt đầu chiến dịch khéo léo của mình để tác động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vị tổng thống Nga tiền nhiệm của ông đứng trên một con đường tối gần Tòa Bạch Ốc. Mặc đồ lót. Tìm pizza.

Lúc đó tháng 9 năm 1994, và Boris Yeltsin đang ở Washington trong một chuyến thăm cấp nhà nước với người bạn mới của ông, Tổng thống Bill Clinton. Liên Xô chỉ mới sụp đổ ba năm trước, và một mối quan hệ đang đơm hoa kết trái giữa Mỹ và Nga, một mối quan hệ hứa hẹn chôn vùi mấy chục năm thù địch. Sự chuyển tiếp đột ngột của nước Nga khỏi chế độ độc tài cộng sản đầy hỗn loạn, nhưng một tiến trình dân chủ mong manh và chủ nghĩa tư bản mới chớm đang bắt đầu có tác dụng. Giới chức Mỹ ấp ủ những viễn tượng về một nước Nga thân phương Tây như một đối tác ở một Châu Âu ổn định và an ninh. Vì mục đích đó, Clinton và Yeltsin đã xây dựng một liên minh dựa trên mục tiêu chung là ngăn chặn một nhà nước mật vụ có tính phục thù nắm quyền ở Moscow và đưa Mỹ và Nga trở lại tình trạng thù địch thời Chiến tranh Lạnh. Trong một chuyến thăm ban đầu tới Moscow, Clinton kêu gọi những thính giả trẻ “chọn niềm hy vọng thay cho nỗi sợ” và “tìm một định nghĩa mới về sự vĩ đại của nước Nga”.

Trước tới bấy giờ hiếm khi nào một nhà lãnh đạo Mỹ và một nhà lãnh đạo Nga thân thiết với nhau như vậy. Clinton và Yeltsin là bạn thân, hai kẻ đáng yêu với những nỗi khát khao lớn lao. Nhưng còn một điều nữa cũng khác: Lần đầu tiên trong mấy thập niên, Nga là số hai hiển nhiên trong mối quan hệ này. Bị tước mất những nước bù nhìn sau Bức màn Sắt, kinh tế tơi tả và quân đội rệu rã, Nga là một xứ đang thu hẹp, hỗn độn. Và tổng thống nước này đang trở thành một nỗi xấu hổ. Bị cho là một người nghiện rượu, Yeltsin thường mất thăng bằng trước công chúng, khiến các trợ tá nháo nhào đỡ ông dậy. Trong một cuộc nói chuyện điện thoại lè nhè với Clinton, Yeltsin đề nghị hai người có một cuộc gặp bí mật trên một tàu ngầm.

Nhưng không có gì ăn đứt chuyện xảy ra đêm mùa thu đó vào năm 1994. Trong khi đang ở tại Blair House—nhà khách dành cho các yếu nhân nước ngoài nằm đối diện với Tòa Bạch Ốc trên Pennsylvania Avenue—Yeltsin thoát khỏi vòng bảo vệ an ninh của mình, loạng choạng xuống cầu thang và bước ra đường. “Pizza! Pizza!” ông thốt ra với các nhân viên Mật Vụ chặn ông lại. (Câu chuyện này có hai phiên bản: Trong một phiên bản do chính Clinton kể với một người viết tiểu sử, Yeltsin ở trên đường phố; trong một phiên bản khác, ông bị chặn lại trước khi ra khỏi cửa.)

Ngày hôm sau, Clinton và Yeltsin có một cuộc họp lâu và thân thiện. Số phận của họ gắn kết với nhau: Clinton muốn một nước Nga thân thiện và ổn định như một gương thành công về chính sách đối ngoại. Yeltsin cần đồng vốn của Mỹ để tránh sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn. Khi Clinton nêu ra các kế hoạch mở rộng liên minh NATO sang Đông Âu, Yeltsin không phản đối. Hai người thậm chí đồng ý rằng bản thân Nga một ngày nào đó có thể sẽ gia nhập NATO—một khái niệm mà ngày nay có vẻ hết sức lố bịch, khi Putin đe dọa liên minh này bằng các cuộc tập trận hạt nhân. Và ở một cuộc họp báo sau đó, hai người đùa giỡn. Yeltsin có tâm trạng khôi hài tới nỗi một trợ tá Tòa Bạch Ốc gọi đó là “hết sức tầm phào”, trong khi chính Clinton cười ngả nghiêng trước sự đùa cợt của người bạn Nga của mình.

Ngày nay ngẫm lại, cảnh đó thấm đượm tinh thần lạc quan gần như không thể tin nổi: cứ thử nghĩ Mỹ và Nga đã có thể là đồng minh quân sự, với nước này giúp nước kia phát triển một xã hội mở và thực sự dân chủ.

Nhưng đối với một người ở Nga, điều đó tượng trưng cho sự sỉ nhục ghê gớm. Vladimir Putin lúc đó là một quan chức cấp thấp, là phó chủ tịch thành phố St. Petersburg sau khi kết thúc sự nghiệp làm đặc vụ KGB, được rút về từ Đông Đức sau khi chính quyền cộng sản ở đó sụp đổ. Thật đau lòng khi nghĩ tới chuyện nhà nước Liên Xô mà ở đó ông đã được nuôi dưỡng và huấn luyện, mà sự sụp đổ của nó được ông từng gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ”, lại trở thành một nước lệ thuộc [nước lớn] với một vị lãnh đạo trở thành trò mua vui của phương Tây. Đó là nỗi nhức nhối ông không bao giờ quên, và khi Putin tiếp xúc với binh sĩ Nga ngay sau khi ông lên cầm quyền vào ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới, ngày 1-1-2000, ông nói với họ rằng sứ mệnh của họ bao gồm “khôi phục danh dự và phẩm giá của nước Nga”.

James Goldgeier, trưởng khoa Quốc tế Vụ ở đại học American University và là một cựu quan chức hàng đầu về vấn đề Nga trong ban an ninh quốc gia của Clinton, nói, “Ông ta thấy thập niên 1990 là một thời gian dài bị nhục—cả quốc nội lẫn quốc tế. Theo quan điểm của Putin, ‘sô diễn Bill và Boris’ thực chất là Boris chấp nhận mọi điều Bill muốn—và chuyện đó thực chất là Mỹ định nghĩa trật tự thế giới và vị trí mà Nga có thể có trong trật tự đó, và Nga quá yếu nên không còn cách nào khác là phải hùa theo.”

Chiến đấu cơ MiG bị tháo gỡ phụ tùng và bị bỏ hoang trên xa lộ ở ngoại ô Leningrad, Liên Xô, tháng 5- 1990. (Ảnh: Getty)

Chuyện say xỉn của Yeltsin tượng trưng cho những bước đi chuếnh choáng tự than thân trách phận mà cựu siêu cường quốc nay sa vào. Nga là một quốc gia bại trận. Nga thua trong Chiến tranh Lạnh, và vì thế mất hàng triệu dặm vuông lãnh thổ, khi những thuộc địa có từ thời Nga hoàng tuyên bố độc lập. Nền kinh tế của đất nước sụp đổ, bần cùng hóa gần như tất cả mọi người trừ những kẻ trong cuộc cướp bóc tài sản công hữu. Nạn nghiện rượu và mại dâm bùng nổ. Tuổi thọ giảm xuống.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Mỹ càng lúc càng tăng. Bill Clinton bắt đầu sự mở rộng về phương đông của NATO và oanh tạc Nam Tư cũ. Các chuyên gia kinh tế Mỹ bay tới Moscow để tư vấn về dân chủ và kinh tế, thúc ép áp dụng “liệu pháp sốc” trong nền kinh tế Nga mà chỉ mang lại những cú sốc đau đớn nhưng chẳng ích lợi gì. Clinton thậm chí gắng hết sức gây ảnh hưởng tới chính trị Nga, dành sự ủng hộ của mình cho nhân vật rất mất lòng dân Yeltsin, người dùng các quan hệ của mình với Mỹ—và viện trợ kinh tế của Mỹ—để tránh thất bại chính trị trong gang tấc vào năm 1996.

Ngày nay, khi Mỹ chật vật đương đầu với một nước Nga hâm nóng những tham vọng toàn cầu, với một Điện Kremlin cho tin tặc ăn cắp email của Mỹ, thao túng tin tức ở Mỹ—và, theo CIA, tích cực tác động để giúp Donald Trump đắc cử—cần hiểu rằng với Putin, điều đó không chỉ là một nước cờ thường xuyên để giành lợi thế. Phải, Putin đang thúc đẩy các lợi ích hiện tại của Nga. Nhưng trong âm mưu tác động để Hillary Clinton thất cử, và bằng cách buộc chính nền dân chủ Mỹ chịu ảnh hưởng của Nga, ông cũng đang khép lại một mối thù mà phần nào do nhà Clinton gây ra cách đây 20 năm. Putin không thể đảo ngược việc Nga thua Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng ông có thể báo thù chuyện đó. Và ở Donald Trump—người đánh bại Hillary Clinton và dường như sẵn sàng bang giao với Putin theo những điều kiện mà hiếm có chính trị gia Mỹ nào khác tán thành—ông hy vọng ông đã tìm được một đối tác tự nguyện.

Strobe Talbott, một chuyên gia về Nga từng làm thứ trưởng ngoại giao dưới thời Bill Clinton, nói: “Về cơ bản ông ta muốn khiến nước Nga vĩ đại trở lại.”

***

Thời kỳ cai trị điêu tàn của Yeltsin kéo dài tới cuối thập niên 1990—một thời kỳ mà Nga vừa chịu một cuộc khủng hoảng tài chính lớn vừa chứng kiến sự vươn lên của một tầng lớp tư bản quả đầu mới quyền thế cướp bóc tài sản của quốc gia. (Họ bao gồm nhiều bạn hữu của Putin và, có người cho rằng, gồm cả vị tổng thống tương lai.) Trải nghiệm của Mỹ [thời kỳ đó] thì hoàn toàn tương phản. Trong thập niên 1990, kinh tế Mỹ bùng nổ, đồng thời Mỹ trỗi dậy thành siêu cường quốc duy nhất của thế giới sau hai lần NATO can thiệp thành công ở vùng Balkan, khiến Washington say mê sức mạnh quân sự của chính mình.

Giao thừa 1999, Yeltsin—tơi tả vì rượu, nhiều cơn đau tim và một cuộc nổi loạn bán công khai của quân đội Nga phẫn nộ về sự giễu võ dương oai của NATO—đột ngột từ chức. Ông bổ nhiệm Putin, người đã đứng đầu [Tổng cục An ninh Liên bang Nga] cơ quan thừa kế KGB cho tới tháng 8 năm 1999, để kế vị ông làm tổng thống. Nhờ lợi thế do vai trò lãnh đạo trong một cuộc trấn áp được lòng dân nhắm vào những kẻ bị cho là khủng bố ở nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, Putin đắc cử với tỷ lệ sát sao vào tháng 3 năm 2000.

Putin không thách thức Mỹ ngay lập tức. Năm 2000, Nga quá yếu nên chưa thể trở lại thế đối đầu, quân đội Nga vẫn như vỏ đạn rỗng, và bị phân tán bởi chiến dịch tàn bạo ở Chechnya. Thực ra, Putin và George W. Bush có một khởi đầu thân thiết, với tổng thống Mỹ có phát biểu nổi tiếng sau cuộc gặp đầu tiên của họ vào tháng 6 năm 2001 rằng ông đã nhìn vào mắt của Putin và “cảm nhận được tâm hồn của ông ta”. Sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gọi điện cho George W. Bush, và qua đó bày tỏ hy vọng hợp tác với ông để chống nạn khủng bố Hồi giáo—cái nhãn mác được Putin gán cho điều mà người khác gọi là phong trào giành độc lập Chechnya.

Mối quan hệ Bush-Putin xấu đi vì nhiều l‎ý do. Nhưng một trong những l‎ý do đó, oái ăm thay, là cáo buộc can thiệp vào bầu cử. Putin giận dữ khi Washington hậu thuẫn một phong trào thân phương Tây, được lòng dân phản đối kết quả bầu cử tổng thống Ukraine năm 2004. Putin lên án điều ông gọi là sự can thiệp của Mỹ vào một nước cộng hòa Xô Viết cũ mà từ lâu đã là một thuộc địa của đế chế Nga. Putin nói Mỹ mưu cầu “một sự độc tài về các vấn đề quốc tế”, được ngụy trang bằng “ngôn từ mỹ miều dân chủ giả hiệu”.

Một đoàn xe thiết giáp Nga tiến về đường hầm Roki trên biên giới với Nga khi rời khỏi vùng Nam Ossetia của Georgia ngày 23-8-2008. (Ảnh: Getty)

Putin thấy một kiểu mưu đồ chính trị khác ở Georgia, một nước cộng hòa Xô Viết cũ mà Putin quả thực có tranh chấp lãnh thổ vào tháng 8 năm 2008. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, ông ám chỉ rằng chính quyền Bush đã khiêu khích chính phủ thân phương Tây của Georgia đánh nhau với Nga.

Lúc đó, Putin nói với CNN, “Sẽ có nghi ngờ rằng ai đó ở Mỹ cố tình gây ra cuộc xung đột này để gây rối tình hình và tạo lợi thế cho một trong những ứng cử viên trong cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ. Họ cần một cuộc chiến thắng lợi nhỏ.”

Một số chuyên gia về Nga và quan chức Mỹ xem những bất bình ngày càng công khai của Putin về Mỹ là một thủ đoạn—một luận điệu để cổ xúy cho điều mà ký giả gốc Nga Arkady Ostrovsky, trong cuốn sách gần đây của ông The Invention of Russia [Sự sáng tạo nước Nga], gọi là “ý thức hệ khôi phục” của Putin. Theo lối suy nghĩ này, Putin đã rao giảng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt với dân chúng Nga để che đậy một nền kinh tế yếu ớt rất dễ bị ảnh hưởng của các biến động về giá dầu xuất khẩu của Nga. Bầu không khí thù địch này chính là điều tổng thống mới đắc cử Barack Obama muốn xoa dịu bằng sứ mệnh “tái khởi động” (“reset”) của ông với Nga, một sứ mệnh được dẫn dắt bởi ngoại trưởng của ông: Hillary Clinton. Bất luận [Hillary] Clinton nghĩ bà có thể đạt được gì, hẳn bà đã không thể hình dung được rằng rốt cuộc nó lại có ý nghĩa với tương lai chính trị của chính bà.

***

(Còn tiếp: Kỳ cuối.)

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 11/1/2017.)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.