Dự báo tình hình địa chính trị Đông Á trong năm 2017

Làm quan

Stratfor

Phạm Vũ Lửa Hạ trích dịch

Trung Quốc vẫn là trung tâm trọng trường ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và kinh tế vẫn là trung tâm trọng trường ở Trung Quốc. Sau ba thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hàng xuất khẩu giá rẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước đóng vai trò chủ đạo, Trung Quốc đang ở những giai đoạn đầu của một sự chuyển biến dần dần sang một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng tư nhân và sản xuất công nghiệp nhẹ có giá trị gia tăng cao. Mức tiêu dùng gia tăng chắc chắn sẽ giúp giảm nhẹ khó khăn kinh tế dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2017 – tức là xuất khẩu chựng lại và tăng trưởng thấp trong ngành xây dựng. Nhưng sẽ mất nhiều năm nữa thì tiêu dùng mới thực sự trở thành đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc. Trong thời gian đó, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc dùng đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước làm chủ đạo, bất luận việc đầu tư đó có thể kém hiệu quả đến đâu đi nữa, để duy trì thể trạng kinh tế của quốc gia và nhờ đó giữ ổn định xã hội và chính trị.

Xác định chính sách của Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là trung tâm trọng trường ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Do vậy kinh tế Trung Quốc an nguy ra sao sẽ tùy thuộc vào chính sách của Trung Quốc. Và điều quan trọng nhất xác định chính sách của Trung Quốc chính là các nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực đối với Đảng Cộng sản và đối với các thể chế của nhà nước trước Đại hội Đảng lần thứ 19 (sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10). Chính quyền của Tập Cận Bình sẽ bằng mọi giá chế ngự bất cứ sự bất ổn xã hội hay kinh tế nào mà có thể đe dọa các mục đích chính trị của ông và vị thế của ông trong Đảng; mục tiêu cấp bách này sẽ có thể bao gồm đẩy ra ngoài lề các đối thủ chính trị và đưa các đồng minh vào những chức vụ chính quyền quan trọng. (Có tới 5 trong 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị có thể về hưu năm nay, nên mục tiêu của Tập Cận Bình càng cấp bách hơn bao giờ hết.) Cho tới khi đó, ông cũng sẽ tiếp tục dùng chiến dịch chống tham nhũng của mình để loại bỏ các đối thủ và những mối đe dọa đối với quyền lực của ông.

Nói như vậy không có nghĩa là trong bối cảnh đấu đá chính trị này giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ hoàn toàn phớt lờ cải cách kinh tế. Khi thích hợp, chính quyền sẽ có những bước đi thận trọng thực hiện các sáng kiến như một hệ thống thuế nhà đất và đăng k‎ý nhà đất toàn quốc, và họ sẽ tiếp tục khuyến khích hợp nhất doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp nặng. Nhưng trong những mảng mà các cải cách như vậy gây ra những rủi ro bất ổn do, ví dụ như, ảnh hưởng xấu tới lao động hoặc khả năng trả nợ của doanh nghiệp, chúng sẽ được gia giảm hoặc hoãn lại. Thay vì thế, nhà nước sẽ dùng một phương pháp duy trì tăng trưởng đã được thực tế kiểm nghiệm — tạo ra tín dụng và chi tiêu mạnh do nhà nước làm chủ đạo vào cơ sở hạ tầng và các ngành liên quan tới xây dựng — trong khi Tập Cận Bình tập trung siết chặt quyền kiểm soát đối với hệ thống chính trị.

Chiến lược kinh tế này không phải không có những rủi ro nghiêm trọng. Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã đạt tới những mức cao đáng nguy và có tỷ lệ tập trung quá cao vào các ngành tài nguyên, xây dựng và các ngành công nghiệp nặng khác hiện đang bị thừa công suất và kém hiệu quả và có thể chiếm đa số trong các khoản nợ xấu trên toàn quốc. Điều đáng lo ngại hơn nữa là nợ doanh nghiệp sắp đến hạn phải trả nhanh chóng hơn bao giờ hết trong mọi ngành, nhất là các ngành công nghiệp nặng và ngành xây dựng, buộc các công ty phải vay thêm nợ để đầu tư hoặc để trả nợ cũ.

Nợ doanh nghiệp sẽ đáng lo ngại không kém trong năm 2017. Bất chấp mức tăng tín dụng vô tiền khoáng hậu và mức chi tiêu mạnh của nhà nước trong năm 2016, ngành bất động sản – ngành mà nhiều ngành nói trên dựa vào – tiếp tục sút giảm về mức đầu tư hoàn tất và số lượng khởi công xây dựng trong năm ngoái. Tính chung, những yếu tố này cho thấy tín dụng và đầu tư đều đặn giảm vai trò là các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô và cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ phải tiêu dùng nhiều nguồn lực nhiều hơn trong năm 2016 để duy trì nguyên trạng kinh tế. Dĩ nhiên, nhà nước có các nguồn lực để làm như vậy, nhưng việc duy trì nguyên trạng trong năm 2017 sẽ chỉ khiến cho các mối lo ngại về nợ doanh nghiệp càng trầm trọng hơn trong năm 2018 và về sau.

Phá vỡ các quy chuẩn ngoại giao

Tuy những thách thức bên trong của Trung Quốc đối với sự ổn định kinh tế có thể rất đáng ngại, Bắc Kinh cũng đối mặt với những thách thức bên ngoài cấp bách: một cuộc khủng hoảng khả dĩ ở khu vực các nước sử dụng đồng euro và các chính sách thương mại mới của chính quyền Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Trump đã hứa định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và đánh thuế nhập khẩu đại trà đối với mọi hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Tuy lời hứa thứ nhất khó có khả năng trở thành hiện thực, chính quyền Mỹ, nếu muốn, có thể đánh thuế nhập khẩu và áp dụng các biện pháp chống phá giá đối với hàng nhập khẩu như thép từ Trung Quốc. Nhưng ngay cả điều đó nếu có thực hiện cũng sẽ chẳng mấy nghĩa l‎ý; các biện pháp bảo hộ có mục tiêu sẽ có tác động nhỏ nhoi đối với quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc và sẽ càng khuyến khích các chuỗi cung ứng doanh nghiệp đa dạng hóa sang các vùng khác ở Châu Á với lao động rẻ hơn và các thị trường tiêu dùng lớn. Động lực này sẽ gây căng thẳng giữa hai siêu cường quốc kinh tế – những căng thẳng mà có thể lan sang các lĩnh vực khác của quan hệ Mỹ-Trung, ví dụ như vị thế của Đài Loan và mối quan hệ của Washington với Đài Loan.

Trump đã bộc lộ rõ ý muốn phá vỡ các quy chuẩn ngoại giao chi phối quan hệ Mỹ-Trung, nhất là ý định của ông dùng vấn đề vị thế của Đài Loan làm lá bài thương lượng với Trung Quốc trong các mặt trận khác, như an ninh mạng, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và thương mại. Bắc Kinh khó có khả năng sẽ có bất kỳ nhượng bộ gì về Đài Loan, và Washington hiểu rõ điều này. Thay vì tái thẩm định một cách căn bản vị thế của Đài Loan, chính quyền Trump sẽ cố gắng dùng vấn đề Đài Loan để có được các nhượng bộ từ Bắc Kinh. Trung Quốc có thể trả đũa bằng các rào cản thương mại đối với một số hàng hóa chọn lọc và có thể đe dọa hạn chế hợp tác an ninh mạng và quân sự với Mỹ, cũng như có những hành động đối đầu công khai hơn ở Biển Đông [Trung Quốc gọi là Nam Hải, South China Sea, trong bài này sẽ dùng tên theo cách gọi của Việt Nam, N.D.], hoặc nơi khác. Về ngắn hạn, ý muốn của Washington sẽ giúp cho Đài Bắc tránh xa được ít nhiều với Trung Quốc. Nhưng hòn đảo này sẽ xoay sở cẩn trọng với các mối quan hệ Trung-Đài để tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Trung Quốc có thể dùng cách cô lập ngoại giao, uy hiếp quân sự và cưỡng ép kinh tế có mục tiêu để tăng áp lực đối với Đài Loan, một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng kỹ thuật toàn cầu mà hiện đang hội nhập sâu với đại lục.

Bắc Kinh cũng sẽ cố gắng, công khai hoặc không công khai, để bảo đảm rằng một ứng cử viên được mình ưa chuộng thắng trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong (sẽ diễn ra vào tháng 3). Cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ gây ra các cuộc biểu tình phản đối, nhưng nó là một cơ hội để Bắc Kinh và Hong Kong cải thiện mối quan hệ của mình — dù Bắc Kinh có những ý định khiến cho Hong Kong hội nhập sâu hơn nữa với đại lục.

Nhưng Hong Kong và Đài Loan chỉ là hai trong nhiều đặc điểm trong môi trường chiến lược đang chuyển biến của Trung Quốc. Trong năm 2017, do muốn đẩy mạnh bước tiến chậm nhưng đều đặn của nền kinh tế lên cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp, nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những ngành như sản xuất kỹ thuật cao, văn hóa và giải trí, và công nghệ thông tin và truyền thông. Bắc Kinh trong khi đó sẽ khai thác cơ hội mở ra do cái chết của hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để cổ xúy những phương án thay thế do chính mình tạo ra: hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Kinh tế quốc nội tiếp tục tăng trưởng yếu, cộng với các nỗ lực của nhà nước nhằm ngăn cản các dòng vốn đổ ra nước ngoài phi pháp, có thể làm chậm đôi chút đà đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong năm 2017. Nhưng điều đó sẽ không chặn đứng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường các mối quan hệ cơ sở hạ tầng, kinh tế và an ninh với Trung Á và Đông Nam Á. Những chướng ngại vật lớn nhất cản trở các sáng kiến như Một Vành đai, Một Con đường — chiến lược phát triển và cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tạo kết nối tốt hơn Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Âu và Đông Phi — trong năm 2017 là sự chống đối của dân địa phương và các rủi ro an ninh ở những nơi như Trung Á, Pakistan và Indonesia.

Một chiến lược mới ở Biển Đông

Tình hình đang thay đổi ở Biển Đông. Tại các vùng nước của mình, ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, nhờ một chiến dịch nhằm bành trướng và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và phát triển các đảo của vùng biển này. Tuy nhiên, trong năm 2016, tốc độ bành trướng dường như có phần chậm lại. Sự chậm lại này một phần là do phán quyết của một tòa án trọng tài quốc tế chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Nhưng điều đó cũng là do Trung Quốc, sau khi đã đạt quá nhiều mục tiêu của mình ở Biển Đông, nay đang thay chiến lược bành trướng hung hăng bằng chiến lược mà, ngoài việc cưỡng ép, chừa chỗ cho hợp tác. Thực vậy, Bắc Kinh đã ngày càng tìm cách hợp tác với những nước đòi chủ quyền có thể dễ chịu, như Malaysia và Philippines, bằng cách có những cử chỉ hòa giải về các vấn đề kinh tế và biển. Đồng thời, Bắc Kinh đã tiếp tục gây sức ép với những nước chỉ trích mạnh mẽ hơn về các tuyên bố chủ quyền trong khu vực của mình bằng các biện pháp kinh tế trừng phạt hạn chế và những hành động đối đầu khác.

Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì chiến lược này trong năm 2017. Vì mục đích đó, Trung Quốc sẽ thích giải quyết các tranh chấp trên cơ sở hoàn toàn song phương, và có thể sẽ đưa ra những nhượng bộ trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng và có thể k‎ý một bộ quy tắc hành xử hạn chế những hành động của họ.

Và dù chiến lược này giảm bớt phần nào những căng thẳng trên biển trong năm 2016, nó có thể có nhiều kết quả thành bại lẫn lộn hơn trong năm 2017. Thách thức thành công của chiến lược này sẽ là một mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, những nỗ lực tiếp tục của Việt Nam về các hoạt động xây dựng trên biển, và sự gia nhập của các nước như Indonesia, Singapore, Úc và Nhật – các nước này đều không tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển bị tranh chấp quyết liệt nhất của Biển Đông – vào các vấn đề an ninh biển khu vực.

Bắc Kinh sẽ đặc biệt quan tâm về Nhật, nước sẽ mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh biển với các nước chủ chốt có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. (Tokyo cũng có thể phối hợp chặt chẽ hơn với Mỹ ở Biển Đông [South China Sea, theo cách gọi của Trung Quốc] và Đông Hải [East China Sea, theo cách gọi của Trung Quốc].) Bắc Kinh có thể tìm cách chống lại sự hợp tác Mỹ-Nhật bằng cách áp đặt một vùng nhận dạng phòng không, mà trên l‎ý thuyết sẽ mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với máy bay dân sự ở Biển Đông, dù làm như vậy có thể đe dọa các mối quan hệ của Trung Quốc với Đông Nam Á. Và dù Trung Quốc có thể thích hành xử có tính hòa giải hết sức trong khả năng của mình nếu tình huống cho phép, sự cạnh tranh gia tăng của các cường quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể khiến Trung Quốc hành xử theo kiểu khác. Nhật càng can dự, Trung Quốc càng sẽ phải cân đối, với những mức độ thành bại khác nhau, các mối quan hệ của mình và các lợi ích của mình với các nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Vị thế thượng đẳng của Nhật

Tuy nhiên, can dự nhiều hơn ở Biển Đông chỉ là một mảnh trong trò ghép hình của Nhật. Trong hai thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật cảm thấy mất phương hướng về chiến lược. Ngày nay, khốn đốn vì tình trạng suy tàn dân số, sự vươn lên của Trung Quốc và việc mọi phái trên chính trường Nhật ngày càng công nhận rằng cần có thay đổi, Tokyo đang ở trong những giai đoạn đầu của quá trình khôi phục sức mạnh kinh tế và quyền lực quân sự của Nhật — và giành lại vị thế thượng đẳng trong khu vực

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc bắt đầu hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước tại Nagato, tỉnh Yamaguchi, Nhật, hôm 15-12-2016. (Ảnh: Toru Hanai/Reuters)

Năm 2017, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có những bước tiến đáng chú ‎ý về mặt này. Ngoài việc can dự nhiều hơn ở Biển Đông [South China Sea] và Đông Hải [East China Sea], chính quyền Abe có thể sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế của Nhật ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Abe sẽ theo đuổi một hòa ước với Nga về các tranh chấp lãnh thổ lâu đời. (Cho dù không có hiệp ước chính thức, hai nước này sẽ tăng thương mại và đầu tư song phương.)

Trên hết, Nhật sẽ mở rộng hợp tác ngoại giao và an ninh song phương với Mỹ, mong có được sự cam kết và can dự của Washington ở khu vực này. Đồng thời, Nhật sẽ tận dụng các cơ hội mở ra do các thay đổi khả dĩ về chiến lược khu vực của Mỹ – tức là chuyển từ các mối quan hệ đối tác đa phương như hiệp định TPP thất bại sang các mối quan hệ song phương – để đóng một vai trò dẫn đầu tích cực hơn để chế ngự Trung Quốc.

Abe sẽ dùng vị thế chính trị vững chắc của mình – liên minh cầm quyền chiếm tỷ lệ siêu đa số ở lưỡng viện quốc hội Nhật – để thúc đẩy nghị trình của mình trong nước. Năm 2017, Abe sẽ làm điều ông có thể làm để duy trì hai ‘mũi tên’ đầu tiên trong kế hoạch kinh tế của ông — nới lỏng tiền tệ và kích thích [kinh tế bằng chính sách] tài khóa — trong khi xúc tiến các cải cách cơ cấu (mũi tên thứ ba) trong những lĩnh vực như lao động, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và nhập cư. Chính quyền của ông có thể cũng sẽ cố gắng khai thác sự cạnh tranh an ninh khu vực gia tăng và sự bất định về lập trường của Washington về khu vực này để thúc đẩy các cải cách hiến pháp nhằm bình thường hóa các lực lượng quân sự của Nhật.

Thế kẹt của Đông Bắc Á

Kẹt giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một Nhật Bản đang hồi sinh, cả Bắc Hàn lẫn Hàn Quốc lạc vào môi trường chiến lược mới mẻ và hiểm nghèo, tuy theo những cách khác nhau. Tất nhiên, viễn tượng một Bắc Hàn theo đuổi hạt nhân đã khiến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đứng ngồi không yên – lo tới nỗi vấn đề này đã chiếm tỷ lệ lớn trong những hoạt động mở rộng quân sự của Seoul và Tokyo trong những năm gần đây. Năm 2017, Bắc Hàn có thể thực hiện thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân vì mục đích kỹ thuật và để nhắc nhở thế giới, và nhất là Washington, về tầm quan trọng chiến lược của nước này. Điều này sẽ gây áp lực buộc Seoul tăng cường quốc phòng và mua sắm thêm vũ khí, dù cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại có thể cản trở bước tiến của nước này. Trong khi Washington có thể được dự kiến sẽ tăng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, Washington cũng sẽ cầu khẩn Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng. Nhưng các nỗ lực như vậy có thể vô ích: Trừ khi có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Hàn có thể sụp đổ, Bắc Kinh sẽ tránh gây áp lực đáng kể với Bình Nhưỡng.

Một thay đổi đáng mừng về kinh tế

Triển vọng có sự hồi phục nhỏ về cầu thương phẩm (commodities) toàn cầu sẽ là một thay đổi đáng mừng đối với các nước xuất khẩu như Úc và Indonesia, nhưng sự giảm giá do ngành địa ốc của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vẫn là một rủi ro thực sự. Trong năm tới, các nền kinh tế mới trỗi dậy của Châu Á có thể là nạn nhân của chủ trương bảo hộ thương mại khả dĩ ở Mỹ, của các tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng tốc độ tăng lãi suất, và của các nỗ lực tiếp tục của Trung Quốc nhằm hợp nhất các ngành công nghiệp nặng và liên quan tới tài nguyên. Các nước có nguy cơ nhất chịu ảnh hưởng của cú sốc kinh tế là những nước vay nước ngoài nhiều (Malaysia và Indonesia), những nước không đa dạng hóa về kinh tế và thương mại (Campuchia), và những nước có tình trạng bất định và bất ổn chính trị trong nước (Thái Lan và Hàn Quốc). Tuy nhiên, các nền kinh tế nhỏ của Châu Á sẽ tiếp tục theo đuổi chủ trương hội nhập khu vực về kinh tế, thương mại và đầu tư, do tới nay họ vẫn chưa bị ảnh hưởng của làn sóng gia tăng nghi ngại về thương mại ở những nơi khác trên thế giới.

Đông Nam Á

Thái Lan sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội trong năm 2017 khi quốc gia này để tang Vua Bhumibol Adulyadej và chính quyền quân sự cố gắng duy trì sự ổn định xã hội và chính trị trong nước. Thử thách đầu tiên của nước này sẽ xuất hiện trong kỳ tổng tuyển cử quốc gia dự kiến sẽ diễn ra vào một thời điểm trong sáu tháng cuối năm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay sau một lễ ký kết ở Bắc Kinh hôm 20-10-2016. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, Philippines sẽ tiếp tục cân đối giữa mối quan hệ với Mỹ và các mối quan hệ đang nồng ấm trở lại với Trung Quốc. (Một sự đối đầu bất ngờ về Bãi cạn Scarborough có thể thay đổi động lực đó.) Chiến lược này sẽ giúp Manila thảnh thơi hơn để tập trung vào các vấn đề đối nội, chẳng hạn như cải cách chính trị và các cuộc hòa đàm đang diễn ra ở miền nam. Chừng nào tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Rodrigo Duterte còn cao, sẽ không có nguy cơ nghiêm trọng nào đối với quyền lực của ông trong năm 2017. Tuy nhiên các chương trình đối nội và nghị trình chính sách đối ngoại của ông sẽ đòi hỏi phải có rất nhiều vốn liếng chính trị để duy trì, cho dù chúng đe dọa làm trầm trọng hơn các cuộc đấu đá quyền lực nội bộ giữa các thành viên của chính phủ và giới chóp bu chính trị.

Với khả năng có thể có bầu cử ở Malaysia trong năm 2017, sự phân tán chính trị và sự bất định về kinh tế sẽ thử thách cấu trúc dân tộc và xã hội mỏng manh đã có từ khi quốc gia này độc lập.

Tương tự, những mối quan ngại về sự ổn định xã hội, chính trị và kinh tế trong nước ở Indonesia sẽ vừa thúc đẩy vừa hạn chế các cải cách tài khóa và kinh tế đang diễn ra. Những mối quan ngại này xuất hiện giữa một thời buổi bấp bênh cho Indonesia, khi Jakarta đang chuyển trọng tâm của mình từ các cơ chế toàn ASEAN sang các cuộc đàm phán song phương để đạt được các lợi ích trên biển của mình.

Với Việt Nam, năm 2017 sẽ là năm giữ nguyên trạng. Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng giảm bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và tình trạng tài khóa không ổn định và mức nợ gia tăng của nước này sẽ hạn chế các cải cách chính trị đang diễn ra.

Úc sẽ tìm cách đóng vai trò nổi bật hơn trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực về kinh tế, thương mại và đầu tư ở Châu Á-Thái Bình Dương. Úc cũng sẽ cố gắng bảo đảm an ninh biển dọc các tuyến đường thương mại trọng yếu. Tuy nhiên, tại quốc nội, nước này sẽ phải chật vật khắc phục các phân hóa chính trị gia tăng và sự bế tắc về lập pháp.

Trích dịch từ 2017 Annual Forecast: East Asia, Stratfor 27-12-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 4/1/2017)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.