Chuyện “dịch là phản dịch” trong World Values Survey

By | 2014-09-08

Trên blog Monkey Cage của báo Washington Post, mới đây Charles Kurzman, giáo sư xã hội học tại Viện Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, có một bài phân tích về tác động của các sai biệt trong bản dịch câu hỏi Khảo sát Các giá trị Thế giới (World Values Survey, WVS) tới kết quả của cuộc khảo sát đồ sộ này. Xin lược dịch các ví dụ liên quan tới các đợt khảo sát ở Việt Nam.

Giá trị thế giới thất thoát qua bản dịch

Theo WVS, vào đầu thế kỷ 21, người Việt là dân tộc ủng hộ chế độ độc tài nhất trên thế giới (the most authoritarian people in the world). Chín mươi chín phần trăm những người trả lời khảo sát ở Việt Nam năm 2001 nói họ ủng hộ chế độ cai trị bằng quân đội (military rule). Kết quả với mẫu khảo sát ở Indonesia là 96 phần trăm, còn ở Albania năm 1998 và Iran năm 2000 là năm phần sáu. Tuy nhiên, trong đợt khảo sát tiếp theo chỉ vài năm sau chỉ có một phần ba mẫu khảo sát ở Việt Nam và Iran ủng hộ chế độ cai trị bằng quân đội, và chỉ một phần tám ở Albania. Trong bốn nước có tỉ lệ ủng hộ độc tài cao nhất ở đợt khảo sát trước, chỉ có Indonesia ổn định ở mức 95 phần trăm.

Vì sao có những biến đổi lớn lao như vậy?

Một số học giả đi tìm lời giải thích nhân quả có nguồn gốc từ thay đổi kinh tế, xã hội hay chính trị. Ronald Inglehart, nhà chính trị học ở Viện Đại học Michigan và giám đốc Khảo sát Các giá trị Thế giới trong hơn một phần tư thế kỷ, và Christian Welzel, giám đốc nghiên cứu ở Hiệp hội Khảo sát Các giá trị Thế giới, cho rằng các giá trị mới xuất phát từ phát triển kinh tế xã hội. “Nếu các thế hệ trẻ giao thiệp xã hội trong những hoàn cảnh khác hẳn so với các hoàn cảnh đã định hình các thế hệ trước, thì các giá trị của toàn xã hội sẽ dần dần thay đổi thông qua sự thay thế thế hệ.” Nhưng không có bước nhảy vọt đáng kể nào về phát triển kinh tế xã hội vào đầu thế kỷ 20 có thể lý giải sự thay đổi nhanh chóng về các quan điểm ở Albania, Iran và Vietnam, và không có tình trạng dân chúng chết hàng loạt để đẩy nhanh sự thay thế thế hệ.”

Trăm sự là tại WVS thay đổi lời dịch các câu hỏi.

WVS là sự hợp tác khoa học giữa các quốc gia có quy mô lớn nhất thế giới. WVS khảo sát hơn một phần tư triệu người ở 87 quốc gia trong thế hệ vừa qua, phối hợp với hàng trăm học giả để tạo nên ngân hàng dữ liệu có tính lịch sử về các quan điểm của con người trên khắp thế giới. Quyết tâm bảo đảm tính minh bạch của công trình này thì không ai sánh bằng – trên web site của WVS có các bộ dữ liệu để tải về và phân tích trực tuyến, và phần lớn các công cụ khảo sát bằng ngôn ngữ sở tại. Trong một công trình lớn cỡ này, sai sót là điều không thể tránh khỏi.

Lời giải thích hợp lý nhất về sự thay đổi đột ngột về quan điểm của người Việt đối với quân đội. Năm 2001, cuộc khảo sát ở Việt Nam dịch câu hỏi tiếng Anh về “Having the army rule” là “Vai trò của quân đội”, và tôi [giáo sư Charles Kurzman] được một chuyên gia Việt Nam dịch ngược lại là “The role of the military”. (Chú thích và bàn thêm: Đúng ra “Having the army rule” nên hiểu là “Có chế độ thống trị/cai trị bằng quân đội”. Rất có thể câu dịch phải qua kiểm duyệt, hoặc người dịch/người làm khảo sát phải tự kiểm duyệt mới mong bản câu hỏi được chấp thuận ở Việt Nam. PVLH) Vì thế những người trả lời “rất tốt” (“very good”) hoặc “tốt” (“good”) có thể đã khen ngợi vai trò của quân đội, chứ không phải chế độ thống trị/cai trị bằng quân đội. Tôi đã không thể tìm được phiên bản năm 2006 dùng ở Việt Nam, nhưng có lẽ đó là một bản dịch chính xác hơn.

Bản dịch tiếng Việt có lẽ cũng đã thay đổi cho câu hỏi dùng vào năm 2001 “Having a strong leader who does not have to bother with parliament and elections”, được dịch thành “Vai trò của một nhà lãnh đạo” – tức the role of a leader, không nhắc gì tới nghị viện/quốc hội hay bầu cử – giảm từ tỉ lệ ủng hộ 99 phần trăm xuống còn 9 phần trăm vào năm 2006. (Chú thích: Đúng ra “Having a strong leader who does not have to bother with parliament and elections” nên hiểu là “Có một nhà lãnh đạo mạnh không phải bận tâm về nghị viện/quốc hội hay bầu cử”. PVLH)

Câu “Having experts, not government, make decisions according to what they think is best for the country” được dịch thành “Vai trò của các chuyên gia trong việc ra quyết định của chính phủ” (the role of experts in decision making by government), với kết quả giảm từ 98 phần trăm vào năm 2001 xuống còn 33 phần trăm vào năm 2006. (Chú thích: “Having experts, not government, make decisions according to what they think is best for the country” nếu dịch sát sẽ là “Có các chuyên gia, chứ không phải chính phủ, ra quyết định theo những gì họ nghĩ là tốt nhất cho đất nước”. PVLH) Câu hỏi liên quan về dân chủ– “Vai trò của một hệ thống chính trị dân chủ”, the role of a democratic political system – vẫn ổn định ở tỉ lệ trên 90 phần trăm.

(Không chỉ bản tiếng Việt, mà các bản dịch ở Iran, Albania, Peru và một số nước khác cũng có nhiều sai biệt. Chỉ xin tóm tắt tới đây vì có liên quan tới tiếng Việt; mời đọc trọn bài tiếng Anh để biết ví dụ về các thứ tiếng khác, và tác động tới kết quả khảo sát. Tôi cũng không dám dịch các ví dụ đó qua tiếng Anh vì có nguy cơ “tam sao thất bổn”. Nhưng ví dụ sau đây khá lý thú, không bỏ qua được. PVLH)

Nghiên cứu sinh chính trị học Jon Mellon tìm hiểu chín bản dịch từ “ideas” trong mục WVS, “Progress toward a society in which ideas count more than money” (Tiến tới một xã hội trong đó tư tưởng có giá trị hơn tiền bạc). Hai trong số chín bản dịch (tiếng Ba Lan và tiếng Nga) dùng từ chỉ ideals (ideały, идеалы, [các] lý tưởng) thay vì để chỉ ideas (tư tưởng, ý tưởng, quan niệm), và một bản dịch (tiếng Trung) dùng từ mà cách dùng chính tương đương trong tiếng Anh là “spirit” (精神, jīngshén, tinh thần). Dùng các tập hợp ngữ dụng quy mô lớn trên internet trong mỗi ngôn ngữ, Mellon chứng minh rằng các thuật ngữ này có các liên tưởng khác với các liên tưởng của từ “ideas” trong tiếng Anh.

Có thể tinh thần hay lý tưởng phản ánh khái niệm về một “xã hội không bị ám ảnh về tiền bạc” (a society-not-obsessed-with-money) ở Trung Quốc, Ba Lan hay Nga. (Bàn thêm: Quả là ở các nước này, và cả ở Việt Nam, tinh thần thường là đối lập với vật chất/tiền tài. PVLH)

Nguồn: Charles Kurzman, World values lost in translation, Washington Post, 2 September 2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *