Thương lắm ngữ pháp ơi

By | 2014-08-19

Phạm Vũ Lửa Hạ

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, trong lễ nhậm chức (inauguration, swearing-in ceremony), tổng thống phải đọc lời tuyên thệ nhậm chức (take the oath of office) đầy đủ như sau: “I <name> do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the office of president of the United States and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States.”

Năm 2009, Barack Obama phải tuyên thệ tới hai lần vì một trục trặc nhỏ ở vế thứ nhất. Trong lễ chính thức trước bàn dân thiên hạ ngày 20/1/2009, đúng theo thủ tục, Chánh thẩm John Roberts đọc trước để Obama lặp lại như vầy: “I, Barack Hussein Obama, do solemnly swear that I will execute the office of president of the United States faithfully …” Đọc tới chỗ “that I will execute …”, Obama ngập ngừng một chút vì nhận ra từ faithfully đặt sai vị trí so với câu quy định. Ngay lúc đó, John Roberts cũng nhận ra nên thêm nhắc lại faithfully với ý định sửa thành “ …will faithfully execute …” (video dưới đây cho thấy hai người nói cùng lúc ở thời điểm này) nhưng Obama vẫn lặp lại theo câu đầu tiên, với faithfully đứng ở cuối mệnh đề, tức là không đúng như quy định của Hiến pháp.

Để tránh tiếng thị phi là Obama chưa được chuyển giao quyền lực một cách hợp pháp (legitimate transfer of power) vì chưa đọc tuyên thệ đúng quy định, ngày hôm sau Nhà Trắng tổ chức lại lễ tuyên thệ (lần này không ra trước công chúng), John Roberts và Obama lặp lại thủ tục, và đọc lại lời tuyên thệ đúng vị trí từng câu từng chữ. (CNN có hai video so sánh hai lần tuyên thệ.)

Báo chí bình rằng có thể trong lần đầu tiên, Chánh thẩm John Roberts líu lưỡi nên đổi vị trí của trạng từ faithfully. Nhưng trong một bài viết mới đây, giáo sư Steven Pinker của Viện Đại học Harvard nghĩ rằng có thể do John Roberts có thói quen (hoặc thói cố chấp) dùng ngữ pháp theo những quy tắc cứng nhắc. Quy tắc liên quan ở đây là cấm / hạn chế dùng split infinitive, như trong “Are you sure you want to permanently delete all the items and subfolders in the ‘Deleted Items’ folder?”, hoặc split verb như trong “I will always love you” and “I would never have guessed” (Về split infinitive, mời đọc thêm bài “Thân này ví xẻ làm đôi” trên blog này.)

Câu chuyện Obama trên đây là một trong nhiều ví dụ minh họa các vấn đề ngữ pháp tiếng Anh trong bài viết của Steven Pinker về 10 ‘quy tắc ngữ pháp’ ta (đôi khi) có thể vi phạm. Bài viết này đăng trên The Guardian  ngày 15/8/2014, trích từ cuốn sách sắp xuất bản “The Sense of Style: the Thinking Person’s Guide to Writing in the 21st Century ” của ông. Tựu trung, bài viết dài hơn 5.000 từ này dùng 10 quy tắc ngữ pháp thông dụng để điểm qua xung đột bao đời nay giữa hai trường phái ngữ pháp prescriptive grammardescriptive grammar.

Prescriptive grammar (tạm dịch là ngữ pháp chuẩn tắc) là ngữ pháp theo kiểu quy định rạch ròi các quy tắc ngôn ngữ trước, rồi cứ theo đó mà áp dụng trên thực tế, tức là ngữ pháp kiểu what should be, như kiểu kê đơn bốc thuốc (prescribe). Descriptive grammar (tạm dịch là ngữ pháp miêu tả) là ngữ pháp dựa trên quan sát cách dùng trên thực tế rồi khái quát hóa thành quy tắc, tức là ngữ pháp kiểu what is. Prescriptive grammar nhiều khi quá cứng nhắc, và dựa trên các quy tắc cổ xưa lấy tiếng Latinh làm chuẩn, nên có thể không còn phù hợp với sinh ngữ hiện đại. Dựa quá nhiều vào descriptive grammar cũng có thể không hay vì tiếng Anh đã phát triển tới mức out of control. Có lẽ tốt nhất là dung hòa giữa hai trường phái này. Steven Pinker theo quan điểm này và hơi thiên về descriptive grammar. Bản thân Pinker là học giả đa ngành, với nhiều nghiên cứu chuyên sâu ngôn ngữ học, tâm lý học và sử học (mời đọc một bài điểm sách của ông trên blog này), nên có cách nhìn thực tế hơn và … nhân văn hơn.

Nếu rảnh thì đọc trọn bài “10 ‘grammar rules’ it’s OK to break (sometimes)” của Steven Pinker. Tạm thời, đây là 10 quy tắc mà thỉnh thoảng ta có thể vi phạm.

– and, because, but, or, so, also

dangling modifiers

– like, as, such as

preposition at the end of a sentence

predicative nominative

– split infinitives

that and which

who and whom

very unique

– count nouns, mass nouns and “ten items or less”

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

3 thoughts on “Thương lắm ngữ pháp ơi

  1. Duy

    Hình như có một lỗi sai chánh tả trong bài này. Lẽ ra phải là “tựu trung” chớ nào phải “tựu chung”.

    Reply
    1. Dollars and Sense Post author

      Đúng rùi. My bad. Thanks.

      Reply
  2. CH

    Như vậy là Hiến Pháp của Mỹ đã sử dụng descriptive grammar, vậy xung đột giữa prescriptive grammar và descriptive grammar đã có từ trước khi nước Mỹ thành lập, và những người đã lập ra hiến pháp Mỹ cũng không phải là những người cứng nhắc.
    Nói vậy thì có được không tác giả?

    Reply

Leave a Reply to Dollars and Sense Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *