Gọi tên xì căng đan

By | 2014-01-15

BdlCzzpCIAAyT2AGần đây, Chris Christie, thống đốc bang New Jersey, dính vào vụ tai tiếng đóng bớt các làn xe thu phí trên cầu George Washington ở Fort Lee hồi tháng 9/2013, gây kẹt xe trầm trọng trên cây cầu huyết mạch nối New Jersey và thành phố New York (được xem là cầu dành cho xe đông đúc nhất thế giới).

Vụ bê bối này được gọi là Bridgegate hoặc Bridgeghazi, hay có khi được ghép luôn hai từ thành Bridgeghazi-gate. Hôm 15/1/2014, The Atlantic có bài How to Name a Scandal: What is a ‘- Gate’ and What Is a ‘-Ghazi’? giải thích hàm ý khác nhau của hai hậu tố (suffix) gate ghazi.

Sau vụ Watergate trong thập niên 1970, William Safire, bỉnh bút của tờ New York Times, là người đầu tiên tách –gate ra khỏi danh từ riêng Watergate để thành một hậu tố, và ông dùng nó trong hàng chục từ mới, ví dụ Briefingate, Travelgate, Whitewatergate. Từ đó, báo chí tiếng Anh rất thích dùng hậu tố -gate khi viết về một vụ xì căng đan. Hậu tố này phổ biến đến nỗi báo chí nhiều nước khác, như Argentina, Azerbaijan, Canada, Phần Lan, Đức, Ý, Mexico, Ba Lan, Nam Phi, và nhất là Vương quốc Anh, bắt chước. (Trên blog này, tôi đã có bài nói về -gate; “Tiếng Anh và … xì căng đan”)

Theo The Atlantic, gate ghazi đều đề cập đến vụ xì căng đan tiêu biểu, được tách ra từ địa danh (ghazi lấy từ vụ phái bộ ngoại giao Mỹ ở Benghazi, Libya, bị bọn khủng bố tấn công làm thiệt mạng đại sứ Mỹ J Christopher Stevens và một nhà ngoại giao khác), đều bắt đầu bằng g, và đều ngắn để dùng trong tít báo và dễ gắn với các danh từ nói về vụ tai tiếng. Xin mở ngoặc thêm: cả gate ghazi đều là cách chiết tự tùy tiện của báo chí, chứ bản thân chúng không phải là hình vị (morpheme, đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa).

Nhưng theo The Atlantic, hai hậu tố này khác nhau về hàm ý mức độ chú ý / lan tỏa và tính chất thiên vị đảng phái (partisan). Một vụ loại “-gate” không nhất thiết khiến một số nhân vật cộm cán, tai to mặt lớn phải thân bại danh liệt, hay tạo ra thay đổi lớn về chính sách (doesn’t necessarily require high-profile scalps or big policy change), nhưng phải được nhiều giới xem là một xì căng đan và được báo chí chính thống xem là xì căng đan (must be widely regarded as a scandal and be treated in the mainstream media as such). Ngược lại, các vụ “-ghazi” thể hiện thành kiến thiên vị đảng phái mà tính chất bê bối và tầm quan trọng của vụ việc chỉ có những người cho đó là xì căng đan mới thấy rõ và coi như hiển nhiên, trong khi bá tánh nhìn chung chẳng thèm để ý (a partisan fixation whose ignominy and importance are self-evident and unquestionable to devotees, but largely ignored by the rest of the world).

The Atlantic viết: “The George Washington Bridge lane closings started as a ‘-ghazi’ and then became a ‘-gate.’” Số là vụ này ban đầu chẳng được báo chí và dân Mỹ để ý cho lắm; chỉ có phe ủng hộ Đảng Dân chủ làm rùm beng lên (vì Chris Christie được xem là một ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống 2016), nên chỉ gọi là Bridgeghazi. Nhưng khi một số email được tiết lộ hồi tuần trước cho thấy rõ ràng là các nhân viên dưới quyền của ông Christie lấy cớ đóng làn xe để nghiên cứu giao thông, nhưng thực ra nhằm gây nạn kẹt xe vì động cơ trả đũa chính trị. Thế là vụ này trở thành Bridgegate, được đưa tin phủ kín mặt báo (wall-to-wall press coverage).

Ngược lại vụ bê bối liên quan đến Nha Thuế vụ Mỹ (IRS) diễn biến theo hướng ngược lại. IRS bị tố cáo là cố tình điều tra tập quán kế toán của các tổ chức phi vụ lợi có thiên hướng Đảng Trà (Tea Party). Báo chí làm rùm beng lên, xem như chính quyền của Đảng Dân chủ nhắm vào các tổ chức thân Đảng Cộng hòa. Về sau xuất hiện nhiều thông tin cho thấy đó chẳng phải là một vụ xì căng đan thật sự, nên báo chí hết hứng thú. Tuy vậy, vụ việc này vẫn còn được bàn tán mãi trong giới có thiên hướng bảo thủ  (very much alive among conservatives). Như vậy, it was a -gate and then became a -ghazi”.

Theo cách phân biệt này, kỷ nguyên Obama đầy những vụ “-ghazi” như Solyndraghazi, ObamaPhoneghazi, NewBlackPanthersghazi, Umbrellaghazi, và đương nhiên cả Benghazi, nhưng chỉ vài vụ “-gate” như Snowdengate và Websitegate.

Còn Pastagate ở Montreal thì chưa xứng tầm với hậu tố -gate: Năm ngoái, ngành kinh doanh nhà hàng ở thành phố Canada này rúng động khi cơ quan giám sát thực hiện luật ngôn ngữ của tỉnh Québéc yêu cầu một nhà hàng cao cấp ngừng dùng các từ tiếng Ý như pasta trong thực đơn, và thay bằng từ tương đương trong tiếng Pháp.

Trong màn trình diễn giữa trận Super Bowl năm 2004, Justin Timberlake táy máy thế nào giật đứt vạt áo Janet Jackson; vụ wardrobe malfunction (báo Việt Nam thường dùng chữ dùng chữ khá ấn tượng là [để] lộ hàng). Hàng chỉ lộ trong tích tắc nhưng đủ để báo chí được dịp bàn tán rôm rả, nên mới có từ Nipplegate. Chắc chẳng gần giải thích vì đã học tiếng Anh chắc biết từ nipple; nếu chưa thì cũng là dịp để tra cứu vậy. 🙂

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *