Anh mà chưa hẳn là Anh

By | 2012-02-24

Phạm Vũ Lửa Hạ

UKTruyện ngắn “Mr. Know-All” của nhà văn Somerset Maugham có một đoạn đối thoại giữa hai nhân vật như sau:

“Are you English?” I asked, perhaps tactlessly.

“Rather. You don’t think I look like an American, do you? British to the backbone, that’s what I am.”

Nếu EnglishBritish xuất hiện trong hai văn cảnh riêng rẽ, thì mỗi từ có thể được dịch thành Anh trong tiếng Việt. Ác một nỗi là văn cảnh này có cả hai, nên mới khó dịch. Chắc hẳn không có người dịch nào có thể lột tả hết bối cảnh văn hóa và lịch sử đằng sau hai từ EnglishBritish.

Nhận biết cách gọi các vùng đất và dân tộc thuộc Vương quốc Anh là điều quan trọng nhưng cực khó. Đôi khi không khéo sẽ xúc phạm đến người nghe. Giả sử ta đang tiếp chuyện với một đối tác kinh doanh từ Vương quốc Anh, và gọi ông ta là English. Đừng ngạc nhiên nếu ông sa sầm mặt mày, tỏ vẻ khó chịu. Có thể ông ta sinh ra ở Glasgow, học hành ở Edingburgh, Scotland, và nhất quyết gọi mình là dân Scottish. Tuy nhiên, trong hộ chiếu, ông ta chính thức được gọi là “British citizen”, tức là công dân của “The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland”, là thần dân của “Her Britannic Majesty

Tên gọi chính thức của Vương quốc Anh quả thật là The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, đọc đến mỏi miệng, dù khá chính xác theo kiểu chẻ sợi tóc làm tư. Dù được dùng sớm hơn, thuật ngữ Great Britain chính thức được dùng lần đầu tiên vào năm 1604 khi vua James VI của Scotland cũng trở thành vua James I của Britain; nó được dùng làm tên chính thức khi hai quốc gia này liên hiệp vào năm 1707.  Cái tên Great Britain nghe có vẻ đao to búa lớn, nhưng thực ra không phải vậy. Nó xuất phát từ  Britannia major, tên đặt cho Britain vào thế kỷ thứ 5 để phân biệt với Armorica, Britannia minor, vì thế chỉ mang tính chất mô tả. Tên này chỉ dành để gọi hòn đảo chính, bao gồm hai vương quốc Scotland England (sau đó có thêm Wales, hai quốc gia này chính thức sáp nhập vào năm 1536, mặc dù Wales đã trở thành một công quốc kể từ năm 1284). Khi Ireland tham gia khối liên hiệp này vào năm 1801, tên quốc gia này trở thành The United Kingdom of Great Britain and Ireland. Nhưng khi Ireland tách ra vào năm 1922, chỉ còn lại Bắc Ireland ở lại với khối liên hiệp, từ Northern được thêm vào để tên của Vương quốc Anh có dạng như hiện nay.

Mọi chuyện trở nên rắc rối khi người nước ngoài (hoặc người Anh chính gốc nhưng ít học) gọi chung Vương quốc Anh là England, và gọi tất cả những cư dân của vương quốc này là English. Điều này làm sôi gan nhiều người xứ Wales, Scotland, và Bắc Ireland. Tiếc thay, chẳng có một từ nào để chỉ chung “inhabitant of the United Kingdom”. Việc sử dụng English làm từ chung để chỉ tất cả các dân tộc trong Vương quốc Anh bị phần lớn những cư dân ở ba vùng đất kia xem là tùy tiện và phỉ báng. Âu cũng là điều dễ hiểu. Họ có vẻ “tủi thân” với nguồn gốc lịch sử của mình, và “dị ứng” với điều mà nhiều người xem là vai trò thống trị về văn hóa và kinh tế của England trong vương quốc. Cảm giác đó càng nhức nhối hơn khi thủ đô London lại nằm tít ở dưới góc bên phải của England, một vị trí khiến cho nhiều quan chức, nhà lập pháp và bình luận viên thời sự thường thiên vị cho England.

Xu hướng dùng EnglandEnglish để chỉ tất cả những gì liên quan đến toàn vương quốc có phần là di sản của một thời kỳ mà vương quốc này quả thực được gọi là England. Ví dụ, câu “Cry ‘God for Harry! England and Saint George!‘” của Shakespeare là cách dùng đúng vào thời kỳ đó. Thế nhưng, cho đến thế kỷ này, nhiều người vẫn tiếp dùng sai thuật ngữ này. Nhiều vị vua và nữ hoàng của Vương quốc vẫn thường được gọi là “the King / Queen of England”. Điều lý thú là Ngân hàng trung ương của vương quốc được gọi là Bank of England (chứ không phải Bank of Britain).

Great Britain là một thuật ngữ mang tính địa lý cũng như chính trị. Nó không chỉ bao gồm hòn đảo lớn nhất, mà còn nhiều đảo nhỏ trong cụm đảo được xem là một phần của England, Wales Scotland. Những đảo này bao gồm Scilly Isles, Isle of Wight, Anglesey, Hebrides, Orkney và Shetland. Nhưng cụm đảo Channel Islands (bao gồm Jersey, Guernsey, Sark, Alderney) và Isle of Man không phải là một phần của Britain. Vì những lý do lịch sử, những hòn đảo này thậm chí không phải là một phần lãnh thổ của The United Kingdom, dù được xem là tài sản của hoàng gia. Vì thế, ngôn từ cũng bị ảnh hưởng; chẳng hạn ở Guernsey, người ta gọi Nữ hoàng là Duke of Normandy. Nếu muốn chỉ cả cụm đảo này, ta nên gọi là British Isles.

Thế ta nên gọi tên các cư dân của Vương quốc Anh như thế nào? Dù tác giả Frank Lloyd Wright đã thử dùng từ Ukonian, nhưng chưa ai dám bắt chước vì từ này nghe khá “chói tai”. Thế là British phải đóng thế vai. Nếu không biết, hoặc muốn chắc ăn, dùng British. Nếu biết rõ gốc gác, dùng thật cụ thể như English, Welsh, Irish hoặc Scot. [Đừng bao giờ gọi người Scotland là Scotch, nếu bạn muốn người ta đánh giá cao khả năng ngôn ngữ của mình: Scotch là một loại rượu mạnh, và từ này được dùng trong một vài cụm cố định chẳng hạn như Scotch egg hoặc Scotch mist, nhưng hiện nay nó chẳng hể xuất hiện trong bất cứ văn cảnh nào khác. Nói “He’s Scottish” hay “He’s a Scot” đều đúng cả.] Một từ hơi xưa là Briton (như trong “Britons never will be slaves”, và “North Briton” chỉ một người Scotland) nhưng từ này gần như trở thành “thiên cổ” ngoại trừ trong một số cụm từ cố định hoặc dùng cho ngắn gọn trong tựa báo. Người Mỹ thích gọi người Anh (tức là dân Vương quốc Anh nói chung) là Britisher; người Anh thì chúa ghét từ này, nhưng may thay, từ này giờ đây đã lỗi thời. Người Anh ra nước ngoài tự gọi mình là Brit, nhưng ở ngay tại quê nhà thì nhiều người cho rằng từ này nghe chẳng lọt lỗ tai.

Tuy British bao hàm cả người Scotland, Wales, và England, nhưng dùng từ này để chỉ hàng triệu hàng triệu người sống ở Bắc Ireland là không đúng, vì xét về mặt lịch sử Ireland  chưa bao giờ là một phần của Britain. (Người La Mã gọi phần đất mà họ kiểm soát là Britannia, nhưng khi đó La Mã đâu có chinh phục được Ireland. Nữ hoàng có thể gọi là Her Britannic Majesty, nhưng đó là chỉ là một từ cổ có từ thời Ireland chưa gia nhập khối liên hiệp.)

Trên trường quốc tế, cách gọi Vương quốc Anh cũng nhiêu khê, tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể. Tại Liên Hợp Quốc, Nghị viện Châu Âu, hay trong cuộc thi ca nhạc Eurovision, quốc gia này được gọi là The United Kingdom. Vương quốc Anh chỉ có một đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội, và khi một thành viên của đoàn này bước lên bục nhận huy chương vàng thì sẽ được xướng danh là người của Great Britain, và lá cờ được kéo lên là The Union Jack (tên “cúng cơm” của quốc kỳ Vương quốc Anh). Cũng là thể thao, nhưng trong các giải bóng đá thì có đốt đuốc cũng không tìm ra đội nào có tên là The United Kingdom hay Great Britain. Thay vì thế, có đến 4 đội riêng biệt England, Wales, Scotland, và Northern Ireland. Bởi vậy mới có cảnh “huynh đệ tương tàn” giữa EnglandScotland giành nhau một vé vớt vào chung kết Euro 2000. Mặc dù thuật ngữ Anglo- chủ yếu liên quan đến England [từ England xuất phát từ Angles, một bộ lạc gốc Đức sống ở nước này vào thế kỷ thứ 5], các phương tiện truyền thông vẫn dùng nó như một tính từ chỉ the UK. Ví dụ, Anglo-American relationschính là những mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Mỹ (chứ không phải là giữa England và Mỹ).

Cách gọi đã phức tạp, cách viết tắt cũng rối rắm không kém. Tên của Vương quốc Anh được viết tắt là the UK. Nhưng cách viết tắt chính thức ở tầm quốc tế lại là GB, vì thế xe cộ của người Anh ra nước ngoài mang biển GB, ngay cả khi chủ xe quê ở Bắc Ireland. Và ký hiệu quốc tế thông dụng nhất để chỉ đồng bảng Anh (pound sterling) là GBP. Ít ra người Anh cũng đã thành công trong việc đổi tên miền quốc gia trên Internet từ GB thành UK.

Tham khảo: Rules, Britannia, World Wide Words.

Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )

© Phạm Vũ Lửa Hạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *