Tháng Giêng là tháng ăn chơi

By | 2012-01-30

Phạm Vũ Lửa Hạ

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao October lẽ ra phải là tháng thứ tám, chứ không tháng thứ mười. Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này sẽ đưa ta đến những câu chuyện thú vị về nguồn gốc của tên các tháng trong tiếng Anh.

February du nhập vào tiếng Anh trong thế kỷ 13, xuất phát từ từ tiếng Pháp cổ là feverier (bản thân từ này có gốc từ tiếng La tinh là februarius). Từ này được tiếng La tinh vay mượn từ gốc februum của người Sabine, một dân tộc cổ của Ý. Người La Mã dùng từ februa để chỉ lễ rửa tội tổ chức vào giữa tháng 2 hàng năm. Dạng từ tiếng Anh vào đầu thế kỷ 13 là feoverrer, và đến năm 1225 nó trở thành feoverel. Vào khoảng năm 1373, tiếng Anh hiệu chỉnh từ này cho giống lối chính tả La tinh hơn, và thế là biến thành februare. Dần dà theo thời gian, những biến đổi về cách phát âm và chính tả đã đưa đến dạng từ hiện nay.

Vị thần chiến tranh có tên tiếng La tinh là Mars, là gốc gác của từ chỉ tháng Ba trong tiếng Anh (March). Từ này xuất phát từ dạng tiếng Pháp cổ là marz (bản thân gốc này lấy từ tiếng La tinh Martius mensis, nghĩa là “tháng của Mars”. Nó du nhập vào tiếng Anh vào khoảng đầu thế kỷ 13.

April là tháng đầu xuân hoa nở, có gốc là động từ aperetrong tiếng La tinh (= to open). Tháng Tư trong tiếng La tinh là Aprilis, và biến thành Avrilltrong tiếng Pháp cổ. Trong thế kỷ 13, từ tiếng Anh là Averil, nhưng đến khoảng năm 1375, tiếng Anh vay mượn lại dạng từ có vẻ La tinh hơn: đó là April. Ở một số nước, tháng Tư được xem là tháng đầu tiên trong năm, và truyền thống “ngày cá tháng Tư” (April Fools’ Day) là di sản của những lễ hội ăn mừng năm mới.

Tháng Năm (May) là tháng của nữ thần La Mã Maia. Cái tên Maia có thể có cùng nguồn gốc với từ La tinh magnus (= “large”), có thể có nghĩa là “tăng trưởng/lớn lên”. Từ La tinh để chỉ tháng 5 là Maius. Từ May du nhập vào tiếng Anh trong thế kỷ 12, từ có gốc là từ Maitrong tiếng Pháp cổ.

Du nhập vào tiếng Anh lần đầu trong thế kỷ 11 dưới dạng Junius, Juneđược vay mượn từ gốc La tinh Junius, một biến thể của Junonius (từ mà người La Mã dùng để chỉ tháng Sáu), theo tên của Juno, nữ thần đại diện cho phụ nữ và hôn nhân.

July đơn giản chỉ là đặt theo tên của Gaius Julius Caesar, vị hoàng đế La Mã sinh ra trong tháng thứ bảy của năm. Tuy lấy tên mình đặt cho một tháng trong năm, Caesar cũng đã có công lớn trong việc cải cách lịch La Mã. Ngoài ra, Caesar còn tự phong mình là một vị thần, và dựng nhiều đền thờ cho chính mình.

Một khi đã có tiền lệ như thế, nếu các vị vua khác đều hùa nhau lấy tên mình đặt cho một tháng trong năm, thì chắc hẳn sẽ loạn cả lên (cũng may một năm chỉ có chừng đó tháng). Nhưng chí ít cũng có một người khác bắt chước như thế. Augustus Caesar, cháu nuôi của Julius, lấy tên mình đặt cho tháng thứ tám (August). Cũng như Julius, Augustus tự phong mình là một vị thần, nhưng ông chỉ yêu cầu thần dân của các nước chư hầu thờ phượng ông, còn dân La Mã được miễn. Những ai có thú làm vườn có lẽ cũng nên biết rằng từ trong tiếng Anh cổ để chỉ tháng Tám là Weodmonath (“tháng của cỏ dại”).

Do Julius và Augustus đưa tên riêng của mình vào lịch, những tháng sau đó phải lùi vài bước. September (từ gốc La tinh septem, nghĩa là “bảy”) trở thành tháng thứ 9. October, (từ gốc La tinh octo, nghĩa là “tám”) trở thành tháng thứ 10. November(từ gốc La tinh novem, nghĩa là “chín“) trở thành tháng thứ 11. December (từ gốc La tinh decem, nghĩa là “mười“) trở thành tháng thứ 12.

Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/01/30/months/

Dựa theo bản tiếng Anh của Take Our Word For It, Issue 58.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *