Lược sử khủng hoảng đồng euro

Khủng hoảng euro, Làm giàu, Làm quan

Để hiểu ý nghĩa chính trị của đồng euro, cần xem xét các nguyên nhân của nó.

Trong mắt người Đức, cuộc khủng hoảng này chung quy là vì sự hoang phí vô độ. Hy Lạp mở màn khi họ gian dối về tình cảnh của mình và chi tiêu vung tay quá trán (xem bản đồ và biểu đồ)

Không có gì tranh cãi về sự phung phí của Hy Lạp cũng như việc các nước thành viên đang gặp khó khăn của khu vực đồng euro, trong đó còn có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý, hiện nay phải giá đắt. Nhưng những nước khác đó không hẳn là hoang phí. Trước khi xảy ra khủng hoảng, chính phủ của cả Ai-len và Tây Ban Nha đều có thặng dư ngân sách. Cả hai nước này đều kỹ lưỡng giữ trong mức giới hạn về thâm hụt và nợ theo quy định của hiệp ước về ổn định và tăng trưởng – chứ không như Đức từng coi thường luật chơi trong bốn năm từ năm 2003 (và không bị trừng phạt). Nước Ý cũng không sa vào vòng tiêu pha phung phí. 

Nợ ở những nước đó đã trở thành gánh nặng không phải vì sự phung phí của chính phủ mà vì mỗi nước đã có một thập niên hưởng lãi suất thấp, và rồi chịu tác động của khủng hoảng tài chính. Tín dụng dễ dãi đã tăng nợ trong các hộ gia đình và khu vực tài chính. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giám sát sự bùng nổ cho vay xuyên biên giới. Trong thời kỳ khủng hoảng, thất nghiệp và cuộc sống khó khăn càng trở nên trầm trọng, làm tăng chi tiêu của nhà nước cho trợ cấp phúc lợi. Một số nước, như Ái Nhĩ Lan và Tây Ban Nha, đã cần phải tìm nguồn tiền để vực dậy các ngân hàng của họ. Những phí tổn này rơi lên vai nhà nước ngay lúc mà số thu thuế sụt giảm – giảm tới mức thảm họa ở những nước trước đó đã có bùng nổ về bất động sản.

Cùng lúc đó lãi suất tăng lên. Trước khủng hoảng, giới đầu tư giả định rằng không một chính phủ nào trong khu vực đồng euro sẽ bị vỡ nợ. Tuy nhiên, như Peter Boone và Simon Johnson thuộc Viện Peterson ở Washington, DC, giải thích, sau đó Đức báo hiệu rằng có thể xảy ra vỡ nợ, và giới đầu tư sẽ phải gánh một phần thua lỗ – một yêu cầu hợp lý, nhưng khó đưa ra ngay trong lúc đang có khủng hoảng. Một số nhà đầu tư muốn được trả lãi cao hơn để gánh chịu thêm rủi ro và một số nhà đầu tư khác, không muốn trả tiền cho nghiên cứu về tín dụng, chỉ đơn giản rút lui khỏi thị trường. Điều này khơi mào cho vòng xoáy sụt giảm giá trái phiếu, làm suy yếu các ngân hàng và khiến tăng trưởng chậm lại.

Ngay cả ở những nước gặp khó khăn trong khu vực đồng euro vốn từ trước không tiêu xài hoang phí, họ cũng đã từ lâu có thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức không bền vững. Lãi suất thấp đã kích thích chi tiêu trong nước và gây lạm phát về mức lương và hàng hóa, mà điều đó lại khiến hàng xuất khẩu của họ trở nên đắt hơn và hàng nhập khẩu tương đối rẻ. Nhưng cũng vì Đức tái sử dụng những khoản thặng dư do cỗ máy xuất khẩu của mình tạo ra, tài trợ cho tiêu dùng của họ.

Nền kinh tế Đức đáng nể về nhiều mặt, nhưng cũng mất cân bằng như các nền kinh tế ngoại biên của khu vực đồng euro. Trong khi quyết tâm tiết kiệm, người Đức dường như quên rằng về dài hạn, mục đích của xuất khẩu là để chi trả cho nhập khẩu. Bây giờ chắc là họ hối tiết khi đã đầu tư những khoản tiết kiệm của mình ra nước ngoài, bỏ tiền vào những khoản cho vay mua nhà dạng rủi ro cao dưới chuẩn (subprime mortgage) của Mỹ và nợ công của Hy Lạp.

Mang nợ là tội là lỗi

Để chấm dứt khủng hoảng, các thành viên khu vực đồng euro hồi tháng trước đã đồng ý xóa sổ một nửa giá trị nợ công của Hy Lạp do khu vực tư nhân nắm giữ, tái cấp vốn cho các ngân hàng của Châu Âu và tăng nguồn quỹ được tạo ra làm tường lửa bảo vệ những chính phủ còn khả năng chi trả trong khu vực đồng euro. Đó là một kế hoạch tham vọng, nhưng Hy Lạp có thể cần được giúp đỡ nhiều hơn, và tường lửa có vẻ chưa đủ mạnh để chống trả một đợt lây lan.

Và ngay cả khi khủng hoảng đã lắng xuống, sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi Châu Âu trở lại lành mạnh. Sở dĩ như vậy là do những nước gặp khó khăn cần kiểm soát các khoản thâm hụt ngân sách chính phủ của họ và tái thiết lập các tài khoản vãng lai vững vàng bằng cách cải thiện tính cạnh tranh của họ. Người Đức cảm thấy rằng trách nhiệm của việc điều chỉnh mất nhiều thời gian này hoàn toàn thuộc về các quốc gia con nợ, những quốc gia này phải cấp thiết phục hồi kỷ cương ngân sách. Đáng chú ý là từ tiếng Đức để chỉ nợ, Schulden, là số nhiều của từ Schuld, nghĩa là tội lỗi hay sai lầm.

Tuy nhiên, chiến lược này có nguy cơ tự thất bại. Do yêu cầu thắt lưng buộc bụng ngay lập tức, khu vực đồng euro đang làm trầm trọng hơn tình hình suy thoái ở các nền kinh tế gặp khó khăn, mà điều đó sẽ càng khiến họ khó trả nợ hơn. Phương pháp của Đức sa vào ngụy biện tổng thể (fallacy of composition). Nếu nhà nhà người người tiết kiệm thì làm sao tiến tới thịnh vượng. Như Keynes đã quan niệm sau cuộc Đại Khủng hoảng, phải có ai đó, ở nơi nào đó tiêu dùng. Ở Châu Âu, đó nên là các nước như Đức và Hà Lan vốn đã có thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn trong thời kỳ kinh tế bùng nổ. Nhưng các chủ nợ không muốn công nhận rằng họ là một phần của vấn đề.

Các chính phủ chủ nợ, nhất là Đức, lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ cần cứu các chính phủ đang gặp khó khăn để ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Mặt khác họ cũng muốn tăng áp lực thị trường để yêu cầu cải cách và thiết lập nguyên tắc là các chính phủ phải tự thân vận động – để người đóng thuế ở Đức sẽ không lãnh chi phí mỗi khi một nước EU nào đó sa đà tiêu xài phung phí. Đến nay Đức đang cố gắng đạt được cả hai điều đó, và chỉ thành công ở chỗ đẩy mọi người lún sâu hơn vào vũng lầy.

Bản tiếng Anh: A very short history of the crisis. The Economist, 12/11/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/16/euro-crisis-history/

5 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.