Tản mạn chuyện thời gian

Tạp nhạp

Phạm Vũ Lửa Hạ

timepiece-7Khuya nay (2 giờ sáng chủ nhật 6/11), hầu hết các khu vực Bắc Mỹ chấm dứt kỳ tiết kiệm giờ ban ngày trong mùa hè, và đổi ngược lại giờ bình thường. Vặn đồng hồ ngược lại 1 tiếng, tự nhiên cứ như mình lời được 1 giờ. Năm nào, dịp này báo chí cũng đặt câu hỏi “Bạn làm gì với 1 giờ dôi ra đó?”; câu trả lời phổ biến nhất vẫn là ngủ nướng sáng chủ nhật cho đã cơn. Năm nay, mình dùng giờ dư ra này lục lại mấy bài viết hồi xưa về chuyện thời gian để đưa lên blog hầu chuyện bà con cô bác.

Thời gian là gì?

Những xã hội nguyên thủy có thể đã sắp xếp cuộc sống của mình bằng những quan niệm đơn giản “trước” và “sau” tuần trăng, mùa, mặt trời mọc và mặt trời lặn. Đối với những xã hội tân tiến, khái niệm thời gian ngày càng phức tạp. Xuyên suốt tất cả những ý tưởng của chúng ta về thời gian là hai quan niệm tương phản nhau. Thứ nhất, thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thứ hai, thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần v.v… cứ lặp đi lặp lại.

Theo thần thoại Hy Lạp, con Nhân sư, một quái vật mặt phụ nữ mình sư tử và có cánh chim, đã đố tất cả những du khách trên đường đến thành Thebes: “Sinh vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chân?” Ai không trả lời được đều bị nó ăn thịt. Tuy nhiên, Oedipus đã đáp đúng: “Con người”, và Nhân sư phải tự sát. Ông ta đã hiểu ra rằng câu đố này là một ẩn dụ về thời gian. Đi bốn chân là hình ảnh một đứa bé đang bò, hai chân là một người trưởng thành, và ba chân là một người già chống gậy. Chỉ cần nghĩ đến một chuỗi thời gian lâu dài hơn là giải được. Ông cũng hiểu rằng các kiểu định hướng thời gian được nén gọn bên trong câu đố này, và ngôn từ cho phép ta làm chuyện đó.

Khi tạo ra những công cụ nhân tạo để đo lường thời gian, chúng ta định hình kinh nghiệm của mình về thời gian. Ta có thể phân biệt giữa thời hạn và chuỗi nối tiếp, và bằng la bàn có thể phân định rạch ròi về thời gian thiên văn, thời gian để trái đất quay quanh mặt trời. Ta có thể nhìn nhận thời gian theo cách cố định như thế này dựa vào chuyển động của trái đất; hoặc có thể nhìn nhận thời gian theo kinh nghiệm chủ quan; trên một chiếc máy bay phản lực, vị trí của “con chim sắt” đôi khi thể hiện trên một bản đồ trái đất, dường như ta đang bò chậm như rùa đến đích. 

Thánh Augustine từng nhận định rằng thời gian nếu xem như một hiện tượng chủ quan có thể rất khác so với thời gian nếu xem như một khái niệm trừu tượng. Nếu thời gian ở dạng trừu tượng, ta chẳng thể biết tương lai vì nó không ở đây, và cũng chẳng biết mặt mũi quá khứ là gì. Ta có thể có ký ức, có kỷ niệm, nhưng diễm xưa đã xa rồi còn đâu thấy nữa. Điều duy nhất hiện hữu là hiện tại, đó là con đường duy nhất về quá khứ và đến tương lai. Augustine viết: “Do đó, hiện tại có ba chiều: hiện tại của những chuyện quá khứ, hiện tại của những chuyện hiện tại và hiện tại của những chuyện tương lai”.

Những dị biệt văn hóa có liên quan đến thời gian

Như đã nói, thời gian có thể được xem như một đường thẳng gồm những sự kiện theo trình tự diễn ra với khoảng cách đều đặn. Hoặc cũng có thể xem thời gian như một vòng tuần hoàn, nén quá khứ, hiện tại và tương lai dựa theo những điểm tương đồng giữa chúng: bốn mùa và các nhịp điệu. Những ai theo quan điểm thứ nhất sẽ tuân thủ trình tự, bất cứ xáo trộn nào về trình tự sẽ khiến cho họ cảm thấy “long thể bất an”. Cứ thử chen ngang một hàng người xếp một quầy vé ở Anh chẳng hạn; lập tức bạn sẽ “lãnh đủ” những lời phản đối hoặc chí ít cũng là những ánh mắt bực tức như muốn nói “Đồ thiếu văn hóa!”. Ai cũng phải đợi đến lượt mình; trâu chậm uống nước đục, như vậy mới là “biết điều”. Tại Luân Đôn, nhà nghiên cứu văn hóa Fons Trompenaars đã từng thấy một hàng người đang đợi xe buýt thì trời mưa như trút nước. Tất cả đều tỉnh queo … đội mưa đứng đợi, bất chấp mình mẩy ướt nhẹp. Mặc dù mái che ở sát ngay đó nhưng không ai chạy vào núp mưa vì sợ mất chỗ. Họ thích hành động một cách đúng đắn hơn là có hành động đúng đắn. Ở Hà Lan, ta có thể là ông hoàng bà chúa, nhưng nếu đang giữ chỗ thứ 46 trong hàng người xếp trước quầy bán thịt mà ta bước lên đòi được phục vụ khi chỉ mới gọi đến số 12, thì coi như ta tự chuốc họa vào thân. Gấp gáp hả, rách việc; thứ tự là thứ tự. Đi từ A đến B theo đường thẳng với nỗ lực tối thiểu và đạt kết quả tối đa được xem là hiệu quả. Nhược điểm của lối tư duy này (phổ biến ở Tây Bắc Âu và Bắc Mỹ) là “đường thẳng” không phải luôn luôn tối ưu: nó không thấy được tính hiệu quả của những hoạt động được chia sẻ và những mối liên kết chéo.

Những người có quan điểm đồng bộ hóa thích làm nhiều việc song song, giống như một diễn viên xiếc tung hứng 6 quả bóng cùng lúc. Họ có một mục tiêu cuối cùng rõ ràng, nhưng có nhiều bước khác nhau và có thể hoán đổi cho nhau để đạt đến đích, thậm chí có thể “nhảy cóc”. Ngược lại, người thích theo trình tự vạch ra một con đường rõ ràng với những mốc thời gian để hoàn tất từng giai đoạn. Họ không muốn lịch trình bị xáo trộn bởi những biến cố bất ngờ. Trong cuốn Ngôn ngữ thầm lặng, nhà nghiên cứu Hall cho biết những nhà thương thảo người Nhật thường đề nghị giảm giá hoặc đưa ra điều khoản đòi ưu đãi sau khi các đối tác người Mỹ đã xác nhận đặt vé máy bay từ Tokyo về nước. Để tránh đảo lộn lịch làm việc, người Mỹ thường đành phải nhượng bộ những đòi hỏi của người Nhật.

Phong cách làm việc đồng bộ là điều khác thường đối với người thích trình tự. Trompenaars có lần mua vé máy bay tại một quầy ở Argentina; cô nhân viên vừa viết vé (rất chính xác) vừa nói chuyện điện thoại với một cô bạn và hết lời khen đứa con của người bạn. Người làm nhiều việc cùng một lúc có thể (hoàn toàn vô tình) xúc phạm những ai chỉ quen làm mỗi lúc một việc. Tương tự, người làm từng việc một có thể (hoàn toàn vô tình) xúc phạm những ai quen nhiều việc cùng một lúc. Sau chuyến đi Hà Lan để gặp xếp, lúc về nước, một giám đốc Hàn Quốc kể lại cú sốc và nỗi thất vọng của mình: “Ông ta đang nói chuyện điện thoại thì tôi bước vào. Ông ta chỉ giơ tay khẽ chào tôi, rồi rất bất lịch sự tiếp tục nói chuyện cứ như thể tôi không có trong văn phòng. Mãi đến năm phút sau, khi nói chuyện xong, ông ta mới đứng dậy chào tôi rất nồng nhiệt nhưng chẳng chân thành chút nào: ‘Chào Kim, hân hạnh được gặp anh’. Tôi thật không tin nổi.”

Đối với người đồng bộ, nếu không được chào hỏi tự nhiên và tức thời, thậm chí khi người kia đang bận điện thoại, thì coi như bị khi dễ. Nếu ta “trình tự hóa” các cảm xúc của mình và tạm trì hoãn biểu lộ chúng cho đến khi mọi việc khác được giải quyết xong, thì coi như ta không chân thành với họ. Ta cần phải chứng tỏ ta quý họ bằng cách dành thời gian cho họ, cho dù họ từ trên trời rơi xuống.

Người thuộc týp trình tự sắp đặt thời gian biểu rất chặt chẽ, sít sao. Thật là bất lịch sự nếu ta đến trễ dù chỉ vài phút vì lịch trình cả ngày làm việc sẽ bị ảnh hưởng. Thời gian được xem như một hàng hóa cần được dùng triệt để, và sự chậm trễ cướp mất của họ những giây phút quý báu trong một thế giới “thời gian là tiền bạc”.

Những nền văn hóa đồng bộ ít chú trọng đến việc đúng giờ; ở đó đúng giờ có nghĩa là có thể xê xích chút ít. Chẳng phải vì họ không biết thời gian tựa bóng câu qua cửa sổ, mà vì có nhiều giá trị văn hóa khác “cạnh tranh” với tính đúng giờ. Thường họ cần phải dành thời gian cho những người mà mình có quan hệ đặc biệt. Đang bù đầu với công việc mà mẹ, người yêu hay bạn bè thình lình xuất hiện, thì ta cũng ráng mà tươi cười trò chuyện, hỏi han. Công việc túi bụi không phải là cái cớ để “lơ đẹp” hay “hẹn lần khác”; bằng không, họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nhà nhân chủng học người Pháp Raymond Carroll kể về một cô gái Mỹ viết giấy nhắn cho người yêu Pháp: “Anh có thể cho em biết tối nay anh có muốn gặp em hay không? Nếu không, em sẽ có những kế hoạch khác.” Anh chàng người Pháp “quê độ”, vì theo anh ta, đã yêu nhau thì phải luôn dành thời gian cho nhau, không thể nào để thời gian biểu của cô chen vào mối quan hệ tình cảm của họ. Vì đủ thứ lý do như thế, giờ hẹn gặp có thể chỉ mang tính xấp xỉ trong những nền văn hóa đồng bộ. Biên độ thì mỗi nơi mỗi khác; ở các nước châu Âu La tinh có thể xê xích chừng 15 phút, còn ở Trung Đông và châu Phi có thể xê xích … một buổi hay một ngày. Vì hầu hết những người có cuộc hẹn đều có những hoạt động khác song song, nếu ta bắt họ phải đợi thì cũng chẳng phiền hà gì, và nếu ta đến trễ có khi lại hay, thuận tiện cho họ có thời gian cho những hoạt động chưa lên kế hoạch.

Ngay cả việc chuẩn bị tiệc tùng cũng bị ảnh hưởng bởi cách định hướng thời gian. Ở các nền văn hóa tuân thủ trình tự và đúng giờ, người ta thường chuẩn bị đúng chính xác lượng thức ăn cần dùng, và sửa soạn sao cho đồ ăn sẽ bị hư hoặc nguội lạnh nếu thực khách đến trễ. Ở các nền văn hóa đồng bộ, thức ăn thường được chuẩn bị dư thừa để phòng khi có thêm khách bất ngờ đến dự, và thức ăn phải là loại khó hư, hoặc được chế biến theo ý muốn của khách.

Thời gian có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn đối với các tập thể hay các nền văn hóa. Emile Durkheim, nhà xã hội học người Pháp, xem thời gian là một cấu trúc xã hội giúp cho những thành viên của một nền văn hóa phối hợp những hoạt động của mình. Điều này có những ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh doanh. Thời gian hẹn gặp hay thời hạn hợp đồng đã được thỏa thuận có thể chỉ là xấp xỉ hoặc chính xác. Nếu ta được giao một công việc với thời hạn 1 tuần, thì cũng tùy xếp của mình thuộc nền văn hóa nào mà ta có thể hiểu 1 tuần là đúng 1 tuần phải làm xong, hay đó chỉ là khoảng thời gian gợi ý. Ngày giao hàng có thể lệch vài ngày so với ngày ghi trên hợp đồng, nhưng cũng có khi có điều khoản nghiêm khắc phạt hàng ngàn đô-la nếu chậm trễ một ngày.

Trích từ tập sách Một góc nhìn kinh doanh(trang 146-151), NXB Trẻ 2005. Bài gốc đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số đặc biệt Xuân Kỷ Mão 1999.

One thought on “Tản mạn chuyện thời gian

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.