Uncle Sam là chú của ai?

Dịch là phản dịch

Phạm Vũ Lửa Hạ

Trong cuốn Speaking Naturally (từng được dùng rộng rãi để luyện nói tiếng Anh), ở bài Apologizing có một đoạn đối thoại giữa hai người bạn Jeffrey và Paul. Khi Paul có ý muốn mua một chiếc xe hơi sau khi lãnh lương, Jeffrey liền nói: “Well, I think you’d better wait and see how much is left after Uncle Sam gets his share.” Câu này được dịch trong một cuốn sách song ngữ là: “Mình nghĩ cậu nên đợi xem còn lại bao nhiêu sau khi Chú Sam lấy phần của chú ấy.” Người đọc có thể thắc mắc chú Sam là ai. Hỏi vậy đâu phải cắc cớ.

Uncle Sam được dùng lần đầu trên tờ Post ở thành phố Troy, New York, vào ngày 7/1/1813 để ám chỉ chính phủ Mỹ. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của từ này, nhưng đa số học giả cho rằng đó là cách “diễn nôm” của U.S. (United States). Từ này phổ biến vào khoảng năm 1917 sau khi có một loạt các bích chương tuyển mộ binh lính của chính phủ Mỹ với hình ảnh Uncle Sam với lời kêu gọi “I Want You for U.S. Army”. Vậy, câu trên hiểu là: “… sau khi cậu đã đóng thuế.” Đây là một khái niệm văn hóa Mỹ mà người dịch có thể không biết hoặc không lột tả hết ý tưởng. Dưới đây là một số trường hợp “đâu cái điền” nếu thiếu kiến thức về văn hóa của những nước nói tiếng Anh. 

Tạp chí TIME ra ngày 13/12/1999 tường thuật về cuộc biểu tình phản đối WTO tại Seattle. Trong đó, có một ảnh minh họa được chua: “SCARLET LETTER The anarchist A was omnipresent at the WTO scene”, ý nói biểu tượng chữ A của các nhóm vô chính phủ xuất hiện khắp tại nơi diễn ra hội nghị WTO. Nhưng không chỉ đơn giản như thế. Ý tưởng phản kháng mạnh mẽ còn được liên tưởng đến tiểu thuyết nổi tiếng The Scarlet Letter của nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne (1804-1864), trong đó nữ nhân vật chính Hester Prynne có tư tưởng thoát khỏi ràng buộc của Thanh giáo, bị kết tội ngoại tình (adultery) và buộc phải luôn mang một chữ A màu đỏ trên áo của mình.

Bài báo nói trên còn có một hình ảnh những người phản kháng cầm hoa đưa ra trước mặt những cảnh sát chống bạo động, và bình: “FLOWER POWER Some protesters got very ’60s”. Quả là khó hiểu nếu ta không biết chuyện đã xảy ra vào thập niên 1960. Hồi đó, thanh niên nhiều nước, nhất là Mỹ, dấy lên phòng trào phản chiến. Họ được gọi là flower children hoặc flower people vì khi diễu hành họ mang theo hoa hoặc cài hoa trên tóc để bày tỏ “tín ngưỡng” của mình (được gọi là flower power) cho rằng hòa bình và tình yêu quan trọng hơn các hoạt động quân sự và thương mại, và nếu có đủ số người chia sẻ ý tưởng của họ thì chiến tranh sẽ kết thúc và thế giới sẽ tươi đẹp hơn. Như vậy, lời bình trên hẳn muốn nói rằng một số người phản kháng ở Seattle bắt chước tinh thần đấu tranh ôn hòa của các “tiền bối”.

Tạp chí Business Week ra ngày 22/11/1999 có loạt bài bàn về tương lai của Microsoft sau khi có bản luận tội kết luận hãng này phạm tội độc quyền. Một khả năng khả dĩ là Microsoft của Bill Gates phân chia thành những Baby Bills. Cách chơi chữ này liên tưởng đến chuyện về một “đại gia” khác cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tháng 1/1982, hãng AT&T (American Telephone and Telegraph) bị kết tội vi phạm luật chống độc quyền. Sau đó, AT&T (được mệnh danh là Ma Bell) buộc phải “hóa thân” thành một công ty có quy mô nhỏ hơn, và phần còn lại phân chia thành 7 công ty khu vực được báo chí gọi là Baby Bells.

Bài “The Mind is Immortal” trên tạp chí Business Week ra ngày 30/8/1999, nói đến khả năng lưu giữ “linh hồn” của con người cho các thế hệ sau và khả năng “chu du thiên hạ” trong hiện thực ảo trong tương lai. Khi đó, các phần mềm tiên tiến sẽ biến trái đất thành “a huge Starship Enterprise”. Còn ta ngồi trước máy vi tính, thay vì nói “Beam me up, Scotty”, ta có thể nói “Beam me there”, và thoắt một cái, ta (hoặc ít ra là hình ảnh ba chiều của ta) vượt qua không gian truyền thông đến gặp gỡ các bô lão của một bộ lạc ở đảo New Guinea thuộc Thái Bình Dương. Thậm chí ta còn được hỗ trợ bởi một phần mềm dịch thuật để có thể hiểu được tiếng nói của bộ lạc ấy. Ý tưởng của đoạn văn trên sẽ cực kỳ khó hiểu nếu ta chưa hề biết đến loạt phim khoa học giả tưởng Star Trek khởi đầu vào thập niên 1960, kể chuyện tàu Starship Enterprise phiêu lưu vũ trụ với phi hành đoàn gồm cơ trưởng James Kirk, Mr Spock, “Bones” McCoy và “Scotty” Scott. Phim rất thành công, và một số câu nói của các nhân vật trở thành câu cửa miệng (catchphrase) thường ngày, chẳng hạn như: “It’s life, Jim, but not as we know it, I’m a doctor, not a …, và “Beam me up, Scotty”. Biết để hiểu cho rõ vậy, chứ những câu như thế được xếp vào loại “bất khả dịch”.

Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào :) )

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/25/uncle-sam/

One thought on “Uncle Sam là chú của ai?

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.