Những “cú hích” của dịch vụ công

Featured, Làm quan

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hôm 9/10/2017, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Kinh tế năm 2017 cho giáo sư Richard Thaler thuộc Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago, Mỹ, vì những đóng góp cho kinh tế học hành vi.

Giáo sư Richard Thaler tại văn phòng ở Trường Kinh doanh Booth, Đại học Chicago, ở Chicago, Illinois, Mỹ, sáng 9/10/2017 sau khi giành giải Nobel Kinh tế 2017. (Ảnh:Kamil Krzaczynski/Reuters)

Kinh tế học hành vi được công chúng quan tâm nhiều hơn từ năm 2002, khi Daniel Kahneman đoạt giải Nobel Kinh tế (cùng với Vernon Smith cho thành tựu kinh tế học thí nghiệm). Robert Shiller cũng là tên tuổi lừng lẫy về kinh tế học hành vi, dù ông đoạt giải Nobel Kinh tế 2013 về phân tích thực nghiệm giá tài sản đầu tư.

Giới ủng hộ cho rằng kinh tế học hành vi bổ sung kinh tế học truyền thống, vốn giả định rằng con người ra quyết định duy lý và dựa trên thông tin đầy đủ sao cho có lợi cho họ nhất. Theo kinh tế học hành vi, quyết định duy lý có những ngoại lệ. Ví dụ, con người thích giữ nguyên trạng, có thể hành xử vị tha khi ra quyết định, chịu ảnh hưởng của người đồng trang lứa, và thường chọn lợi ích trước mắt lớn hơn cho dù về lâu dài lựa chọn đó ít có lợi hơn.

Nhà nhà cùng “hích”

Nhờ cuốn “Cú hích: cải thiện các quyết định về sức khỏe, của cải và hạnh phúc” của Richard Thaler và Cass Sunstein xuất bản năm 2008, và một số sách của các tác giả khác, kinh tế học hành vi rời tháp ngà học thuật và đi vào đại chúng. Từ khi có cuốn “Cú hích”, chính phủ nhiều nước đã nhiệt thành ứng dụng lý thuyết “Cú hích” để cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Năm 2010, chính phủ Vương quốc Anh mời giáo sư Thaler cố vấn để lập Nhóm Hiểu biết Hành vi, còn có biệt danh là “đơn vị cú hích”. Mấy chục chuyên viên chính sách của nhóm này, chủ yếu là những nhà kinh tế học, dùng nghiên cứu tâm lý để ngầm khuyến khích, thuyết phục người dân đóng thuế đúng hạn, chịu khó tìm việc làm và thôi ăn trợ cấp thất nghiệp, hoặc làm cách nhiệt cho nhà …

Tóm lại mục tiêu là khiến người dân có hành vi sao cho có lợi cho họ nhất, và giúp nhà nước tiết kiệm được khối tiền. Với ngân sách hoạt động chỉ khoảng 1,6 triệu đô-la/năm, “đơn vị cú hích” này đã tiết kiệm được 480 triệu đô-la cho nhà nước. Ví dụ, một dự án gởi giấy báo tiền phạt của tòa qua tin nhắn thay vì qua thư, đã giảm đáng kể hoạt động của thừa phát lại và tiết kiệm gần 50 triệu đô-la.

Chính phủ nhiều nước cũng đã tham gia phong trào “cú hích”. Năm 2009, tổng thống Obama bổ nhiệm giáo sư Cass Sunstein làm “trưởng ban quản lý điều tiết” của Nhà Trắng và bắt đầu ứng dụng kiến thức kinh tế học hành vi vào cách hoạt động của chính phủ Mỹ. Tháng 9/2015, tổng thống Obama ký một sắc lệnh hành pháp mang tính cột mốc chỉ đạo các bộ ngành và cơ quan liên bang ở Mỹ ứng dụng kinh tế học hành vi vào các ưu tiên quốc gia, như giúp người dân tìm được việc làm tốt hơn hoặc sống lành mạnh hơn. Năm 2015, Văn phòng Hội đồng Cơ mật của chính phủ liên bang Canada lập một văn phòng nghiên cứu mới gọi là Trung tâm Sáng tạo. Trong các mục tiêu của cơ quan này có thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia quân đội, tỷ lệ phản hồi cao hơn cho các khảo sát của cơ quan Thống kê Canada, và tỷ lệ trả nợ cao hơn cho các khoản vay học tập của sinh viên.

Nhắc khéo

Dấu chân dẫn tới thùng rác ở Copenhagen.

Copenhagen, Đan Mạch, đặt những dấu chân màu xanh dẫn tới thùng rác công cộng. Chỉ trong một tháng, tỷ lệ xả rác giảm 46%, và nay toàn thành phố có khoảng 1.500 thùng rác như vậy. Ý tưởng này là của chuyên gia thiết kế “cú hích” Sille Krukow. Cô giải thích rằng những dấu chân rõ rệt đó khiến người ta phải thấy rằng mang rác bỏ vào thùng là việc đúng nên làm. Dấu chân cùng màu xanh với thùng rác cũng khiến người ta sợ nhục khi bị thiên hạ nhìn vì vứt rác bừa bãi. Khai thác cảm giác sợ nhục đó quả là hiệu nghiệm hơn trương biển hoặc có chiến dịch kêu gọi đừng xả rác.

Gần đây, bản thẩm định thuế thu nhập cá nhân của Thuế vụ Canada (CRA) gởi cho người đóng thuế thỉnh thoảng có dòng chữ in đậm ở đầu trang “Chỉ có một trong 10 người có nợ thuế không đóng thuế đúng hạn.” Dữ kiện có vẻ ngẫu nhiên này là một trong những cách được CRA, cũng như cơ quan thuế ở nhiều nước, dùng để ngầm nhắc nhở người dân làm công dân gương mẫu, bằng cách đóng thuế đúng hạn như … hàng xóm của mình. Những cách can thiệp tinh tế này nhằm giúp người dân vượt qua các rào cản hành vi khiến họ quên thực hiện những ý định của mình.

Khi giới chức ở Quebec gởi giấy báo về những trường hợp vi phạm vượt tốc độ bị máy chụp ảnh giao thông trên đường chụp, họ đính kèm ảnh chụp xe vi phạm và ảnh chụp cận cảnh biển số xe. Họ biết rằng những hình ảnh sống động về việc tài xế coi thường các chuẩn mực xã hội sẽ khiến người chạy quá tốc độ đầu hàng và nhận tội.

Chỉ đường cho hươu

Một “cú hích” khác của Krukow là khuyến khích giới trẻ Đan Mạch, từ 15 tới 25 tuổi, đăng ký đóng thuế. Thiên hạ thường nghĩ rằng giới trẻ không đăng ký vì họ lười hoặc muốn tránh thuế. Hóa ra chỉ vì nhiều thanh niên không biết nên đăng ký lúc nào và ở đâu. Krukow nói, “Chỉ vì họ chẳng tìm được nút bấm trên Internet.” Vì vậy, trang thuế của nhà nước được đơn giản hóa, và các tư vấn viên ở trường học nói cho học sinh biết. Sau những thay đổi này, tỷ lệ chấp hành tăng 7% trong vòng tháng đầu tiên và 20% sau 6 tháng.

Chính phủ Canada có loại Công trái Học tập Canada, cấp 500 đô-la cho mỗi con của gia đình có thu nhập thấp, và thêm $100/năm cho tới 15 tuổi. Cứ tưởng số tiền nhà nước cho không này quá hấp dẫn và tỷ lệ đăng ký sẽ là 100%; nhưng thực tế chỉ có 16%. Số là các bậc cha mẹ thường quá bận bịu kiếm sống, nuôi con và đủ thứ việc khác nên không có thời gian, hoặc không biết, để lập tài khoản tiết kiệm giáo dục (miễn thuế) và nộp đơn xin số tiền này để bỏ vào tài khoản. Có người đề xuất nên có chính sách tự động cấp số bảo hiểm xã hội (SIN) cho trẻ em ngay khi ra đời, một cách để các gia đình có thể dễ dàng dùng số SIN cho nhiều giấy tờ khác nhau, trong đó có tài khoản tiết kiệm giáo dục.

Thiết kế lựa chọn

Ví dụ thường được trích dẫn nhất về “cú hích” là chương trình hưu bổng nơi làm việc, Nest, ở Anh. Chương trình này tự động đăng ký người lao động vào một quỹ hưu bổng của công ty, nhưng vẫn cho họ cơ hội chọn rút ra. Cách này dẫn tới tỷ lệ đăng ký cao hơn là nếu người lao động buộc phải đăng ký tham gia (việc này tốn thời gian và công sức hơn).

Mấy năm qua, Bộ Tài chính Canada đang lồng kinh tế học hành vi vào những quyết định chính sách của mình. Ví dụ, học tập kinh nghiệm ở Anh, để tăng tỷ lệ đăng ký của người lao động, các quỹ tiết kiệm hưu bổng miễn thuế do các công ty tư nhân thực hiện nay có lựa chọn mặc định là tự động đăng ký. Các quy định của liên bang hiện nay bắt buộc các hãng thẻ tín dụng phải ghi rõ trên bản sao kê hàng tháng là người dùng thẻ sẽ mất bao lâu mới trả hết số dư nợ trên thẻ nếu họ chỉ trả mức tối thiểu.

Phối hợp với Nhóm Hiểu biết Hành vi của Úc, bang New South Wales thiết kế lại chương trình Trở lại Làm việc (RTW) để giúp người bị tai nạn lao động tìm được việc dễ dàng hơn. Trọng tâm là thiết kế lựa chọn. Quy trình cũ rất mất thời gian và khó hiểu. Trong 21 ngày đầu tiên của chương trình RTW sau khi bị thương, người tham gia phải đọc 21 loại giấy tờ khác nhau với toàn thuật ngữ pháp lý, mà đa số bỏ cuộc chỉ sau vài dòng. New South Wales rút gọn quy trình này và dùng ngôn ngữ đơn giản trong giấy tờ. Ngoài ra, bang này ứng dụng kỹ thuật tạo cam kết. Thay vì áp đặt thời hạn mà người lao động có thể sẵn sàng trở lại làm việc, bang này hỏi người tham gia chương trình cho biết họ nghĩ là khi nào họ có thể đi làm lại, và cũng yêu cầu người lao động lập kế hoạch về cách họ sẽ trở lại làm việc. Sau thay đổi, những người lao động trở lại làm việc nhanh hơn 27% so với nhóm kiểm soát.

Lựa lời mà nói

“Đơn vị cú hích” ở Anh phát hiện rằng họ có thể tăng số người đăng ký hiến nội tạng gần 100.000 người chỉ trong một năm chỉ bằng cách đặt câu hỏi sau đây với những người có thể hiến nội tạng: “Nếu bạn cần ghép nội tạng, liệu bạn có được nội tạng hay không? Nếu có, xin vui lòng giúp đỡ người khác.”

Trong nhiều năm qua, CRA đã thực hiện các thí nghiệm ngữ dụng trong thư từ gởi cho người dân. Năm 2011, CRA làm khảo sát nhóm (focus group) ở 5 thành phố Canada để tìm hiểu xem nếu bản thẩm định thuế viết với giọng văn thân thiện hơn thì có tăng khả năng những người nợ thuế sẽ đóng thuế đúng hạn hay không. Một số người trong các nhóm khảo sát nhận được thư với văn phong chuẩn mực thông thường, và một số người nhận được thư dùng từ “please” (“xin vui lòng”).

Kết quả: giọng văn có vẻ tôn trọng hơn thì có thể tăng khả năng khuyến khích người dân đóng thuế đúng hạn. Nghiên cứu này cũng phát hiện nhiều cải thiện khi các phương án lựa chọn của dân được nêu rõ ràng. Ví dụ, tỷ lệ phản hồi cao hơn khi những người nợ thuế được cho biết cụ thể là họ có thể đóng nhiều đợt, thay vì trả hết một lần. Thay đổi từ ngữ trong giấy tờ, chứng từ là cách đơn giản và rẻ để đạt kết quả như vậy.

Mớm mồi

Ở Mỹ, gần 1/8 trong số tiền trợ cấp thất nghiệp trả cho nhầm người, với giá trị hàng tỷ đô-la. Ở bang New Mexico, Bộ các giải pháp lực lượng lao động (DWS) chỉ có thể điều tra 25% trong khoảng 45.000 trường hợp gian lận. Để giải quyết tình trạng trả nhầm người, năm 2014 Bộ này ứng dụng một số cú hích đơn giản, rẻ mà hiệu quả. Ví dụ, trong giấy tờ khai thất nghiệp để xin hưởng trợ cấp, đương đơn phải khai số giờ làm việc trong tuần (tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ bị trừ bớt nếu có thu nhập). Tờ khai này bắt đầu bằng câu hỏi: “Bạn có làm việc trong tuần này hay không?” Đương đơn có thể khai bớt số giờ làm việc để tránh bị trừ trợ cấp.

Bộ DWS ứng dụng kỹ thuật tâm lý gọi là “mồi” (priming) để khiến đương đơn thành thật hơn. Một nhóm đương đơn được cấp tờ khai có lời tuyên thệ sẽ khai chính xác và trung thực về thu nhập hàng tuần của mình trước khi điền tờ khai. Cách này khác với thông lệ là tuyên thệ trung thực sau khi điền thông tin. Bằng kỹ thuật này, và một số cách “mồi” khác, DWS tăng gấp đôi số đương đơn khai có thu nhập so với những đương đơn trong nhóm kiểm soát.

Tất nhiên ứng dụng “cú hích” không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngay cả những thay đổi tinh tế cũng có thể dẫn tới những phản ứng dữ dội. Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg định cấm bán nước ngọt chai/lon cỡ lớn vì nghĩ rằng chai/lon cỡ nhỏ sẽ giúp giảm nạn béo phì. Nhưng ý tưởng này đã bị phản đối kịch liệt, bị kiện và rốt cuộc bị một tòa thượng thẩm phán quyết là vi hiến.

Chính giáo sư Thaler từng nhận xét rằng có người sẽ lợi dụng “cú hích” cho mục đích riêng của họ. Những kẻ lừa đảo trên quy mô lớn như Bernie Madoff là bậc thầy về nghệ thuật chiếm lòng tin của người khác rồi trục lợi từ đó.

Khi ký sách “Cú hích” cho độc giả, giáo sư Thaler luôn viết cạnh tên mình cụm từ “Nudge for good” (Tạo cú hích vì việc tốt). Ông nói đó là một lời thỉnh cầu, chứ không phải kỳ vọng.

(Bản rút gọn của bài này đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 40-2017, ra ngày 13/10/2017.)

© 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.