Thời thiên hạ đại loạn – Quan hệ chiến lược Mỹ-Trung

Chuyện xứ lạ, Featured, Làm quan

Sau bảy thập niên bá chủ ở Châu Á, Mỹ nay phải chừa chỗ cho một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, Dominic Ziegler nhận định. Liệu chính quyền Donald Trump có kham nổi?

The Economist, 22/4/2017

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Lần gần đây nhất Trung Quốc tự xem mình hùng mạnh như hiện nay, Abraham Lincoln đang tại vị ở Tòa Bạch Ốc. Lúc đó, và bất chấp bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy những trò cướp bóc của phương Tây, hoàng đế Trung Quốc vẫn giữ niềm tin từ ngàn xưa là Trung Quốc cai trị toàn thể thiên hạ, một trật tự thế giới vô đối. Trung Quốc chưa hề có đồng minh theo nghĩa của phương Tây, mà chỉ có những quốc gia phải cống nộp cho Trung Quốc để được giao thương. Cả Trung Quốc lẫn “các quốc gia bên ngoài”, hoàng đế Trung Quốc viết cho Lincoln, tạo nên “một gia đình, không gì phân biệt”.

Ngày nay, sau một thế kỷ rưỡi trải qua nhiều cuộc bể dâu — thời kỳ đế quốc phương Tây chiếm đóng, biến động cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc, màn cướp bóc của các lãnh chúa, cuộc xâm lược của Nhật, nội chiến, biến động cách mạng [cộng sản], và gần đây là đà tăng trưởng kinh tế thần kỳ — Trung Quốc lại tự cảm thấy mình là một đại cường quốc. Trung Quốc khôi phục cảm giác đó trong một thế giới khác hẳn: một thế giới do Mỹ dẫn đầu. Trong ba phần tư thế kỷ, Mỹ là bá chủ ở Đông Á, khu vực từ ngàn xưa đã là sân sau của Trung Quốc.

Nhưng nay Trung Quốc nhất định đang tái xuất. Những cao ốc mới đã biến đổi cảnh quan kiến trúc tổng thể của ngay cả những thành phố xa xôi hẻo lánh nhất Trung Quốc. Và một mạng lưới tàu cao tốc siêu hiện đại chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã thu hẹp một đất nước rộng lớn bằng cả một châu lục. Sức mạnh mới của Trung Quốc dựa trên mức tăng sản lượng kinh tế 20 lần kể từ cuối thập niên 1970, khi giới lãnh đạo thực dụng khởi xướng những cải cách theo định hướng thị trường. Trong cùng thời kỳ đó, số người Trung Quốc sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, đã giảm xuống còn 80 triệu, chỉ bằng một phần mười trước kia. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ. Hiếm có nước nào trên thế giới mà Trung Quốc không đóng vai trò quan trọng, hoặc là nguồn cung cấp hàng tiêu dùng, hoặc là điểm đến của thương phẩm, tư liệu sản xuất và vốn đầu tư.

Donald Trump và phu nhân đón tiếp Tập Cận Bình và phu nhân ở Mar-a-Lago, Florida. (Ảnh: AP)

Về tất cả những mặt này, Trung Quốc muốn —và xứng đáng — có vai trò lớn hơn ở Đông Á và trong trật tự toàn cầu. Mỹ phải chừa chỗ cho Trung Quốc. Nhưng việc này cần cả hai bên phải khôn ngoan và biết vừa cương vừa nhu thật tinh tế. Chỉ dấu đầu tiên của diễn biến có thể kỳ vọng được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Donald Trump vào ngày 6 và 7 tháng 4 tại Mar-a-Lago, khu resort chơi golf của tổng thống Mỹ. Dù hai bên chẳng bàn chuyện gì cho ra hồn, Donald Trump ca ngợi mối quan hệ song phương là “nổi bật”, và Tập Cận Bình tuyên bố có “cả ngàn lý do để hoàn thiện mối quan hệ Trung-Mỹ”. Cả hai bên không nhắc tới đợt phóng tên lửa hành trình mà Mỹ vừa bắn vào một căn cứ không quân Syria. Cũng chẳng bàn gì về chuyện sắp đánh thuế nhập khẩu.

Tuy tay bắt mặt mừng giả tạo tại hội nghị thượng đỉnh đó, hai nước nhìn nhận thế sự rất khác nhau. Hệ thống chính trị của Trung Quốc, vừa quan liêu vừa chuyên quyền, đã giúp phát triển kinh tế trong nước, nhưng xa lạ với các khái niệm dân chủ Mỹ. Giới hoạch định chính sách Mỹ thường xem các giá trị dân chủ tự do và sự chú trọng tới nhân quyền là những yếu tố biện minh và củng cố trật tự quốc tế. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc xem chúng là các âm mưu của phương Tây để dung dưỡng những cuộc cách mạng màu đã làm sụp đổ các chế độ chuyên quyền thuộc Liên Xô cũ, và có thể cũng cố gắng làm chuyện tương tự ở Trung Quốc.

Các chiến lược gia Trung Quốc xem việc nhanh chóng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của đất nước là thiết yếu để bảo vệ các tuyến hàng hải mà nhờ đó Trung Quốc được thịnh vượng và an ninh. Họ nghĩ rằng cần có hải quân hùng mạnh để khiến những kẻ thù khả dĩ tránh xa các bờ biển Trung Quốc và ngăn cản kẻ thù chiếm đoạt những đảo do Trung Quốc chiếm đóng. Họ cũng ngờ rằng sự hiện diện quân sự quá nhiều của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương là nhằm mục đích ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc.

Ngược lại, các chiến lược gia Mỹ cho rằng Mỹ cần duy trì sự hiện diện ở khu vực này vì sức mạnh cứng của Trung Quốc khiến những nước bạn của Mỹ ở Đông và Đông Nam Á bất an. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã thách thức Nhật về Quần đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật (mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư), và xúc tiến nhiều công trình xây dựng các căn cứ và đường băng trên các đảo đá và đá ngầm ở Biển Đông. Các chiến lược gia Mỹ nghi ngờ Trung Quốc muốn biến vùng biển mênh mông này thành một cái hồ của Trung Quốc; và nói chung nghi ngờ Trung Quốc muốn thống lĩnh Đông Á và đảo ngược trật tự hiện có.

Tiến thoái lưỡng nan

Mỹ từ lâu đã muốn ngăn cản bất cứ cường quốc nào nắm quyền bá chủ ở Châu Á, trong khi Trung Quốc muốn khiến những kẻ thù khả dĩ tránh xa các bờ biển của mình. Bằng cách này hay cách khác, hai bên phải tìm được cách nhân nhượng cho những mục tiêu quá lớn của mình, như lý giải của Henry Kissinger trong cuốn sách kinh điển của ông về thuật kinh bang tế thế, “Trật tự Thế giới”. Hòa bình tùy thuộc vào kết cuộc của điều đó.

Cái hòa bình đó không thể được xem đương nhiên sẽ có. Ở phần lớn Đông Á, lịch sử là chuyện còn bỏ dở. Đài Loan, nơi Quốc Dân Đảng bại trận trong nội chiến Trung Quốc đã đào thoát sang vào năm 1949, hiện là một nền dân chủ phát triển mạnh và thanh bình. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc xem việc đưa Đài Loan về lại với mẫu quốc là sứ mệnh thiêng liêng của mình, và giữ quyền dùng vũ lực để thực hiện điều đó. Việc Mỹ bảo vệ hòn đảo này là để bảo đảm rằng Trung Quốc không bao giờ dám làm vậy. Nhưng khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên và sự cam kết của Mỹ có vẻ lắng xuống, khả năng tính toán sai tăng lên. Ngay sau khi đắc cử, tổng thống Trump thậm chí dường như cật vấn việc Mỹ tán thành “chính sách một Trung Quốc” — việc Trung Quốc nhất quyết tin vào chuyện hư cấu êm tai rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Một điểm nóng có thể sớm bùng nổ hơn trong khu vực này là bán đảo Triều Tiên, bị chia cắt từ lúc kết thúc Đệ nhị Thế Chiến. Bắc Triều Tiên, thuộc quyền cai trị của một mafia gia đình mà nay đã tới thế hệ thứ ba, có nền kinh tế lụn bại và quân đội thiếu huấn luyện. Nhưng nước này đã đổ tiền vào các chương trình hạt nhân; các chương trình này đe dọa Hàn Quốc, khiến Nhật bất an, và chẳng bao lâu nữa cũng sẽ là một mối nguy cho Mỹ. Bắc Triều Tiên khiến giới lãnh đạo Trung Quốc cáu tiết, nhưng họ cảm thấy họ cần phải bày tỏ tình đoàn kết với một cựu đồng minh chống Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu mà Bắc Triều Tiên tiến hành vào năm 1950. Trung Quốc thà có một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân dưới ách của Kim Jong Un hơn là một nhà nước thất bại khiến hàng triệu người tị nạn tuyệt vọng vượt biên giới sang Trung Quốc. Trên hết thảy, Trung Quốc không yên tâm với chuyện láng giềng của mình là một Triều Tiên thống nhất, dân chủ với sự hiện diện của quân Mỹ. Tại Mar-a-Lago, tổng thống Trump đã hỏi ý kiến của chủ tịch Tập về những cách ứng phó với mối nguy từ Bắc Triều Tiên, nhưng đợt phóng tên lửa của ông vào Syria đã khẳng định rõ ràng là Mỹ có thể đơn phương hành động chống lại Bắc Triều Tiên. Ứng phó với sự hiếu chiến của Kim Jong Un — và sự sụp đổ cuối cùng của chế độ đó — sẽ là một phép thử rất lớn về sự hợp tác giữa các đại cường quốc.

Tuy nhiên, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Cả hai bên muốn tránh xung đột và có thể điều chỉnh cho thích ứng. Cũng may là các thói quen hợp tác đã hình thành trong bốn thập niên cải cách thị trường của Trung Quốc, mà những cải cách đó đã không thể nào diễn ra nếu không có an ninh Mỹ bảo đảm môi trường bên ngoài của Trung Quốc. Quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ kinh tế song phương quan trọng nhất của thế giới hiện nay, với kim ngạch thương mại tính chung của hai bên lên tới 600 tỷ đô-la và vốn đầu tư vào nền kinh tế của nhau tổng cộng khoảng 350 tỷ đô-la.

Trung Quốc không sốt sắng hay có tham vọng truyền bá cách mạng ra nước ngoài, mà thực tình cũng không có mối nghi ngại có tính ý thức hệ lớn lao nào về trật tự thế giới hiện tại; Trung Quốc bất bình về trật tự này chủ yếu vì Trung Quốc không có tiếng nói lớn hơn trong việc điều khiển trật tự này. Giành được vai trò lớn hơn dường như là sứ mệnh chính của Tập Cận Bình, lãnh tụ tối cao của Trung Quốc từ năm 2012. Ông đã thâu tóm được nhiều quyền lực cho mình hơn bất cứ lãnh tụ nào kể từ sau lãnh tụ quá cố Đặng Tiểu Bình, và nay đang thận trọng đưa ra một mô hình về vai trò lãnh đạo thế giới lớn hơn mà giới lý luận của đảng đang bắt đầu gọi là “giải pháp Trung Quốc”. Một mặt, đây là chuyện thực tế, chẳng hạn như đầu tư vào Trung Á để giảm nghèo đói. Nhưng mặt khác, đây là chuyện chống sự thống lĩnh của Mỹ. Như phát biểu của Tập Cận Bình tại một hội nghị hồi tháng 2, Trung Quốc nên “dẫn dắt an ninh quốc tế” hướng tới một “trật tự thế giới mới công bằng và hợp lý hơn”. Lời lẽ kiểu đó gợi nhớ lại những phẩm chất Trung Quốc thiên triều xa xưa. Nhưng trong khi trải nghiệm quyền lực trước đây của Trung Quốc là trải nghiệm cai trị toàn thể thiên hạ, nay Trung Quốc phải chấp nhận mình chỉ là một trong nhiều đại cường quốc. Về phần mình, Mỹ chưa bao giờ phải nhường bớt ảnh hưởng và quyền lực nhiều như có thể phải nhường cho Trung Quốc trong tương lai.

Một mối quan hệ hiện lắm phiền hà càng phiền phức hơn khi Donald Trump đắc cử tổng thống. Trong 7 thập niên đại chiến lược của Mỹ dựa trên ba cột trụ: thương mại mở cửa, các liên minh vững mạnh, và cổ xúy nhân quyền và các giá trị dân chủ. Những nước bạn của Mỹ ở Châu Á chưa rõ tổng thống Trump, với kiểu coi thường tiến trình ngoại giao, thói bảo hộ và định nghĩa hẹp hòi “nước Mỹ trên hết” về lợi ích quốc gia, sẵn sàng duy trì ba cột trụ đó tới mức nào. Như Michael Fullilove, viện trưởng Lowy Institute, một think-tank ở Sydney, nhận định, Trump là “người không tin vào trật tự tự do toàn cầu và nghi ngờ về các liên minh. Và ông thích những kẻ chuyên quyền.”

Thắng lợi của Trump là cú sốc lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Họ ghét sự bất thường khó đoán và hẳn đã mong người thắng là Hillary Clinton, đối thủ họ đã biết rõ. Thắng lợi của Trump cũng diễn ra vào thời điểm bất tiện cho Trung Quốc. Tập Cận Bình đang tập trung vào đại hội đảng quan trọng 5 năm một lần vào cuối năm nay. Ông dường như đã nhất quyết củng cố quyền lực của mình, trong bối cảnh bong bóng tín dụng đáng lo ngại và mức tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh từ đỉnh điểm 10%/năm xuống chỉ còn 6,5%.

Trung Quốc đa phần đã che giấu sự lo ngại của mình về Trump bằng sự thận trọng có chủ đích của mình. Giới lãnh đạo Trung Quốc nói với Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc và một chuyên gia về Trung Quốc, bằng một trong vô số tục ngữ Trung Quốc, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định kiên nhẫn chờ xem ra sao. Nhưng ở hậu trường họ đang cố gắng cật lực để ảnh hưởng Trump, chủ yếu thông qua con rể Jared Kushner, một đại gia bất động sản với những mối quan hệ ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nhanh chóng áp dụng cách tiếp cận giao dịch kinh doanh của tân tổng thống Mỹ, khiến họ cử Jack Ma, sếp của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, tới gặp ông. Jack Ma hứa rằng công ty của ông sẽ tạo một triệu việc làm ở Mỹ. Chẳng bao lâu sau, những hồ sơ xin cấp phép thương hiệu để bảo vệ nhãn hiệu Trump ở Trung Quốc đã mòn mỏi ở các tòa án bao năm trời bỗng nhiên được cấp. Không thể nào phân biệt được đâu là nhân đâu là quả, nhưng Trump rõ ràng đã dịu giọng về những luận điệu bài Trung Quốc từ trước khi đắc cử.

Nhìn xuống vực thẳm

Tuy nhiên những bất định sâu xa, lâu đời về mối bang giao của hai nước vẫn còn đó, ít nhất là là về thương mại, mà trong ba thập niên qua là nền tảng cho quan hệ giữa hai nước. Trump dường như xem thương mại không phải là cùng có lợi cho mọi bên tham gia mà là có người thắng kẻ thua, và coi thường hệ thống thương mại đa phương sau Đệ nhị Thế chiến. Một trong những điều đầu tiên ông làm sau khi nhậm chức là hủy bỏ hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (tuy không có Trung Quốc) — một đòn nặng cho vai trò kinh tế của Mỹ ở Châu Á.

Tổng quát hơn, thế giới quan của một số cố vấn của Trump bao gồm một kỳ vọng rạch ròi thiện ác về xung đột. Họ nói rằng Trung Quốc nhất quyết đối đầu chiến lược với Mỹ tới nỗi xung đột quân sự là điều tất yếu, và cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia là chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang và ít hơn cho ngoại giao. Những người như vậy không có độc quyền về cuộc tranh luận nội bộ về quan hệ chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, chẳng hề nhiều hơn độc quyền họ có về thương mại. Khi báo cáo đặc biệt này lên khuôn, một cách tiếp cận khác về thương mại, bao gồm chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ, đang được ưa chuộng. Trong khi đó, trong chuyến đầu tiên tới Châu Á vào đầu tháng 2, bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã kêu gọi thận trọng khi phản đối việc Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông bằng vũ lực quân sự, và đã nhấn mạnh rằng ngoại giao ưu việt hơn hành động quân sự trong việc giải quyết bất đồng.

Bộ trưởng Mattis, một cựu tướng lĩnh toàn diện, nằm trong số những người được giới dày dạn kinh nghiệm ở Washington gọi là “nhóm người lớn” của chính quyền Trump, nhưng số người này hiện khá ít. Ngoại trưởng Rex Tillerson, một cựu tổng giám đốc tập đoàn dầu khí, được tính trong số đó, dù đã có những nghi vấn về tài ngoại giao với Châu Á của ông. Và dù mọi chính quyền mới đều mất thời gian để bổ nhiệm các chức vụ còn trống, những chỗ trống trong nhóm chính sách đối ngoại của Trump, nhất là trong các ban Châu Á, thật đáng lo ngại. Ngoài những yếu tố khác, gần như tất cả những chuyên gia Châu Á dày dạn của Đảng Cộng hòa, những người trong thời Obama đã làm việc ở các think-tank, đại học hoặc khu vực tư nhân, đã thề trước cuộc bầu cử là họ sẽ không bao giờ làm việc dưới trướng tổng thống Trump. Một số người sau đó đã dẹp tự ái và xích lại gần hơn với chính quyền mới, nhưng những người thân cận của Trump nhớ rất dai những lời chỉ trích sếp mình.

Nhiều nhà quan sát vẫn hy vọng rằng, sau khi một chính quyền mới hỗn loạn khác thường tự chấn chỉnh lại, chính quyền đó sẽ quay trở lại với chính sách có thể thấy là xuất phát từ bảy chục năm kinh nghiệm của Mỹ ở Châu Á. Nhưng điều đó chưa phải là chắc chắn. Một số người trong những nhân vật hàng đầu của chính quyền Trump có các quan điểm không nhân nhượng về chính sách của Mỹ ở Châu Á. Có lẽ điều đó phản ánh sự bất đồng đại thể ở Mỹ về các vai trò và trách nhiệm toàn cầu. Tuy nhiên chính tổng thống dường như không biết là thiếu chiến lược toàn diện ở Mỹ, và vấn đề đó có thể còn tiếp diễn. Một chuyên gia Châu Á của Đảng Cộng hòa từng phụng sự trong dưới thời cả Ronald Reagan và George H.W. Bush giải thích rằng “Tôi không cảm thấy Trump biết học hỏi. Nên tôi chẳng kỳ vọng là tình hình sẽ khá hơn.”

Giữa bối cảnh lắm bất định về chính sách của Trump ở Châu Á, hai rủi ro chính đối với khu vực này có vẻ gần như mâu thuẫn nhau. Rủi ro thứ nhất là, sau kỳ trăng mật ban đầu với giới lãnh đạo Trung Quốc, một lập trường ngày càng hiếu chiến của chính quyền mới sẽ chọc tức Trung Quốc trong khi không trấn an được những nước bạn Châu Á của Mỹ. Rủi ro thứ hai là chính sách của Mỹ ở Châu Á trở nên nửa vời và không can dự, lại khiến những nước bạn Châu Á bất an và có thể khiến Trung Quốc táo tợn. Những hậu quả của một trong hai trường hợp đó có thể giống nhau — biến đổi cuộc cờ quyền lực mà đòi hỏi có những điều chỉnh nhanh chóng, có nguy cơ gây bất ổn và thậm chí biến động trong khu vực. Hãy hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho cảnh thiên hạ đại loạn.

Nguồn: Disorder under heaven America and China’s strategic relationship, The Economist, 22/4/2017.

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.