Phong trào môi trường ở Việt Nam dấy lên từ thảm họa cá chết

Featured, Làm quan

Lien Hoang

Khương An dịch

Liên Xô có Chernobyl. Mỹ có “Mùa xuân thầm lặng” của Rachel Carson.[i]

Và Việt Nam nay có Formosa, một từ nhanh chóng trở thành đồng nghĩa với thảm họa sinh thái và sự ra đời của một phong trào môi trường.

Tháng Tư năm ngoái, từng đợt từng đợt sóng đánh giạt vào các bờ biển miền trung Việt Nam cá bị nhiễm độc do hóa chất thải ra từ Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh. Tiếp sau thảm họa cá chết này là từng đợt từng đợt sóng xuống đường biểu tình và kêu gọi nhà nước ra tay hành động.

“Tôi nghĩ đây là hồi chuông báo động, sự thức tỉnh” cho người dân Việt Nam; nhà hoạt động môi trường Nguyễn Huỳnh Thuật nói như vậy với Bloomberg BNA. “Họ đang gặp hiểm nguy. Nhiều người, họ phàn nàn trên Facebook, họ bàn tán trong quán cà phê.”

Sinh kế bị đe dọa

Tính tổng cộng có hơn 100 tấn cá chết được thu gom dọc dải dất dài 200 cây số ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Nước thải của nhà máy thép chứa đầy phenol, xyanua (cyanide) và hydroxit sắt, được xả xuống Biển Đông, là nguyên nhân.

Nạn nhiễm độc này đe dọa sinh kế của ngư dân, chủ nhà hàng, tiệm ăn và những nhà sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam dọc bờ biển miền trung của đất nước. Thảm họa này cũng làm bùng nổ sự phẫn nộ vô đối ở Việt Nam, chủ yếu là nhờ mạng xã hội lan truyền.

Và khi sắp tới kỷ niệm một năm xảy ra thảm họa nhiễm độc Formosa, việc đền bù của công ty Đài Loan, trong đó có 500 triệu đô-la bồi thường cho ngư dân và những người khác chịu tác hại của nạn nhiễm độc hải sản, diễn ra rất chậm chạp. Và không rõ Việt Nam đã hết biểu tình hay chưa.

“Sống trong một môi trường bền vững cũng là một nhân quyền”; Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao về hưu và một trong những trí thức nổi tiếng nhất của Việt Nam, nói như vậy với Bloomberg BNA. “Người ta xem đó là một quyền cơ bản, căn bản.”

Tầng lớp trung lưu ngày càng đông

Việt Nam không lạ gì chuyện suy thoái sinh thái, thậm chí trong những năm hậu chiến, từ nạn ô nhiễm do khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tới việc đốn chặt các rừng nguyên sinh để nhường chỗ cho hàng trăm đập thủy điện.

Nhưng biến cố Formosa đã châm mồi phản kháng theo những cách vô tiền khoáng hậu.

Ho Nhu, giám đốc dự án thuộc tổ chức môi trường CHANGE Vietnam ở Sài Gòn, nói, “Sau Formosa, người Việt Nam dường như bàn nhiều hơn về các vấn đề môi trường, nhất là nhiều hơn về tình hình Formosa, đương nhiên, nhưng cũng nhắc tới môi trường nói chung.”

Cũng như đang diễn ra ở láng giềng Trung Quốc, tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở Việt Nam đang đòi có môi trường sạch hơn.

Người dân đang thừa nhận sự tàn phá do công nghiệp hóa gây ra khi quốc gia cộng sản này hồi phục từ chiến tranh sau năm 1975.

Và mạng xã hội đang kết nối người ta với nhau để lên án các sai phạm về môi trường, ngay cả trong bối cảnh có những hạn chế chính trị của một nhà nước độc đảng.

Kinh tế đối chọi với Môi trường

Mãi tới thế kỷ này, công cuộc thoát nghèo của Việt Nam vẫn gập ghềnh do hậu quả của chiến tranh tàn phá nền kinh tế và môi trường của đất nước, nhất là ở những vùng mà Chất độc Màu da cam phá trụi rừng và làm đất bị nhiễm độc.

Gần đây, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư nước ngoài và trở thành một nước xuất khẩu lớn về điện thoại, quần áo, giày, hải sản và hoa màu.

Nhưng tăng trưởng kinh tế đi kèm với những đánh đổi, như nhận định trong một báo cáo năm ngoái của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam.

“Ở một mức độ lớn, tăng trưởng đã làm hại môi trường,” báo cáo này viết.

Báo cáo này nhận xét rằng trong một phần tư thế kỷ qua, “lượng khí thải nhà kính của Việt Nam đã tăng nhanh nhất trong khu vực, trong khi chất lượng môi trường của không khí, đất đai và nước của Việt Nam đã sút giảm đáng kể.”

Nước nhiệt đới này lẽ ra đã có thể ngăn ngừa được phần nào trong sự sút giảm đó, theo Ton That Thien Bao, giám đốc của dự án quần chúng Keep Vietnam Clean & Green (Việt Nam Sạch và Xanh).

“Tôi không hiểu tại sao người Việt Nam chúng tôi có tầm nhìn ngắn hạn như vậy,” Bao, một cựu cố vấn về phát triển bền vững, nói với Bloomberg BNA. “Đó là một hạn chế của người Việt Nam mà tôi thấy rất nhiều.”

Rau quả sạch

Rải rác ở Sài Gòn hiện nay có nhiều cửa hàng bán rau quả organic (trồng tự nhiên, sạch, an toàn) và nhiều xe hàng rong bán cà phê không pha tạp và nước trái cây tươi. Chỉ mới cách đây năm năm thì không có cảnh này.

Ines Quoico, giám đốc trang trại và cửa hàng Organik Vietnam, nói hiện nay có thêm nhiều người muốn biết thực phẩm của họ xuất phát từ các nguồn sạch. Khách hàng của bà trước đây thường là 90% người nước ngoài và 10% người Việt, nhưng hiện nay tỷ lệ gần 50–50.

“Thật kỳ diệu; sự bùng nổ trong ba năm qua ở người Việt rất lý thú,” bà nói với Bloomberg BNA.

Số liệu thống kê chứng minh nhận xét của bà. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 10% người Việt thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ đó được dự báo là sẽ tăng vọt lên tới hơn 50% vào năm 2035. Nhiều người dùng của cải mới có được của mình để chi cho thực phẩm.

Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen phát hiện rằng 89% người Việt sẽ chi nhiều hơn cho thực phẩm tăng lợi ích sức khỏe, và 34% xem sức khỏe là mối quan tâm lớn nhất hoặc thứ nhì, so với 19% trong khu vực Đông Nam Á.

Những nỗi lo sợ về thực phẩm, và chính trị Facebook

Hết nỗi lo sợ này tới nỗi lo sợ khác về thực phẩm đã khiến 92 triệu dân của Việt Nam đứng ngồi không yên. Cứ vài tháng lại có một video quay lén được lan truyền mạnh mẽ, tiết lộ những người Việt nhuộm rau cho xanh, hoặc bơm hóa chất vào tôm.

Khi thêm nhiều người tiêu dùng có thể đặt câu hỏi về nguồn gốc của thực phẩm họ dùng, họ cũng hít thở không khí và uống nước bẩn hơn. Chỉ số Thành quả Môi trường của [Đại học] Yale xếp Việt Nam ở hạng 170 trong 180 quốc gia về chất lượng không khí tệ hại. Việt Nam xếp hạng 124 về nguồn nước.

Không còn trĩu gánh nặng của chiến tranh hay nạn đói, giới trẻ ngày nay có thể bàn tới thay đổi và cổ xúy các mục đích môi trường. Đấu trường được họ chọn là mạng xã hội, mà ở Việt Nam thường nghĩa là Facebook.

Trước đây việc tranh luận trên báo chí chính thức [“lề phải”] về những vấn đề gây tranh cãi thì khó hơn, do những cấm đoán của nhà nước độc đảng. Nhưng nhờ có Internet, Việt Nam nở rộ các blog không bị nhà nước chỉ đạo [“lề trái”], và người dân với những mối lo phổ biến tìm được một kênh khác trên mạng xã hội. Bao và Nhu đều nói rằng công cụ này đã giúp truyền bá ý thức về môi trường.

Tuy nhiên, nhà nước vẫn thận trọng về việc đấu tranh vì môi trường, để nó không biến thành việc đấu tranh ít thân thiện với nhà nước hơn. Trong những cuộc biểu tình chống Formosa hồi mùa xuân năm ngoái, sự phản đối của công chúng về ô nhiễm hóa chất đã biến thành sự phẫn nộ về việc nhà nước ngồi yên không hành động, và điều đó càng khiến thêm nhiều người xuống đường biểu tình.

Bao lý giải, “Ban đầu họ xem đó là một vấn đề môi trường, và nhà nước phớt lờ nó, nên người ta cảm thấy quyền của họ không được tôn trọng.” Tâm tư của người biểu tình, theo cách mô tả của anh, là: “Đó là quyền của tôi, quê hương của tôi đang bị hủy diệt.”

Đấu tranh vì môi trường

Sự thức tỉnh về môi trường của Việt Nam đã tự bộc lộ dưới nhiều hình thức.

Dân oan từ quê đi kiện đã thành một cảnh tượng thường xuyên tại các trụ sở nhà nước ở các thành phố lớn; họ từ nông thôn lên thành phố trương biển phản đối những vụ chiếm đất, loại khiếu nại phổ biến nhất mà nhà nước nhận được.

Những người phản đối việc khai thác bauxite, trong đó quặng nhôm quý giá được khai thác ở hầm mỏ mở, đã in áo thun, ký thỉnh nguyện đơn và thậm chí kiện thủ tướng.

Họ cũng góp tiền cho các hoạt động. Trong trường hợp thu hút nhiều chú ý nhất, hồi tháng 10 năm ngoái, người Việt tặng hơn 16 tỷ đồng (708.000 đô-la Mỹ) cho nạn nhân lũ lụt, đáp lại lời kêu gọi quyên góp của người dẫn chương trình nổi tiếng Phan Anh.

Người quyên góp thường thích tặng cho những người bị thiệt hại do các hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của họ, trong đó 67 phần trăm cho biết tiền quyên tặng của họ dành cho người Việt bị ảnh hưởng của thiên tai, theo một báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường của Việt Nam.

Các công ty đang bắt đầu hưởng ứng tinh thần đấu tranh vì môi trường mới chớm ở Việt Nam và lồng các hoạt động ủng hộ môi trường vào các chương trình nghị sự trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

‘Văn hóa của chúng tôi, bản sắc của chúng tôi’

Bui My Trang, giám đốc phụ trách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở ngân hàng HSBC, nói công tác thiện nguyện của nhân viên bao gồm những chuyến đi xuống Đồng bằng Sông Cửu Long để tư vấn kinh doanh về du lịch bền vững, và tới một tỉnh ngoài văn phòng của họ ở Sài Gòn để lắp đặt các cột đèn dùng năng lượng mặt trời.

“Điều đó dần dần trở thành văn hóa của chúng tôi, bản sắc của chúng tôi”; Trang nói như vậy về niềm hãnh diện của nhân viên về hoạt động môi trường. “Họ cảm thấy mãn nguyện. Họ nghĩ, ‘Tôi có thể đóng góp cho xã hội.’”

Tuy vậy, Nhu không tin rằng ý thức môi trường của Việt Nam đã đạt đến mức tới hạn.

Tại văn phòng CHANGE ở Sài Gòn, được trang hoàng với những hình ảnh thằn lằn và báo, Nhu nói người dân phớt lờ những vấn đề không ảnh hưởng tới họ và không thấy sự tàn phá khả dĩ của than, đối tượng CHANGE nhắm tới trong một trong những dự án ưa thích của mình. Việt Nam dự định tạo ra một nửa năng lượng của mình từ than vào năm 2025 so với khoảng một phần ba hiện nay.

Khi những xì căng đan như Formosa nổ ra, Nhu nói, công chúng kỳ vọng các tổ chức phi vụ lợi hành động.

Cô nói, “Họ muốn chúng tôi nêu tiếng nói của chúng tôi.” Nhưng Nhu hy vọng CHANGE sẽ không phải là tổ chức duy nhất lên tiếng về môi trường; cô nói trách nhiệm đó thuộc về tất cả mọi người.

Nguồn: Lien Hoang,Vietnam’s Environmental Movement Arises From Fish Kill, Bloomberg, 8/3/2017.

[i] “Mùa xuân thầm lặng” là một cuốn sách khoa học môi trường của tác giả Rachel Carson, xuất bản vào tháng 9/1962, về những tác hại đối với môi trường của việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu. Cuốn sách này được xem là niềm cảm hứng của một phong trào đấu tranh môi trường thúc đẩy sự ra đời của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Thảm họa Formosa: Đỏ chọi Xanh ở Việt Nam

One thought on “Phong trào môi trường ở Việt Nam dấy lên từ thảm họa cá chết

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.