Myannmar muốn tự do báo chí

Làm quan

Sau cú tát vào mặt Trung Quốc gần đây, Myannmar lại có một nước cờ táo bạo.  Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Tint Swe, người đứng đầu ngành kiểm duyệt, cho rằng cần bãi bỏ kiểm soát báo chí. Tờ The Economist bình luận rằng quả thực lý thú nếu Myannmar đi tiên phong về tự do báo chí, trước các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.  Trang tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do có tóm tắt tin này.  Mình dịch nguyên cả bài ở đây. 

Kêu gọi chấm dứt kiểm duyệt báo chí

Radio Free Asia, 7/10/2011 

Một người Miến Điện đọc báo bên lề đường ở trung tâm Rangoon, ngày 30/8/2010. Ảnh: AFP.

Hôm thứ Sáu, người đứng đầu cơ quan kiểm duyệt nhà nước đầy quyền lực của Miến Điện kêu gọi tự do báo chí tại nước này; ông nói rằng cơ quan của chính ông nên đóng cửa để góp phần vào những cuộc cải cách mà chính quyền dân sự (về mặt danh nghĩa) mới đang theo đuổi. 

“Ở hầu hết các nước khác cũng như ở những nước láng giềng của chúng tôi, không có kiểm duyệt báo chí, và bởi vì điều đó không hòa hợp với các tập quán dân chủ, kiểm duyệt báo chí nên bị bãi bỏ trong tương lai gần,” Tint Swe, giám đốc Nha Xét duyệt và Đăng ký Báo chí, trả lời phỏng vấn Đài RFA. 

Nhưng, ông nói, báo và các ấn bản khác cần chấp nhận tự do báo chí với “các trách nhiệm”.

Cơ quan của Tint Swe được thành lập cách đây hơn bốn thập niên khi quân đội tiếp quản đất nước.  Cơ quan này đã nới lỏng các hạn chế đối với một phần phạm vi đưa tin của báo chí kể từ khi chính phủ mới của Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền hồi đầu năm nay sau cuộc bầu cử được tổ chức bởi chính quyền quân phiệt khi đó (vốn từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trắng trợn).

Trước đây, tất cả ấn bản báo chí phải gởi bản thảo tin bài cho cơ quan kiểm duyệt.

Kể từ ngày 6/10, cơ quan này cho phép các ấn phẩm về giải trí, thể thao, công nghệ, y tế và các vấn đề trẻ em “tự kiểm duyệt”, qua đó các chủ bút tự đảm trách việc cắt bỏ những nội dung có thể bị xem là nhạy cảm thay vì gởi bản thảo cho cơ quan kiểm duyệt.

Tuy nhiên, những ấn phẩm về chính trị và những vấn đề khác được nhà chức trách xem là nhạy cảm phải tiếp tục gởi bản thảo đến cơ quan kiểm duyệt.

Không sớm thì muộn
 
Tint Swe nói rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi tất cả các ấn phẩm “hết bị kiểm duyệt dưới bất kỳ hình thức nào” và lần đầu tiên các tập đoàn tư nhân sẽ được phép thành lập nhật báo căn cứ theo một luật báo chí mới, hiện dự luật đang trình quốc hội.

Ông cũng nói rằng báo chí đang được phép đăng tin bài về lãnh tụ ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi mà không có những hạn chế từng áp dụng khi còn chính quyền quân phiệt.

Hồi tháng trước, tạp chí Miến Điện “Người Đưa Tin” bị đình bản hai tuần vì đăng hình Aung San Suu Kyi trên trọn trang bìa.

“Hiện nay không có hạn chế đối với phạm vi đưa tin về những hoạt động của Aung San Suu Kyi và trong tương lai gần hy vọng sẽ có tự do nhiều hơn khi đất nước trải qua thay đổi dân chủ,” ông nói.

Hồi tháng trước, chính quyền Miến Điện cũng bỏ lệnh cấm có từ lâu về những trang mạng tin tức quốc tế, những trang mạng tin tức Miến Điện lưu vong và YouTube.

Tuy nhiên, những tổ chức quan sát báo chí nước ngoài cho rằng báo chí bị kiểm duyệt khắt khe của Miến Điện vẫn nằm trong số những nền báo chí bị hạn chế nhiều nhất thế giới.

Một phân tích hồi tháng trước của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) có trụ sở ở New York nói rằng chính phủ Miến Điện hầu như chẳng đạt được tiến bộ gì về tự do báo chí.

Theo ủy ban này, cơ quan kiểm duyệt nhà nước vẫn tích cực cắt bỏ tin bài và những hoạt động thông tin liên lạc và di chuyển của các phóng viên vẫn bị nhà nước theo dõi khắp nơi, với ít nhất 14 nhà báo và nhân viên báo chí đang ở tù 

Ủy ban này nói rằng chính quyền tiếp tục “sách nhiễu, trừng phạt và bỏ tù các nhà báo một cách có hệ thống”, đặc biệt là những phóng viên hoạt động ngầm cho những tổ chức báo chí lưu vong.

Vẫn còn kiểm soát
 
CPJ nói rằng những cuộc phỏng vấn với bảy nhà báo ở Miến Điện và sáu nhà báo làm việc cho báo chí lưu vong cho thấy rằng chính phủ của Tổng thống Thein Sein chưa phá bỏ những cơ chế kiểm soát và áp bức tràn lan mà chế độ quân phiệt trước đây đã dùng để bóp nghẹt hoạt động đưa tin độc lập và bình luận phê bình.

Theo CPJ, kể từ cuộc bầu cử năm ngoái, hai nhà báo đã bị xử án tù dài hạn và hơn một chục ấn phẩm đã bị đình bản vì hoạt động đưa tin.

CPJ cho biết những ấn phẩm tin tức do tư nhân sở hữu và điều hành đã nở rộ trong những năm gần đây với khoảng 200 nhật báo, tạp chí và báo hiện đang lưu hành.  Tuy nhiên, những ấn phẩm này bị kiểm duyệt khắt khe và thường buộc phải đăng những bản tin và bình luận do nhà nước soạn sẵn giới thiệu chính phủ và các chính sách trong ánh hào quang rực rỡ. 

Miến Điện xếp kế chót về tự do Internet trong một báo cáo tên là “Tự do trên Internet 2011” do tổ chức quan sát thông tin Freedom House có trụ sở ở Washington công bố.
 
Win Tin, nguyên là nhà báo và nay là một lãnh tụ trong Liên đoàn Dân chủ Quốc gia của Aung San Suu Kyi, nói có những phỏng đoán rằng những nhóm thân cận với những tướng quân đội về hưu có thể được phép xuất bản nhật báo khi luật báo chí mới được áp dụng.

Chính phủ Miến Điện đã tổ chức những hội đàm với Aung San Suu Kyi và mời các nhóm sắc tộc có vũ trang để đàm phán hòa bình như một phần trong chương trình các sáng kiến cải cách, nhưng đang chịu áp lực phải thả khoảng 2.000 tù chính trị để thể hiện họ nghiêm túc trong việc tiến tới dân chủ và tự do.

Kyaw Kyaw Aung tường thuật cho ban tiếng Miến Điện của Đài RFA. Khin Maung Nyane dịch. Parameswaran Ponnudurai viết bản tiếng Anh.

 

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.