Sự thoái trào của các công ty đa quốc gia

Featured, Làm giàu

Lúc đó cứ như thể thế giới có khẩu vị mới. Một tiệm Kentucky Fried Chicken (KFC) khai trương gần Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1987. Năm 1990 một tiệm McDonald’s mọc lên gần Quảng trường Pushkin, bán burger cho 30.000 người Moscow vào ngày đầu tiên. Cuối năm đó, [chú hề biểu tượng] Ronald McDonald cũng tới Thâm Quyến, Trung Quốc. Từ năm 1990 tới năm 2005, doanh số ở nước ngoài tính chung của hai công ty này tăng 400%.

McDonald’s và KFC là hiện thân của một ý tưởng mà sẽ trở thành vô cùng mạnh mẽ: các doanh nghiệp toàn cầu, do các nhà quản lý toàn cầu điều hành và thuộc sở hữu của các cổ đông toàn cầu, sẽ bán các sản phẩm toàn cầu cho khách hàng toàn cầu. Trong một thời gian dài, mô hình vươn rộng khắp hành tinh của các công ty này cũng nóng sốt, ngon lành và hấp dẫn như món khoai tây chiên của chúng.

Ngày nay cả hai công ty này đã ỉu xìu. Cổ phiếu của chúng đã tụt hậu so với thị trường chứng khoán Mỹ trong nửa thập niên qua. Yum, chủ sở hữu KFC, có lợi nhuận ở nước ngoài đạt tới đỉnh điểm vào năm 2012; kể từ đó lợi nhuận đã giảm 20%. Lợi nhuận của McDonald’s đã giảm 29% từ năm 2013. Năm ngoái Yum chịu thua ở Trung Quốc và bán công ty con ở đó. Hôm 8-1-2017, McDonald’s bán tỷ lệ sở hữu đa số trong công ty con hoạt động ở Trung Quốc cho một công ty quốc doanh. Có những lý do cụ thể cho một phần trong diễn biến này; nhưng cũng có một xu hướng tổng quát hơn. Thế giới đang mất dần khẩu vị đối với các doanh nghiệp toàn cầu.

Cả giới chỉ trích lẫn giới ủng hộ đều xem các công ty đa quốc gia — trong khuôn khổ bài báo này, đó là những công ty có trên 30% doanh số ở ngoài khu vực nội địa của chúng (trừ phi có định nghĩa khác) — là những thú săn mồi tột đỉnh của nền kinh tế toàn cầu. Chúng định hình các hệ sinh thái mà trong đó những người khác kiếm sống. Chúng định hướng các dòng hàng hóa, dịch vụ và đồng vốn tạo nên sức sống cho toàn cầu hóa. Dù các công ty đa quốc gia chỉ chiếm 2% số việc làm trên thế giới, chúng sở hữu hoặc điều phối các chuỗi cung ứng chiếm hơn 50% thương mại thế giới; chúng chiếm 40% giá trị của các thị trường chứng khoán phương Tây; và chúng nắm giữ phần lớn sở hữu trí tuệ của thế giới.

Tuy chuyện nằm ở đỉnh hệ sinh thái khiến các công ty này có vẻ tàn nhẫn và vô đối, lung layquá dàn trải thường là những tính từ phù hợp hơn. Và giống như những con chó rừng vây quanh bầy sư tử già yếu, giới chính khách muốn chộp lấy thêm nhiều phần trong số chiến lợi phẩm mà các công ty đa quốc gia xưa nay đã chiếm hữu được, trong đó có 80 triệu việc làm ăn lương của các công ty này và lợi nhuận khoảng 1 ngàn tỷ đô-la của chúng. Khi các công ty đa quốc gia càng kiếm được nhiều tiền hơn từ các dịch vụ công nghệ của mình, chúng lại càng dễ bị phản đối hơn. Những kẻ săn mồi đang ngày càng giống con mồi.

Tình hình 25 năm trước thì khác hẳn. Với Liên Xô đang sụp đổ và Trung Quốc đang mở cửa, các công ty phương Tây cảm thấy cơ hội định mệnh đã tới; “sự cáo chung của lịch sử” theo tuyên bố của học giả Fukuyama, trong đó tất cả mọi quốc gia sẽ hội tụ về dân chủ và chủ nghĩa tư bản, dường như vừa là một bước ngoặt lịch sử vừa là một cơ hội lớn lao. Lúc đó đã có nhiều công ty đa quốc gia, một số đã thành danh từ lâu. Shell, Coca-Cola và Unilever có lịch sử trải dài trong thế kỷ 20. Nhưng các công ty này chủ yếu đã được điều hành như các liên đoàn lỏng lẻo của các doanh nghiệp quốc gia. Các công ty đa quốc gia mới muốn có tính toàn cầu thực sự.

Các công ty bắt đầu ám ảnh với việc quốc tế hóa khách hàng, sản xuất, vốn và quản lý. Giới học thuật phân biệt giữa vươn ra toàn cầu “theo chiều dọc” — chuyển địa điểm sản xuất và cung ứng nguyên liệu — và “theo chiều ngang” — bán sang các thị trường mới. Nhưng trên thực tế nhiều công ty vươn ra toàn cầu theo tất cả các chiều cùng một lúc, hăng hái mua lại các đối thủ cạnh tranh, chiêu dụ khách hàng và mở nhà máy ở bất cứ nơi nào cơ hội xuất hiện. Dù xu hướng này bắt đầu ở các nước giàu, nó cũng nhanh chóng phổ biến với các công ty lớn ở các nền kinh tế đang phát triển. Và có quy mô khổng lồ: 85% trong lượng toàn cầu của vốn đầu tư đa quốc gia đã được tạo ra sau năm 1990, sau khi điều chỉnh lạm phát.

Tới năm 2006 Sam Palmisano, sếp của IBM, nhận định rằng “doanh nghiệp hội nhập toàn cầu” được điều hành như một tổ chức đơn nhất, chứ không phải như một liên đoàn, sẽ vượt quá mọi biên giới khi nó mưu cầu “hội nhập việc sản xuất và cung cấp giá trị trên toàn thế giới”. Từ những cuộc biểu tình ở Seattle năm 1999 trở đi, giới đấu tranh chống toàn cầu hóa vẫn luôn nói gần như thế, trong khi chẳng thấy được an ủi bao nhiêu từ viễn tượng đó. Ngôi sao kinh doanh duy nhất cưỡng lại trào lưu chính thống đó là Warren Buffett; thay vì vậy, ông tìm kiếm các độc quyền trong nước.

Trào lưu đầu tư mạnh mẽ như vậy không thể kéo dài mãi mãi; ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng trào lưu đó nay đã chấm dứt. Năm 2016 đầu tư xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia có thể đã giảm 10-15%. Tuy các chuỗi cung ứng xuyên biên giới chiếm tỷ lệ lớn trong thương mại, tỷ lệ đó đã đứng yên kể từ năm 2007. Tỷ lệ doanh số mà các công ty phương Tây đạt được bên ngoài khu vực nội địa đã giảm xuống. Lợi nhuận của các công ty đa quốc gia đang giảm và dòng đầu tư đa quốc gia mới đã và đang giảm so với GDP. Công ty toàn cầu đang thoái trào.

Sự cáo chung kia của sự cáo chung của lịch sử

Để hiểu tại sao có tình trạng này, thử nghĩ tới ba bên đã giúp tạo nên sự bùng nổ này: giới đầu tư; “các quốc gia bản doanh” nơi các công ty toàn cầu đặt trụ sở chính ; và “các nước chủ nhà” tiếp nhận đầu tư của các công ty đa quốc gia. Vì nhiều lý do khác nhau, mỗi bên đã nghĩ rằng các công ty đa quốc gia sẽ đạt thành quả tài chính hoặc kinh tế xuất sắc.

Giới đầu tư đã nhận ra tiềm năng rất lớn của lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Khi Trung Quốc, Ấn Độ và Liên Xô mở cửa, và khi Châu Âu thực hiện tự do hóa để trở thành một thị trường chung, các công ty có thể bán cùng sản phẩm cho nhiều người hơn. Và khi mô hình liên đoàn được thay thế bằng sự hội nhập toàn cầu, các công ty sẽ có thể tinh chỉnh cách kết hợp các đầu vào khác nhau mà họ mua được từ khắp thế giới — kiểu mua bán chênh lệch dựa trên đặc điểm địa lý giúp cải thiện hiệu quả, theo cách nói của Martin Reeves thuộc hãng tư vấn BCG. Từ các nước giàu, họ có thể có được kỹ năng quản lý, vốn, thương hiệu và công nghệ. Từ các nước đang phát triển, họ có thể có được lao động và nguyên liệu rẻ cũng như luật lệ dễ dàng hơn về ô nhiễm.

Những ưu điểm này đã khiến giới đầu tư nghĩ rằng các công ty toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn và kiếm được lợi nhuận cao hơn. Điều này đúng trong một thời gian. Nhưng nay không còn đúng nữa. Lợi nhuận của hơn 700 công ty đa quốc gia hàng đầu đặt trụ sở ở các nước giàu đã giảm 25% trong 5 năm qua, theo hãng chuyên về chỉ số chứng khoán FTSE. Một phần là do nhiều đồng tiền sụt giá so với đô-la Mỹ, nhưng sự sụt giá đó chỉ giải thích được một phần ba của việc lợi nhuận giảm. Lợi nhuận của các công ty nội địa tăng 2%.

Một số đo bổ sung lấy từ lợi nhuận ở nước ngoài của tất cả các công ty được ghi nhận trong số liệu thống kê cán cân thanh toán. Dù số liệu bao gồm các công ty đủ cỡ lớn nhỏ, các công ty lớn chiếm phần lớn. Đối với các công ty đặt trụ sở chính ở khối OECD, một câu lạc bộ gồm chủ yếu các nước giàu, lợi nhuận ở nước ngoài giảm 17% trong 5 năm. Các công ty Mỹ trúng đòn nhẹ hơn, giảm 12%, một phần là do họ thiên về ngành công nghệ phát triển nhanh. Đối với các công ty không phải Mỹ, mức giảm là 20%.

Lợi nhuận nên được so sánh với vốn đầu tư đã đổ ra. Suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 700 công ty đa quốc gia hàng đầu đã giảm từ đỉnh điểm 18% cách đây một thập niên xuống còn 11%. Suất sinh lời của hoạt động ở nước ngoài của tất cả các công ty cũng đã giảm, dựa trên số liệu thống kê cán cân thanh toán. Với ba quốc gia mà xưa nay có số công ty đa quốc gia nhiều nhất và lớn nhất, Mỹ, Vương quốc Anh và Hà Lan, ROE của vốn đầu tư nước ngoài đã giảm 4-8%. Xu hướng này tương tự trong toàn khối OECD.

Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở chính ở các nền kinh tế mới trỗi dậy (chiếm khoảng 1/7 tổng hoạt động của các công ty toàn cầu) cũng chẳng khá hơn: ROE toàn cầu của các công ty này là 8%. Nhiều công ty được cho biểu tượng quốc gia — chẳng hạn như Lenovo, công ty Trung Quốc đã mua mảng máy tính cá nhân của IBM và một số phần của Motorola — đã là những thất bại tài chính. Thương vụ mua doanh nghiệp xuyên biên giới được hoàn tất lớn nhất của Trung Quốc là mua hãng dầu khí Nexen của Canada vào năm 2012. Năm ngoái, người mua, công ty năng lượng quốc doanh CNOOC, đã xóa sổ một phần tài sản đó.

Khoảng một nửa trong mức sút giảm về ROE của các công ty đa quốc gia trong 5-10 năm qua là do giá thương phẩm (commodities) giảm, và do đó lợi nhuận của các công ty dầu, công ty khai khoáng và các công ty tương tự cũng giảm. Khoảng 10% trong mức sút giảm đó là do các ngân hàng. Những công ty cung cấp các dịch vụ chuyên biệt hỗ trợ quá trình toàn cầu hóa cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Lợi nhuận đã giảm hơn 50% so với đỉnh điểm tại hãng vận tải hàng hải Maersk của Đan Mạch, hãng buôn Mitsui của Nhật, và hãng đại diện chuỗi cung ứng cho các nhà bán lẻ Li & Fung.

Tuy nhiên, nỗi đau này không chỉ dừng lại ở các ngành cốt lõi này. Một nửa trong tất cả các công ty đa quốc gia lớn đã bị giảm ROE trong ba năm qua; 40% không đạt được ROE trên 10%, thường được xem là chuẩn mực đánh giá liệu một công ty có đang tạo ra được giá trị nào đáng bàn tới hay không. Ngay cả ở các đại công ty như Unilever, General Electric (GE), PepsiCo và Procter & Gamble, lợi nhuận ở nước ngoài giảm một phần tư trở lên so với đỉnh điểm của các công ty này. Điểm sáng duy nhất là các đại công ty công nghệ. Lợi nhuận ở nước ngoài của những công ty này chiếm 46% trong tổng lợi nhuận ở nước ngoài của 50 công ty đa quốc gia hàng đầu của Mỹ, tăng từ mức 17% cách đây một thập niên. Năm ngoái Apple kiếm được 46 tỷ đô-la ở nước ngoài, hơn bất kỳ công ty nào và gấp 5 lần so với GE, thường được xem là công ty đầu đàn của Mỹ.

Những con số này có nghĩa là các công ty đa quốc gia không còn đạt thành quả xuất sắc nữa. Tạp chí The Economist đã nghiên cứu 500 công ty lớn nhất trên toàn thế giới. Trong 8 trên 10 ngành, các công ty đa quốc gia đã tăng tổng doanh số của họ chậm hơn các công ty nội địa. Trong 6 trên 10 ngành, các công ty đa quốc gia có ROE thấp hơn. Với các công ty Mỹ, lợi nhuận ở thị trường nội địa, nơi cảnh độc quyền nhóm êm ái dễ chịu đã trở nên hấp dẫn hơn cảnh xô bồ xô bộn của một thế giới hỗn loạn, hiện nay cao hơn 30% [so với ở nước ngoài].

Các sếp của các công ty khác nhau thường sẽ đổ thừa cho những yếu tố đơn lẻ khác nhau: các biến động tiền tệ, sự sụp đổ của Venezuela, cuộc suy thoái ở Châu Âu, việc chống tham nhũng ở Trung Quốc, vân vân. Nhưng cách lý giải sâu xa hơn là cả những ưu điểm của quy mô lẫn những ưu điểm của kiểu mua bán chênh lệch đã tiêu tan dần dần. Các công ty toàn cầu có chi phí gián tiếp lớn; các chuỗi cung ứng phức tạp làm ứ đọng tồn kho; các tổ chức dàn trải quá rộng khó điều hành. Một số cơ hội mua bán chênh lệch đã cạn kiệt; mức lương tăng lên ở Trung Quốc; và phần lớn các công ty nhào nắn sổ sách để giảm mức thuế phải đóng xuống càng thấp càng tốt. Dòng lưu chuyển thông tin tự do có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh có thể đuổi kịp những bước dẫn đầu về công nghệ và bí quyết chuyên môn một cách dễ dàng hơn trước đây.

Do vậy, các công ty tập trung vào nội địa đang giành được thị phần. Ở Brazil hai ngân hàng nội địa, Itaú và Bradesco, đã đánh bại các ngân hàng toàn cầu. Ở Ấn Độ, Vodafone, một công ty điện thoại di động phương Tây, và Bharti Airtel, một công ty đa quốc gia của Ấn Độ hoạt động ở 20 nước, đang mất khách hàng về tay Reliance, một hãng nội địa. Ở Mỹ, các hãng dầu đá phiến đã qua mặt các đại công ty dầu toàn cầu. Ở Trung Quốc, các thương hiệu bánh bao nội địa đang giành bớt doanh số của KFC. Một nhóm kết hợp các số đo của các công ty niêm yết cho thấy tỷ lệ của các công ty đa quốc gia trong lợi nhuận toàn cầu cách đây một thập niên là 35%, nay chỉ còn 30%.

Đã bàn quá nhiều về giới đầu tư rồi. Vậy còn nhóm có quyền lợi liên quan thứ nhì của các công ty đa quốc gia, “các quốc gia bản doanh”, thì sao? Trong thập niên 1990 và 2000, họ muốn các công ty biểu tượng quốc gia của họ vươn ra toàn cầu để trở nên lớn hơn và khôn ngoan hơn. Một nghiên cứu của hãng tư vấn McKinsey, dựa trên số liệu năm 2007, nêu ra loại lợi ích mà họ mưu cầu. Các công ty đa quốc gia hoạt động ở Mỹ, chiếm 19% số việc làm trong khu vực tư nhân, tạo nên 25% lương trong khu vực tư nhân, 25% lợi nhuận, 48% xuất khẩu và 74% hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hoan hô họ.

Công dân không của nước nào

Tâm trạng đó thay đổi sau khủng hoảng tài chính. Các công ty đa quốc gia bắt đầu bị xem là những tác nhân gây ra bất bình đẳng. Họ tạo ra việc làm ở nước ngoài, chứ không phải trong nước. Từ năm 2009 tới năm 2013, chỉ 5%, tức 400.000, trong số lượng ròng việc làm được tạo ra ở Mỹ là do các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở Mỹ tạo ra (dù số liệu sơ bộ cho thấy số việc làm được tạo ra đã tăng mạnh trong năm 2014). Lợi nhuận từ hàng lô hàng lốc sở hữu trí tuệ lọt vào túi của giới chóp bu cổ đông giàu có. Giới chính trị không còn sẵn lòng giúp các công ty đa quốc gia nữa.

Do vậy, mạng lưới chằng chịt luật lệ nhằm để các doanh nghiệp trên toàn cầu đang dần rệu rã. Luật lệ toàn cầu về kế toán, chống độc quyền, rửa tiền và vốn ngân hàng đã chia thành phe Mỹ và phe Châu Âu. Những vụ mua lại doanh nghiệp của các công ty phương Tây nay thường bị các chính phủ kèm theo các điều kiện ràng buộc để bảo đảm việc làm và nhà máy sở tại. Hai hiệp định thương mại do Mỹ đứng đầu, gọi là TPP và TTIP, mà trong đó có biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, đã thất bại. Các tòa phân xử toàn cầu mà các công ty đa quốc gia dùng để tránh các tòa án quốc gia đã bị chỉ trích.

Những cội rễ sâu xa của toàn cầu hóa có nghĩa là việc cố gắng thiên vị các công ty nội địa bằng cách dựng lên các rào cản bằng thuế quan không còn tác dụng như xưa kia. Hơn một nửa trong toàn bộ lượng xuất khẩu, tính bằng giá trị, vượt qua biên giới ít nhất hai lần trước khi tới người tiêu dùng cuối cùng, vì vậy những thuế nhập khẩu như vậy có hại cho tất cả các bên. Điều này không có nghĩa là người ngớ ngẩn hay dốt nát sẽ không thử dùng chúng. Nhưng nó quả thực khuyến khích sử dụng những cách khác để cố gắng khắc phục những điều bị cho là bất công, chẳng hạn dùng hệ thống thuế và thế lực chính trị như thường lệ.

Một công ty đa quốc gia tiêu biểu có hơn 500 pháp nhân, một số ở những xứ ưu đãi thuế (tax haven). Dùng số liệu Mỹ, một công ty như vậy đóng thuế với thuế suất khoảng 10% trên lợi nhuận ở nước ngoài của mình. Liên hiệp Châu Âu (EU) đang cố gắng tăng con số đó. EU đã xử lý Luxembourg, nước đã có nhiều thỏa thuận hào phóng với các công ty đa quốc gia giữ lợi nhuận ở đó; EU cũng đã phạt Apple 15 tỷ đô-la vì vi phạm các quy định về trợ cấp của nhà nước bằng cách ghi sổ lợi nhuận ở Ireland, nước mà Apple có một thỏa thuận thuế ưu đãi đặc biệt. Về phần mình, Mỹ đã ngăn cản các công ty lớn dùng các biện pháp “chạy thuế” (“inversion”) hợp pháp để chuyển cơ sở chịu thuế của mình ra nước ngoài, đáng chú ý nhất là trong trường hợp Pfizer, một công ty dược phẩm có lợi nhuận ở nước ngoài lớn thứ ba của Mỹ.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang tranh luận những thay đổi về luật thuế mà sẽ cho các hãng xuất khẩu và các công ty đưa lợi nhuận về nội địa sẽ đóng thuế ít hơn trước đây, trong khi những công ty chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài sẽ bị đánh thuế. Trong khi đó, một số công ty dường như đã bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump đe nẹt khiến phải có những quyết định thuê gia công về nơi đặt nhà máy. Hôm 3-1-2017, hãng sản xuất xe Ford đồng ý hủy một nhà máy mới ở Mexico và đầu tư nhiều hơn tại nội địa. Tổng thống Trump cũng muốn Apple chuyển thêm nhiều phần trong chuỗi cung ứng của hãng về nước.

Nếu những xu hướng này tiếp tục các công ty toàn cầu sẽ đóng thuế và trả lương nhiều hơn, khiến lợi nhuận càng giảm. Nếu các công ty đa quốc gia chuyển một phần tư việc làm ở nước ngoài về nước, trả mức lương ở Mỹ, và đóng mức thuế ở nước ngoài bằng với mức thuế trong nước, lợi nhuận của họ sẽ giảm thêm 12% nữa. Điều này chưa tính tới chi phí xây dựng nhà máy mới ở Mỹ.

Trong tất cả các bên liên quan tới sự lan tràn của các doanh nghiệp toàn cầu, “các nước chủ nhà” nhận được vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia vẫn là nhóm hăng hái nhất. Ví dụ của Trung Quốc, nơi mà tới năm 2010 30% sản lượng công nghiệp và 50% lượng xuất khẩu do các công ty con hoặc liên doanh của các công ty đa quốc gia tạo ra, vẫn còn sức hấp dẫn.

Chính phủ Argentina muốn thu hút các công ty nước ngoài. Mexico vừa bán phần hùn vốn trong các mỏ dầu cho các công ty nước ngoài, trong đó có ExxonMobil và Total. Ấn Độ có một chiến dịch tên là “sản xuất ở Ấn Độ” để thu hút các chuỗi cung ứng đa quốc gia. Một chỉ số mà qua đó OECD muốn đo lường mức độ mở cửa của các nước chủ nhà cho thấy không hề có sút giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Nhưng những đám mây mù đang tụ lại. Trung Quốc đã và đang gây áp lực với các công ty nước ngoài trong một nỗ lực thúc đẩy “sáng tạo bản xứ”. Giới lãnh đạo nói rằng cần phải có thểm nhiều sản phẩm được cung ứng tại nội địa và sở hữu trí tuệ thường rốt cuộc được chuyển giao cho các đối tác nội địa. Các ngành chiến lược, trong đó có Internet, không dành cho vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều người e ngại rằng cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ bị bắt chước ở khắp các nước đang phát triển, buộc các công ty đa quốc gia phải đầu tư tại chỗ nhiều hơn và tạo thêm nhiều việc làm — y hệt như những áp lực đặt ra cho họ ngay tại nước họ.

Cái giá của lòng hiếu khách

Các quốc gia chủ nhà có thể cũng ít hoan nghênh hơn vì hoạt động [của các công ty toàn cầu] chuyển sang các dịch vụ vô hình. Với 50 các công ty đa quốc gia hàng đầu, 65% lợi nhuận ở nướcc ngoài nay xuất phát từ các ngành phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như công nghệ, bằng sáng chế thuốc và tài chính. Cách đây một thập niên con số này là 35%, và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên. (Ở Châu Âu và Nhật, những nơi không có các công ty công nghệ lớn, tỷ lệ này thấp hơn nhiều.) Các công ty đa quốc gia không có ý muốn nghiêm túc tái tạo ở Châu Phi hoặc Ấn Độ các trung tâm sản xuất công nghiệp nhẹ mà họ đã thúc đẩy ở Trung Quốc; điều này loại bỏ một lý do để các quốc gia chủ nhà hoan nghênh họ. Những việc làm và hàng xuất khẩu mà có thể được xem là nhờ các công ty đa quốc gia hiện đã ngày càng giảm vai trò trong câu chuyện này. Năm 2000 mỗi tỷ đô-la trong lượng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới tạo được 7.000 việc làm và kim ngạch xuất khẩu hàng năm 600 triệu đô-la. Ngày nay 1 tỷ đô-la hỗ trợ 3.000 việc làm và kim ngạch xuất khẩu 300 triệu đô-la.

Những ngôi sao mới nhất của Thung lũng Silicon hiện đã gây tranh cãi ở nước ngoài. Năm 2016 Uber bán mảng hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc cho một đối thủ sở tại sau một cuộc chiến khốc liệt. Hồi tháng 12-2016 hai công ty kỹ thuật số hàng đầu, hãng ứng dụng gọi taxi Ola và mạng thương mại điện tử Flipkart, nói chính phủ nên bảo vệ họ trước Uber và Amazon. Họ cho rằng các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ dựng nên các độc quyền, tạo ra ít việc làm có giá trị và chuyển lợi nhuận sang Mỹ.

Lần gần đây nhất công ty đa quốc gia lâm vào cảnh khốn khó là sau thời kỳ Đại khủng hoảng (1929-1933). Từ năm 1930 tới năm 1970 lượng vốn đầu tư ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia đã giảm khoảng một phần ba so với GDP toàn cầu; mức này mãi tới năm 1991 mới khôi phục. Một số công ty “né” các loại thuế nhập khẩu bằng cách xây những nhà máy mới trong các nước có chủ trương bảo hộ. Nhiều công ty tái cấu trúc, nhường lại quyền kiểm soát cho các công ty con ở nước ngoài để cố gắng tạo cho chúng một đặc tính sở tại. Nhiều công ty khác quyết định tự chia nhỏ.

Hiện nay các công ty đa quốc gia cần phải nghĩ lại về lợi thế cạnh tranh của mình. Một số lập luận cũ ủng hộ việc vươn ra toàn cầu nay đã lỗi thời — một phần là do những thành công tổng quát hơn của toàn cầu hóa. Phần lớn các công ty đa quốc gia không đóng vai trò như các thị trường mua bán nội bộ. Chỉ có 1/3 sản lượng của họ hiện nay được mua bởi các công ty trực thuộc trong cùng một tập đoàn. Các chuỗi cung ứng bên ngoài chiếm phần còn lại. Các công ty đa quốc gia không còn chiếm vị trí độc tôn về những ý tưởng hứa hẹn nhất về quản lý và sáng tạo. Trong những mảng họ có các bằng sáng chế còn hiệu lực đối với các thương hiệu có giá trị họ vẫn còn chiếm ưu thế, cũng như trong các sản phẩm, ví dụ như động cơ phản lực, mà trong đó lợi thế kinh tế nhờ quy mô được tạo ra tốt nhất bằng cách dàn trải chi phí trên toàn thế giới. Nhưng các lợi ích đó hiện nay thấp hơn trước đây.

Sự thiếu lợi thế được thể hiện qua mức độ của hoạt động tạo ra ít giá trị. Khoảng 50% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt ROE thấp hơn 10% (40% của lượng vốn đầu tư này nếu ta loại trừ các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên). Ford và General Motors có từ 80% trở lên trong lợi nhuận của họ kiếm được tại Bắc Mỹ; điều đó cho thấy lợi nhuận ở nước ngoài của họ khá thảm.

Nhiều ngành từng cố gắng toàn cầu hóa lại dường như đạt kết quả tốt nhất khi hoạt động ở tầm quốc gia hoặc khu vực. Một số đã nhận ra điều đó. Các hãng bán lẻ như Tesco của Vương quốc Anh và Casino của Pháp đã từ bỏ nhiều hoạt động ở nước ngoài của họ. Các tập đoàn viễn thông của Mỹ, AT&T và Verizon, đã rút về thị trường nội địa. Các hãng tài chính đang tập trung vào những thị trường “cốt lõi” của họ. Công ty sản xuất xi măng LafargeHolcim dự định bán, hoặc đã bán, các doanh nghiệp ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Việt Nam. Thậm chí những công ty toàn cầu hành công cũng đã kiêng khem. Doanh số ở nước ngoài của P&G đã giảm gần 1/3 kể từ năm 2012 khi tập đoàn này đóng cửa hoặc bán những doanh nghiệp yếu kém.

Có vẻ như, trong tương lai, môi trường kinh doanh toàn cầu sẽ có 3 thành tố. Một nhóm công ty đa quốc gia hàng đầu với số lượng ít hơn sẽ thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế của các quốc gia chủ nhà, góp phần xoa dịu những mối quan ngại có tính dân tộc chủ nghĩa. General Electric đang nội địa hóa hoạt động sản xuất, các chuỗi cung ứng và hoạt động quản lý của mình. Emerson, một đại tập đoàn có hơn 100 nhà máy bên ngoài nước Mỹ, mua nguyên liệu trong khoảng 80% sản lượng của mình tại khu vực mà sản phẩm được bán. Một số công ty nước ngoài sẽ đầu tư nhiều hơn cho hoạt động sản xuất tại Mỹ để tránh thuế nhập khẩu, nếu tổng thống Trump đánh thuế, cũng giống như các hãng xe Nhật đã làm trong Thập niên 1980. Chuyện này khả thi nếu là công ty lớn. Siemens, một tập đoàn công nghiệp Đức, sử dụng 50.000 lao động ở Mỹ và có 60 nhà máy ở đó. Nhưng các công ty công nghiệp cỡ trung bình sẽ chật vật để huy động được nguồn lực để đầu tư nhiều hơn ở tất cả các thị trường của họ.

Giới chính khách sẽ ngày càng đòi các công ty muốn mua các hãng nước ngoài phải hứa bảo tồn đặc tính quốc gia của họ, trong đó có việc làm, hoạt động nghiên cứu và phát triển, và đóng thuế. SoftBank, một công ty Nhật đã mua hãng sản xuất vi mạch ARM của Vương quốc Anh vào năm 2016, đã chấp nhận những cam kết như vậy. Sinochem, một công ty hóa chất Trung Quốc đang mua đối thủ cạnh tranh Syngenta của Thụy Sĩ, cũng vậy. Trong khi đó, trào lưu các công ty Trung Quốc ào ạt mua các công ty nước ngoài có thể xìu xuống hoặc bùng nổ. Nhiều thương vụ như vậy, lệ thuộc vào các khoản cho vay có trợ cấp của các ngân hàng quốc doanh, có lẽ chẳng có lợi ích tài chính.

Thành tố thứ hai sẽ là một lớp mong manh dễ vỡ gồm các công ty đa quốc gia kỹ thuật số toàn cầu và sở hữu trí tuệ: các hãng công nghệ, chẳng hạn như Google và Netflix; các công ty dược phẩm; và các công ty sử dụng các thương vụ nhượng quyền kinh doanh với các công ty nội địa như một cách rẻ để duy trì dấu ấn toàn cầu và lợi thế thị trường mà điều đó mang lại. Ngành khách sạn, với những công ty có thương hiệu lớn chẳng hạn như Hilton và Intercontinental, là một ví dụ điển hình của chiến thuật này. McDonald’s đang chuyển sang mô hình nhượng quyền kinh doanh ở Châu Á. Những công ty đa quốc gia dựa trên tài sản vô hình này sẽ tăng trưởng nhanh. Nhưng bởi vì các công ty này tạo ra ít việc làm trực tiếp, thường bao gồm độc quyền nhóm và không hưởng lợi từ sự bảo vệ của các luật lệ thương mại toàn cầu, mà phần lớn chỉ áp dụng cho hàng hóa hữu hình, họ sẽ dễ trở thành mục tiêu của những phản đối có tính dân tộc chủ nghĩa.

Những hạt giống của nhiều điều khác

Thành tố cuối cùng có lẽ sẽ là thành tố thú vị nhất: một nhóm đang vươn lên gồm các hãng nhỏ đang sử dụng thương mại điện tử để mua bán ở tầm toàn cầu. Có tới 10% trong khoảng 30 triệu hãng nhỏ ở Mỹ hiện đã làm như vậy trong chừng mực nào đó. Hãng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số PayPal nói các giao dịch xuyên biên giới của hãng, mà bao gồm hoạt động từ những hãng đa quốc gia cỡ nhỏ như vậy, đang ở mức 80 tỷ đô-la mỗi năm, và đang tăng trưởng nhanh. Jack Ma, sếp của hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, tiên đoán rằng một làn sóng các hãng phương Tây cỡ nhỏ xuất khẩu hàng hóa sang cho người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phần nào đảo ngược xu hướng các công ty lớn của Mỹ nhập hàng hóa từ Trung Quốc trong hai thập niên qua.

Thời kỳ mới, cẩn trọng của công ty đa quốc gia sẽ có những chi phí. Những quốc gia vốn đã quen với chuyện các công ty toàn cầu vung tiền đầu tư nay có thể thấy mức độ cạnh tranh giảm xuống và giá tăng lên. Giới đầu tư, mà tính chung có ít nhất 1/3 danh mục đầu tư cổ phiếu của mình kẹt trong các công ty đa quốc gia, có thể gặp phải một số biến động đáng lo. Những nền kinh tế phụ thuộc vào lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài, hoặc các dòng vốn đầu tư mới, sẽ gặp khó khăn. Việc lợi nhuận của các công ty đa quốc gia của Vương quốc Anh giảm mạch là lý do khiến cán cân thanh toán của nước này xấu đi. Trong 15 quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai trên 2,5% GDP trong năm 2015, 11 quốc gia dựa vào các khoản đầu tư mới của những công ty đa quốc gia để tài trợ cho ít nhất 1/3 khoản thâm hụt đó .

Kết quả sẽ là một loại hình chủ nghĩa tư bản tủn mủn và có quy mô địa phương hạn hẹp hơn, và rất có thể kém hiệu quả hơn — nhưng cũng có lẽ được dân chúng ủng hộ nhiều hơn. Sự si mê các công ty toàn cầu sẽ tới lúc được xem là một chương hồi thoáng qua trong lịch sử kinh doanh, chứ không phải sự cáo chung của nó.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

Nguồn: The retreat of the global company, The Economist, 28-1-2017.

(Bản rút gọn của bài này đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 28/2/2017.)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.