Vẫn còn lý do để lạc quan

Featured, Làm giàu, Làm quan

Cung đường lịch sử luôn hướng về tiến bộ, và năm 2016 không khác biệt

David Rothkopf

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Minh họa của Jason Holley

Người bình thường, nhìn quanh thế giới ngày nay, có thể nói rằng tình hình đang rất ảm đạm. Cũng dễ hiểu thôi. Tin tức từ Syria cho thấy sự tàn phá và thảm họa con người trên quy mô lớn không tưởng nổi. Hàng tỷ người chịu cảnh thiếu thốn, thiếu những thứ thiết yếu như thực phẩm, nước uống, điều kiện vệ sinh, hay điện. Bọn khủng bố tiến hành những cuộc chiến không cân sức không chỉ chống lại các nhà nước mà cả trong tâm thức của chúng ta. Ở Mỹ và Châu Âu, những nhà lãnh đạo cánh hữu tuyên truyền về sự suy tàn và các nền văn minh đang lâm nguy—và nhiều cử tri đang tin những luận điệu như vậy. Chẳng cần nhìn đâu xa hơn việc Donald Trump cưỡi trên làn sóng của tâm lý thù hận để thẳng tiến vào Tòa Bạch Ốc.

Chưa có thời đại nào tồi tệ hơn bây giờ. Thế nhưng, suy gẫm lại về kỳ bầu cử tổng thống năm 2016 trong cuốn sách mới nhất của mình—và xét về nhiều mặt là cuốn sách đầy tâm tư cá nhân và quyết liệt nhất của ông cho tới nay— Thomas Friedman, bỉnh bút của tờ New York Times và là nhân vật được chọn vào danh sách Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2013 của tạp chí Foreign Policy, mở đầu bằng một câu trích dẫn lời của [nhà khoa học] Marie Curie: “Không có gì trong đời là đáng sợ, nó chỉ đáng được tìm hiểu. Bây giờ là lúc để hiểu nhiều hơn, để chúng ta có thể bớt sợ hơn.”

Friedman, một người bạn của tôi, còn đi xa hơn. Nhan đề cuốn sách của ông là “Thank You for Being Late: An Optimist’s Guide to Thriving in the Age of Accelerations” (Cảm ơn vì đã trễ: Cẩm nang của người lạc quan để thành công trong thời tăng tốc). Đây là người đã viết về Trung Đông và những nỗi thống khổ của thế giới trong 30 năm, và đoạt ba Giải Pulitzer, vậy mà giờ đây ông đang bày tỏ tinh thần lạc quan. Tại sao?

Nhan đề của cuốn sách gợi ý đôi chút. “Cảm ơn vì đã trễ” nhắc tới mức độ biết ơn mà ông cảm nhận được đối với những giây phút yên tĩnh mỗi ngày mà ông được ban cho khi những người ông hẹn gặp bị trễ vì áp lực của đời sống thường nhật, nhờ đó ông có thời gian suy gẫm. Cuốn sách này là một nỗ lực nhìn lại những chuyện đã xảy ra trên thế giới và đặc biệt về “những sự tăng tốc” đã biến đổi thế giới và khiến quá nhiều người tất bật, rối bời, và không thể hóa giải ý nghĩa của những thay đổi gần đây. Những sự tăng tốc đó—về tiến bộ công nghệ, biến đổi khí hậu, và toàn cầu hóa—đã tái sắp đặt hành tinh từ trên xuống dưới, và Friedman đã dành ba năm rưỡi tìm hiểu nó đã diễn ra như thế nào và tìm tòi ý nghĩa. Cuộc tìm tòi này đưa ông trở lại quê mình ở bang Minnesota để suy gẫm việc những cấu hình đang biến đổi của nền văn minh hiện đại đã thay đổi ra sao điều mà dường như rất đỗi quen thuộc với ông thuở nhỏ.

Cuốn sách được viết bằng lối tìm tòi thường đào sâu nghiên cứu của Friedman: tìm tòi ý nghĩa sâu xa hơn, tìm tòi các ý tưởng lớn, và tìm tòi các nguyên lý tổ chức. Và, cuối cùng, sách để lại cho người đọc cái cảm giác rằng tuy những thay đổi đang tái định hình hành tinh gây ra những thách thức lớn lao—nhất là trong biến đổi khí hậu—chúng thường thực sự mang lại những cơ hội lớn lao hơn cho cuộc sống của tất cả mọi người ở gần như mọi ngóc ngách của thế giới.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, liệu dữ kiện thực tế có chứng minh rằng tình hình đang thực sự tươi đẹp hơn nói chung chứ không chỉ xét về máy móc thiết bị hay các công nghệ chúng ta đang có? Thứ hai, liệu lịch sử có gì cho biết về bản chất và tính bền vững của những thay đổi bậc thang đột ngột theo kiểu mà cuốn sách của Friedman tập trung bàn rất lý thú?

Để trả lời những câu hỏi đó, nên nhớ rằng Friedman không phải là người đầu tiên bày tỏ tinh thần lạc quan. Thực vậy, tuy những người có quan điểm thế giới suy tàn thuộc mọi trường phái dường như được tiếp cận nhiều hơn với các kênh truyền thông báo chí, gần đây càng có nhiều người đưa ra lập luận cho rằng thời hiện tại có nhiều điều đáng mừng và rằng tương lai thậm chí còn tươi đẹp hơn. Ngoài ra, lứa những người lạc quan hiện tại không đưa ra quan điểm dựa trên quan niệm bao đời nay là niềm hy vọng sẽ lấn át kinh nghiệm quá khứ. Thay vì thế, ngược lại, quan điểm của họ được rút ra theo kiểu truyền thống—bằng nghiên cứu, dựa trên dữ liệu. Quả thực tôi tự xem mình nằm trong số họ vì, theo tôi, sự lạc quan là quan điểm có logic, đúng đắn và dễ biện minh nhất có thể rút ra sau khi nghiên cứu kỹ càng về lịch sử.

Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Nhưng chúng ta sống trong một thế giới có thể trở nên hoàn hảo. Lịch sử chứng minh rằng, về lâu về dài, chúng ta cùng nhau tạo ra tiến bộ.

Steven Pinker, giáo sư Đại học Harvard, đã gây sốc cho một thế giới đang mệt mỏi về những chuyện chiến tranh và nỗi sợ khủng bố năm 2011 khi xuất bản cuốn sách “The Better Angels of our Nature” (Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất [con người] chúng ta). Trong cuốn sách đó, ông lập luận và chứng minh bằng phân tích dữ liệu hiện có rằng bạo lực trong các xã hội loài người đã giảm đáng kể trong suốt quá trình lịch sử và rằng chúng ta đang sống ở một trong những thời đại bình an và an toàn nhất từ trước tới nay.

Pinker viết, “Thật đáng ngạc nhiên … bạo lực đã giảm trong những quãng thời gian dài, và hiện nay chúng ta có thể đang sống ở kỷ nguyên thái bình nhất trong kiếp sống của nhân loại.” Nếu ta sống ở thời kỳ mà ông gọi là kỷ nguyên “tiền nhà nước”, ta có xác suất 1 trên 6 bị chết trong xung đột. Trong thế kỷ vừa qua, mặc dù có nhiều bạo lực kinh hoàng, con số đó giảm xuống chỉ còn xác suất 3 phần trăm. Thời kỳ hiện đại là giai đoạn tránh được bạo lực nhiều nhất trong lịch sử. Pinker đưa ra sáu yếu tố quan trọng giúp thế giới văn minh hơn, từ sự hưng thịnh của các thể chế và chế độ pháp trị tới việc nhân loại hiện nay giảm bớt các xung đột toàn cầu, để giải thích nguyên nhân.

Các dữ liệu khác chứng minh điều này. Từ 500.000 tới 900.000 chết trận vào năm 1950. Tới năm 2008, theo PolitiFact, con số này giảm xuống còn 30.000. Những nhà nghiên cứu độc lập cộng tác với Dự án An ninh Nhân loại ở Đại học Simon Fraser (Canada) đã kết luận, “Hiện nay trong cộng đồng nghiên cứu có sự nhất trí tổng quát rằng số lượng và tính chết người của những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia đã giảm đáng kể từ sau khi chấm dứt Đệ nhị Thế chiến, và tỷ lệ các cuộc nội chiến đã giảm mạnh từ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.” Họ kết luận rằng mức giảm số lượng trung bình của những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia từ 6 mỗi năm trong thập niên 1950 xuống chỉ còn 1 mỗi năm hiện nay có ý nghĩa rất lớn vì những cuộc xung đột đó gây chết người nhiều hơn các cuộc nội chiến. Cũng không cần phải có phân tích rất phức tạp để kết luận rằng những mối nguy chúng ta đang đối mặt ngày nay từ những nhóm như Nhà nước Hồi giáo tuy có thật nhưng nhỏ hơn, nhỏ hơn rất nhiều so với nguy cơ chiến tranh nhiệt hạch toàn cầu hay nguy cơ thế chiến.

Những thay đổi tích cực khác cũng rõ ràng không kém. Không có gì căn bản hơn đối với chất lượng cuộc sống bằng độ dài của cuộc sống. Trong thế giới tiền hiện đại, tuổi thọ là khoảng 30 năm. Kể từ lúc khởi đầu Cách mạng Công nghiệp, với những bước nhảy vọt lớn lao về y tế công cộng và tiến bộ khoa học, tuổi thọ đã tăng đáng kể, được hỗ trợ đáng kể nhất là bằng các mức giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Tuổi trọ trung bình trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1900, và không nước nào trên thế giới hiện nay có tuổi thọ thấp hơn các nước có tuổi thọ cao nhất vào năm 1800.

Cách mạng Công nghiệp đã tạo ra những thay đổi lớn khác về chất lượng cuộc sống. Hệ thống ống nước trong nhà hiện đại được áp dụng cho giới giàu có ở Mỹ chỉ mới từ giữa thế kỷ 19. Ngay nay, gần như mọi nhà ở Mỹ đều có nó. Trên toàn thế giới, chỉ có 76 phần trăm được tiếp cận với các nguồn nước cải thiện vào năm 1990; con số đó hiện nay vào khoảng 91 phần trăm. Chỉ có 1 phần trăm các nhà ở Mỹ có hệ thống ống nước trong nhà vào năm 1920. Ngày nay, gần như tất cả đều có. Trên toàn thế giới, trong khi không ai có điện trước cuối thế kỷ 19, khoảng 83 phần trăm dân số hiện nay có điện.

Năm 1850, gần như tất cả mọi người trên thế giới sống trong một chế độ chuyên quyền hoặc một thuộc địa. Ngay cả một vài nền dân chủ hiện diện lúc đó cũng chẳng có tính đại diện nhân dân cho lắm. Ngày nay, đa số dân số thế giới sống ở các nước được cai trị bằng các chế độ dân chủ—hơn 4,1 tỷ người—và chỉ 1,7 tỷ người sống trong các chế độ chuyên quyền.

Tổng sản lượng nội địa thực bình quân đầu người ổn định ở mức khoảng từ $400 tới $600 mỗi năm cho phần lớn dân chúng ở phần lớn các nước trong phần lớn thời gian của thiên niên kỷ trước. Nó bắt đầu thay đổi ở các nước đã phát triển khi Cách mạng Công nghiệp diễn ra. Nhưng bước đột phá thực sự diễn ra vào khoảng lúc toàn cầu hóa có bước tiến mạnh mẽ cách đây chừng 50 năm. Theo Ngân hàng Thế giới, nó tăng từ mức trung bình điều chỉnh toàn cầu $449,63 vào năm 1960 lên tới hơn $10.000 vào năm 2015. Kết quả là tỷ lệ dân số thế giới sống trong nghèo đói đã giảm từ 94 phần trăm vào năm 1820 xuống còn chỉ 10 phần trăm hiện nay.

Năm 1800, gần chín trong 10 người mù chữ. Hiện nay, gần bằng tỷ lệ đó biết đọc. Năm 1970, chỉ có 6 phần trăm dân số thế giới có điện thoại cố định. Năm 2014, chúng ta đã vượt qua cột mốc mà số điện thoại di động nhiều hơn số người trên hành tinh. Theo Ngân hàng Thế giới, tính tới sang năm, tỷ lệ sử dụng dịch vụ điện thoại di động trên mỗi 100 người là 98,6.

Như vậy, lịch sử cho ta một câu chuyện đáng khích lệ. Đó là một trong nguyên nhân mà những người nghiên cứu lịch sử và phân tích thay đổi hiện tại tiên đoán rằng, tuy những thử thách lớn hiện đang đối mặt với chúng ta, tiến bộ lớn lao sẽ tiếp tục. Việc các công nghệ mới chiếm mất chỗ của người lao động đặt ra một thách thức có thật, theo nhận xét của Andrew McAfee và Erik Brynjolfsson trong các tác phẩm quan trọng của họ, Race Against the Machine (Cuộc chạy đua với máy móc) và The Second Machine Age (Thời đại máy móc thứ nhì). Nhưng họ cũng nêu ra viễn tượng bớt lao động cật lực, tuần làm việc ngắn hơn, và tuổi thọ làm việc lâu hơn. [Tổ chức phi vụ lợi] AARP đã phân tích vấn đề này ở Mỹ và nhận thấy một thay đổi mà hiếm ai đã kỳ vọng hoặc rút ra được từ nội dung của tranh luận công cộng chỉ mới cách đây vài năm: những thành viên lớn tuổi của xã hội, thay vì là một gánh nặng, có thể trở thành một mối lợi. Hưu trí là một khái niệm mà sẽ phải được suy nghĩ lại khi các công ty có khả năng khai thác những người lao động có kinh nghiệm nhất của mình trong thời gian lâu hơn, nhờ các công nghệ thông tin giúp họ có thể vẫn còn thích hợp, năng động và tham gia vào việc tạo ra giá trị. (Nên lưu ý rằng AARP nằm trong số những nhà bảo trợ cho số báo và sự kiện Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2016 của tạp chí Foreign Policy.)

Các ước tính hiện nay cho thấy rằng toàn thế giới xem như sẽ được truy cập internet— lần đầu tiên trong lịch sử được kết nối với nhau trong một hệ thống nhân tạo—vào một thời điểm nào đó từ năm 2020 và năm 2030. Chúng ta đang đánh bại ung thư, với số ca tử vong giảm 23 phần trăm trong một thế hệ. Có thể còn lâu mới cách trị ung thư, nhưng như Otis Brawley, trưởng ban y khoa của Hội Ung thư Mỹ, đã thừa nhận, có thể nhiều người “sẽ sống trong một thời gian chất lượng cao được kéo dài bằng cách sống chung hòa bình với căn bệnh của họ”.

Những tiến bộ như vậy đã khiến các chuẩn mực như Các Mục tiêu Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc (được áp dụng vào năm 2015) dường như không những có thể đạt được, mà còn có thể đạt được trong tương lai gần. Những mục tiêu này bao gồm chấm dứt nạn nghèo, loại trừ nạn đói, bảo đảm rằng, trong vòng một thập kỷ rưỡi, tất cả trẻ em nam nữ đều có thể học hết tiểu học và trung học miễn phí, bảo đảm nước sạch cho tất cả mọi người, và bảo đảm rằng mọi người có điều kiện tiếp cận sử dụng năng lượng hợp túi tiền, bền vững, và đáng tin cậy.

Có lẽ đây là lý do tại sao một nghiên cứu gần đây do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện với 26.000 thanh niên “thế hệ thiên niên kỷ” cho thấy một điều khá khác biệt với những tranh luận chính trị cay độc và đầy hoài nghi, vốn thường bị gán sai cho giới trẻ. Khi họ nhìn thế giới quanh mình, 70 phần trăm thấy thế giới đầy những cơ hội, trong khi chỉ có 30 phần trăm thấy thế giới đầy những khó khăn; 86 phần trăm thấy công nghệ tạo ra việc làm, trong khi chỉ có 14 phần trăm thấy công nghệ hủy diệt việc làm. [Ghi chú: Millenials, thanh niên “thế hệ thiên niên kỷ”, còn gọi là Generation Y, Thế Hệ Y, là từ để chỉ thế hệ những người ra đời từ đầu thập niên 1980 tới giữa thập niên 1990 hoặc đầu những năm 2000, N.D.]

Giới trẻ “thế hệ thiên niên kỷ” đầy hy vọng. Họ hy vọng vì l‎ý do giống như Friedman và Pinker và giới yêu chuộng công nghệ của Thung lũng Silicon hy vọng. Họ hy vọng vì câu chuyện của lịch sử nhân loại là câu chuyện của tiến bộ liên tục, và chúng ta không chỉ sống trong một thời khắc khi mà điều này đang diễn ra— chúng ta sống trong một thời khắc khi mà tiến bộ đang tăng tốc không thể cản được. Thực vậy, khi ta xét tới thực tế là sống trong một cộng đồng toàn cầu và trong một hệ sinh thái văn hóa duy nhất hứa hẹn hiểu nhau rõ hơn, ở đâu cũng cảm nhận được, lưu trữ dữ liệu không hạn chế, phân tích dữ liệu lớn, và khả năng ngày càng tăng về kết nối với những đầu óc giỏi nhất và sáng tạo nhất thế giới, viễn tượng hiểu tường tận thế giới như đúng bản chất của nó và như nó có thể dường như lần đầu tiên là chuyện khả dĩ. Sự lạc quan không phải là điều lạ lùng—nó là điều cần phải có. Người thực tế là người lạc quan.

David Rothkopf là tổng giám đốc và tổng biên tập của Foreign Policy Group.

Nguồn: David Rothkopf, The Case for Optimism, Foreign Policy, số tháng 11 & 12-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 28/12/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.