Hành tinh khát nước

Featured, Làm giàu, Làm quan

Hành tinh khát nước: cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu

Khi nước ngày càng khan hiếm, thế giới cần bảo tồn nước, sử dụng nước một cách hữu hiệu hơn và xác định quyền sở hữu nước rõ ràng

water-israel

Adam Smith từng nhận xét, “Không có gì hữu ích hơn nước”, nhưng “hiếm khi ta đổi nước  được gì.” Cha đẻ của kinh tế học thị trường tự do đã lưu ý về nghịch lý này ở Scotland trong thế kỷ 18, một xứ sở mưa dầm dề và ẩm ướt thời đó cũng như thời nay. Ở nơi có dư thừa nước, những lời của ông hiện nay vẫn đúng. Nhưng trên thế giới hiện đã có hàng tỷ người chật vật trong mùa khô. Hạn hán và lũ lụt là một mối nguy gây lắm thiệt hại ở nhiều quốc gia. Nếu nước không được quản lý tốt hơn, cuộc khủng hoảng nước hiện nay sẽ trở thành một thảm họa. Tới giữa thế kỷ, hơn một nửa hành tinh sẽ sống trong những vùng “bị căng thẳng về nước”, nơi cung không thể đáp ứng cầu một cách bền vững. Những đồng cỏ tươi tốt sẽ biến thành sa mạc khô cằn và hàng triệu người sẽ buộc phải bỏ đi để tìm nước ngọt.

Ở những nơi có nước, thời điểm có nước và trong tình trạng nào là điều hết sức quan trọng. Khoảng 97% lượng nước trên trái đất là nước mặn; số còn lại được tái cung cấp bằng lượng mưa theo mùa hoặc được trữ trong những giếng ngầm gọi là tầng ngậm nước. Loài người vốn đã từng định cư ở nơi có nhiều nước, nay có xu hướng di chuyển tới những nơi được thiên nhiên ban cho ít nước hơn, do tác động của những động lực kinh tế khác.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến cho nhiều vùng trên hành tinh ngày khô hơn, trong khi có những vùng khác lại ướt hơn rất nhiều. Khi con người giàu có hơn, họ dùng nước nhiều hơn. Họ cũng “tiêu phí” nước nhiều hơn, nghĩa là dùng nước theo một cách mà nước không nhanh chóng được trả lại nguồn lấy nước. (Ví dụ, nếu nước bị mất bốc hơi hoặc chuyển thành cà chua.) Những nguyên nhân chính làm tiêu phí nước kiểu này là nhu cầu ngày càng nhiều của thế giới về ngũ cốc, thịt, hàng công nghiệp nhẹ và điện. Cây trồng, bò, nhà máy điện và công xưởng sản xuất đều cần nhiều nước.

Đáng ngại hơn nữa, hiếm có nơi nào định giá đúng cho nước. Thông thường, nước rẻ tới mức giả tạo vì giới chính khách sợ phải tính giá cao cho một thứ thiết yếu từ trên trời rơi xuống. Do vậy, người tiêu thụ chẳng có động cơ bảo tồn nước và giới đầu tư chẳng có động cơ xây dựng đường ống và các cơ sở hạ tầng khác để đưa nước tới nơi cần nhất. Ví dụ, ở Nam Phi, các gia đình nhận được một số nước miễn phí. Ở Sri Lanka, ban đầu họ trả một mức phí tượng trưng 4 xu cho một mét khối. Ngược lại, ở Adelaide, Úc, nơi thực hiện nghiêm túc việc bảo tồn nước, một lượng nước sử dụng ban đầu có giá $1,75 một mét khối. Trên toàn cầu, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng về nước đang bị thiếu hụt lớn về ngân sách tài trợ. Theo các ước tính của tổ chức nghiên cứu độc lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, từ năm 2010 tới năm 2030 mức này sẽ thiếu hụt 26 ngàn tỷ đô-la.

ground-water-usageỞ nhiều nước, người ta có thể bơm bao nhiêu nước tùy thích từ các tầng ngậm nước dưới đất, vì luật lệ lỏng lẻo hoặc không được thực thi. Mức sử dụng nước của nông dân đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây (xem đồ thị). Điều này giúp cho nhà nông trồng được lượng thực phẩm khổng lồ ở những nơi mà nếu không dùng nước thì quá khô cằn nên không thể làm nông được nhiều. Nhưng điều đó không thể bền vững: khoảng một phần năm các tầng ngậm nước của thế giới bị khai thác quá mức. Điều này gây nguy hại cho việc dùng nước trong tương lai do gây nhiễm bẩn. Nó cũng gây hại cho các lớp cát và đất sét tạo nên các tầng ngậm nước, do đó giảm khả năng được tái cung cấp nước.

Con người không uống nhiều nước — chỉ vài lít mỗi ngày. Nhưng để có cái ăn dọn lên bàn thì cần rất nhiều nước. Trồng một 1 ký lúa mì tốn 1.250 lít nước; vỗ béo một con bò để tạo số thịt bò cùng trọng lượng đó tốn gấp 12 lần. Tính chung, nông nghiệp chiếm hơn 70% lượng nước ngọt được lấy từ các nguồn trên toàn cầu.

Và khi dân số toàn cầu tăng từ 7,4 tỷ người lên tới gần 10 tỷ người trước giữa thế kỷ này, sản lượng nông nghiệp được ước tính sẽ phải tăng 60% để thiên hạ no bụng. Điều này sẽ gây căng thẳng rất lớn cho các nguồn cung cấp nước.

Sự phung phí phải được hạn chế. Nông dân sản xuất thực phẩm nhiều hơn số lượng thực sự đi vào bao tử của thiên hạ. Theo một số ước tính, có tới một phần ba trong tổng lượng thực phẩm không hề thực sự xuất hiện trên đĩa ăn, lãng phí lượng nước bằng lượng nước chảy trên sông Volga ở Nga trong một năm. Những gia đình giàu có chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong lượng thức ăn thừa bị vứt bỏ. Những gia đình nghèo có thể chẳng bao giờ thậm chí thấy số rau quả tươi bị thối rữa trên những chặng đường mất thời gian, gập ghềnh ra chợ.

Nước không chỉ hệ trọng đối với thực phẩm và đời sống an lành của gia đình. Nước “rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”; đó là nhận xét của Usha Rao-Monari, sếp của Global Water Development Partners [Đối tác Phát triển Nước Toàn cầu], một hãng đầu tư được tập đoàn đầu tư cổ phần không niêm yết Blackstone hậu thuẫn. Tình trạng khan hiếm nước trì hoãn sự phát triển công nghiệp do hạn chế nguồn cung năng lượng. Việc phát điện tùy thuộc vào những lượng nước dồi dào; ví dụ, điện hạt nhân cần nước cho cả làm nguội các turbine lẫn lõi của lò phản ứng. Các nhà máy nhiệt điện chạy than không thể vận hành nếu không có nước.

Phát điện là một hoạt động “khát nước”. Tính chung, khoảng 41% lượng nước được lấy ở Mỹ dùng để làm nguội các trạm điện. Ở những nước như Brazil, nơi thủy điện cung cấp hơn hai phần ba nhu cầu điện của quốc gia, tình trạng khan hiếm nước cũng là một nỗi lo, nhất là khi các thiết kế đập nước dựa vào những con sông được mưa cung cấp nước. Giá năng lượng thường tăng vọt sau những thời kỳ khô hạn. Zambia thỉnh thoảng chịu những đợt cúp điện đã bắt đầu cách đây một năm và kéo dài tới tháng 4, khi hạn hán làm tê liệt việc phát điện từ đập Kariba.

Khi các nước nghèo phát triển, nhu cầu điện trên toàn cầu của các ngành công nghiệp dự kiến sẽ tăng 400% trong nửa đầu của thế kỷ 21. Đa số các ngành công nghiệp dùng nhiều nước, như khai thác than, dệt và hóa chất, có ở những nước rất dễ bị thiếu nước: Trung Quốc, Úc, Mỹ, và Ấn Độ. Công nghiệp cũng có thể gây căng thẳng cho nguồn cung cấp nước, do gây ô nhiễm nước, khiến nước không dùng được cho con người. Hơn một phần ba sông ngòi của Trung Quốc bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp và những thứ độc hại khác.

Nạn biến đổi khí hậu sẽ càng khiến tình hình này nguy kịch hơn Những nhà thủy học cho rằng khí hậu ấm lên sẽ khiến chu kỳ bốc hơi, ngưng tụ và mưa diễn ra nhanh hơn. Những vùng có mưa sẽ mưa nhiều hơn, và những vùng khô hạn sẽ khô hạn nhiều hơn do các hình thái mưa thay đổi và tốc độ mà đất và một số cây mất độ ẩm sẽ tăng lên.

Lũ lụt và hạn hán sẽ trầm trọng hơn, càng tăng áp lực đối với tài nguyên nước. Những mùa mưa trễ hoặc ít sẽ thay đổi tốc độ làm đầy trở lại của các nguồn nước và tầng ngậm nước. Một khí quyển ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn (cứ ấm thêm 1ºC thì hàm lượng nước của không khi tăng khoảng 7%) tăng xác suất của những trận mưa to đột ngột mà có thể gây lũ quét trên mặt đất khô nẻ. Điều này cũng sẽ tăng thêm trầm tích ở sông và nguồn nước, ảnh hưởng khả năng trữ nước và chất lượng nước.

Tình trạng ít tuyết hơn trong một thế giới ấm hơn gây ra một vấn nạn khác. Những nơi như California phụ thuộc vào nước tan từ trên núi chảy xuống kịp lúc cho mùa hè. Biến đổi khí hậu sẽ khiến khả năng có nước trở nên thất thường hơn ở khu vực miền nam Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ. Tổ chức nghiên cứu độc lập Viện Tài nguyên Thế giới xếp hạng 167 quốc gia, và phát hiện rằng tới năm 2040 có 33 quốc gia đối mặt với tình trạng căng thẳng rất cao về nước (xem bản đồ).

water-stress

Vẫn chưa rõ điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với sản lượng hoa màu nhưng một nghiên cứu của các học giả ở Đại học Columbia không có gì đáng khích lệ. Những nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển cao hơn có thể khiến cây dùng nước hiệu quả hơn ở một số nơi trên thế giới (chúng sẽ mất ít độ ẩm hơn trong quá trình quang hợp). Sản lượng trung bình của những vùng trồng lúa mì được tưới bằng nước mưa — chủ yếu ở Bắc Mỹ và Châu Âu — tới năm 2080 có thể tăng gần 10% và lượng tiêu thụ nước giảm với cùng tỷ lệ đó. Nhưng sản lượng trung bình của các vùng trồng lúa mì được tưới bằng thủy lợi — phổ biến ở những nước như Trung Quốc và Ấn Độ — có thể giảm 4% và sản lượng bắp sẽ giảm ở khắp nơi.

Những kiểu hình thời tiết bị biến đổi sẽ có nghĩa là các cây trồng có thể khô héo ở nơi trước đây chúng từng tươi tốt. Tới năm 2050, cho dù mức tăng nhiệt độ có thể được hạn chế ở 2°C, sản lượng hoa màu có thể giảm một phần năm ở Châu Phi. Ví dụ, những kiểu hình mưa bị biến đổi có thể khiến các điều kiện [tự nhiên] quá khô và nóng nên không thể trồng đậu ở Uganda và Tanzania, theo một nghiên cứu đăng trong tạp chí Nature Climate Change năm nay. Nhưng dự báo chính xác tác động thiệt hơn của lũ lụt hay khô hạn đối với các vùng là điều khó vì dữ liệu thời tiết quá khứ không hẳn hữu ích khi khí hậu biến đổi.

Không có một giải pháp duy nhất nào cho khủng hoảng nước của thế giới. Nhưng việc giảm mức độ sử dụng, cải thiện hiệu quả của việc sử dụng đó và chia sẻ nước một cách hiệu quả hơn đều có ích. Trên thế giới có nhiều chương trình để đạt được mỗi mục tiêu đó nhưng cho tới nay các chương trình đó thường được thực hiện một cách tủn mủn, chứ không phải theo một nỗ lực được phối hợp để bảo tồn các nguồn cung nước của thế giới.

Do sử dụng rất nhiều nước, nông nghiệp là một mục tiêu quan trọng. Thay đổi các tập quán nông nghiệp là điều hệ trọng và giới nông dân, ít nhất là ở các nước giàu, đang ngày càng khôn ngoan hơn trong việc sử dụng nước. Kỹ thuật trồng trọt chính xác (precision planting), các hạt giống lai ít cần tưới nước hơn và các kỹ thuật khác đều đang giúp bảo tồn nguồn cung nước quý giá. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt (drip irrigation: tưới nước trực tiếp tới rễ cây chứ không phải tưới tràn lan) có thể giảm 30%-70% lượng nước sử dụng.

Nước dùng cho nông nghiệp có thể được thu thập bằng những cách khác hơn là bòn rút từ các tầng ngậm nước. Những chương trình lấy nước mưa, bằng cách hứng trong các bể chứa chứ không để nước mưa chảy đi, là chuyện phổ biến. Việc tái sử dụng nước thải có tiềm năng rất lớn. Cây ăn trái ở Israel được tưới bằng nước thải. Tính chung Israel tái sử dụng 86% nước cống của mình, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác; Tây Ban Nha xếp thứ nhì với chỉ 20%. Israel không nghĩ là mình có thể dựa vào các nước láng giềng để cung cấp nước cho mình. Không muốn lệ thuộc vào Malaysia, Singapore tái sử dụng nước cống để biến thành nước uống. Nhưng giới chính khách ở các nước khác quá cẩn trọng nên không để người dân uống nước thải đã được xử lý để tái sử dụng.

Tình trạng căng thẳng về nước ảnh hưởng tới một phần tư các thành phố trên thế giới. Giới hoạch định chính sách có thể làm tốt hơn nhiều điều cơ bản để đối phó với tình trạng này. Có thể bắt đầu bằng việc bịt kín các đường ống rò rỉ: chúng khiến một số thành phố lớn ở Trung Đông và Châu Á thất thoát tới 60% lượng nước. Các thành phố giàu có cũng còn nhiều điều phải khắc phục: London lãng phí 30% lượng nước do rò rỉ; theo một ước tính là tương đương với lượng nước đầy một bồn tắm mỗi ngày cho mỗi gia đình. Ở Chicago nước vẫn được dẫn bằng các đường ống bằng gỗ. Sửa chữa các đường ống có thể sớm trở nên dễ dàng hơn và rẻ hơn. Người ta đang thử nghiệm các hệ thống robot có khả năng phát hiện và sửa chữa những chỗ rò rỉ bằng cách cảm nhận các thay đổi áp lực xung quanh chúng và bịt kín các lỗ hở trong khi các đường ống vẫn đang được sử dụng.

Các nước nghèo, nơi hàng triệu người sống trong các khu ổ chuột không có điều kiện vệ sinh đàng hoàng, trước tiên cần có thêm nhiều đường ống, đó là chưa kể tới các hồ chứa nước và các công trình lọc sạch nước. Ở những nơi cần phải có cơ sở hạ tầng mới, các phương pháp tốt hơn để chạy mô hình dự đoán tình trạng khan hiếm nước có thể hữu ích. Chúng sẽ giúp cho các công trình mới được lắp đặt ở những nơi mà chúng sẽ bảo đảm nguồn cung cấp nước, cho dù biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tới các kiểu hình mưa. Space Time Analytics, một hãng ở Brazil, đang nghiên cứu một hệ thống quản lý rủi ro nước toàn cầu mà sẽ có khả năng tiên đoán các tình trạng khan hiếm nước khả dĩ một cách chính xác hơn.

Juan Carlos Castilla-Rubio, sếp của hãng này, nói rằng để hiểu tại các nguồn cung cấp nước trở nên bấp bênh hơn, trước hết ta cần hiểu hai điều có ảnh hưởng tới lượng nước được chứa trong các hồ và nguồn nước. Thứ nhất là những thay đổi về dung lượng được trữ qua bao năm tháng. Thứ hai là mức biến thiên trong bất kỳ năm nào. Sở dĩ như vậy là do ở nhiều nơi lượng nước được trữ thể hiện mức đệm giữa thành công và thảm họa trong những đợt khô hạn bất ngờ. Và nếu hiểu được cách nó có thể thay đổi do biến đổi khí hậu thì có thể biện minh được cho việc đầu tư trước cơ sở hạ tầng phù hợp.

Các công cụ chạy mô hình dự đoán tốt hơn cũng có thể thuyết phục được chính phủ ở khắp nơi về tính cấp bách của việc xử lý nạn khan hiếm nước. Hiện có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nước, theo nhận định của Ian Simm ở hãng đầu tư Impax Asset Management. Cái khó là ở chỗ làm sao vận động được sự ủng hộ chính trị nhất quán đối với việc đầu tư đó, nhất là ở cấp địa phương. Những nhà đầu tư tư nhân có đầu óc thực tế đã tránh xa việc đầu tư vào nước, do ngại bỏ ra số vốn đầu tư lớn với lợi nhuận không chắc chắn trải dài trong mấy chục năm tương lai. Bà Rao-Monari lý giải, “Nếu tôi xây một nhà máy khử muối cho nước mặn, tôi sẽ được hưởng gì? Đó là vấn đề lớn nhất của ngành này.”

Những quốc gia khô cằn kinh khủng đã cho thấy rằng cơ sở hạ tầng bề thế có thể được xây dựng bằng tiền của và sự ủng hộ chính trị nhất quán. Các nhà máy khử muối biến nước biển thành nước uống, nhưng với chi phí nghe tới là muốn khóc. Chẳng đáng ngạc nhiên là hầu hết các nhà máy lớn nhất nằm ở Trung Đông. Nhà máy Sorek ở Israel, lớn nhất ở nước này, cung cấp nước cho hơn 1,5 triệu người — tương đương với khoảng 20% nhu cầu đô thị. Nhưng tiến trình này vẫn đắt hơn gần như tất cả các cách cung cấp nước ngọt khác vì cần lượng điện rất lớn.

Nước được khử muối thì quá đắt cho việc tưới tiêu nông nghiệp, theo Mike Young, một chuyên gia về chính sách nước tại Đại học Adelaide. Ông cho rằng tốt hơn là các quốc gia nên tận dụng lượng nước ít ỏi mà có một cách hiệu quả hơn. Các hệ thống quản lý hiện có thường cản trở việc chia sẻ như vậy. Ở các quốc gia nghèo các hệ thống này thường rất sơ sài. Ở các quốc gia giàu các chương trình cấp quyền lợi và phân bổ chủ yếu ra đời trong những thời dư dả nước. Chúng thường chậm, quan liêu và quá phân tán. Ví dụ, Mỹ có hơn 50.000 công ty cấp nước. Ở mọi nơi, nước vô cùng khó quản lý. Khi nước chảy, nước được sử dụng và tái sử dụng, khiến khó mà theo dõi và đo lường.

Các hệ thống quyền lợi [về nước] được thiết kế và thực hiện tốt nằm trong số các công cụ hữu hiệu nhất để phân phối nước một cách công bằng và bền vững. Trong một hệ thống như vậy, các bang ở Úc đã bắt đầu cải tổ việc quản lý nước vào năm 1994. Hiếm có nơi nào khác noi theo, dù các nỗ lực cải tổ ở Chile và Yemen đã đạt được thành công ở các mức độ khác nhau.

Một hệ thống “không gộp chung”, trong đó các thành tố được quản lý riêng biệt, có thể thay thế các hệ thống thủy lợi mà trong đó ai tới trước thì có quyền ưu tiên hơn. Ví dụ, ở California, điều này đã gây ra sự phân hóa giữa những người tới bang này trước và sau năm 1914. Và do bất kỳ lượng nước nào được những người có quyền thủy lợi tiết kiệm chuyển xuống cho những người có quyền ít ưu tiên hơn, chẳng có động cơ khuyến khích áp dụng các công nghệ tăng hiệu quả sử dụng nước.

Để tạo ra các quyền về nước có thể mua bán được, Úc trước tiên vạch ra mức sử dụng nước cơ bản, xét tới các nhu cầu thương mại, xã hội và môi trường trong quá khứ. Tiếp đến, các quyền cũ về nước được thay thế bằng các phần sở hữu cấp cho những người nắm giữ (thường là các chủ đất) một tỷ lệ trong lượng phân bổ hàng năm. Những công thức thông minh xét tới mức độ ưu tiên của các quyền đã có từ trước. Các loại phần sở hữu khác nhau quyết định ai được hưởng gì và khi nào cân đối các quyền lợi cạnh tranh nhau của các nông dân ở thượng nguồn và dân thành thị ở hạ nguồn. Sau đó một hội đồng quản lý nhà nước bảo đảm rằng tất cả mọi người sử dụng có được đủ lượng nước mà họ được quyền hưởng.

Các mức phân bổ cho những người nắm giữ phần sở hữu có thể mua bán được, nhưng những người nhận được phần sở hữu cũng có thể để dành cho tương lai. Điều này ngăn chặn việc đột ngột lãng phí nước vào cuối mỗi năm và khuyến khích sử dụng tằn tiện trong thời kỳ hạn hán. Việc cấp phần sở hữu vĩnh viễn bảo đảm rằng một người nắm giữ chỉ có thể có thêm nước nếu có người khác sẵn sàng dùng ít nước hơn. Một hệ thống đăng bạ tập trung kết hợp mọi thứ với nhau. Hai thị trường mua bán đã được tạo ra: một để mua bán các phần sở hữu, và một để mua bán các mức phân bổ nước trong một năm nhất định. Ý tưởng này không phải là mới. Ở những nơi như Oman, các hệ thống aflaj bao gồm các làng mua bán các phần sở hữu và số phút nước chảy.

Sự thay đổi hệ thống như vậy ban đầu vấp phải sự phản đối kịch liệt của giới nông dân và những người sử dụng nhiều ở Úc. Nhưng việc mua bán các mức phân bổ đã thu được nhiều lợi ích lớn lao cho những người nắm giữ phần sở hữu. Trong thập niên đầu tiên của cải tổ này suất sinh lợi nội hoàn (IRR) hàng năm của việc sở hữu một quyền về nước là trên 15%; những người nắm giữ các phần sở hữu nước thấy giá trị của các quyền của mình cứ khoảng 5 năm tăng gấp đôi một lần. Nhưng noi theo gương này sẽ khó ở những nơi khác. Ngay cả các nước giàu cũng sẽ gặp khó khăn về tách biệt các quyền lợi đã tích lũy trong mấy chục năm.

Tuy nhiên cải tổ việc quản lý nước là điều cấp bách. Hơn hai thế kỷ trước, Adam Smith chỉ hơi bi quan về chất lỏng quý giá này. Giới làm phim ngày nay có quan điểm “tận thế” hơn. Ví dụ, trong phim “Mad Max” mới nhất, các băng đảng có vũ trang rượt nhau trong các phong cảnh sa mạc, đánh nhau giành nước. May mắn thay, những kịch bản như vậy vẫn là hư cấu. Nhưng viễn cảnh của những cuộc chiến tranh nước không hề là hoang đường. Một số người nghĩ rằng nạn khô hạn trên toàn cầu là một trong những nguyên nhân dẫn tới cảnh đổ máu ở những nơi như Somalia, Sudan và Syria.

Với cách tính giá thông minh, quyền sở hữu nước rõ ràng hơn và một chút hợp tác, tình trạng khan hiếm nước có thể được giảm bớt. Nếu không hành động, nhân loại sẽ chỉ còn sa mạc.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ The Economist, 5-11-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 23/11/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

 

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.