Ở Việt Nam, nói lên sự thật là tội ‘tuyên truyền’

Featured, Làm quan

Ban Biên tập The Washington Post, 21-10-2016

Hồi tháng 5 năm nay, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama thông báo rằng ông sắp bỏ cấm vận về bán vũ khí sát thương cho Hà Nội trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã lâu. Tuy hoan nghênh các mối quan hệ kinh tế và an ninh ngày càng sâu rộng của Việt Nam với Mỹ, tổng thống Obama cảnh báo rằng để có thể thật sự phồn vinh, Việt Nam nên tôn trọng quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo. Ông nói, “Vẫn có những người thấy rất khó lập hội và tổ chức hoạt động một cách thanh bình về những vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc.”

Công an chặn đường tới một Tòa án Nhân dân Cấp cao trước phiên phúc thẩm xử một blogger người Việt nổi tiếng (Ảnh: Nguyen Tien Thinh/Reuters)
Công an chặn đường tới một Tòa án Nhân dân Cấp cao trước phiên phúc thẩm xử một blogger người Việt nổi tiếng (Ảnh: Nguyen Tien Thinh/Reuters)

Từ những hành động gần đây của Việt Nam dường như đã rõ là nhà cầm quyền ở Hà Nội không tin rằng họ phải để ý tới lời khuyên của ông Obama. Vào ngày 7 tháng 10, họ tuyên bố rằng tổ chức hoạt động dân chủ Việt Tân, tức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, là một tổ chức khủng bố và cảnh báo sẽ có những hình phạt nặng nề đối với bất cứ ai liên hệ với đảng này. Việt Tân, với lời tự giới thiệu là “một tổ chức hoạt động dân chủ đấu tranh để cổ xúy công bằng xã hội và nhân quyền bằng các phương thức bất bạo động”, nói đây là lần đầu tiên đảng này chính thức bị mệnh danh là tổ chức khủng bố theo luật pháp Việt Nam. Ba đảng viên Việt Tân hiện đang thụ án tù lâu năm vì tội viết blog và tổ chức hoạt động cộng đồng.

Vào ngày 10 tháng 10, công an ở tỉnh nam trung bộ Khánh Hòa bắt một blogger nổi tiếng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, bút danh Mẹ Nấm. Cô là nhà đồng sáng lập một mạng lưới những blogger độc lập mà thường bị công kích bởi một chế độ kiểm soát nghiêm ngặt báo chí và không dung thứ sự bất đồng quan điểm. Đài Á Châu Tự Do đã trích dẫn lời phản đối của mạng lưới này cho rằng cô quỳnh là “một nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền, điều kiện sinh sống cải thiện cho người dân, và chủ quyền trong nhiều năm”.

Gần đây nhất, cô Quỳnh đã liên tục viết blog rất nhiều về vụ xả hóa chất hồi tháng 4 tiêu diệt cá biển và khiến ngư dân và nhân viên ngành du lịch mất việc ở bốn tỉnh. Hồi tháng 6, một công ty Đài Loan đã thừa nhận chịu trách nhiệm về vụ gây ô nhiễm này và hứa sẽ dọn sạch, nhưng vụ xả hóa chất này đã làm bùng nổ nhiều cuộc biểu tình phản đối của người Việt chỉ trích chính quyền vì đã im lặng về nguyên nhân gây ra sự cố này ngay từ ban đầu rồi sau đó đã không cung cấp thông tin về các nguy hiểm về sức khỏe và môi trường. Nhiều cuộc biểu tình được vận động trên Facebook.

Khi bị bắt giam, cô Quỳnh bị cáo buộc đăng tải “thông tin tuyên truyền” chống nhà nước. Một thông cáo của công an nói rằng cô đã đăng một báo cáo tổng hợp 31 trường hợp thường dân chết khi bị công an giam giữ, mà thể hiện “thái độ thù địch với lực lượng công an”.

Khi ông Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5, rõ ràng là sự hợp tác an ninh và bình thường hóa quan hệ là mối quan tâm hàng đầu khi Mỹ và Việt Nam đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Đáng chú ý là Việt Nam cũng đồng ý với các cải cách kinh tế và lao động cần có để tham gia hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng các cải cách đó chưa đủ. Việt Nam cũng phải cho người dân có quyền tự do viết blog, biểu tình và phát biểu mà không e sợ.

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Nguồn: The Washington Post, 21-10-2016

 

3 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.