Hòa ước ở Colombia: Triển vọng chấm dứt nội chiến hơn nửa thế kỷ

Làm quan

Hơn một thập niên đã trôi qua kể từ khi đời sống ở Colombia vắng bớt tiếng súng trong cuộc nội chiến dữ dội giữa nhà nước và Các Lực lượng Vũ trang Giải phóng Colombia (FARC), phiến quân cánh tả và sống nhờ buôn lậu ma túy. Một đợt tấn công của các lực lượng chính phủ vào năm 2002 đã đẩy FARC, tổ chức phiến quân lớn nhất và lâu đời nhất ở nước này, vào các vùng rừng núi hẻo lánh. Năm ngoái, FARC đơn phương tuyên bố đình chiến, và gần như chấm dứt chiến sự. Ngày nay, nỗi kinh hoàng của chiến tranh không còn ám ảnh người dân Colombia sống ở đô thị.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa), Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái), và lãnh tụ phiến quân FARC Rodrigo Londono, tại lễ ký hòa ước đình chiến ở Havana, hôm 23-6-2016. (Ảnh: Enrique de la Osa/Reuters)
Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa), Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái), và lãnh tụ phiến quân FARC Rodrigo Londono, tại lễ ký hòa ước đình chiến ở Havana, hôm 23-6-2016. (Ảnh: Enrique de la Osa/Reuters)

Tuy vậy, hòa ước cuối cùng được thông báo hôm 24-8-2016, sau bốn năm đàm phán ở Havana, Cuba, vẫn có tính lịch sử. Hòa ước này đạt được giữa Tổng thống Juan Manuel Santos và lãnh tụ FARC Rodrigo Londoño-Echeverry, thường được gọi là “Timochenko”. Việc đình chiến song phương — theo một thỏa thuận được thông báo hồi tháng 6 — bắt đầu được thực hiện từ ngày 29-8-2016.

Tất cả các nỗ lực trước đây nhằm đàm phán với FARC đã thất bại, và lần này vẫn có thể lại bất thành. Người dân Colombia sẽ bỏ phiếu để chấp thuận hoặc bác bỏ thỏa thuận này vào ngày 2-10. Nếu kết quả là bác bỏ, tức là vẫn còn nội chiến. Và thậm chí kết quả là chấp thuận, việc thực hiện thỏa thuận này sẽ cần phải có những đầu tư lớn và cải cách trên quy mô lớn để giải quyết bạo lực trong quá khứ và đang diễn ra.

Đại đa số người Colombia không biết tới chính trị không có bạo lực. FARC bắt nguồn từ một cuộc nội chiến trước đây có tên là La Violencia, mà đã bắt đầu ở nhiều vùng của nước này vào năm 1946 và bùng nổ sau khi một ứng cử viên tổng thống bị ám sát vào năm 1948. Nói cách khác, nội chiến đã hoành hành Colombia trong sáu thập niên. Bạo lực đã lên tới mức kinh hoàng trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000, khiến hàng trăm ngàn người chết và gây ra một trong những tình trạng tan cửa nát nhà của dân chúng lớn nhất trên thế giới.

Những nỗ lực tìm kiếm hòa bình trước đây

Binh lính Colombia khiêng thi thể của một đồng đội thiệt mạng trong một cuộc tấn công của phiến quân ở làng La Esperanza, ngày 15-4-2015. Tổng thống Santos đã ra lệnh mở lại các cuộc không kích chống phiến quân FARC sau một cuộc tấn công mà ông cho là của phiến quân làm 10 binh sĩ thiệt mạng. (Ảnh: Jaime Saldarriaga/Reuters)
Binh lính Colombia khiêng thi thể của một đồng đội thiệt mạng trong một cuộc tấn công của phiến quân ở làng La Esperanza, ngày 15-4-2015. Tổng thống Santos đã ra lệnh mở lại các cuộc không kích chống phiến quân FARC sau một cuộc tấn công mà ông cho là của phiến quân làm 10 binh sĩ thiệt mạng. (Ảnh: Jaime Saldarriaga/Reuters)

Trước đây cũng đã có nhiều nỗ lực hòa bình để chấm dứt bạo lực, bắt đầu bằng lệnh ân xá cho tất cả chiến binh của mọi phe phái vào năm 1953 và tiếp theo là một kế hoạch “cải tạo” được thực hiện vào năm 1959, nhưng bị bãi bỏ vài năm sau đó. Năm 1982, Tổng thống Belisario Betancur bắt đầu các cuộc đàm phán với nhiều nhóm phiến quân, trong đó có FARC. Những cuộc hòa đàm đó đã dẫn tới những thay đổi quan trọng về nền dân chủ của Colombia, trong đó có hợp pháp hóa Unión Patriótica (Liên hiệp Ái quốc, UP), một đảng chính trị do FARC. Nhưng FARC đã không buộc phải từ bỏ vũ khí và chưa bao giờ giải tán. Những phe chống đối dùng đây làm cái cớ để nhắm tới giới ủng hộ chính trị của đảng này, và ước tính có 5.000 đảng viên đã chết và những người khác là mục tiêu của nạn thanh trừng chính trị. FARC từ bỏ các cuộc đám phán vào năm 1986, và bạo lực leo thang đáng kể và lan khắp đất nước trong thập niên 1990. (Các lực lượng phiến quân khác đã đạt được thỏa thuận với chính phủ để giải tán vào năm 1989 và 1991.)

Năm 1998, Tổng thống Andrés Pastrana nối lại hòa đàm với FARC, nhưng để đổi lại ông đã phải nhượng một lãnh thổ rộng lớn ở miền trung của nước này. FARC đã dùng vùng phi quân sự này để củng cố lực lượng và chẳng hề toàn tâm tham gia đàm phán. Pastrana hủy hòa đàm vào đầu năm 2002. Năm đó, Álvaro Uribe được bầu làm tổng thống và thực hiện lời hứa tranh cử là tăng cường chiến tranh chống FARC. Ông giao quyền lãnh đạo cuộc chiến cho Santos, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, cuộc chiến này khiến FARC mất nhiều lãnh đạo hàng đầu trong các cuộc không kích có mục tiêu, và bị đảo lộn các chuỗi xích thông tin liên lạc và cung ứng. Khi Santos trở thành tổng thống vào năm 2010, ông tận dụng thế thượng phong của chính phủ và bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với FARC. Những cuộc đàm phán đó đã dẫn tới hòa ước đầu tiên đạt được với tổ chức này từ khi thành lập.

Hòa ước

Một người đàn ông chào mừng hòa ước đình chiến lịch sử giữa chính phủ Colombia và phiến quân FARC tại Quảng trường Botero ở Medellin, Colombia, hôm 23-6-2016. Tấm biển ghi “Vĩnh biệt Chiến tranh ở Colombia 1964 - 2016”. (Ảnh: Fredy Builes/Reuters)
Một người đàn ông chào mừng hòa ước đình chiến lịch sử giữa chính phủ Colombia và phiến quân FARC tại Quảng trường Botero ở Medellin, Colombia, hôm 23-6-2016. Tấm biển ghi “Vĩnh biệt Chiến tranh ở Colombia 1964 – 2016”. (Ảnh: Fredy Builes/Reuters)

Trong vòng bốn năm, những nhà đàm phán đã đạt được điều mà chỉ trước đây ít lâu là không thể tưởng nổi: thỏa thuận về cách xử lý những điều được cho là nguyên nhân của cuộc nội chiến, cách phá bỏ các cơ cấu đã giữ cho cuộc chiến tiếp diễn, và cách khôi phục sau nội chiến. Có lẽ kết quả đáng kể nhất là việc FARC công nhận tính chính danh của chính phủ Colombia — điều mà tổ chức này chưa bao giờ muốn thừa nhận trong quá khứ. Cả chính phủ và FARC đều cùng khẳng định rằng “trục trọng tâm của hòa bình là tăng cường sự hiện diện và tính hiệu quả của nhà nước trên lãnh thổ quốc gia toàn vẹn”. Đối với FARC, đây là một nhượng bộ quan trọng; đối với chính phủ, đây là một cam kết quan trọng.

Thỏa thuận này gồm năm mảng cốt lõi — cải tổ nông thôn; sự tham gia chính trị; đình chiến, giải tán lực lượng và tái hội nhập; công lý thời chuyển tiếp và bồi thường cho các nạn nhân; và một giải pháp cho vấn đề ma túy — cũng như các điều khoản về giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Trong hai tháng qua, những điểm khúc mắc cuối cùng đã được thỏa thuận. Vấn đề quan trọng, và gây tranh cãi, nhất liên quan tới hình phạt mà các thành viên FARC sẽ phải chịu, và việc họ chuyển tiếp trở thành thành phần tham gia chính trị hợp pháp.

Hòa ước này là một bước đột phá quan trọng, tạo điều kiện chấm dứt cuộc nội chiến bắt đầu cách đây 52 năm, làm thiệt mạng khoảng 220.000 người, và khiến khoảng 7 triệu người di tản. Theo hòa ước này, FARC sẽ giải trừ quân bị cho 6.800 binh sĩ và 8.500 du kích còn lại, và tập trung ở 23 “vùng bình thường hóa”. Quá trình này sẽ được Liên Hiệp Quốc giám sát. Phiến quân sẽ phá bỏ những trang trại trồng cây thuốc phiện coca và gỡ mìn (đã giết chết 11.000 người kể từ năm 1990). Chính phủ sẽ chi hàng tỷ đôla cho phát triển ở những vùng mà FARC từng kiểm soát.

Công lý và ân xá trong thời chuyển tiếp

Thỏa thuận cuối cùng quy định rằng việc trừng phạt theo các điều khoản của hòa ước là nhằm mục đích “khôi phục và bồi thường” thiệt hại gây ra; nói cách khác, nó dựa trên các nguyên tắc công lý chuyển tiếp, chứ không phải công lý “thông thường”.

Một Tòa án Hòa bình sẽ nghe các lời thú tội và điều tra các tội ác. Ân xá sẽ dành cho những người phạm các tội ác “chính trị”, quan trọng nhất là nổi loạn và các tội ác có liên quan. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các binh sĩ phiến quân sẽ được ân xá và đủ điều kiện được phép tái hội nhập (điều này đã được bảo đảm trong Luật 418 năm 1997, và do Cao ủy Tái hội nhập quản lý).

Sẽ không có ân xá cho những người thú nhận hoặc bị phán quyết phạm các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Một Ban Điều tra và Buộc tội đặc biệt sẽ được thành lập để đánh giá xem những lời thú tội của những người tham gia Tòa án Hòa bình hoàn chỉnh tới đâu. Những người bị phán quyết phạm các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại sẽ “bị hạn chế di chuyển” trong các trung tâm đặc biệt, chứ không phải nhà tù. Những điều khoản này sẽ áp dụng không chỉ với các thành viên FARC mà còn với những người thuộc các lực lượng vũ trang của nhà nước và bất cứ ai muốn thú nhận phạm tội trong cuộc nội chiến.

Các thành viên FARC cũng được bảo vệ tránh khỏi bất cứ yêu cầu dẫn độ nào đối với họ. Cùng với một điều khoản ân xá cho những tội ác có liên quan tới sự nổi loạn, trong đó có tạo nguồn tài chính hoạt động, biện pháp này coi như có nghĩa là các thành viên FARC sẽ không bị truy tố về tội buôn lậu ma túy.

Cuối cùng, ngay cả những phiến quân bị phán quyết phạm các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại sẽ vẫn đủ điều kiện được tranh cử. Điều này có liên quan tới vấn đề gây tranh cãi về sự tham gia chính trị của FARC.

Tham gia chính trị

Phiến quân FARC nghe giải thích về tiến trình hòa bình trong rừng rậm ở Putumayo, Colombia, hôm 17-8-2016. (Ảnh: Fernando Vergara/AP)
Phiến quân FARC nghe giải thích về tiến trình hòa bình trong rừng rậm ở Putumayo, Colombia, hôm 17-8-2016. (Ảnh: Fernando Vergara/AP)

Những cựu thành viên FARC members sẽ được tự do tham gia chính trị và sẽ được hỗ trợ về cơ cấu, bao gồm tài trợ, để tham gia. Điều quan trọng là FARC sẽ không bắt đầu thành lập đảng chính trị cho tới sau khi giải trừ quân bị và sẽ không tham gia vào chính trị bầu cử cho tới năm 2018, tức là cho tới khi tổ chức này đã giải trừ quân bị hoàn toàn (theo kế hoạch sẽ diễn ra trong vòng 180 ngày sau khi ký hòa ước, dưới sự giám sát của một ủy ban Liên Hiệp Quốc). Trình tự này chỉnh sửa một sai lầm nghiêm trọng trong nỗ lực trước đây nhằm đưa FARC trở lại tham gia chính trị bầu cử: Trong vòng đàm phám Betancur, FARC đã không buộc phải giải trừ quân bị trước, khiến giới ủng hộ dân sự của FARC trở thành mục tiêu của bạo lực từ các đối thủ.

Nếu thỏa thuận này được chấp thuận (xem phần dưới đây), FARC sẽ cử sáu người đại diện làm “phát ngôn viên” tại Quốc hội (ba tại Hạ viện và ba tại Thượng viện), nhưng họ sẽ không có quyền bỏ phiếu — chỉ được phát biểu. Với kỳ bầu cử 2018, FARC có thể đưa ra một danh sách ứng cử viên vào Quốc hội nhưng bất kỳ đảng chính trị nào khác. Bất luận thành bại ra sao trong kỳ bầu cử đó, đảng này sẽ được bảo đảm năm ghế đặc biệt tại Hạ viện và năm tại Thượng viện. (Quốc hội của Colombia là lưỡng viện, nhưng các khu vực bầu cử rất lớn: Mỗi vùng, tương đương một tiểu bang, cử một số đại biểu vào Hạ viện, còn Thượng nghị sĩ tranh cử trên toàn quốc. Đây là một lý do để tin rằng một đảng FARC sẽ gặp khó khăn: Sức mạnh của tổ chức này dựa trên các vùng, và đã giảm đáng kể từ những năm 1990. Và vẫn chưa rõ liệu tổ chức này có xây dựng được một cương lĩnh có sức hấp dẫn đối với người dân Colombia trên bình diện quốc gia hoặc thậm chí vùng.) Những bảo đảm này sẽ chỉ tồn tại trong hai kỳ bầu cử “chuyển tiếp”, vào năm 2018 và 2022.

Ngoài những người đại diện FARC, sẽ có 16 chỗ dành riêng trong Quốc hội cho các khu vực đặc biệt chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Ở đây, bất cứ ai cũng có thể tranh cử và không cần phải thuộc đảng nào. Những khu vực đặc biệt này cũng sẽ chỉ có đại diện được bảo đảm cho tới kỳ bầu cử năm 2022.

Những bước tiếp theo

Thỏa thuận đình chiến song phương bắt đầu từ ngày Thứ Hai 29-8-2016. Ngoài ra, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về hòa ước này. Cuộc trưng cầu dân ý này, vào ngày 2-10, sẽ cho phép cử tri Colombia chấp thuận hoặc bác bỏ hòa ước. Kết quả phiếu bầu “Có” sẽ chấp nhận hòa ước này và giúp các biện pháp đã được đàm phán được người dân công nhận tính chính danh. Nếu kết quả phiếu bầu là “Có”, FARC sẽ bắt đầu tập hợp ở những lãnh thổ mà tổ chức này đã đồng ý tập trung hóa, và sẽ giải trừ quân bị. Một dự luật cũng sẽ được trình quốc hội để đưa ra những điều khoản ân xá của luật hòa ước.

Nếu kết quả trưng cầu dân ý là “không”, thì sẽ quay lại nội chiến. Giới phản đối hòa ước này cho rằng các điều khoản của hòa ước quá rộng lượng cho FARC. Người đứng đầu phe công kích kịch liệt nhất là Álvaro Uribe, người tiền nhiệm của đương kim tổng thống Santos. Đợt tấn công mãnh liệt nhắm vào FARC trong thời gian ông Uribe làm tổng thống đã mở đường cho hòa đàm (nhưng cũng dẫn tới một số hành động tàn bạo của các lực lượng thân chính phủ). Nay là thượng nghị sĩ, ông Uribe lên án hòa ước này là sự đầu hàng “chủ nghĩa Chavez kiểu Castro”

Giới phản đối nghĩ rằng hòa ước không trừng phạt các thành viên FARC đủ mức cho các các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại, hoặc tội buôn lậu ma túy. Giới phản đối cũng nói rằng họ không nghĩ là các cựu thành viên FARC nên được phép tham gia chính trị. Họ đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội, hứa hẹn có một hòa ước với các điều khoản tốt hơn nếu cử tri bác bỏ hòa ước này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy kết quả trưng cầu dân ý sẽ rất sát sao.

Sự chống đối của ông Uribe dường như sai lầm. Tuy còn khiếm khuyết, “công lý chuyển tiếp” mà hòa ước sẽ mang lại sẽ nghiêm ngặt hơn công lý đã đạt được ở các nước khác từng chấm dứt những cuộc nội chiến khốc liệt, như Nam Phi và El Salvador. Những người tham gia hòa đàm đã yêu cầu Giáo hoàng và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc giúp chọn lựa ủy ban sẽ bổ nhiệm các thẩm phán vào Tòa án Hòa bình. Điều đó sẽ giúp tăng mức độ tín nhiệm của nó.

Trong phát biểu thông báo đạt được hòa ước, Humberto de la Calle, trưởng ban đàm phán của chính phủ, nói: “Hòa ước chúng tôi đạt được chắc chắn không phải là thỏa thuận hoàn hảo … Tất cả chúng ta hẳn đều muốn thêm nữa. Chúng tôi tại bàn đàm phán cũng muốn thêm nữa. Nhưng hòa ước đạt được ở đây là hòa ước có thể bền vững, tốt nhất có thể đạt được.”

Nếu kết quả trưng cầu dân ý là bác bỏ hòa ước thì sẽ là một thảm họa. FARC không thể trở lại sức mạnh hủy diệt như xưa, nhưng ngay cả mới năm 2013 có khoảng 2.000 cuộc đụng độ có vũ trang. Các vùng nông thôn gánh chịu ảnh hưởng tàn khốc của chiến tranh đang hết sức cần hòa bình. Người dân Colombia có cơ hội chấm dứt một trong những cuộc xung đột lâu nhất thế giới. Họ nên nắm bắt cơ hội đó.

Khương An tổng hợp từ Washington Post & The Economist.

(Bài đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 31/8/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

One thought on “Hòa ước ở Colombia: Triển vọng chấm dứt nội chiến hơn nửa thế kỷ

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.