EU, Ireland, và miếng táo 13 tỷ euro

Làm giàu, Làm quan

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hôm 30-8-2016, sau ba năm điều tra, bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu, đã công bố phán quyết buộc Ireland truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ đô-la) tiền thuế từ Apple. Lý do: Apple hưởng lợi quá nhiều từ chính sách ưu đãi thuế “thơm tho” của Ireland mấy chục năm qua.

Ưu đãi đó không những hào phóng mà còn chỉ dành riêng cho Apple; không đối thủ cạnh tranh nào được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt như vậy. Do vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh của Liên hiệp Châu Âu (EU) xem đó là trợ cấp nhà nước bất hợp pháp theo luật lệ của EU. Với ưu đãi của Ireland, Apple chuyển tới hai phần ba lợi nhuận toàn cầu của hãng thông qua một số công ty đăng ký ở Ireland. Nhờ đó Apple chỉ đóng thuế từ 0,005% tới 1% trên lợi nhuận ở Châu Âu, trong khi thuế suất doanh nghiệp thông thường ở Ireland là 12,5%.

Phán quyết lịch sử

Trong bốn năm qua, Ủy ban Châu Âu đã xem xét những ưu đãi thuế hào phóng tương tự dành cho các công ty đa quốc gia. Những ưu đãi thuế của Luxembourg (dành cho Fiat) và Hà Lan (dành cho Starbucks) đã bị xem là trợ cấp nhà nước bất hợp pháp. Cả Fiat và Starbucks đều đang kháng cáo các phán quyết này. Cơ quan quản lý cạnh tranh của EU cũng đang điều tra chế độ ưu đãi thuế của Luxembourg dành cho McDonald’s và Amazon.

Ủy ban Châu Âu cho rằng chế độ ưu đãi của Ireland dành cho Apple từ năm 1991 tới 2015 đã cho phép Apple ghi sổ doanh thu cho một “hội sở” chỉ tồn tại trên giấy tờ và không thể nào kiếm được lợi nhuận nhiều như vậy.

Nhờ đó, Apple tránh thuế đối với gần như toàn bộ lợi nhuận từ doanh thu hàng tỷ euro từ bán điện thoại iPhone và các sản phẩm khác trên thị trường chung EU. Lợi nhuận của Apple được ghi sổ ở Ireland chứ không phải ở quốc gia sản phẩm được bán.

Bà Vestager đề nghị các nước khác, trong đó có Mỹ, nay nên xem xét cách Apple kinh doanh trên lãnh thổ của họ. Những nước khác này khi đó có thể đòi một phần trong khoản nợ thuế của Apple trong cùng thời kỳ đó. Nếu vậy thì số tiền nợ thuế với Ireland sẽ giảm xuống.

Con số 13 tỷ euro chỉ bao gồm 10 năm trước khi Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên yêu cầu thông tin vào năm 2013. Ủy ban không có quyền đòi truy thu lâu hơn. Số tiền 13 tỷ euro cộng lãi cao gấp 40 lần kỷ lục trước đây cho một vụ như vậy.

Apple có giá trị 570 tỷ đô-la trên thị trường chứng khoán, và hơn 230 tỷ đô-la tiền mặt, trong đó hơn 90% giữ ở ngoài nước Mỹ, nên phán quyết của EU nếu có thực hiện cũng chẳng làm suy suyển tài chính hay mức chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Apple. Con số 13 tỷ euro theo phán quyết này chỉ cao hơn một phần tư lợi nhuận cả năm gần đây nhất của Apple (53,4 tỷ đô-la) và bằng với doanh thu từ 20 triệu điện thoại iPhone6.

Nhưng với Ireland, 13 tỷ euro là một số tiền khủng: cao hơn ngân sách y tế 12,9 tỷ euro hàng năm và gần bằng một phần ba tổng mức thu thuế của Ireland trong năm 2015 (45,6 tỷ euro). Tính bình quân đầu người cho 4,6 triệu dân Ireland thì tương đương 2.830/người.

Phán quyết này đã bị Apple và Ireland phản ứng dữ dội, và có thể gây bất hòa chính trị giữa Mỹ và EU. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng phán quyết này có thể tác hại cho tinh thần hợp tác kinh tế giữa Mỹ và EU. Apple, và cả Ireland, cho biết sẽ kháng cáo.

Trong nhiều tháng qua nội các và giới chức trách ở Ireland đã chuẩn bị tinh thần đón nhận một kết cuộc không vui từ cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu. Họ tự tin tiên đoán khoản nợ thuế mà EU sẽ buộc Apple trả cho Ireland đâu đó chừng mấy trăm triệu euro, và chính phủ Ireland dự định sẽ kháng cáo bất kể là bao nhiêu.

Nhưng con số khổng lồ mười mấy tỷ euro, cùng với thông điệp của EU là công ty giàu nhất thế giới và một nước thành viên EU đã thông đồng trong mấy chục năm qua để tránh thuế trên quy mô lớn, đã khiến chính phủ Ireland bất ngờ. Thủ tướng Enda Kenny nói Ireland lâm vào tình thế “vô tiền khoáng hậu”.

Gọi phán quyết này “kỳ quặc và quá đáng”, bộ trưởng tài chính Michael Noonan nói Ireland phải kháng cáo để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống thuế Ireland, và phản đối việc các quy định của EU về trợ cấp nhà nước xâm phạm vào quyền hạn đánh thuế của các nước thành viên. (Ngoài thuế trị giá gia tăng đã thống nhất giữa các nước thành viên, EU không có thẩm quyền đối với thuế doanh nghiệp; các nước thành viên luôn có quyền ấn định thuế suất.)

Giới chính khách Ireland đồng lòng trong vụ này. Đảng cầm quyền Fine Gael, đảng đối lập chính Fianna Fáil, và một số dân biểu độc lập làm bộ trưởng trong chính phủ liên minh đều ủng hộ chế độ ưu đãi thuế cho các công ty đa quốc gia vì nó tạo ra hàng trăm ngàn việc làm.

Tổng giám đốc Apple Tim Cook chỉ trích Ủy ban Châu Âu không thèm đếm xỉa tới luật pháp Ireland và làm đảo lộn hệ thống thuế quốc tế. Trong thư gởi khách hàng, ông Cook nói tác động sâu sắc và tai hại nhất của phán quyết này sẽ là đối với đầu tư và tạo việc làm ở Châu Âu. “Nếu theo lý thuyết của Ủy ban, mọi công ty ở Ireland và trên toàn Châu Âu đột nhiên có nguy cơ bị đánh thuế theo những luật lệ chưa hề tồn tại.”

Nhiều năm qua, Ireland đã chịu áp lực từ nhiều phía đòi nước này bỏ các chính sách ưu đãi thuế quá rộng tay với các công ty đa quốc gia. Áp lực không chỉ từ các nước Châu Âu khác, mà còn từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Ở Mỹ, Ireland xưa nay bị chỉ trích nặng nề vì giúp các tập đoàn lớn giữ lợi nhuận ở nước ngoài, khiến ngành thuế vụ Mỹ không đụng tới được.

Các công ty đa quốc gia của Mỹ thường chẳng muốn chuyển lợi nhuận về Mỹ vì thuế suất 35% ở đó thuộc hàng cao nhất thế giới. Hẳn nhiên các hãng lớn lo khi EU quyết chí ngắm nghía túi tiền rủng rỉnh của mình, nhưng họ thà bị đánh thuế ở Châu Âu hơn là ở Mỹ.

Tránh thuế qua ngõ Ireland

Phán quyết này xoáy vào cơ cấu doanh nghiệp đặc thù của Apple ở Ireland. Cơ cấu này khác về một khía cạnh quan trọng so với hình thức “double Irish” được hầu hết các công ty đa quốc gia khác áp dụng, dù lợi ích về thuế chẳng khác gì nhau.

Trước tiên xin nói sơ qua mẹo “double Irish”, hiểu nôm na là tránh thuế qua ngõ Ireland hai lần. Gọi như vậy là do mẹo tránh thuế này cần có hai công ty Ireland. Các công ty đa quốc gia của Mỹ ở Ireland thường dùng các công ty con đăng k‎ý ở Ireland để ghi nhận doanh thu từ khắp Châu Âu, và có khi từ những nơi khác. Họ làm như vậy theo một cách giúp phần lớn lợi nhuận tránh được thuế doanh nghiệp Ireland, mà thuế suất đã thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ có 12,5%.

Mẹo này thường được thực hiện bằng cách chuyển các khoản trả tiền bản quyền cho sở hữu trí tuệ sang một công ty ở Ireland, rồi sang một công ty con khác đăng ký thành lập ở Ireland nhưng lại đăng ký đóng thuế ở một nước không có thuế doanh nghiệp, chẳng hạn như Bermuda. Nhờ đó, doanh nghiệp áp dụng cách này có thể giảm thuế suất hiệu dụng của mình (một cách hoàn toàn hợp pháp) xuống thấp hơn nhiều so với thuế suất hiện đã thấp của Ireland, trong một số trường hợp xuống thấp hơn 2%. Các hãng công nghệ và dược phẩm Mỹ rất thích mẹo này.

Hầu hết các công ty đa quốc gia vận dụng “double Irish” như sau. Họ lập một công ty đăng ký‎ ở Ireland nhưng đăng ký đóng thuế ở nơi khác, thường là ở một nơi tránh thuế (tax haven) như Bahamas hay Quần đảo Cayman. Công ty này “nắm giữ” quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh thu ở Châu Âu. Nói cách khác, nó có một tài sản đại diện cho tất cả mọi hoạt động nghiên cứu và phát triển, và tiếp thị đã được thực hiện trên bất cứ sản phẩm nào có liên quan.

Công ty đa quốc gia này có một công ty thứ hai ở Ireland ghi nhận doanh thu từ khắp Châu Âu. Công ty thứ hai này trả cho công ty thứ nhất tiền bản quyền sở hữu trí tuệ. Khoản này thường chiếm một phần lớn trong doanh thu, nên lợi nhuận do công ty thứ hai khai thuế (công ty này đăng ký đóng thuế ở Ireland) thường thấp, và phần lớn tiền lời dồn về công ty đăng ký đóng thuế ở hải ngoại. Nhờ vậy, các công ty Mỹ đã giữ được số lợi nhuận khổng lồ ở hải ngoại, và khỏi chuyển về Mỹ để tránh bị thuế 35%.

Theo một báo cáo hồi tháng 3 của tổ chức Công dân vì Công bằng Thuế, Mỹ, tất cả các công ty Mỹ trong danh sách Fortune 500 tránh được tới 695 tỷ đô-la tiền thuế liên bang nhờ giữ các khoản lợi nhuận “tái đầu tư vĩnh viễn” tổng cộng 2,4 ngàn tỷ đô-la ở hải ngoại. Trong các báo cáo tài chính thường niên mới nhất của họ, 27 trong số những công ty này cho biết họ đóng thuế doanh nghiệp ở mức 10% hoặc thấp hơn tại những nước mà các khoản lợi nhuận đó được lưu giữ chính thức.

Cơ cấu của Apple hơi khác với thông lệ. Phán quyết của Ủy ban Châu Âu đề cập tới hai công ty Apple Sales International và Apple Operations Europe. Nhưng, khác với hầu hết các công ty đa quốc gia khác, Apple không đặt quyền sở hữu trí tuệ của mình cho Châu Âu và các thị trường khác ngoài Mỹ trong một công ty riêng biệt.

Thử xét Apple Sales International: Apple chia công ty này thành hai “phần”, một chi nhánh (branch) ở Ireland và một hội sở (head office) ở hải ngoại, hội sở này không đăng ký đóng thuế ở nơi nào cả trong thời kỳ bị điều tra. Quyền sở hữu trí tuệ thuộc hội sở. Giống như các công ty đa quốc gia khác, Apple tính tiền bản quyền sở hữu trí tuệ rất cao cho doanh thu tại những nơi khác ở Châu Âu, và dùng cách này để giảm thuế Ireland đánh vào lợi nhuận kiếm được ở Châu Âu và nơi khác xuống mức rất thấp (theo phán quyết, chỉ từ 0,005% tới 1%).

Trong khi các tập đoàn lớn khác chuyển lợi nhuận lòng vòng giữa hai công ty riêng biệt, Apple chuyển giữa hai phần của cùng một công ty. Thỏa thuận với cơ quan thuế vụ Ireland (có từ năm 1991) giúp Apple chuyển lợi nhuận giữa một chi nhánh ở Ireland và một hội sở đều thuộc một công ty là căn cứ chính của phán quyết bất lợi cho Apple (và Ireland). Ủy ban Châu Âu cho rằng đây là chuyện giả tạo và giúp Apple hưởng một đặc quyền mà các công ty khác không có. Do đó, Ủy ban Châu Âu phán quyết rằng chế độ ưu đãi thuế quá hào phóng của Ireland dành cho Apple là trợ cấp nhà nước bất hợp pháp theo luật lệ của EU. Giới chuyên gia thuế nhận định rằng nếu như đã dùng cơ cấu “double Irish” truyền thống (chuyển lợi nhuận giữa hai công ty chứ không phải trong nội bộ), có lẽ Apple đã tránh được vụ đau đầu này.

tax-schemes

double-irish-with-a-dutch-sandwich

Các công ty đa quốc gia sẽ chẳng còn tận dụng “double Irish” được bao lâu nữa. Ngày 14-10-2014, Ireland quyết định từ đầu năm 2015, “double Irish” đã được bỏ dần và sẽ chấm dứt vào năm 2020. Từ tháng 1-2015, tất cả các công ty mới được đăng ký ở Ireland cũng sẽ phải đăng ký đóng thuế ở nước này, coi như hết đường dùng “double Irish”. Ireland đành phải làm vậy do áp lực từ Mỹ, Ủy ban Châu Âu, và OECD; các bên này đang phối hợp để thực hiện cải cách đa phương về luật thuế quốc tế để chống tránh thuế.

Hiện thời, chưa rõ các ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 ủng hộ phía nào trong phán quyết này. Donald Trump từng nói ông sẽ buộc các công ty Mỹ, đặc biệt là Apple, đưa việc làm sản xuất công nghiệp nhẹ về lại Mỹ, chứ không để họ tìm nguồn lao động rẻ hơn ở nước ngoài. Ông cũng từng nói là sẽ giảm thuế doanh nghiệp. Hillary Clinton cũng từng nói bóng gió là có thể giảm thuế doanh nghiệp. (Bà có quan hệ thân thiết với Apple hơn ông Trump.)

Đe dọa mô hình phát triển lâu năm

Steve Jobs, đồng sáng lập viên Apple (trái), và dân biểu địa phương Gene Fitzgerald tại nhà máy của Apple ở Cork năm 1980. (Ảnh: Irish Examiner)
Steve Jobs, đồng sáng lập viên Apple (trái), và dân biểu địa phương Gene Fitzgerald tại nhà máy của Apple ở Cork năm 1980. (Ảnh: Irish Examiner)

Cách đây 36 năm, Steve Jobs mở nhà máy sản xuất ở nước ngoài đầu tiên của Apple tại thành phố Cork. Lúc đó, Apple chỉ sử dụng 60 nhân công ở Cork, giữa lúc Ireland đang cố thoát ra khỏi cơn suy thoái kinh tế tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Hiện nay, Apple có 6.000 nhân công tại cùng nhà máy đó. Sự hiện diện của Apple ở Cork có lẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho việc Ireland biến đổi từ một xã hội nông nghiệp thành một trong những nền kinh tế hiện đại và sống động nhất Châu Âu.

Phán quyết của EU không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Ireland với các đồng minh EU và giới đầu tư ở Mỹ, mà còn có thể đe dọa tính bền vững của mô hình phát triển kinh tế của Ireland. Tuy đã có từ hơn 60 năm trước, từ đầu thập niên 1990 mô hình này gần như chỉ tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những công ty tới làm ăn ở Ireland có được các lợi thế như lực lượng lao động linh hoạt, tiếng Anh và luật Anh, quyền tiếp cận thị trường chung của EU, và thuế suất doanh nghiệp thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Nhờ đó, dòng vốn FDI, nhất là từ các tập đoàn công nghệ Thung lũng Silicon và các công ty dược phẩm và y tế Mỹ, cuồn cuộn đổ tới. Ngoài Apple, các công ty đa quốc gia như Microsoft, Intel và Pfizer hoạt động nhiều ở Ireland. Google và Facebook đặt đại bản doanh quốc tế của mình ở Dublin. Khoảng 700 công ty Mỹ hoạt động ở Ireland, sử dụng 140.000 nhân công, thường trong các công việc lương cao trong các mảng nghiên cứu và phát triển, kinh doanh, tiếp thị, tài chính, và thiết kế. Frank Barry, giáo sư kinh doanh quốc tế và phát triển kinh tế ở đại học Trinity College Dublin, nhận định rằng Ireland là nước tập trung vào FDI nhiều hơn bất cứ nước nào khác, và chính vì vậy không phải là nền kinh tế lương thấp.

Chỉ có Singapore tranh giành với Ireland danh hiệu điểm đến hấp dẫn nhất thế giới cho FDI. Khoảng 90% lượng xuất khẩu từ Ireland là của các công ty nước ngoài. Sự hiện diện của các công ty toàn cầu lớn này đẩy mạnh sự phát triển của các ngành nội địa mới, nhất là các hãng khởi nghiệp bằng vốn của chính người Ireland.

Tất nhiên có những mặt trái. Ireland trở nên quá lệ thuộc vào thuế doanh nghiệp thu từ các công ty nước ngoài. Theo một nghiên cứu về số thuế doanh nghiệp thu được của Cơ quan Quản lý Ngân khố Quốc gia của Ireland, 10 công ty lớn nhất đóng tới 40% trong tổng số thuế thu được năm ngoái, tăng từ mức trung bình 23% từ năm 2008 và 2012. Và hoạt động của một số công ty này gây lệch lạc số liệu kinh tế Ireland. Số liệu chính thức hồi tháng 7 cho thấy nền kinh tế tăng trưởng gần 30% trong năm ngoái do các công ty đa quốc gia chuyển quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và các tài sản khác tới Ireland, thường vì mục đích “chạy thuế”.

Chưa có ý kiến thống nhất về thời điểm chính xác khi giới hoạch định chính sách Ireland quyết định FDI là giải pháp cho những khó khăn kinh tế mang tính cơ cấu của đất nước. Khi hòn đảo Ireland bị chia cắt cách đây gần một thế kỷ, vùng tập trung công nghiệp lại nằm ở lãnh thổ nay là Bắc Ireland. Nền kinh tế của nước cộng hòa mới độc lập chủ yếu là nông nghiệp, lệ thuộc vào Vương quốc Liên hiệp Anh về nguồn vốn và hàng xuất khẩu, khốn đốn vì dân bỏ xứ ra đi, tự trói bằng chủ trương bảo hộ, và bị suy sụp trong thời gian dài. Cũng vào năm 1957, nhà kinh tế học TK Whitaker, một quan chức trong bộ tài chính Ireland, đã tư vấn với vị bộ trưởng mới được bổ nhiệm rằng nếu tình hình không thay đổi, nước cộng hòa có lẽ nên tái gia nhập Vương quốc Liên hiệp Anh.

Chính sách công nghiệp của Ireland bắt đầu hình thành trong thập niên 1960; Pfizer là một trong những công ty đầu tiên tới Ireland, lập nhà máy ở Cork vào năm 1969. Sau khi Ireland gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu năm 1973, lần đầu tiên nền kinh tế biết mùi thương mại tự do. Khi tư cách thành viên của EU trở thành một nhân tố kinh tế quan trọng, dòng vốn nhỏ giọt ban đầu biến thành con sông; sau khi cơ quan xúc tiến đầu tư IDA Ireland chuyển trọng tâm hoàn toàn sang FDI vào năm 1994, nó biến thành cơn lũ cuồn cuộn nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cùng với tư cách thành viên EU, xu hướng số hóa đã tăng tốc tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng của Ireland trong 25 năm qua.

Do quy mô nhỏ của nền kinh tế, hẳn là chính phủ Ireland không có lựa chọn nào khác hơn là quyết liệt chống lại điều mà Ireland cho là hành động vượt quá thẩm quyền của EU. Bộ trưởng chi tiêu ngân sách Paschal Donohoe nói thông điệp từ Ireland rất rõ ràng: “Một nội các đoàn kết và một chính phủ đoàn kết để bảo vệ hệ thống thuế của chúng tôi và vai trò thiết yếu của nó trong việc tạo ra việc làm”.

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Chạy thuế

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.