Rio đăng cai Olympics giữa trăm mối lo bề bộn

Làm giàu, Làm quan

rio2016Cách đây 7 năm, khi Rio de Janeiro giành được quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2016, cidade maravilhosa (thành phố tuyệt vời) dường như xứng đáng với biệt hiệu của mình. Nạn bạo lực, vốn là một phần trong hình ảnh của Rio cũng như các bãi biển của thành phố này, đã giảm liên tục trong hơn một thập niên. Nền kinh tế của Rio, và của tiểu bang xung quanh (cũng gọi là Rio de Janeiro), lúc đó đang bùng nổ, nhờ nhu cầu của thế giới đối với dầu ngoài khơi của nước này. Theo tuyên bố của ban tổ chức, Thế vận hội sẽ thể hiện một thành phố thịnh vượng, tự tin. Cũng quan trọng không kém là nếu Rio có thể chứng tỏ rằng mình có thể hoạch định giỏi như chơi bời tiệc tùng, thành phố này sẽ dẹp tan quan niệm cho rằng “Brazil không phải là một đất nước nghiêm túc”, như một nhà ngoại giao Brazil đã nói trong thập niên 1960. “Những ai cho chúng tôi cơ hội này sẽ không hối tiếc,” đó là lời hứa của Luis Inácio Lula da Silva, vị tổng thống đã mang Thế vận hội về cho Brazil.

Trong thời gian cận kề lễ khai mạc vào ngày 5-8, sự tự tin của Rio có vẻ đang lung lay. Hôm 24-7, đội Úc rời bỏ làng Thế vận hội ở quận Barra da Tijuca, than phiền về bồn cầu bị nghẹt và dây nhợ lòng thòng. Nhưng đó là những trục trặc vụn vặt so với những vấn đề khác đang hoành hành ở thành phố đăng cai. Vịnh Guanabara, nơi các vận động viên thuyền buồm sẽ thi đấu, vẫn có nhiều phần là nơi nhận nước cống thải ra. Trận bùng phát Zika, loại virus từ muỗi gây teo não ở trẻ sơ sinh, hồi năm ngoái đã khiến một số vận động viên lo sợ và không tham dự. Đặc biệt, những vận động viên golf nam đang tránh né Rio như thể bãi biển Ipanema là một cái bẫy cát khổng lồ. Các cảnh sát viên, vốn bị chậm trả lương do chính quyền tiểu bang khánh tận, đã chào đón khách tại phi trường quốc tế bằng những tấm biển ghi (bằng tiếng Anh) “welcome to hell” [“chào mừng tới địa ngục”]. Một tuyến tàu điện và hành lang xe buýt mới, di sản chính của Thế vận hội cho carioca (cư dân thành phố), chậm hơn tiến độ dự kiến.

Những khó khăn địa phương này càng trầm trọng hơn do các khủng hoảng quốc gia. Brazil đang bị suy thoái nặng. Tổng thống Dilma Rousseff đang bị luận tội về những cáo buộc bà thao túng tài chính quốc gia; một chính phủ tạm quyền do Michel Temer đứng đầu đang lèo lái đất nước. Rio là một trong những trung tâm của những vấn nạn quốc gia. Petrobras, công ty dầu khí quốc doanh đang dính vào vụ bê bối tham nhũng hàng tỷ đôla dẫn tới những yêu sách đòi luận tội bà Rousseff, đặt trụ sở chính ở đó. Lực lượng cảnh sát của thành phố cũng không phải là ngoại lệ cho tiêu chí bạo lực Brazil: cảnh sát đã giết 40 người chỉ trong tháng 5. Danh tiếng của thành phố này là một đô thị nhìn bề ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong hư đốn, thối rữa không phải hoàn toàn không xứng đáng.

Song, Rio có thể khiến những kẻ hoài nghi bẽ mặt. Thành phố này tổ chức lễ hội Carnival khổng lồ mỗi năm mà không lâm vào cảnh hỗn loạn. Các đấu trường thể thao đã sẵn sàng. Tình trạng vượt dự toán kinh phí để xây dựng các khu thi đấu và cho các khoản chi tiêu Thế vận hội khác của Rio thấp hơn mức trung bình của các thành phố đăng cai, và phần lớn số tiền đó huy động từ các nguồn tư nhân. Chính phủ liên bang đã viện trợ khẩn cấp cho tiểu bang 2,9 tỷ real (890 triệu đôla) một phần để trả lương cho cảnh sát. Chính phủ đã cử 27.000 lính và vệ binh quốc gia để chống tội phạm và phòng ngừa khủng bố (hôm 21-7 cảnh sát cho biết họ đã phá được một âm mưu của bọn thánh chiến nội địa). Các tuyến kết nối xe buýt trễ nải nhưng đang hoạt động; ban tổ chức hứa là tuyến tàu điện sẽ đưa vào vận hành trước ngày 30-7. Sau khi khu ở của họ tại được sửa chữa nhanh, đội Úc đã quay trở lại làng Thế vận hội.

Họ và 500.000 người hâm mộ thể thao dự kiến sẽ tham dự Thế vận hội sẽ rời khỏi thành phố sau khi Thế vận hội kết thúc. Nhưng 6,5 triệu dân Rio sẽ vẫn ở lại. Bất kể Thế vận hội sẽ khiến thiên hạ kinh ngạc hay thất vọng, cư dân thành phố sẽ thấy rằng Thế vận hội chẳng thể chặn được đà suy tàn từ thập niên 1960 của thành phố.

Đẹp thôi chưa đủ

Bất luận họ sống ở khu ven biển hào nhoáng của Rio, ở một trong hơn 1.000 favela (khu ổ chuột) của thành phố hay tại các khu ký‎ túc xá tồi tàn, tâm trạng chung là ảm đạm. Một sinh viên luật tới đây ba năm trước, định ở lại sau khi học xong, nhưng nay muốn bỏ đi: cô quá chán ngán những khoản cắt giảm ngân sách trường đại học công lập nơi cô họ và những cuộc đình công khiến trường hủy bỏ các buổi học. Một nhóm doanh nhân cố gắng cải thiện cách quản lý nhà nước của tiểu bang vào năm 2008 bằng cách thuê một nhà tư vấn có tiếng tư vấn về quản lý cho chính quyền. Vài năm sau, bộ máy công quyền trở lại thói quen ban phát “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Những người bạn bản xứ của José Padilha, một đạo diễn điện ảnh sống ở Los Angeles, lâu nay bảo ông cứ ở đó. Theo một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành hồi tháng 9 năm ngoái, 56% carioca muốn rời khỏi thành phố Rio, tăng từ mức  27% vào năm 2011.

Du khách không thể không thấy cảnh tượng chướng mắt của sự tương phản giàu nghèo nằm kế cạnh nhay, một hậu quả của địa hình tuyệt mỹ của Rio cũng như cách quản lý nhà nước kém cỏi của nơi này. Cư dân của khu Gávea giàu có có thể thọ hơn 80 tuổi, cao hơn 13 năm so với láng giềng ở Rocinha, một khu favela lớn kế bên. Tỷ lệ tội phạm cũng khác biệt nhiều. Năm ngoái, 133 người đã chết vì bạo lực ở Santa Cruz, một khu nhìn cứ tưởng bình yên ở mũi tây của Rio. Ở ba khu ven biển Zona Sul (vùng phía nam), với dân số tính chung gần bằng với dân số của Santa Cruz, con số này chỉ là 11. Một ưu tiên ở khu trung lưu Copacabana, nơi một phần tư cư dân từ 65 tuổi trở lên, là sửa chữa các vỉa hè không bằng phẳng, theo Fernando Gabeira, một nhà văn từng thất cử khi tranh cử thị trưởng vào năm 2008. Ở Complexo do Alemão, một khu favela lớn ở phía bắc với dân số trẻ, ưu tiên là có trường học và việc làm tốt hơn. Ai cũng lo ngại về tội ác.

Đại đa số carioca không sống dọc theo các đại lộ ven biển hay các ngõ hẻm của những khu favela xập xệ. Zona Sul chỉ chiếm 11% dân số thành phố. Các khu favela chiếm 3,7% diện tích thành phố và 22% dân số. Phần lớn cư dân sống trong các khu chúng cư thấp tầng xấu xí ở phía bắc và phía tây của Rio. Ngoài ra còn có Barra da Tijuca, một tiểu Miami phát triển nhanh gồm nhiều tiệm bán xe, vùng đầm lầy và các khu condo đúc khuôn với những cái tên như “Hoa hướng dương” và “Làng Hạnh phúc”.

Du lịch và các dịch vụ khác tạo ra phần lớn việc làm: một phần tư thanh niên làm việc trong các quán bar và khách sạn. Nhiều người ở xa nơi làm việc. Emanuel, một cụ ông 60 tuổi vui tính, than phiền về việc phải mất một tiếng rưỡi để đi tới Leblon, nơi ông bán bánh bích quy và trà đá dọc bờ biển, từ Jacarepaguá, cách 24km về phía tây. Hàng ngày có khoảng 2 triệu người lao động từ các khu vành đai nghèo khó đổ vào Rio.

Căn nguyên của tâm lý bất mãn của Rio có từ ít nhất là thập niên 1960, khi chính phủ liên bang chuyển tới Brasília, thủ đô mới được xây vì mục đích đó. Rio đã đánh mất vị thế dẫn đầu công nghiệp về tay São Paulo, nơi có nhiều không gian và di dân hơn, 40 năm trước đó. Việc đánh mất vị thế thủ đô quốc gia là một cú sốc mà tới nay Rio vẫn chưa hồi phục được. Ý tưởng dời trụ sở nhà nước để thúc đẩy phát triển ra khỏi vùng ven biển là ý tưởng cũ, đã được đưa ra trong một hiến pháp ban đầu vào năm 1891. Hiếm có người Brazil nào nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc cho tới khi Juscelino Kubitschek, đắc cử tổng thống vào năm 1956, vận động thông qua luật để biến điều này thành hiện thực.  Ngay cả sau khi công chức bắt đầu chuyển sang thủ đô hiện đại, cư dân Rio tưởng rằng các bộ quan trọng vẫn ở lại. Họ tự hỏi ai lại muốn đổi cidade maravilhosa (thành phố tuyệt vời) để lấy một vùng cằn cỗi ở nơi khỉ ho cò gáy? Rio phát đạt trong một thời gian ngắn khi là thị quốc gọi là Guanabara, nhưng chẳng bao lâu sau được sáp nhập vào tiểu bang xung quanh nghèo hơn là Rio de Janeiro.

Tới thập niên 1980, gần như tất cả các cơ quan liên bang đã biến mất. Tiếp theo là ngành tài chính. Ngân hàng trung ương Brazil ngừng sử dụng Rio làm trung tâm chính để giao dịch chứng khoán chính phủ. Giới ngân hàng hoảng sợ bỏ đi sau một loạt các vụ bắt cóc tống tiền trong thập niên 1980. Thị trường chứng khoán Rio, được thành lập sớm hơn 180 năm, bị các thị trường chứng khoán của São Paulo dần dần qua mặt. Ngân hàng phát triển quốc gia của Brazil vẫn có trụ sở chính ở Rio và một vài hãng quản l‎ý đầu tư đã dời tới. Nhưng tầm quan trọng của thành phố này đối với nền kinh tế Brazil đã sút giảm liên tục.

Ngoài lễ hội Carnival linh đình hàng năm, Rio chưa tìm được ngành nghề nào để thay thế ngân hàng và nghề công chức nhà nước. Việc phát hiện mỏ dầu dưới nước khổng lồ vào năm 2007 dường như giúp cho thành phố (và tiểu bang) có một nguồn khác để tạo việc làm và tăng trưởng. Nhưng ngành này đã điêu tàn do giá dầu thấp cộng với vụ bê bối Petrobras. Cú bùng nổ dầu khí đã đảo ngược được đà suy tàn của nền kinh tế Rio, nhưng có lẽ chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Thành phố này có một số ít các doanh nghiệp và trường đại học có tính sáng tạo: Rede Globo, tập đoàn truyền thông lớn nhất Brazil, và các đơn vị nghiên cứu của Microsoft và GE. Nhưng những nơi này cũng chỉ là một phần cốt lõi của một nền kinh tế năng động hơn.

Văn hóa chưa thay thế thương mại. Nhạc bossa nova ra đời trên các bãi biển của Rio trong thập niên 1950, nhưng sau đó thành phố này đã trở nên ngột ngạt, theo nhận xét của Caetano Veloso, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Brazil và là người sinh sống ở Rio. Tropicalismo, một loại nhạc kết hợp nhạc Brazil và nhạc pop mà ông Veloso góp phần đi tiên phong, ra đời ở São Paulo. Ông nói, “Rio đã quá thờ ơ.” Được thiên nhiên ban phát cho tài nguyên dầu hỏa và phong cảnh đẹp, Rio đã không phấn đấu để tạo ra của cải của riêng mình. Cư dân Rio không trồng, mà “chỉ ngắt hoa”, theo nhận xét của Ruy Castro, một người viết sử thành phố.

Hy vọng từ Thế vận hội

Chính trị cũng chắng giúp họ bỏ thói tự mãn. Vị thế thủ đô quốc gia của Rio đã làm thui chột các thiết chế của thành phố này. Tổng thống bổ nhiệm thị trưởng; thượng nghị viện có thể bác bỏ các quyết định của thị trưởng. Thị trưởng trao chức con cái của các thượng nghị sĩ, khuyến khích các thói quen bổ nhiệm kiểu ban phát ơn huệ mà Rio vẫn chưa phá bỏ được. Việc sáp nhập Rio de Janeiro và Guanabara, do giới độc tài quân sự áp đặt, đã đưa văn hóa ban phát “có qua có lại mới toại lòng nhau” tới thành phố này. Tiểu bang đã đặc biệt tiêu xài phung phí, trong khi chi quá ít cho các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng cần để thúc đẩy đầu tư và cải thiện phúc lợi.

Hồi tháng 6, quyền thống đốc tiểu bang Rio, Francisco Dornelles, tuyên bố rằng tài chính tiểu bang đã hình thành một “tai họa công cộng”, một thủ tục để cho chính phủ liên bang cấp viện trợ trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Nguyên nhân trước mắt là giảm nguồn thu ngân sách và thuế tài nguyên từ dầu, nhưng việc quản lý ngân sách sai lầm trong nhiều năm đã dọn đường.

Cư dân Rio đã hy vọng rằng Thế vận hội có thể là chất xúc tác để có được dịch vụ công tốt hơn và nhiều việc làm hơn. Chính quyền thành phố đã phần nào đáp ứng các kỳ vọng này. Thị trưởng Eduardo Paes đã tăng gần gấp ba mức chi tiêu cho y tế và giáo dục. Ông đã tuyển dụng  43.000 giáo viên và 21.000 nhân viên y tế, 80% trong đó làm việc ở các vùng phía bắc và phía tây nghèo khó của thành phố. Hiện nay 4,4 triệu người có bác sĩ gia đình, tăng từ 329.000 khi ông Paes nhậm chức vào năm 2009. Tỷ lệ người dân được hệ thống giao thông công cộng phục vụ đã tăng từ 18% lên 63% trong nhiệm kỳ của ông. Thị trưởng thừa nhận rằng dù gì đi nữa chính quyền thành phố cũng nên thực hiện những cải tiến này, nhưng Thế vận hội tạo ra “cái cớ” để thúc đẩy chúng nhanh hơn. Các công trình liên quan tới Thế vận hội đã đẩy mạnh nền kinh tế địa phương trong khi Brazil đang suy thoái. Thu nhập của cư dân Rio đã tăng dù thu nhập nói chung ở Brazil đã giảm, theo một nghiên cứu của đại học Fundação Getulio Vargas.

Trong khi đó chính quyền tiểu bang cố gắng giảm bớt tội ác bạo lực. Bắt đầu tư năm 2008, chính quyền đã cử các toán quân có vũ trang nặng tới 38 khu favela để đuổi các băng đảng ma túy, rồi lập các “đội cảnh sát bình định” (UPP) để giữ trị an. Và đã có tác dụng. Tội ác bạo lực ở Rio đã giảm một nửa từ năm 2009 tới năm 2012.

Nhưng giới chỉ huy cảnh sát đã lập quá nhiều đội UPP quá nhanh, dàn mỏng lực lượng. Trong huấn luyện họ tiếp tục nhấn mạnh các kỹ năng cần có để giữ lãnh địa, phớt lờ những kỹ năng cần để tạo các quan hệ vững chắc với cộng đồng. Íbis Pereira, một cựu chỉ huy cảnh sát và nay làm việc cho tổ chức phi chính phủ Viva Rio, ta thán: “Sau một năm như vậy ta có thể biến một tu sĩ thành một chiến binh.” Ở Complexo do Alemão, các cuộc đấu súng giữa các băng đảng với cảnh sát thích dùng súng đã trở nên thường xuyên, theo Luisa Cabral, một cán sự xã hội làm việc trong khu vực này. Sau khi giảm bớt, số vụ tử vong vì bạo lực đã dần dần tăng lại trên toàn thành phố trong năm qua. Bà Cabral nay nghĩ rằng các đội UPP nên rời khỏi các khu favela, để cho bọn buôn bán ma túy quay trở lại. Sau khi thị trưởng Paes cáo buộc tiểu bang là đã làm “quá tệ hại” về an ninh trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, 20.000 người Mỹ trả lại vé xem Thế vận hội của họ.

Một kỳ Thế vận hội thành công có thể vực dậy tâm trạng ảm đạm của Rio. Điều đó sẽ không đủ để khiến thành phố này trở thành một đầu máy kinh tế mạnh mẽ. Phong cảnh tuyệt đẹp sẽ khiến người ta muốn tới, nhưng sẽ cần nỗ lực chống tội ác nhiều hơn, quản lý ngân sách tốt hơn và các dịch vụ công cải thiện hơn để khiến người ta muốn lưu lại. Chừng nào giới lãnh đạo thành phố này chưa làm được những điều đó, Rio sẽ không trở thành một thành phố vĩ đại, mà chỉ là bối cảnh để có thể trở thành một nơi như vậy.

Theo The Economist, 30-7-2016

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 10/8/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Brazil: Họa vô đơn chí

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.