Ảo tưởng Brexit

Khủng hoảng euro, Làm quan

Brexit là từ ghép giữa British/Britainexit, dùng để chỉ việc Vương quốc Liên hiệp Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU). Sau nhiều năm xôn xao bàn tán, ngày 23-6 sắp tới người dân vương quốc này sẽ có cơ hội quyết định ở lại hay chia tay với EU trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit.

brexit

Hồi tháng 2, David Cameron, thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh (trong bài này gọi tắt là Anh Quốc) đã quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về việc quốc gia này sẽ tiếp tục là thành viên hay sẽ rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu ý dân này sẽ không chỉ là sự kiện trọng đại nhất của nghị viện Anh Quốc khóa này, mà còn là sự kiện quan trọng nhất ở Châu Âu trong nhiều năm. Trước hết, nó sẽ quyết định tương lai của thủ tướng: ông khó mà giữ được ghế nếu không giành thắng lợi trong chiến dịch vận động Anh Quốc ở lại với EU. Nó có thể có tính quyết định đối với tương lai của Anh Quốc, vì Đảng Dân tộc Scotland đã nói là Brexit sẽ dẫn tới một đòi hỏi bỏ phiếu lần nữa về vấn đề độc lập của Scotland. Và sự ra đi của một trong những thành viên có vai vế sẽ có tác động lớn lao đối với tương lai của EU.

Quyết định tổ chức trưng cầu ý dân được đưa ra sau khi thủ tướng Cameron thực hiện được lời hứa của mình, hoàn tất đàm phán lại các điều khoản về tư cách thành viên của Anh Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels kết thúc vào khuya ngày 19-2-2016. Trong tất cả bốn lĩnh vực mà ông đòi thay đổi, ông giành được những nhượng bộ mà có thể trở nên hữu ích, cho dù chúng chẳng có mấy tác dụng để xoay chuyển kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, khó mà xem những cải tổ tương đối nhỏ này là thay đổi căn bản về quan hệ của Anh Quốc với EU mà thủ tướng Cameron từng hứa. Ông cũng không đạt được thay đổi hiệp ước “toàn diện” ông từng nói là ông cần có. Vì vậy, như có thể dự đoán, thỏa thuận của ông hứng chịu nhiều đả kích mạnh mẽ từ những tổ chức báo chí Anh chống EU và từ nhiều dân biểu Hạ viện thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng không nằm trong nội các. Đây là một đòn mạnh giáng vào thủ tướng Cameron. Nhưng cuộc trưng cầu ý dân này sẽ được quyết định không phải bằng các chi tiết của thỏa thuận của ông, mà bằng vấn đề lớn hơn là liệu cử tri nghĩ rằng ở lại hoặc rời khỏi EU sẽ có lợi hơn cho Anh Quốc.

Về vấn đề này, thủ tướng Cameron nhận một đòn nặng hơn khi sáu trong 29 bộ trưởng của ông khẳng định, sau một cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày 20-2, rằng họ sẽ vận động rời bỏ EU. Ngoài những nhân vật xưa nay đòi rời bỏ EU như Iain Duncan Smith, bộ trưởng lao động và hưu bổng, số này còn có Michael Gove, bộ trưởng tư pháp và bạn thân của thủ tướng. Vào hôm 21-2, thủ tướng Cameron gặp trở ngại lớn nhất khi Boris Johnson, [cựu] thị trưởng được lòng dân của thủ đô London và người muốn tranh chức lãnh tụ Đảng Bảo thủ, tuyên bố rằng ông cũng sẽ vận động rời bỏ EU. [Tân thị trưởng London là Sadiq Khan, nhậm chức ngày 9-5-2016.]

Ngay cả trước khi những nhân vật hàng đầu này của Đảng Bảo thủ công khai quan điểm, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy kết quả của cuộc trưng cầu ý dân sẽ rất sít sao. Kể từ khi thủ tướng Cameron lần đầu tiên hứa tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về chuyện ở hay đi trong một bài phát biểu tại văn phòng London của hãng tin Bloomberg hồi tháng 1-2013, tỷ lệ ủng hộ ở lại thường dẫn điểm khá xa. Khi ngày càng có nhiều nỗi lo về các khó khăn kinh tế và cuộc khủng hoảng di cư của Châu Âu, khoảng cách này đã thu hẹp. Phản ứng bất lợi về thỏa thuận Brussels của thủ tướng Cameron và quyết định của ông Johnson đứng về phe đòi rời bỏ có thể càng thay đổi dư luận. Với những nhân vật nhiều ảnh hưởng như Michael Gove và Boris Johnson, phe vận động rời khỏi EU dẫn điểm rõ rệt trong những tuần gần đây so với phe vận động ở lại.

Giới kinh doanh và các thị trường tài chính giật mình thức tỉnh trước nguy cơ ngày càng gia tăng của Brexit. Sau khi có quyết định về trưng cầu ý dân, đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất so với đôla Mỹ kể từ năm 2009. Lãnh đạo của nhiều công ty trong những công ty lớn nhất ở Anh Quốc đã mạnh mẽ ủng hộ ở lại với EU. Tuy nhiên, xác suất có thể xảy ra Brexit hiện nay lớn hơn bất cứ thời điểm nào trong năm năm qua. Và do vậy đáng suy nghĩ về những hệ lụy của Brexit — và nó sẽ đáp ứng ra sao với những hứa hẹn của giới ủng hộ rời bỏ EU.

Một điều khoản ác nghiệt

Khó mà đánh giá được liệu những lập luận của giới ủng hộ rời bỏ đúng sai ra sao vì chẳng ai dám chắc Anh Quốc một khi đã rời khỏi EU sẽ có quan hệ ra sao với EU. Chưa có tiền lệ nào ngoại trừ Greenland. Nước này rời khỏi EU vào năm 1985, nhưng đó là một nước nhỏ và vẫn còn lệ thuộc Đan Mạch, một nước vẫn nằm trong EU. Giả định, nay đã được thủ tướng Cameron khẳng định, là một cuộc bỏ phiếu về Brexit sẽ dẫn tới việc nộp đơn xin rút theo điều 50 của hiệp ước Lisbon.

Điều 50 quy định rằng EU sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với nước xin rút lui trong hai năm. Thời gian đó có thể được kéo dài thêm, nhưng chỉ thông qua khi đồng thuận tuyệt đối. Điều này cũng quy định rằng, khi đồng ý một thỏa thuận mới, EU sẽ hành động mà không có sự can dự của nước muốn rời bỏ. Để có thể hình dung về thế cờ thương lượng, thử tưởng tượng một cuộc ly dị do một bên đơn phương yêu cầu, các điều khoản của vụ ly dị lại được bên kia đơn phương ấn định. Đó là một quy trình có thể chẳng hòa hợp mà cũng chẳng nhanh chóng — cũng chẳng mang lại kết quả có lợi cho Anh Quốc.

Thực vậy, động cơ của các nước EU khác là không hành động một cách hào phóng. Một quyết định rời khỏi EU sẽ được nhiều nước xem là một hành động thù nghịch và gây bất ổn cho một khối liên hiệp hiện đã gặp nhiều khó khăn. Cử tri trên khắp Châu Âu vỡ mộng với Brussels. Các đảng dân túy ở Pháp, Hà Lan, Ý và các nước khác đang theo dõi sát sao cuộc tranh luận về Brexit. Nhằm ngăn cản các nước khác rời khỏi khối liên hiệp, EU sẽ nhất quyết chứng tỏ rằng một quyết định rời bỏ sẽ có kết quả đau đớn.

Những ảnh hưởng trước mắt của cuộc bỏ phiếu Brexit có thể sẽ xấu. Tình trạng bất định kéo dài về mối quan hệ mới của Anh Quốc với EU sẽ giảm động cơ khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó Anh Quốc là nước tiếp nhận FDI ròng nhiều nhất trong EU. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với một nước có thâm hụt tài khoản hiện hành lớn mà phải trang trải bằng các dòng nhập vốn từ nước ngoài. Những lo ngại về tài khoản hiện hành, mức xếp hạng tín dụng của Anh Quốc và Brexit đã là những yếu tố dẫn tới sự sụt giá gần đây của đồng bảng Anh.

Những ảnh hưởng dài hạn của Brexit có thể sẽ bất lợi. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế sẽ bị thiệt. Một phân tích chi tiết của Ngân hàng Trung ương Anh Quốc hồi tháng 10-2015 phát hiện rằng tư cách thành viên EU đã có lợi cho nền kinh tế Anh Quốc. Những nỗ lực dùng mô hình phân tích các hậu quả của Brexit cho thấy Brexit gây thiệt hại kinh tế. Hai ngân hàng Mỹ, Goldman Sachs và Citigroup, gần đây cảnh báo rằng tỷ lệ tăng trưởng và đồng bảng Anh sẽ còn sụt giảm nữa nếu kết quả bỏ phiếu là rời khỏi EU.

Vấn đề nan giải nhất cho một Anh Quốc hậu Brexit sẽ là làm sao duy trì quyền tiếp cận thị trường chung của EU, thị trường lớn nhất thế giới. Điều này hết sức hệ trọng vì gần một nửa lượng xuất khẩu của Anh Quốc xuất sang các nước còn lại trong EU. Điều này vô cùng quan trọng đối với thành tố tăng trưởng nhanh nhất của xuất khẩu, đó là dịch vụ (trong đó có các dịch vụ tài chính). Sẽ không đơn giản chút nào.

Na Uy và Iceland được quyền tiếp cận thị trường chung nhờ là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA). Nhưng họ phải tuân thủ tất cả các quy định về thị trường chung của EU mà không có tiếng nói về chúng, phải đóng góp vào ngân sách của EU (trong trường hợp của Na Uy, khoản đóng góp tương đương với 90% với mức đóng góp ròng bình quân đầu người của Anh Quốc), và phải chấp nhận việc tự do di chuyển của di dân EU. Như một bộ trưởng Na Uy từng nói, “nếu bạn muốn điều khiển Châu Âu, bạn phải nằm trong khối Châu Âu. Nếu bạn muốn bị Châu Âu điều khiển, cứ tự nhiên gia nhập Na Uy.”

Thụy Sĩ, không nằm trong EEA, đã đàm phán các hiệp định song phương cho phép tiếp cận hàng hóa nhưng không được đối với phần lớn các dịch vụ. Thụy Sĩ phải tuân thủ hầu hết các quy định về thị trường chung, đóng góp vào ngân sách và chấp nhận việc tự do di chuyển của di dân. Thụy Sĩ đã được cảnh báo rằng, nếu họ cố gắng thực hiện một yêu sách trưng cầu ý dân năm 2014 về các giới hạn về việc tự do di chuyển của di dân, hiệp định thương mại của họ với EU sẽ mất hiệu lực.

Nhiều nước như Hàn Quốc và Canada có hiệp định thương mại tự do với EU mà không bắt buộc tuân thủ tất cả các quy định của EU, đóng góp ngân sách hay chấp nhận di dân. Nhưng các hiệp định thương mại đó không né tránh được các rào cản phi thuế quan, và cũng không áp dụng cho các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, EU có hoặc đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, mà một Anh Quốc hậu Brexit sẽ bị loại trừ khỏi những hiệp định đó. EU hiện có 53 hiệp định như vậy. Anh Quốc sẽ phải cố gắng sao chép các hiệp định như vậy; đó là một thách thức lớn do Anh Quốc thiếu những nhà đàm phán thương mại và mất nhiều thời gian ngay cả với các đàm phán thương mại đơn giản.

Vì sao đòi chia ly

Phe đòi rời khỏi EU đáp lại bằng ba lập luận. Thứ nhất là khẳng định rằng cả hai bên đều rất quan tâm với một thỏa thuận thương mại tự do. Điều này đúng nhưng bất cứ thỏa thuận cũng khó mà bao gồm dịch vụ. Thứ hai là cho rằng bởi vì Anh Quốc có thâm hụt thương mại lớn với các nước EU khác, họ cần thị trường Anh Quốc hơn Anh Quốc cần thị trường của họ. Đây là một ngụy biện: Anh Quốc chỉ chiếm 10% lượng xuất khẩu của EU, trong khi EU chiếm tới gần một nửa lượng xuất khẩu của Anh Quốc. Ngoài ra, phần lớn trong thâm hụt thương mại của Anh Quốc với EU là chỉ với hai nước, Đức và Tây Ban Nha — nhưng một hiệp định thương mại cũng phải được 25 nước thành viên khác đồng ý.

Lập luận thứ ba là một Anh Quốc hậu Brexit có thể nhanh chóng đạt được những hiệp định thương mại tự do. Song, những nhà ngoại giao thương mại già dặn kinh nghiệm tỏ vẻ hoài nghi. Những nhà đàm phán cứng cỏi như Hàn Quốc khó có khả năng dành cho Anh Quốc thỏa thuận giống như họ dành cho EU. Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã nói rõ là họ muốn có hiệp định với EU hơn là chỉ với một mình Anh Quốc. Trong chuyện khiến Trung Quốc mở cửa thương mại rộng hơn chẳng hạn, ưu thế thương lượng của thị trường lớn nhất thế giới mạnh hơn nhiều so với ưu thế của chỉ mỗi Anh Quốc.

Vấn đề tiếp theo là quản lý nhà nước. Phe đòi rời khỏi EU cho rằng tình trạng quan liêu hành chính của EU trói buộc các doanh nghiệp của Anh Quốc và bóp nghẹt tăng trưởng. Tuy nhiên các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một câu lạc bộ các nước giàu, phát hiện rằng dù là thành viên EU, các thị trường hàng hóa và lao động của Anh Quốc nằm trong số những thị trường ít bị quản lý nhà nước nhất của các nước giàu. Hơn nữa, việc Anh Quốc hể hả đốt bỏ các luật lệ không thân thiện với thị trường sau khi rời khỏi EU là chuyện hoang đường. Ví dụ, Anh Quốc đi đầu về các quy định môi trường. Những can thiệp lớn nhất vào thị trường, chẳng hạn các luật quy hoạch nghiêm ngặt và một mức lương đủ sống mới mà sẽ lên tới 9 bảng Anh (13 đôla Mỹ) mỗi giờ trước năm 2020, đều là của Anh Quốc.

Trái lại, chính sách di trú chắc chắn sẽ thay đổi nếu Anh Quốc rời khỏi EU. Dù những người chủ trương tự do cá nhân muốn rời bỏ EU muốn tăng, chứ không phải giảm, di trú, phần lớn những người muốn rời bỏ EU không thích như vậy. Thực vậy, luận điểm hứa hẹn lớn trong chiến dịch của họ là khôi phục quyền kiểm soát của Anh Quốc đối với biên giới bằng cách chặn dòng người di trú tự do. Một nửa di dân của Anh Quốc đến từ EU, và chính phủ chẳng có thể làm gì để chặn họ. Nếu rời khỏi EU, Anh Quốc có thể làm vậy. Nhưng làm vậy sẽ có hai thiệt hại.

Sẽ khó vừa làm được điều này vừa giữ được quyền tiếp cận trọn vẹn với thị trường chung của EU; điều đó cũng có thể phương hại tới vị thế của hai triệu công dân Anh Quốc sống ở các nước EU khác. Nhưng vấn đề lớn hơn là những hạn chế về di trú sẽ gây tác hại kinh tế. Các nghiên cứu phát hiện rằng di dân là những người đóng góp ròng cho nền kinh tế vì họ đóng thuế nhiều hơn những phúc lợi họ nhận được. Giảm số lượng di dân sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp và các dịch vụ công của Anh Quốc, vốn trông cậy vào di dân lành nghề như chuyên viên ngân hàng Pháp, thợ xây Bulgaria và bác sĩ Ý.

Mối quan ngại toàn cầu

Những tổn thất dài hạn sẽ không chỉ dừng ở thiệt hại kinh tế. Brexit cũng sẽ có những tác động tới sự sinh tồn của Anh Quốc. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) đang vận động ở lại với EU. Nếu phe đòi rời khỏi EU giành thắng lợi nhờ số phiếu của dân Anh, mà rất có thể xảy ra, Đảng Dân tộc Scotland sẽ đòi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác về việc tách ra khỏi vương quốc liên hiệp, mà đảng này dự kiến sẽ thắng. Bắc Ireland cũng quan ngại về khả năng Anh Quốc rời khỏi EU: các quan hệ kinh tế, thương mại và chính trị của Anh Quốc với Ireland phụ thuộc rất nhiều vào việc cả hai thuộc về EU. Điều này góp phần tạo nền tảng cho tiến trình hòa bình trong hai thập niên qua ở Bắc Ireland. Chính phủ Ireland nằm trong giới ủng hộ mạnh mẽ nhất của chiến dịch vận động để Anh Quốc ở lại với EU.

Ireland không phải là nước duy nhất sẽ thiệt hại vì Brexit. Giới lãnh đạo EU hiểu rằng Brexit sẽ làm suy yếu một câu lạc bộ hiện đã ngập đầu trong biết bao khó khăn như di trú và khủng hoảng đồng euro. Và EU sẽ yếu hơn nếu không có tiếng nói của Anh Quốc: chịu sự thống lĩnh nhiều hơn của Đức; và chắc chắn ít chủ trương tự do hơn, có tính bảo hộ hơn và vị kỷ hơn. Như các cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy, cử tri ở các nước EU khác đồng ý với chính phủ của họ về việc mong muốn Anh Quốc ở lại với EU. Ngoài tầm cỡ, phạm vi toàn cầu và các bản năng thương mại tự do, Anh Quốc là một đối trọng hữu ích đối với sự thống lĩnh của Đức và Pháp.

Brexit sẽ giáng một đòn nặng nề cho Châu Âu, lục địa đang ở thế chỉ mành treo chuông. Nó sẽ tách rời nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và thị trường lớn thứ nhất thế giới, và tách nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ năm thế giới khỏi các đồng minh. Nghèo hơn, ít an ninh hơn, và chia rẽ, EU mới sẽ yếu hơn; còn phương Tây, do dựa vào các thế lực cân đối của Mỹ và Châu Âu, cũng sẽ yếu đi.

Các mối liên kết của Châu Âu với Mỹ sẽ yếu đi nếu Anh Quốc rời khỏi EU. Do là cường quốc quân sự lớn nhất trong EU, Anh Quốc hết sức quan trọng cho ảnh hưởng chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Do vậy, trên hết thảy, việc đánh mất một thành viên trọng yếu như vậy sẽ làm suy yếu trầm trọng vị thế của EU trên thế giới. Đó sẽ là một tổn thất lớn cho phương Tây trong một khu vực láng giềng lắm vấn đề đáng lo, từ Nga tới Syria tới Bắc Phi. Bởi vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống Nga Vladimir Putin rất muốn Anh Quốc rời khỏi EU, còn tổng thống Mỹ Barack Obama thì không.

Bớt ảnh hưởng nếu đứng ngoài

Vai trò ngày càng tăng của EU trong ngoại giao toàn cầu, từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga thông qua một thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Iran tới hoạt động chống hải tặc ngoài khơi Somalia, sẽ bị giảm trầm trọng nếu Anh Quốc không còn tham gia câu lạc bộ này. Cuộc chiến chống khủng bố cũng sẽ khó khăn hơn. Sao chép hệ thống cảnh sát, an ninh và hợp tác tư pháp đã hình thành bên trong EU để chống khủng bố có thể là chuyện có thể làm được, nhưng sẽ mất thời gian và có thể sẽ không hữu hiệu bằng.

Phe đòi rời khỏi EU đáp lại rằng NATO, chứ không phải EU, là tổ chức bảo đảm an ninh của phương Tây. Một Anh Quốc hậu Brexit có thể sẽ vẫn hợp tác với EU về các vấn đề an ninh, trong đó có các trát bắt của EU và trao đổi thông tin. Họ cũng thấy không có lý do để việc rời khỏi EU sẽ khiến Bắc Ireland lo ngại hay gây xáo trộn liên hiệp với Scotland. Thủ tướng Cameron không đồng ý. Ở Brussels ông đã quả quyết rằng Anh Quốc sẽ an toàn hơn và mạnh hơn, chứ không chỉ thịnh vượng hơn, trong EU. Trong những tuần sau khi công bố quyết định tổ chức trưng cầu ý dân, ông đã đưa vấn đề an ninh nội địa và quốc gia thành một phần quan trọng trong luận điểm ủng hộ ở lại với EU.

Lập luận mạnh nhất ủng hộ rời khỏi EU là đó là cách duy nhất để khôi phục quyền tối thượng cho Nghị viện và thoát khỏi thẩm quyền tài phán của Tòa án Châu Âu. Kế hoạch của thủ tướng Cameron nhằm phản bác điều này bằng một đạo luật tái khẳng định quyền tối thượng của nghị viện sẽ không thuyết phục được nhiều người, vì Tòa án Châu Âu vẫn sẽ là cấp tối cao. Và thay vì giành lại quyền tối thượng, Anh Quốc sẽ từ bỏ uy thế của mình, bằng cách từ bỏ tư cách thành viên của một câu lạc bộ hùng mạnh mà họ có thể có gây nhiều ảnh hưởng cho các hành động của liên hiệp này khi ở trong hơn là đứng ngoài.

Trong một thế giới với một mạng lưới các hiệp ước và nghĩa vụ quốc tế, quyền tối thượng không phải là vấn đề hoàn toàn nhị nguyên. Trong thế giới toàn cầu hóa, quyền lực nhất thiết phải được tập hợp và đổi chác: Anh Quốc từ bỏ quyền tối thượng để đổi lại ảnh hưởng thông qua tư cách thành viên của mình ở NATO, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và vô số tổ chức chia sẻ quyền lực, ấn định luật lệ khác. Việc ký kết các hiệp ước về thương mại, năng lượng hạt nhân hoặc môi trường buộc phải chấp nhận tuân theo các luật lệ mà một nước cùng với các nước khác chung sức ấn định, để đổi lại các lợi ích lớn hơn. Nếu đứng ngoài EU, Anh Quốc sẽ bị cho ra rìa: trên danh nghĩa được độc lập khỏi, nhưng thực tế vẫn bị ràng buộc bởi, những luật lệ mà Anh Quốc không đóng vai trò gì trong việc hình thành những luật lệ đó.Như thủ tướng Cameron đã nhận định hồi cuối tháng 2, có thể giành lại ảo tưởng về quyền tối thượng nhưng không có quyền lực thật sự.

Có thể kết luận rằng những lợi ích được giả định của Brexit khá bất định và có thể hóa ra là ảo tưởng, trong khi các rủi ro lớn hơn nhiều nếu cử tri chọn rời khỏi EU. Những cảm nghĩ tương tự đã khiến người dân Anh Quốc chọn ở lại với EU vào năm 1975, và người Scotland chọn ở lại vương quốc liên hiệp vào năm 2014. Thế nhưng kết quả vào ngày 23-6 dường như bất định hơn.

Sở dĩ như vậy một phần là vì cử tri sẽ chịu ảnh hưởng của không chỉ sự tính toán thiệt hơn một cách bình tĩnh mà còn của cái nhìn tổng quát của họ về Châu Âu. Và giữa một cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng và đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, Châu Âu chẳng có vẻ hấp dẫn. Các cuộc trưng cầu ý dân luôn khó đoán trước; một cú sốc bất ngờ trên thị trường, hay thậm chí một biến cố khủng bố, có thể khiến cử tri dao động. Phe nào cũng có cơ may thắng.

Tổng hợp từ The real danger of BrexitThe Brexit delusion, The Economist 27-2-2016.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 15/6/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

 

2 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.