Tuần trăng mật của Washington ở Vịnh Cam Ranh

Làm quan

James Holmes

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

“Hoạn nạn đưa đẩy khiến người ta kết thân với những kẻ đồng sàng lạ lẫm”, anh hề Trinculo tuyên bố như vậy trong vở kịch The Tempest (Giông tố) của William Shakespeare. Bị đắm tàu trên một hòn đảo kỳ bí và bị thời tiết xấu kìm chân, Trinculo trú ẩn dưới tấm áo choàng của anh chàng dị dạng Caliban xấu xí “cho tới khi những tàn dư của cơn bão tan biến”. Kẻ đắm tàu này chấp nhận như vậy dù Caliban tanh như cá – và thậm chí có thể nửa người nửa cá: “Người hay cá? Chết hay sống? Đúng là cá rồi; hắn hôi tanh như cá; một cái mùi rất cổ và tanh như cá.” Nói chung là một bạn đồng hành đáng tởm mà ta đành phải chịu để chờ qua cơn bão tố.

Giống như trong văn chương tuyệt tác, chính trị đại cường quốc cũng vậy. Hoán đổi bài học về tấm áo choàng của Caliban sang chính trị thế giới – những nhân vật vốn tránh né nhau vào thời buổi bình thường có thể gạt bỏ những khác biệt rõ rệt để khắc chế một mối nguy chung. Ví như hai quốc gia dân chủ Mỹ và Vương quốc Liên hiệp Anh hợp sức làm đại nghĩa chung với quốc gia toàn trị Liên Xô để khuất phục các cường quốc phe Trục trong Đệ nhị Thế chiến. Nhưng các mối giao hảo như vậy không bền – ít khi duy trì sau khi bão tan. Trinculo vứt bỏ ấm áo choàng của Caliban ngay khi cơn bão lắng xuống. Đại Liên minh hầu như chẳng tồn tại sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt.

Chính trị Châu Á chưa thấy những kẻ đồng sàng nào lạ lẫm hơn Việt Nam và Mỹ. Xin lại mượn điển tích Trinculo, sự hiếu chiến của Trung Quốc trong những vùng biển bị tranh chấp ở Biển Đông (South China Sea) đã gây ra hoạn nạn đủ để đoàn kết hai nước cựu thù nhằm bảo vệ các vùng biển và không phận ngoài khơi của Việt Nam. Hôm 23-5, trong khi đang đi thăm Việt Nam với mục đích thắt chặt các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gỡ bỏ một lệnh cấm vận có từ lâu về xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam. Được đưa ra với hy vọng yêu cầu [Việt Nam] có những nhượng bộ về thương mại và nhân quyền, các chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố. Tuy Obama phủ nhận rằng quyết định này có liên quan tới Trung Quốc, hiếm ai tin rằng ông có thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc trong quan hệ Mỹ-Việt. Vẫn chưa rõ liệu Hà Nội và Washington có phá được logic kiểu Shakespeare hay không – hình thành mối quan hệ đối tác vẫn tồn tại sau khi họ vượt qua phong ba bão tố hiện nay.

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội hôm 23-5-2016. (Ảnh: Luong Thai Linh / POOL/AFP/Getty Images)
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội hôm 23-5-2016. (Ảnh: Luong Thai Linh / POOL/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, tin rất lý thú đối với bất kỳ thủy thủ Mỹ nào là Hà Nội có thể mở cửa lại cảng nước sâu tuyệt đẹp ở Vịnh Cam Ranh để đón các chiến hạm Hải quân Mỹ để đổi lại việc được bỏ cấm vận vũ khí. Nếu vậy (thứ lỗi cho tôi ở đây vì lại nhắc điển tích này), giới lãnh đạo Việt Nam, đóng vai của Trinculo, sẽ mời Mỹ, được phân vai Caliban, mở rộng tấm áo choàng của mình – giúp ngăn chặn bão tố Trung Quốc. Đúng là những kẻ đồng sàng lạ lẫm.

Tùy thuộc vào các điều khoản của thỏa thuận này, điều đó có thể cho phép Hải quân Mỹ hiện diện thường xuyên ở những vùng phía tây của Biển Đông. Sự hiện diện đó là một điều bắt buộc nếu Mỹ muốn duy trì quyền tự do hàng hải trong vùng biển rộng 1,4 triệu dặm vuông (3,63 triệu km vuông). Trung Quốc đã không thừa nhận luật theo thông lệ và luật hiệp ước về biển – cả hai loại luật này đều cho rằng không ai sở hữu biển – bằng cách “tuyên bố chủ quyền không thể tranh chấp” trên một khu vực rộng lớn các vùng biển và vùng trời Đông Nam Á, bao gồm những khu vực được phân bổ cho Việt Nam theo luật biển. Washington đáp lại sự thách thức của Bắc Kinh bằng cách chế nhạo.

Việc cho tàu Mỹ đi qua những vùng biển bị tranh chấp và cho máy bay bay qua vùng trời phía trên – tốt nhất là phối hợp với các đồng minh và bạn bè – đưa ra thông điệp khẳng định rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm đoạt các vùng biển và không phận ngoài khơi của các nước láng giềng, hoặc bằng cách khác vượt quá các đặc quyền của Trung Quốc theo luật biển. Đó là lời khẳng định mà các quốc gia có hoạt động biển phải đưa ra, lặp đi lặp lại nhiều lần, để bảo tồn các quyền tự do hàng hải phải đấu tranh chật vật mới giành được. Có một nguyên tắc bất thành văn “nếu không dùng thì mất” trong luật quốc tế: Các hiệp ước chẳng qua cũng chỉ là những miếng giấy. Chúng có thể mất hiệu lực theo thời gian nếu các chính phủ phớt lờ chúng một phần hoặc toàn bộ. Nếu các bên có quyền lợi liên quan trong một trật tự pháp lý quên bác bỏ một tuyên bố hưởng quyền lợi phi pháp, dần dà theo thời gian tuyên bố đó có cách biến thành tập quán quốc tế.

Do đó, điều quan trọng là các khảo sát địa hình dưới nước, chuyến bay thám thính, các hoạt động bay và hàng loạt các hoạt động khác được bảo đảm bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) phải được tiếp tục trên khắp các vùng biển khơi và các vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi của Đông Nam Á. Dùng hoặc bị mất! Tuy nhiên, để duy trì sự hiện diện ngoài khơi thường xuyên cần có như vậy, các tàu hải quân và tàu tuần dương cần có sự hỗ trợ hậu cần ở vùng lân cận. Tàu không thể đi biển lâu nếu không được tiếp nhiên liệu, tái vũ trang, hoặc nạp lại vật dụng và đồ dự trữ.

Giờ tới vai của Vịnh Cam Ranh. Cam Ranh đã là một tiền đồn hải quân quan trọng kể từ khi Pháp lập thuộc địa ở Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Và nó đã có mặt trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử thế giới. Ví dụ, Đô đốc Nga Zinovy Rozhestvensky đã đưa Hạm đội Baltic bạc mệnh của mình vào vịnh này năm 1905. Ở đó, hạm đội đã nạp than và quân trang quân dụng dự trữ trước khi tiếp tục đi lên phía bắc để chịu bại trận trước hạm đội của Đô đốc Nhật Heihachiro Togo trong Trận Eo biển Tsushima (sẽ tròn 111 năm vào ngày 27-5 năm nay).

Vai trò của vịnh Cam Ranh trong lịch sử cũng không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần. Đế quốc Nhật đã chiếm hải cảng này trong thời kỳ tấn công từ năm 1941 tới năm 1942 vào “Vùng Tài nguyên phía Nam” – tức là Đông Nam Á – và vị trí chiến lược của nó khiến đó là một căn cứ dàn binh lý tưởng để tấn công Malaysia và Singapore. Bắt đầu từ giữa thập niên 1960, Hải quân và Lục quân Mỹ đã phát triển cơ sở hạ tầng hải cảng tại vịnh này để giúp tiến hành Chiến tranh Việt Nam. Liên Xô đã mở rộng cảng này sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975, còn các kỹ sư Nga đã tân trang cảng này trong những năm gần đây. Cơ sở hạ tầng để tiếp đón tàu Mỹ và các tàu ngoại quốc khác hiện nay đã có sẵn. Chỉ còn thiếu mỗi quyết định từ Hà Nội tái chấp nhận Hải quân Mỹ trở lại trung tâm vận hành của họ trước đây.

Người ta hy vọng rằng Hà Nội và Washington đều bịt mũi tránh mùi hôi tanh và ký kết một thỏa thuận dàn xếp cung cấp quyền sử dụng như vậy. Hạm trưởng Alfred Thayer Mahan (đô đốc hải quân, nhà chiến lược và nhà sử học người Mỹ [1840-1914], N.D.), có lẽ là người cổ xúy quyền lực trên biển mạnh mẽ nhất trong lịch sử, giải thích tại sao những nơi như Vịnh Cam Ranh hết sức quan trọng. Theo Mahan, giá trị chiến lược của bất cứ hải cảng nào cũng dựa trên ba đặc điểm: vị trí địa lý của nó; độ kiên cường của nó, tức là các khả năng phòng thủ tự nhiên hoặc khả năng được củng cố chống tấn công; và các tài nguyên của nó, tức là khả năng của cảng về việc cung cấp cho các nhu cầu của chính mình và nhu cầu của các hạm đội ghé qua.

Thử áp dụng các tiêu chuẩn của Mahan cho Vịnh Cam Ranh. Cảng này có thừa ba đặc điểm này. Nó gần với các tuyến đường phía đông tới Eo biển Malacca, giúp cho những tàu nằm ở vịnh này có ảnh hưởng đối với việc đi lại qua tuyến hàng hải trọng yếu này. Nó gần với Quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp hơn trung tâm hải quân gần nhất của Trung Quốc, căn cứ ở thành phố Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam (Hainan) về phía Bắc. Và ngoài việc bọc sườn Trung Quốc, Cam Ranh giúp tiếp cận ngay vào vùng nước sâu: Đáy biển trũng xuống rất sâu ngay bên ngoài cảng – cho phép tàu ngầm lặn xuống và biến mất, ngay sau khi rời cảng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên là trong vòng 8 năm qua, Hà Nội đã đầu tư vào một đội tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Nga chế tạo để chống Trung Quốc.

Hải cảng này mạnh tới đâu? Không có căn cứ quân sự nào, kể cả Cam Ranh, có thể tránh được tấn công bằng tên lửa trong thời đại có vũ khí chính xác tầm xa hiện nay. Nhưng Cam Ranh an toàn hơn nhiều mục tiêu khả dĩ. Diện tích và hình dạng trải rộng của cảng này sẽ giúp cho các hải quân đóng căn cứ ở đó có thể dàn trải các tài sản tới các cầu tàu và bãi neo đậu quanh khắp khu ngoại vi. Điều đó sẽ góp phần gây khó khăn cho nỗ lực của các chuyên gia tên lửa Trung Quốc muốn nhắm vào các tàu Mỹ và Việt Nam. Và các biện pháp “kiên cố hóa” truyền thống – những tòa nhà và cơ sở hạ tầng xây dựng kiên cố tại cảng được bảo vệ tên lửa chống tàu và phòng không – sẽ giúp cho hải cảng này có khả năng chống cự bền bỉ. Những cải tiến như vậy nên là một phần trong bất kỳ hiệp ước Mỹ-Việt nào về quyền tiếp cận hải quân.

Và cuối cùng, cảng này có tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vịnh Cam Ranh có vị trí không chỉ gần các tuyến đường biển quan trọng, mà còn nằm ở miền nam xanh tươi trù phú của Việt Nam, cách không xa đại đô thị quan trọng Sài Gòn. Luôn có sẵn thực phẩm để cung cấp cho cảng và hạm đội. Nguồn cung cấp nhiên liệu cũng không phải là vấn đề lớn: trữ lượng dầu thô của Việt Nam chỉ đứng thứ hai trong khu vực sau Trung Quốc. Trong khi đó, nếu Hà Nội đồng ý cho Hải quân Mỹ hiện diện lâu dài, việc dự trữ quân trang quân dụng và phụ tùng ở Cam Ranh sẽ chẳng gây khó khăn gì: Hải quân Mỹ đã có tàu đóng ở các cảng ngoại quốc như Yokosuka, ở Nhật, Bahrain, và Naples trong nhiều thập niên. Hải quân Mỹ có thể sao chép những cách bố trí tương tự ở nước Việt Nam có nhiều biển.

Một số điều nên theo dõi khi chuyến phiêu lưu tuyệt vời của Obama diễn ra: Thứ nhất, câu hỏi quan trọng về việc liệu giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam có thể quyết định phải chấp nhận Hải quân Mỹ hay không. Thứ hai, có những điều kiện gì? Liệu có phải Hà Nội sẽ chỉ chấp nhận “sự hiện diện luân chuyển” (“rotational presence”) trong đó tàu lưu lại ở Cam Ranh trong những thời gian dài rồi sau đó về nước? Hay liệu giới lãnh đạo [Việt Nam] sẽ chấp nhận các điều khoản rộng rãi hơn, chẳng hạn như thiết lập vĩnh viễn một cảng nhà cho một đội tàu? Thứ ba, Hà Nội sẽ cho phép hiện diện với quy mô lớn đến đâu? Hà Nội sẽ cho phép bao nhiêu tàu neo đậu ở đó, và những loại tàu nào?

Một đội tàu gồm các loại chiến hạm lớn như khu trục hạm và tuần dương hạm – những tàu được trang bị các thiết bị cảm biến và vũ khí đủ loại – là một công cụ chính sách cho Washington khác hẳn với một đội tàu chiến cận bờ được vũ trang nhẹ. Điều đó cũng sẽ đưa ra một lời khẳng định khác hẳn với Bắc Kinh về năng lực và quyết tâm của Mỹ và Việt Nam.

Và cuối cùng, Hà Nội sẽ cho phép tàu Mỹ làm gì sau khi đóng ở Vịnh Cam Ranh? Chào đón một cựu thù quay trở lại lãnh thổ Việt Nam không phải là một nước cờ nhỏ, kể cả vào thời điểm bốn thập niên sau chiến tranh Việt Nam. Liệu hải quân của hai nước có tiến hành tuần tra phối hợp ở các khu vực bị tranh chấp? Liệu các lực lượng tuần duyên của hai nước có thành lập các đơn vị phối hợp để giữ trật tự trị an cho các vùng biển của Việt Nam? Hay liệu Hà Nội sẽ cho phép các tư lệnh Mỹ được thoải mái làm theo lệnh của Washington?

Ta có thể hình dung rằng, do Trinculo trú ẩn dưới tấm áo choàng của Caliban chỉ vì cần trong lúc nguy cấp, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ có quan điểm hạn chế đối với các hoạt động hàng hải của Mỹ. Điều đó sẽ cho phép Hà Nội trút bỏ tấm áo choàng bảo vệ khi (và nếu) bão tan. Hà Nội sẽ cho Hải quân Mỹ sử dụng Vịnh Cam Ranh trong khi giữ quyền từ chối quyền sử dụng đó vì bất cứ lý do gì – hoặc không vì lý do gì cả. Và đối với hai cựu thù muốn tìm đại nghĩa chung, như vậy là phù hợp.

Nguồn: James Holmes, Washington’s Honeymoon in Cam Ranh Bay, Foreign Policy, 23-5-2016.

(Bản dịch đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 25/5/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

One thought on “Tuần trăng mật của Washington ở Vịnh Cam Ranh

  • Có gì khó hiểu. Mỹ mún vào bao giờ cũng đc miễn ko ảnh hưởng đến VN. Vn không liêm minh mà chỉ hợp tác với Mỹ để chống bọn Tàu. Bạn hình như ko ưa CSVN thì phải nên mới nói ra những lời mập mờ như vậy à.

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.