“Bầu không khí khủng bố” mới ở Trung Quốc (Kỳ 1)

Chuyện xứ lạ, Làm quan

Orville Schell

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

“Là người có tư tưởng tự do, tôi không còn cảm thấy mình có tương lai ở Trung Quốc.” Viện trưởng một viện nghiên cứu độc lập có tiếng ở Trung Quốc đang chuẩn bị di cư ra nước ngoài gần đây đã than như vậy. Những điệp khúc như vậy vang lên quá thường xuyên thời buổi này khi giới trí thức Trung Quốc tỏ vẻ ngày càng lo sợ về tương lai đất nước. Thật vậy, kể từ những năm 1970 khi Mao Trạch Đông vẫn còn trị vì và Cách mạng Văn hóa vẫn còn hoành hành, chưa bao giờ giới lãnh đạo Trung Quốc lại quá bị ám ảnh bởi nỗi luyến tiếc về chủ nghĩa Mao và kiểu lãnh đạo Leninist như hiện nay.

Trải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, các chuyên gia Trung Quốc ở hải ngoại đã quen tiên đoán chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc là những chu kỳ dao động giữa “nới lỏng” và “siết chặt” chính trị. Trung Quốc từ lâu đã là một nhà nước Leninist độc đảng với chế độ kiểm duyệt toàn diện và hệ thống mật vụ có lẽ là lớn nhất thế giới. Nhưng những gì đã và đang diễn ra gần đây ở Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình không hề là một sự dao động đơn giản như vậy. Đó là một biến chuyển căn bản về định hướng ý thức hệ và cơ cấu tổ chức mà đang bắt đầu ảnh hưởng tới cả nghị trình cải cách và các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Nằm ở trọng tâm của xu hướng thụt lùi này là chiến dịch “đánh hổ đập ruồi” vô cùng tham vọng của Tập Cận Bình để thanh lọc ra khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc những kẻ mà ông gọi là “hổ và ruồi”, tức là những quan chức và doanh nhân tham nhũng từ cao tới thấp. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2012, chiến dịch này đã tóm được hơn 160 “hổ”, những người có chức vụ cao hơn hoặc tương đương với chức phó bí thư tỉnh ủy hoặc thứ trưởng, và hơn 1.400 “ruồi”, tất cả đều là cán bộ cấp thấp.[1] Nhưng nó cũng đã biến dạng từ một chiến dịch chống tham nhũng thành một cuộc thanh lọc kiểu Maoist mới rộng lớn hơn nhắm vào các đối thủ chính trị và những người bất đồng quan điểm ý thức hệ hoặc chính trị.

Để tiến hành phong trào đại trà này, Đảng đã huy động mạng lưới theo dõi, an ninh, và mật vụ vô song và rộng lớn của mình theo những cách có ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của đời sống Trung Quốc. Các cơ quan báo chí chuyên về tin tức và thông tin đã bị dính đòn rất nặng. Bị ép phải tuân theo các mô hình Maoist cũ bắt buộc họ làm cái loa tuyên truyền cho Đảng, các biên tập viên và ký giả thấy mình ngày càng bị ràng buộc bởi những mệnh lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương. Do được chỉ thị những vấn đề được và không được phép đưa tin, họ cảm thấy quyền tự do mà họ có được để đưa tin viết bài vốn đã ít ỏi nay lại càng bị hạn chế đáng kể.

Hậu quả của việc không chấp hành mệnh lệnh của chính quyền đã ngày càng nặng nề hơn. Ví dụ hồi tháng 8 năm ngoái, một nhà báo tài chính của tuần báo kinh doanh Tài Kinh (Caijing, 財經) đã bị bắt giam sau khi đưa tin về việc chính phủ thao túng thị trường chứng khoán Trung Quốc và buộc phải bác bỏ tin bài của mình trong một lần thú tội bẽ mặt trên Đài Truyền hình Trung ương (CCTV). Và mới đây các cơ quan báo chí được nhắc nhở rất hịch toẹt là không được đi chệch đường lối của Đảng khi đích thân Tập Cận Bình ghé thăm Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo, và CCTV.

Ông Tập cảnh báo: “Tất cả các cơ quan báo chí do Đảng điều hành [mà bao gồm tất cả các cơ quan truyền thông lớn ở Trung Quốc] phải cố gắng đại diện cho ý chí và các ý kiến của Đảng, và bảo vệ quyền lực và sự đoàn kết của Đảng.” Trước một băng-rôn tuyên bố “Họ của CCTV là ‘Đảng’”, ông Tập kêu gọi những người làm trong ngành truyền thông phải “nâng cao nhận thức của mình để nhất quán với Trung ương Đảng về ý thức hệ, tư duy chính trị, và hành động”. Rồi chỉ vài ngày sau, bộ công nghiệp và công nghệ thông tin công bố các quy định mới cấm tất cả các công ty truyền thông có vốn đầu tư nước ngoài xuất bản trên mạng nếu không được chính phủ phê duyệt.

Nhưng sự đàn áp này không chỉ giới hạn ở ngành truyền thông. Hàng trăm cây thánh giá đã bị gỡ bỏ khỏi tháp chuông của các nhà thờ Cơ đốc giáo, nhiều nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn, nhiều mục sư bị bắt, và các luật sư biện hộ cho họ bị giam giữ và buộc phải thú tội trước công chúng. Và cho dù xã hội dân sự đã phát triển trong vài thập niên qua, một luật xã hội dân sự mới có tính hạn chế hiện nay đang được soạn thảo mà hứa hẹn là sẽ cảnh báo các tổ chức phi chính phủ không được hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc thách thức chính phủ.

Đồng thời, những nhà nghiên cứu có tư tưởng độc lập ở các tổ chức nghiên cứu độc lập và những giáo sư nói thẳng nói thật tại các trường đại học lo ngại về “tác động ức chế” của các chính sách của Tập Cận Bình đối với đời sống học thuật ở cả Trung Quốc lẫn Hồng Kông. Những nhà đấu tranh nữ quyền biểu tình chống nạn quấy nhiễu tình dục đã bị bắt vì tội “cãi vả và gây rối”, còn các luật sư nhân quyền bị truy quét trong một đợt bắt bớ hàng loạt vì tội “gây mất trật tự công cộng”, và thậm chí vì tội “phá hoại quyền lực nhà nước”.

Nhưng có lẽ bất ngờ nhất về xu hướng này là cách Bắc Kinh bắt đầu mở rộng ý định kiểm soát những người và tổ chức nằm ngoài biên giới quốc gia của mình. Dù khăng khăng nhất quyết bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của mình, các đại diện của nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra hải ngoại để thao túng cuộc đối thoại ở nước ngoài bằng cấp lập hàng trăm Viện Khổng Tử, báo và tạp chí, và thậm chí cả các đài truyền hình mà chỉ nhận lệnh từ Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc cũng không cấp chiếu khán cho những ký giả và học giả nước ngoài bị coi là “bất hữu hảo” (buyouhao,不友好); chặn các trang mạng nước ngoài mà chính quyền không đồng ý; yêu cầu nước ngoài không cho phép những nhân vật nổi tiếng như Đạt Lai Lạt Ma, những nhà hoạt động đấu tranh Hồng Kông, hoặc những nhà bất đồng chính kiến của Trung Quốc tới diễn thuyết; đe dọa các khách hàng quảng cáo của các cơ quan truyền thông nước ngoài thách thức các quan điểm của chính quyền; hiện nay thậm chí bắt cóc người ngoại quốc ở nước ngoài và “dẫn độ đặc biệt” những người đó về Trung Quốc rồi buộc họ nên truyền hình thú tội. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người Trung Quốc bắt đầu rỉ tai nhau về một “bầu không khí khủng bố” (kongbude qifen, 恐怖的氣氛) mới, điều mà học giả Eva Pils ở Khoa Luật của Đại học King’s College London gọi là “sự cai trị bằng nỗi sợ” (“rule by fear”).

Điều đáng chú ý nhất về những thủ đoạn mới này là sự táo tợn và giọng điệu không hối hận của chúng. Thay vì phủ nhận hay xin lỗi về chúng, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như hãnh diện tuyên bố chúng là một phần trong mô hình phát triển mới của Trung Quốc, dù đó là mô hình không có chỗ cho các giá trị tự do từ phương Tây. Trong thế giới mới của tiền tài và sức mạnh Trung Quốc đang trỗi dậy trở lại, giá trị được đề cao là sự lãnh đạo mạnh mẽ, tính ổn định ngắn hạn, và tăng trưởng kinh tế trước mắt.

Ủy ban Kỷ luật Kiểm tra Trung ương (CCDI) chễm chệ ở trung tâm của chiến dịch toàn quốc mới này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn và khôi phục Trung Quốc bằng cách kết hợp sự lãnh đạo mạnh mẽ, tư tưởng bị kiểm soát chặt chẽ, và lòng trung thành sâu sắc hơn với Tập Cận Bình. Từ lâu vốn là một trong những cơ quan uy quyền, bí mật và được nể sợ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CCDI chuyên trách “duy trì kỷ luật Đảng”. Nhưng khi Tập Cận Bình lên nắm quyền và bổ nhiệm phó thủ tướng và ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan, 王岐山) làm bí thư phụ trách ủy ban này, ông cũng giao cho ủy ban này trách nhiệm khởi xướng một chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu.

Tập Cận Bình, phải, và Vương Kỳ Sơn, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, tháng 3-2015. (China Daily/Reuters)
Tập Cận Bình, phải, và Vương Kỳ Sơn, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, tháng 3-2015. (China Daily/Reuters)

Vương Kỳ Sơn là con rể “thái tử Đảng” của cựu phó thủ tướng Diêu Y Lâm (Yao Yilin, 姚依林). Là con trai của một giáo sư đại học và bản thân ông cũng là người nghiên cứu lịch sử, ông đã lãnh đạo Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc, và cũng đã đảm trách đầy sáng tạo các vấn đề tài chính và thương mại của Trung Quốc trong thời Hồ Cẩm Đào khi ông phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson để lèo lái những năm đầu của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời kỳ đó được nhìn nhận là một thời kỳ đặc biệt có tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chẳng ai rõ tại sao Vương Kỳ Sơn từ bỏ mảng quản lý này để trở thành một đại quan thanh tra, nhưng việc ông chấp nhận vị trí này có thể được giải thích bằng tình bạn của ông với Tập Cận Bình, vốn đã hình thành khi cả hai người là thanh niên bị “hạ phóng” (xiafang, 下放) về cùng một vùng nghèo xơ xác của tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi, 陕西) vào đầu những năm 1970. [Từ những năm 1950 tới cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhiều thanh niên trí thức bị đưa xuống sinh sống và làm việc (hạ phóng) ở các vùng nông thôn trong phong trào Lên núi Về quê (thượng sơn hạ hương, 上山下鄉). N.D.]

Theo học giả Li Ling của Đại học Vienna, người đã viết CCDI, “Hệ thống kỷ luật của Đảng đã và đang chủ yếu là một phương tiện để củng cố quyền lực của Trung ương Đảng và bảo vệ tính đoàn kết của Đảng.”[2] Nhưng kể từ khi Vương Kỳ Sơn nhận nhiệm vụ vào năm 2012, mạng lưới vốn đã đáng kể gồm 12 văn phòng chi nhánh đã cùng với Ủy ban Trung ương tăng số cuộc điều tra từ 20 vào năm 2013 lên tới hơn 100 vào năm 2016 để biến nó trở thành một trong những cơ quan quan trọng nhất trong nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm củng cố chế độ độc đảng của Trung Quốc. Công tác của ủy ban này được xem là quan trọng tới nỗi ủy ban thậm chí được phép bổ nhiệm và cách chức không cần tới Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan kiểm soát việc bổ nhiệm các cán bộ cấp cao khác.

Là một đảng Leninist kiểu cũ trong một thế giới hiện đại, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp phải hai thách thức lớn: một là làm thế nào duy trì kỷ cương “ý thức hệ” trong rừng 89 triệu đảng viên trong một thế giới toàn cầu hóa dư thừa tiền bạc, nhiều cơ hội chu du quốc tế, tràn ngập thông tin chuyển tải bằng phương tiện điện tử, và đầy những tư tưởng bất đồng. Hai là thanh lọc hết nạn tham nhũng kinh niên cho Đảng, một tai họa mà chính Tập Cận Bình gọi là “vấn đề sống còn”.

Lý do chủ yếu khiến Đảng rất dễ bị tham nhũng là tuy được trả lương ít ỏi, cán bộ quan chức lại kiểm soát các tài sản quốc gia quý báu. Vì vậy, ví dụ như các thương vụ phát triển địa ốc có liên quan tới bất động sản (toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước) và hoạt động ngân hàng (tất cả các ngân hàng lớn cũng thuộc nhà nước), những cán bộ quan chức xét duyệt các thương vụ này rơi vào tình thế dễ bị cám dỗ bổ sung đồng lương còm cõi của mình bằng cách nhận hối lộ hoặc lén lút ăn chia phần trăm. Vì thành công mà không tham nhũng ở Trung Quốc gần như là chuyện phi lý, các quan chức và doanh nhân (và những người đứng đầu các doanh nghiệp quốc doanh vừa là quan chức vừa là doanh nhân) điều dễ dàng phạm phải điều mà người Trung Quốc gọi là “nguyên tội” (yuanzui,原罪), tức là có dính líu ít nhiều tới tham nhũng.

Tuy những cuộc điều tra bí mật, kiểm duyệt, và các phiên tòa chính trị không phải là chuyện mới ở Trung Quốc, điều khác thường về vai trò của CCDI trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là vị thế công khai đứng trên pháp luật của cơ quan này. Các cuộc điều tra do Ủy ban này thực hiện rõ ràng được ưu tiên hơn các tiến trình tư pháp mà cảnh sát, luật sư, và thẩm phán thường thực hiện trong các xã hội dân chủ. CCDI không bị cản trở bởi bất kỳ chi tiết pháp lý nào như vậy, ngoại trừ khi cần có các phiên tòa chỉ để phô diễn vào ngay lúc kết thúc vụ án để một bản án chính thức, chẳng hạn cho tội tham nhũng, như như có thể được đưa ra “theo quy định của pháp luật”, một cụm từ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng không biết mệt mỏi như thể chỉ cần niệm chú như vậy là có thể biến nó thành sự thật. Nhưng tất nhiên, tới lúc đó thì “tội” đã được xác định từ lâu và thường chỉ cần chút ít màn kịch pháp lý là đủ để giúp cho cuộc điều tra của CCDI có vẻ chính danh.

(Còn tiếp một kỳ)

[1] Xem Susan Jakes, “Visualizing China’s Anti-Corruption Campaign,” China File.com, January 21, 2016.

[2] Li Ling, “The Rise of the 
Discipline and Inspection Commission,
 1927–2012: Anticorruption Investigation and Decision-Making in the Chinese Communist Party,” Modern China, February 16, 2016.

Nguồn: Orville Schell, Crackdown in China: Worse and Worse, The New York of Books, 21-4-2016

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 13/4/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Trung Cộng mạnh tay săn “cọp tham nhũng”, cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang khốn đốn

 

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.