Dấu ấn Antonin Scalia

Làm quan

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hôm 13-2-2016, Antonin Scalia, thẩm phán bảo thủ nổi tiếng nhất của Tòa án Tối cao Mỹ (TATC), qua đời tại một khu nghỉ dưỡng ở Texas, thọ 79 tuổi. Cái chết bất ngờ của thẩm phán có thời gian phục vụ lâu nhất (30 năm) của TATC hiện tại chấm dứt một thời gian dài TATC thuộc quyền kiểm soát của phe Cộng hòa. Trong một phần tư thế kỷ, chín thẩm phán TATC chia thành hai nhóm tư tưởng đối lập: năm bảo thủ, bốn tự do. Lần đầu tiên trong mấy chục năm cán cân tư tưởng của tòa án cao nhất nước Mỹ có cơ hội được thay đổi.

(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)
(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Lãnh tụ trí tuệ của phe bảo thủ

Cái chết đột ngột của Scalia có hệ lụy vô cùng lớn ở hai khía cạnh. Thứ nhất, Scalia nằm trong số những thẩm phán có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ted Cruz, thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa đại diện bang Texas và ứng cử viên tổng thống, nói Scalia sẽ lưu danh sử sách là một trong số ít thẩm phán đơn thương độc mã thay đổi tiến trình lịch sử pháp lý. Thứ hai, ông là trụ cột của phe bảo thủ đa số ở TATC. Richard Posner, chánh án Tòa Thượng thẩm liên bang vùng kinh lý thứ 7 và là nhà luật học nổi tiếng, viết trên tạp chí The New Republic năm 2012 rằng Scalia là một trong những thẩm phán TATC có quan điểm chính trị bảo thủ nhất trong thời hiện đại và là lãnh tụ trí tuệ của phe bảo thủ tại TATC.

Khi Scalia gia nhập TATC năm 1986, trường phái hàng đầu về diễn dịch Hiến pháp là “Hiến pháp sống”, tức là ý nghĩa của hiến pháp thay đổi khi xã hội tiến hóa. Khinh bỉ quan niệm này, Scalia theo “thuyết nguyên thủy”, diễn giải Hiến pháp đúng như cách hiểu ban đầu khi các nhà lập quốc soạn thảo trong thế kỷ 18. Năm 2012, ông phát biểu: “Hiến pháp không phải là một sinh vật. Đó là một văn bản pháp lý. Ý nghĩa của nó ngày nay cũng hệt như ý nghĩa khi nó được đưa ra.”

Theo ông, cách hiểu nguyên thủy về các quyền, công lý và bình đẳng là quá đủ rồi, một khi đã có vài tu chính án, dù cách hiểu đó ban đầu không ngăn cản nạn nô lệ và không hề đòi hỏi nhà nước phải cho phép người nghèo, phụ nữ hay người da màu được quyền bỏ phiếu, hay cho người da màu được quyền công dân vô điều kiện ngay từ khi ra đời trên đất nước. Ông dường như cũng chẳng quan tâm là Hiến pháp, văn bản định hình đời sống luật pháp và văn hóa quốc gia, được soạn thảo bởi một nhóm người toàn da trắng cẩn thận chăm chút cho các quyền của chính họ.

Mới đây, chánh án John Roberts ta thán là TATC bị hiểu lầm, rằng các thẩm phán không hoạt động như người của Cộng hòa hay Dân chủ, không hề bày tỏ quan điểm chính sách. Song, trong gần như mọi vụ xử lớn nhất, cả chín thẩm phán bỏ phiếu nhất quán với đường lối của đảng có tổng thống đã đề cử họ.

Mục tiêu của thuyết nguyên thủy là loại bỏ chính trị ra khỏi phán xét tư pháp khi TATC có các thẩm phán khác nhau. Nhưng trên thực tế thuyết này dùng Hiến pháp để cổ xúy các chính kiến bảo thủ: ủng hộ án tử hình, không hạn chế mức hiến tặng cho các đảng phái nên đồng tiền có thể ảnh hưởng chính trị, không bảo vệ quyền phá thai, không công nhận quyền của người đồng tính, không chấp thuận chính sách chống kỳ thị hay luật có tính bảo vệ phụ nữ và các chủng tộc thiểu số. Trong ba thập niên, Scalia thắng nhiều hơn thua, và thuyết nguyên thủy vẫn thịnh hành trong giới chính trị bảo thủ.

Trong quyết định quan trọng nhất của ông đại diện cho phe đa số trong một vụ năm 2008, Scalia biến đổi cách hiểu Tu chính án thứ hai. Đảo ngược cách diễn giải cả trăm năm qua về về quyền sở hữu vũ khí, ông tuyên bố rằng người dân có quyền hiến định sở hữu súng ngắn để bảo vệ cá nhân. Phán quyết này có ảnh hưởng lớn tới nỗi cả Tổng thống Obama, vốn có chính kiến rất khác biệt với Scalia, đã chấp nhận quan điểm rằng Tu chính án thứ hai cho người dân quyền hiến định sở hữu vũ khí.

Nổi tiếng là người sắc sảo, hay mỉa mai và không ngại đụng độ, thẩm phán Scalia gây chia rẽ không chỉ Tòa án Tối cao mà cả nước Mỹ. Ông thẳng thắn bày tỏ ý kiến, chứ ít khi chịu lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Năm 1992, khi TATC khẳng định quyền hiến định được phá thai, Scalia phê phán nhóm đa số đã bỏ phiếu dựa trên ý nguyện cá nhân, và bình luận rằng phán quyết này “không thể được nhìn nhận một cách nghiêm túc”. Ông từng phát biểu là muốn bãi bỏ quy định bắt buộc cảnh sát khi bắt người phải đọc cho nghi can nghe về quyền im lặng.

Ông gọi một quyết định năm 2015 hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn quốc là “mối nguy cho nền dân chủ Mỹ”. Scalia rằng Hiến pháp không cần bảo vệ điều gì, hoặc bất cứ ai, mà Hiến pháp đã không bảo vệ vào lúc văn bản này hoặc các tu chính án chính thức được phê chuẩn. Trong ý kiến bất đồng được công bố sau phán quyết về hôn nhân đồng tính này, Scalia viết: “Khi Tu chính án thứ mười bốn được phê chuẩn vào năm 1868, mỗi bang chỉ chấp nhận hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và chẳng ai nghi ngờ về tính hợp hiến của việc này.”

Năm 2008, khi TATC phán quyết với tỉ lệ đa số rằng các nghi phạm khủng bố bị giam ở trại Guantanamo Bay có quyền xin phóng thích tại một tòa án liên bang, ý kiến bất đồng phê phán rằng lần đầu tiên TATC trao các quyền hiến định cho người không phải công dân Mỹ, và tiên đoán rằng phán quyết này “gần như chắc chắn sẽ khiến thêm nhiều người Mỹ bị sát hại”. Năm 2015, khi TATC chấp thuận với tỉ lệ 6-3 các khoản trợ cấp thuế trên toàn quốc của đạo luật y tế Obamacare, Scalia chỉ trích nhóm đa số coi thường ngôn ngữ rõ ràng của Hiến pháp, gọi cách lý giải của họ là trò nhảm nhí và trò lừa gạt diễn giải luật.

Xuất thân từ gia đình có mẹ là người Mỹ gốc Ý và cha là di dân từ Ý, Scalia là thẩm phán gốc Ý đầu tiên của TATC. Song, ông nổi lên là nhân vật bảo thủ lừng lẫy khinh thị bất cứ chính sách hay hành động nào cân nhắc sắc tộc, chủng tộc, hoặc giới tính. Theo ông, những chính sách trao thầu của chính quyền các cấp địa phương, bang và liên bang, và các chương trình tuyển sinh đại học theo cách tiếp cận này đều sai lầm. Năm 2015, ông gây xôn xao dư luận khi trong một vụ xử về chính sách tuyển sinh bảo đảm tính đa dạng về chủng tộc, ông dẫn một lập luận cho rằng sinh viên da đen có học lực yếu có thể chẳng lợi lộc gì khi vào học ở một trường danh tiếng và không đạt kết quả tốt như khi họ học ở trường kém hơn.

Ông xem những vận động bảo vệ quyền của các cử tri thiểu số và quyền cho giới LGBT (đồng tính, song tính, và chuyển giới) là nỗ lực tạo đặc quyền trong hệ thống pháp luật. Scalia nhiều lần nói rằng quyết định của TATC bác bỏ một luật của bang Texas cấm quan hệ tình dục kiểu kê gian là hành động hỗ trợ “nghị trình của giới đồng tính”. Ông cho rằng việc bác bỏ luật cấm kê gian (mà quả thực cấm nhiều loại quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người thành niên dị tính) gây nguy hại cho các luật tiểu bang cấm có hai vợ/chồng, hôn nhân đồng tính, loạn luân ở người thành niên, mại dâm, quan hệ tình dục với động vật, và khiêu dâm. Ông cũng nói rằng buộc hội Nam Hướng đạo sinh Mỹ cho phép người đồng tính nam làm trưởng nhóm hướng đạo là gây ra gánh nặng vi hiến cho tổ chức này.

Năm 2013, bình luận về một quy định của Đạo luật Quyền Bỏ phiếu trao cho chính phủ liên bang các công cụ và quyền hạn phê chuẩn gần như tất cả mọi thay đổi về cách thức, địa điểm, các yêu cầu hay thủ tục bỏ phiếu ở các bang có lịch sử áp bức cử tri, Scalia gọi đó là sự trao đặc quyền mang tính chủng tộc. Theo ông, Đạo luật Quyền Bỏ phiếu là cái tên gây hiểu lầm cho luật đó ở chỗ nó thực ra tạo nên và bảo vệ một số quyền cho các cử tri thiểu số.

Hệ lụy của thay đổi cán cân tư tưởng

Ghế trống của Scalia có thể ảnh hưởng tới những vụ đang hay chưa được xử. Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, phe bảo thủ và phe tự do có số phiếu ngang bằng. Tỉ lệ 4-4 sẽ giữ nguyên hiện các phán quyết của tòa cấp thấp hơn chứ không tạo nên các án lệ cấp quốc gia giúp định hình tương lai.

Ngoài Scalia, chánh án John Roberts và ba thẩm phán Anthony Kennedy, Clarence Thomas và Samuel Alito đều do các tổng thống Cộng hòa đề cử, và thường bỏ phiếu theo chiều hướng bảo thủ. Nhưng Kennedy là lá phiếu trung dung, đôi khi nghiêng về phe tự do trong những vấn đề như án tử hình và quyền của người đồng tính. Bốn thẩm phán tự do, đều do các tổng thống Dân chủ đề cử, là Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan. Họ đã thành công khi họ bỏ phiếu giống nhau và kéo Kennedy, và thỉnh thoảng Roberts, về phía mình.

Đầu tháng 2, với tỉ lệ 5-4, tòa ra lệnh hoãn thực hiện đề xuất đầy tham vọng của Obama về hạn chế khí thải nhà kính và giảm mức độ ấm lên toàn cầu trong khi kế hoạch này đang bị kiện cáo. Lệnh hoãn này được đưa ra sau khi có yêu cầu của hơn hai mươi bang, và các công ty điện và than với lý do là Cơ quan Bảo vệ Môi trường vượt quá quyền hạn của mình. Lệnh hoãn này khá bất thường vì chưa có tòa án nào phán quyết về tính hợp pháp của kế hoạch đó. Tòa Thượng thẩm liên bang Vùng District of Columbia sẽ xử vụ này vào tháng 6.

Trong vụ xử liệu Obama có sử dụng đúng quyền hạn của mình khi ngăn cản trục xuất gần năm triệu di dân bất hợp pháp đã sinh sống đến mức “bắt rễ” ở Mỹ, tỉ lệ 4-4 có thể bác bỏ lệnh hành pháp này của tổng thống, vì Tòa Thượng thẩm liên bang Vùng kinh lý thứ 5 đã phán quyết chống lại Obama. Nhưng sự vắng mặt của Scalia có thể cản trở TATC đưa ra phán quyết có tác động sâu xa về quyền hạn của tổng thống.

Tỉ lệ đa số giảm đi của phe bảo thủ có thể đưa tới một số thắng lợi bất ngờ cho phe tự do. Rõ nhất là vụ tranh chấp về công đoàn phí của giáo viên công lập California được tòa xử hồi tháng Giêng. Tranh luận của các thẩm phán cho thấy tòa có vẻ chuẩn bị xử thua cho công đoàn và ủng hộ các giáo viên cho rằng quyền tự do ngôn luận của họ bị vi phạm khi họ bị buộc phải đóng phí cho công đoàn giáo viên của bang.

Phe bảo thủ của TATC, gồm cả Scalia, dường như muốn bãi bỏ án lệ trong 40 năm qua cho phép công đoàn thu “phí đại điện” từ những người không phải là công đoàn viên để hỗ trợ cho các hoạt động đàm phán tập thể cho cả hội viên lẫn người không phải hội viên. Nhưng, viện dẫn án lệ đó, Tòa Thượng thẩm liên bang Vùng kinh lý thứ 9 đã xử thắng cho công đoàn. Các thẩm phán tự do nhất trí ủng hộ án lệ đó, tỉ lệ 4-4 nghĩa là thắng lợi cho công đoàn sẽ giữ nguyên.

Trong năm nay, Scalia chưa phát biểu tranh luận gì trong một vụ đang xử về việc các bang có phải tính tới tất cả cư dân ở một bang khi vẽ địa giới khu vực bầu cử mới hay chỉ xét tới những cử tri hợp lệ. Vụ này có thể có nhiều tác động hệ trọng trong việc phân bố quyền lực chính trị trong vài thập niên cho tới khi Mỹ trở thành một nước mà không có một chủng tộc hay sắc tộc nào chiếm đa số (dự kiến là vào năm 2044).

Di dân (chưa có tư cách đi bầu nếu chưa là công dân) thường tập trung ở một số vùng cụ thể. Và ở một bang như Texas, với dân số tăng nhanh từ năm 2000 tới năm 2010 đến nỗi được thêm nhiều ghế quốc hội, không chỉ có nhiều người mới này chưa đủ tuổi đi bầu, mà còn hơn 90% mức tăng dân số là con cái của các nhóm người gốc Á, Mỹ Latinh và người da đen. (Các xu hướng dân số trên toàn nước Mỹ cũng tương tự.)

Vì vậy bất cứ phán quyết nào của TATC ủng hộ chỉ xét đến cử tri hợp lệ khi vẽ địa giới bầu cử coi như giảm tác động chính trị của dân số ngày càng tăng và thay đổi. Phán quyết kiểu đó sẽ duy trì ảnh hưởng của tầng lớp đa số da trắng đang lão hóa trong thời gian dài sau khi tầng lớp đó không còn chiếm đa số nữa. Hệ lụy của vụ này về triển vọng của Đảng Cộng hòa gần như toàn da trắng báo hiệu cuộc đấu đá bổ nhiệm thẩm phán mới sẽ vô cùng quyết liệt.

Phân hóa chính trị sâu sắc

Chỉ vài giờ sau khi có tin Scalia chết, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ bắt đầu cự cãi về việc bổ nhiệm thẩm phán mới. Mitch McConnell, lãnh tụ đảng đa số tại Thượng viện, ủng hộ yêu cầu của nhiều chính khách Cộng hòa, trong đó có một số ứng cử viên tổng thống, đòi phải đợi tới sau khi tổng thống mới được bầu vào tháng 11 năm nay. McConnell hứa sẽ bác bỏ bất cứ ai do Obama đề cử.

Lý do của phe Cộng hòa là trong lịch sử chưa có thẩm phán nào được bổ nhiệm trong năm bầu cử tổng thống, và Obama chỉ còn tại vị trong chưa đầy một năm. Phe Cộng hòa biện giải rằng nền dân chủ Mỹ đòi hỏi người dân phải có tiếng nói về việc chọn lựa một người đại diện chính quyền có thời gian phục vụ dài hơn nhiệm kỳ của bất kỳ tổng thống nào. (Sau khi được bổ nhiệm, thẩm phán sẽ làm cho tới khi qua đời, trừ phi từ chức, được đề cử thành chánh án, hoặc bị luận tội và bãi nhiệm.) Ted Cruz hứa sẽ cản trở việc phê chuẩn người được Obama đề cử bằng cách dùng chiêu filibuster (phát biểu lê thê để câu giờ trong một buổi tranh luận tại quốc hội để trì hoãn hoặc cản trở thông qua một quyết định hay luật nào đó).

Phe Dân chủ lập tức phản đòn bằng chính lý do bảo vệ dân chủ. Harry Reid, lãnh tụ đảng thiểu số tại Thượng viện, kêu gọi McConnell tổ chức điều trần để phê chuẩn bổ nhiệm. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Vermont), đại diện cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, phát biểu trên CNN rằng nếu không thay đổi đường lối, Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện trong kỳ bầu cử năm nay. Thượng viện nghiêng về Đảng Cộng hòa với tỉ lệ 54-46.

Hai thượng nghị sĩ Chuck Schumer (New York) và Elizabeth Warren (Massachusetts) lên án phe Cộng hòa có ý đồ cản trở quy trình dân chủ. Trả lời phỏng vấn đài ABC, Schumer nói người dân sẽ không thích thái độ cản trở này, không chấp nhận ghế TATC bị trống trong hơn 300 ngày. Warren phản bác bằng chính lập luận “tiếng nói của người dân”: “Người dân quả thực đã có tiếng nói – khi Tổng thống Obama thắng cử năm 2012 với mức chênh lệch 5 triệu phiếu. Điều II Phần 2 của Hiến pháp quy định rằng Tổng thống Hoa Kỳ đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao, với sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện. Tôi không tìm thấy điều khoản nào quy định ‘… trừ phi còn một năm trong nhiệm kỳ của một tổng thống Dân chủ’.” Phe Dân chủ cũng dẫn chứng cứ lịch sử cho thấy từng có thẩm phán được đề cử và phê chuẩn trong một năm bầu cử. Trước các phản ứng quyết liệt đó, McConnell xuống nước, nói rằng sẽ chỉ quyết định về việc tổ chức điều trần phê chuẩn khi có người được đề cử. Trước đó, Obama đã khẳng định chắc chắn sẽ đề cử.

Cho tới thập niên 1980, các đề cử thường được phê chuẩn dễ dàng. Khi được Tổng thống Reagan đề cử năm 1986, Scalia đang là thẩm phán Tòa Thượng thẩm liên bang Vùng District of Columbia với bề dày phán quyết và ý kiến nặng tính bảo thủ, và không ngần ngại phản đối nhiều ưu tiên của giới chủ trưởng tự do như lựa chọn phá thai và chính sách chống kỳ thị. Nhưng chỉ trong vài tuần, ông được Thượng viện phê chuẩn với tỉ lệ 98 phiếu thuận 0 phiếu chống.

Vài chục năm qua, việc phê chuẩn thẩm phán ngày càng nặng tính đảng phái. Ba thẩm phán TATC được bổ nhiệm gần đây nhất – Samuel Alito (Bush đề cử), Sonia Sotomayor và Elena Kagan (Obama đề cử) – đều bị hơn 30 phiếu chống. Lần này, quá trình chọn người thay Scalia còn căng thẳng và chia rẽ đảng phái hơn nữa. Hiếm khi một tổng thống Dân chủ có cơ hội đề cử người thay cho một trong những thẩm phán bảo thủ nhất. Các đề cử gần đây đều là vào đầu nhiệm kỳ của một tổng thống, chủ yếu vì các thẩm phán tự do thường từ chức vào lúc bắt đầu một chính quyền Dân chủ và các thẩm phán bảo thủ thường từ chức vào lúc bắt đầu một chính quyền Cộng hòa để tăng cơ hội một tổng thống đồng quan điểm bổ nhiệm người kế vị mình. Obama chỉ còn chưa đầy một năm ở Nhà Trắng, nên Thượng viện có thể câu giờ với hy vọng một ứng cử viên Cộng hòa đắc cử tổng thống.

Nếu Thượng viện không phê chuẩn người do Obama đề cử, kỳ bầu cử tổng thống 2016 sẽ là một canh bạc có phần được thua lớn hơn rất nhiều. Tổng thống mới không chỉ cầm quyền trong bốn năm mà còn được tái định hình TATC và luật pháp Mỹ cho cả một thế hệ.

Nếu Hillary Clinton hoặc Bernie Sanders của Đảng Dân chủ thắng cử, họ có thể thay thế không chỉ Scalia mà có thể cả các thẩm phán tự do Stephen Breyer (77 tuổi) và Ruth Bader Ginsburg (82 tuổi) nếu hai vị này từ chức để tạo cơ hội cho phe tự do chiếm đa số tại TATC cho tới tận những năm 2030. Nếu Nhà Trắng có chủ mới siêu bảo thủ như Ted Cruz, phe bảo thủ có cơ may củng cố tỉ lệ đa số trong thời gian dài, vì ngoài Scalia, Kennedy (79 tuổi), có thể nhường chỗ cho một người bảo thủ hơn.

Kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 9-2015 cho thấy tỉ lệ dân chúng không ủng hộ TATC đã đạt kỷ lục mới 50%. Năm 1986, khi Scalia ngồi vào ghế TATC, chỉ có 10% dân chúng trả lời cuộc kháo sát của Gallup là họ “rất ít tin tưởng” thiết chế này; nay con số này là 23% và hẳn sẽ còn tăng khi cuộc chiến bổ nhiệm thẩm phán mới hứa hẹn máu lửa.

Sự nghiệp của Antonin Scalia

Antonin Scalia sinh ngày 11-3-1936 tại Trenton, New Jersey. Thời đi học, Antonin Scalia có thành tích lừng lẫy, tốt nghiệp thủ khoa Trung học Xavier ở Lower Manhattan, New York, đầu bảng tại Đại học Georgetown, và hạng giỏi tại Đại học Luật Harvard. Ông hành nghề luật trong sáu năm tại Cleveland trước khi dạy luật tại Đại học Virginia năm 1967. Bốn năm sau, ông bắt đầu làm cho nhà nước, ban đầu là luật sư của Văn phòng Chính sách Viễn thông, và sau đó là chủ tịch Liên đoàn Hành chính Mỹ, một cơ quan thuộc nhánh hành pháp chuyên tư vấn cho các cơ quan quản lý liên bang.

Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đề cử ông làm thứ trưởng tư pháp phụ trách Văn phòng Tư vấn Pháp lý, một đơn vị cao cấp của Bộ Tư pháp chuyên tư vấn pháp luật cho nhánh hành pháp. Ông được Thượng viện phê chuẩn ngày 22-8-1974, ít lâu sau khi Nixon từ chức. Năm 1977, ông quay lại nghiệp giảng dạy luật, làm giáo sư ở Đại học Chicago.

Sau khi Ronald Reagan được bầu làm tổng thống năm 1980, Scalia được phỏng vấn cho vị trí ông ao ước: luật sư trưởng của chính phủ, người đại diện cho chính phủ liên bang tại TATC, nhưng không được chọn. Ông được đề xuất cho ghế thẩm phán tại tòa thượng thẩm liên bang ở Chicago, nhưng từ chối với hy vọng được đề cử cho vị trí ở Tòa Thượng thẩm liên bang Vùng District of Columbia uy danh hơn, nơi được xem là bước đệm để lên TATC. Ghế trống đầu tiên ở Tòa DC trong nhiệm kỳ Reagan được dành cho giáo sư luật danh tiếng Robert Bork. Ghế thứ hai, trống vào năm 1982, dành cho Scalia.

Năm 1986, sau khi chánh án TATC Warren Burger thông báo ý định từ chức, tổng thống Reagan đề cử thẩm phán William Rehnquist lên thay, và đề cử Scalia vào ghế trống của Rehnquist. Ông được phê chuẩn với tỉ lệ tuyệt đối 98-0.

(Đây là bản đầy đủ; bản rút gọn của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 28-2-2016)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

One thought on “Dấu ấn Antonin Scalia

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.