Dầu: bài toán nan giải của kinh tế toàn cầu

Làm giàu

Năm 2016 chưa hết một tháng mà giá dầu đã tụt dốc 28%. Hôm 20-1, các mức giá chuẩn mực Brent và West Texas Intermediate (WTI) đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003; WTI giảm 6,7% xuống còn $27/thùng, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể tháng 9-2015. Giá dầu xuống dốc đã không giảm sản lượng dầu mà cũng không giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh. Vì sao?

oil
Giới buôn bán dầu đang hết sức chú ý tới Kharg, một hòn đảo nhỏ cách bờ biển Iran 25 km. Ở mạn khuất gió của đảo, có thể nhận diện được bằng các vệ tinh trên quỹ đạo từ các thiết bị nhận phát tín hiệu, có khoảng nửa tá tàu chở dầu khổng lồ đã neo đậu ở đó mấy tháng trời. Dọc bờ biển Vịnh Ba Tư của Iran còn có một đội tàu khổng lồ tương tự khác. Chúng chứa tới 50 triệu thùng dầu thô Iran – đúng thứ mà một thế giới đang tràn ngập dầu không cần tới.

WTI-priceDo Iran được bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan tới hạt nhân hôm 16-1, những thùng dầu đó đã lĩnh ấn tiên phong khi quốc gia này tìm cách giành lại thị phần trên các thị trường dầu quốc tế mà Iran đã bị loại trừ trong phần lớn thập niên vừa qua. Triển vọng về việc Iran nhanh chóng đưa những tàu chở dầu khổng lồ của mình sang các nhà máy lọc dầu Châu Âu và Châu Á để bán rẻ hơn nguồn cung từ Saudi Arabia, Iraq và Nga đã đẩy các mức giá dầu chuẩn mực của thế giới, Brent và West Texas Intermediate (WTI), xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 hôm 20-1; WTI giảm 6,7% xuống còn $27/thùng, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể tháng 9-2015.

Cú tụt dốc này đánh dấu hồi kịch mới nhất trong sự thay thời đổi vận đầy kịch tính của ngành dầu, mà chính biến chuyển này đang làm xáo trộn nền kinh tế toàn cầu. Cách đây chưa đầy một thập niên, thế giới giành giựt dầu, chủ yếu để nạp năng lượng cho con tàu tăng trưởng hùng hục khát nguyên liệu của Trung Quốc, đẩy giá dầu lên hơn $140/thùng vào năm 2008. Các đại tập đoàn dầu quốc doanh như Saudi Aramco (của Saudi Arabia) có quyền khai thác các trữ lượng dầu với chi phí rẻ nhất, khiến các hãng dầu tư nhân phải thăm dò ở những nơi xa xôi hơn – ở Bắc Cực, các mỏ dầu tiền muối (pre-salt) của Brazil và vùng biển sâu ngoài khơi Angola – để tìm các tài nguyên được cho là ngày càng khan hiếm. Lo ngại là các hãng dầu lớn có thể cạn cơ hội tăng trưởng, giới đầu tư đã khuyến khích tìm kiếm thêm dầu đắt đỏ, khiến mức tăng trưởng tiềm năng trong tương lai về sản lượng cũng được tưởng thưởng như khả năng sinh lợi.

Nay nỗi lo ngại đối với giới sản xuất là sợ dư thừa dầu, chứ không phải khan hiếm. Mức đóng góp 4,2 triệu thùng/ngày của các hãng dầu đá phiến Mỹ vào nguồn cung toàn cầu trong 5 năm qua, dù chỉ chiếm 5% sản lượng toàn cầu, đã có tác động lớn tới thị trường vì tăng triển vọng thu được các khối lượng lớn tài nguyên trước đây được xem là khó chiết tách. Hôm 19-1 Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức dự báo năng lượng hàng đầu, đưa ra một cảnh báo u ám: “Thị trường dầu có thể chết đuối trong nguồn cung ngập tràn.”

Năm ngoái, thế giới sản xuất 96,3 triệu thùng/ngày, nhưng chỉ tiêu thụ 94,5 triệu thùng/ngày. Vì vậy mỗi ngày có khoảng 1,8 triệu thùng đi vào các bồn trữ dầu – mà những bồn này nhanh chóng đầy. Dù các kho chứa mới đang được xây dựng thêm, dầu nhiều quá thì các bồn này cũng hết chỗ chứa. Chỗ duy nhất để trữ dầu dư thừa sẽ là các tàu chở dầu neo đậu ngoài khơi, giống như số dầu của Iran đang trữ ngoài đảo Kharg, đợi tới lúc cầu tăng lên trở lại.

Đối với giới sản xuất dầu, đó là một triển vọng đáng lo ngại, nhưng đa phần những cảnh báo như các cảnh báo của IEA chẳng được để ý tới. Điều này đặt ra hai vấn đề nan giải. Khi, vào tháng 11-2014, Saudi Arabia buộc OPEC tiếp tục khai thác dù giá giảm nhanh, nước này hy vọng nhanh chóng khiến các nhà sản xuất có chi phí cao ở Mỹ và những nơi khác hết cửa làm ăn. Giới phân tích kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh trở lại. Dù các hãng dầu sau đó đã tạm ngưng tổng cộng 380 tỉ Mỹ kim vốn đầu tư vào các dự án mới, vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy. Các dự báo về sự hồi phục có ý nghĩa của giá dầu đã được đẩy lùi lại cho tới ít nhất là năm 2017.

Tác động kinh tế của nguồn cung dư thừa là một điều bí ẩn khác. Nhiên liệu rẻ hơn hẳn là kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các ngành sử dụng dầu là đầu vào sẽ có lãi hơn. Lợi ích cho các quốc gia tiêu thụ dầu thường cao hơn chi phí của các quốc gia sản xuất dầu. Nhưng tính tới nay trong năm 2016 cú tụt dốc 28% về giá dầu đã diễn ra cùng lúc với cơn hoảng loạn ở các thị trường chứng khoán toàn cầu. Cứ như thể thị trường đang thách thức các giả định lâu đời về các lợi ích kinh tế của giá năng lượng thấp, hoặc khẳng định rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng èo uột tới nỗi sự thừa mứa dầu sẽ chẳng ích lợi gì.

Iran là nguyên nhân ngay trước mắt của tâm lý bi quan này. Iran hứa ngay lập tức tăng sản lượng hiện ở mức 500.000 thùng/ngày, ngay lúc các nước thành viên khác của OPEC như Saudi Arabia và Iraq đang khai thác ở mức kỷ lục. Cho dù chỉ tiêu của OPEC hơi quá lạc quan, sự thù nghịch cao độ giữa giới cầm quyền ở Iran và Saudi Arabia khiến khó mà tưởng tượng rằng ba nước này có thể đồng tình với kiểu kỷ cương sản lượng mà OPEC xưa nay đã dùng để cố gắng cứu vãn giá dầu.

Dù đã cố tái khẳng định tầm ảnh hưởng của mình, OPEC có lẽ sẽ thất bại vì ngành dầu đã thay đổi về nhiều mặt. Giới sản xuất dầu đá phiến, dùng công nghệ vừa rẻ hơn vừa dễ triển khai hơn các giàn khoan dầu truyền thống, đã khiến ngành dầu dễ làm ăn hơn. Đồng tiền sụt giá mạnh so với Mỹ kim đã giúp các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Nga, Brazil và Venezuela duy trì sản lượng, bằng cách tăng nguồn thu tính bằng nội tệ so với chi phí. Và những nỗi lo ngại ngày càng gia tăng về biến đổi khí hậu, cộng với sự xuất hiện của các công nghệ năng lượng thay thế, khiến một số nhà sản xuất nghĩ rằng tốt nhất là bơm dầu hết công suất, trong khi họ còn có thể.

Đây không phải là lần đầu tiên OPEC đã đánh giá quá cao hiệu quả của điều mà, trong thời Standard Oil của John Rockefeller, từng được gọi là “làm toát mồ hôi hột” (good sweating): tức là cố gắng làm cho thị trường tràn ngập dầu giá rẻ để đánh bật các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Vào giữa thập niên 1980, OPEC đã dùng giá thấp để loại trừ các nhà sản xuất ở Biển Bắc (Anh), nhưng bất thành. OPEC đã ra chính sách giành lại thị phần từ các đối thủ không thuộc OPEC, nhưng rốt cuộc lại cố gắng hạ gục lẫn nhau, lại càng khiến giá giảm hơn nữa. Giá dầu phải mất nhiều năm mới khôi phục.

Đó là một nước cờ sai cũ rích. Trong cuốn “The Prize” (Chiến lợi phẩm), Daniel Yergin trích dẫn một học giả Mỹ viết từ năm 1926 về “cảnh tượng” sản lượng thừa mứa. Học giả đó viết “Giới sản xuất dầu đang tự mổ bụng do sản xuất quá nhiều dầu. Ai cũng biết phương thuốc cứu chữa, nhưng chẳng chịu áp dụng. Phương thuốc đó tất nhiên là giảm sản lượng.”

Song, cũng có lý do tiếp tục khai thác dầu mà không tới nỗi có vẻ tự sát như thoạt nghe. Một trong những đặc điểm đáng lưu ý của thị trường dầu năm ngoái là sự dẻo dai bền bỉ của giới sản xuất dầu đá phiến Mỹ trong tình hình giá sụt giảm. Từ giữa năm 2015, các hãng dầu đá phiến đã giảm sản lượng hơn 400.000 thùng/ngày để ứng phó với giá giảm. Tuy nhiên, tính chung Mỹ vẫn tăng sản lượng dầu hơn bất cứ nước nào khác trong năm, với mức tăng 900.000 thùng/ngày, theo IEA.

Trong năm ngoái, số giàn khoan được sử dụng ở America đã giảm hơn 60%. Thông thường điều đó sẽ được coi là dấu hiệu rõ ràng về sản lượng thấp hơn. Tuy nhiên khoan giếng dầu là một chuyện, còn dùng phương pháp dập thủy lực (fracking) để chiết tách dầu đá phiến là chuyện khác. Hãng tư vấn Na Uy Rystad Energy nhận xét hồi cuối năm ngoái rằng số giếng dầu khai thác bằng fracking vẫn tăng lên, lý giải được sự dẻo dai bền bỉ của hoạt động sản xuất dầu.

Giới khai thác dùng các phương pháp sáng tạo khác để dầu tiếp tục tuôn trào, chẳng hạn bơm thêm cát vào giếng để cải thiện dòng chảy, dùng các kỹ thuật thu thập dữ liệu tốt hơn và có số nhân viên cơ hữu tối thiểu để giảm chi phí. Tiền không còn vô như nước nữa. Các thị trấn dầu khí một thời sầm uất của Mỹ, nơi mà ba năm trước các vũ nữ thoát y có thể kiếm được hàng trăm Mỹ kim từ các công nhân dầu khí lang bạt kỳ hồ, nay chỉ toàn những bãi đậu xe nhà lưu động bỏ hoang và hàng quán đóng cửa dẹp tiệm. Nhưng dầu vẫn tuôn ra. Thậm chí một số mỏ dầu đá phiến lâu đời nhất, chẳng hạn như mỏ Bakken ở North Dakota, vẫn sản xuất với sản lượng hồi tháng 11 bằng với hơn một năm trước.

Ngành dầu đá phiến cũng hưởng lợi từ việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh. Năm ngoái, ít nhất một nửa các hãng có liên quan đã dùng công cụ phòng vệ rủi ro về giá dầu để bảo vệ doanh thu. Một số hãng phá sản, nhưng phần lớn đã biết cách nói ngon nói ngọt để ngân hàng tiếp tục rót tín dụng – ít nhất là cho tới cuộc khủng hoảng gần đây nhất.

Không chỉ mỗi ngành dầu đá phiến gắng ngoi lên được để không chết chìm lâu hơn dự kiến. Các nhà sản xuất khai thác dầu ở những nơi tốn kém hơn, như các mỏ dầu cát của Canada và các mỏ dầu tiền muối của Brazil, cũng còn trụ được. Canada, với chuẩn mực dầu chất lượng thấp West Canada Select đang giao dịch ở mức giá dưới $15/thùng và do vậy chịu mang tiếng xấu là dầu thô có giá trị thấp nhất thế giới, là một trong những quốc gia ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng nhiều nhất cho nguồn cung dầu toàn cầu trong năm nay. Brazil cũng vậy, tuy công ty dầu quốc doanh Petrobras đang ngập trong nợ nần và nạn tham nhũng.

Trong khi đó, các hãng dầu lớn đã nói họ sẽ cắt giảm hàng chục ngàn việc làm và hàng tỉ đô đầu tư, nhưng họ cũng lưỡng lự chưa muốn từ bỏ các dự án mà có thể tăng sản lượng trong tương lai. Hãng Anh-Hà Lan Shell đã có quyết định hiếm hoi là từ bỏ thăm dò ở Bắc Cực và một dự án dầu nặng ở Canada nhưng sản lượng hiện nay của hãng ở mức 2,9 triệu thùng/ngày trong năm 2015 chỉ thấp hơn chút đỉnh so với sản lượng 3,1 triệu thùng/ngày vào năm trước đó. Trong ngành nói chung, động cơ thúc đẩy là tiếp tục sản xuất “hết tốc lực” sau khi chi phí đầu tư đã đổ ra, theo Simon Henry, giám đốc tài chính của Shell. Ông nói đôi khi ngừng sản xuất sẽ tốn kém hơn tiếp tục khai thác ở mức giá thấp, do chi phí cao của việc bảo quản giếng dầu.

Simon Flowers thuộc Wood Mackenzie, một hãng tư vấn về ngành dầu, nói rằng ngay cả ở mức giá $30/thùng, chỉ có 6% sản lượng toàn cầu không trang trải được chi phí hoạt động. Ông nói có thể không có lợi ích kinh tế nếu khoan các giếng dầu nước sâu mới với giá dầu dưới $60/thùng, nhưng sau khi chúng đã được xây thì vẫn có thể có lợi ích kinh tế khi khai thác ở giá thấp hơn mức đó. Sự dẻo dai bền bỉ đó được một số người dùng để biện minh tại sao họ kỳ vọng giá còn “thấp trong thời gian lâu hơn”.

Trên lý thuyết, một thời gian dài có giá dầu thấp sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Thế giới vừa là nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ: phần thiệt của nhà sản xuất và cái lợi của người tiêu dùng do giá dầu giảm cộng lại sẽ bằng không. Thông thường, mức chi tiêu tăng thêm của các nước nhập khẩu dầu sẽ cao hơn mức cắt giảm chi tiêu của các nước xuất khẩu dầu, khiến tổng cầu trên toàn cầu tăng lên.

Các nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP mạnh nhất trong năm qua quả thực là các nước nhập khẩu dầu: Ấn Độ, Pakistan và các nước ở Đông Phi. Khó mà lý giải sự hồi phục kinh tế nhờ tiêu dùng ở khu vực sử dụng đồng euro nếu không giả định có tác động tích cực từ giá dầu thấp. Trong dự báo mới đây nhất của IMF, công bố hôm 19-1, một số nền kinh tế lớn tránh được sút giảm tăng trưởng GDP – Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Ý – đều là nước nhập khẩu dầu.

Lợi ích đi đâu hết?

Chưa chắc điều này ở đâu cũng đúng. Mỹ vừa là nước sản xuất và tiêu thụ nhiều dầu. Vào đầu năm 2015, ngân hàng JPMorgan ước tính rằng dầu rẻ sẽ tăng GDP khoảng 0,7% – giúp sức mua tiêu dùng tăng tương đương với 1% GDP, bị bù trừ bởi mức giảm ít hơn do giảm đầu tư trong ngành dầu. Nay ngân hàng này ước tính rằng kết quả sẽ trong khoảng từ giảm 0,3% tới tăng chỉ có 0,1%. Người tiêu dùng có thể đã tiết kiệm từ lợi ích của dầu rẻ nhiều hơn dự báo và tỉ phần của chi tiêu đầu tư vốn liên quan tới dầu trong tổng đầu tư kinh doanh ở Mỹ (đã tăng đều đặn trong nhiều năm) đã giảm một nửa.

Nếu tính thêm các ảnh hưởng gián tiếp của đà sa sút trong ngành dầu thì tác động ròng của dầu rẻ có thể thậm chí là mức sụt giảm lớn hơn ước tính rất bi quan của JPMorgan. Đó là kinh nghiệm của Công ty Cung ứng Công nghiệp MSC, một hãng ở Mỹ chuyên bán lẻ bản lề, công-xôn, dụng cụ chạy điện và thiết bị bảo dưỡng cho các hãng sản xuất công nghiệp. Công ty này không lệ thuộc trực tiếp vào đơn đặt hàng từ các hãng dầu, nhưng trong tháng này tổng giám đốc công ty này Erik David Gershwind nói rằng hậu quả từ cú sốc dầu đã có tác động rõ rệt tới doanh số. “Theo tôi, ảnh hưởng gián tiếp là điều đã khiến mọi người ngạc nhiên, không chỉ riêng ở MSC mà cả trên toàn nền kinh tế, và vô cùng kinh khủng.”

Chẳng đáng ngạc nhiên khi một số cảnh báo lớn nhất trong các điều chỉnh dự báo mới nhất của IMF được dành cho những nước mà hoạt động thăm dò và khai thác dầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế: Brazil, Saudi Arabia, Nga (và một số nước láng giềng của Nga có sản xuất dầu) và Nigeria. Cầu giảm sút ở nhóm quốc gia này chủ yếu là do những khó khăn về tài chính công của họ.

Nga đã cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu công thêm 10% nữa để ứng phó với đợt giảm giá dầu thô mới đây nhất. Ngành dầu chiếm 70% nguồn thu thuế ở Nigeria. Khi giá dầu giảm mạnh vào năm 2008-2009, nước này còn có thể dùng tới các khoản tiết kiệm đã dành dụm được trong một quỹ bình ổn dầu. Nhưng hồi tháng 6-2015, tổng thống Muhammadu Buhari nói ngân khố của Nigeria “gần như trống trơn”. Saudi Arabia rủng rỉnh tiền của hơn nhưng, với thâm hụt ngân sách đã tới mức bằng 15% GDP năm ngoái, ngay cả nước này cũng buộc phải cắt giảm chi tiêu công.

Cách tính cũ là những nước này có thể dàn trải chi tiêu qua một chu kỳ giá dầu đã trở nên ít đáng tin cậy hơn. Trong một chừng mực lớn hơn trong quá khứ, các nước sản xuất dầu đã chi tiêu nguồn tiền dồi dào thu được từ dầu, và nay buộc phải cắt giảm. Điều này càng làm tăng ảnh hưởng của mức đầu tư sụt giảm trong ngành dầu đối với tổng cầu.

Có lẽ đáng lo ngại hơn chính là cách mà đợt giảm giá dầu đang làm tăng ảnh hưởng của tình trạng dễ sụp đổ tài chính trên toàn thế giới. Lãi suất thấp ở Mỹ và Châu Âu sau năm 2009 đã thu hút giới đầu tư của các nước giàu tới các thị trường mới nổi, dẫn tới sự bùng nổ cho vay. Nợ doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi đã tăng từ 50% GDP vào năm 2008 lên 75% vào năm 2014. Bài học của lịch sử gần đây là việc tích lũy nợ nhanh chóng sẽ dẫn tới khó khăn. Cùng với ngành xây dựng, ngành dầu khí đã có mức nợ doanh nghiệp tăng mạnh, theo Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới nhất của IMF. Doanh thu từ dầu thấp hơn sẽ khiến khó trả nợ hơn.

Khi giá dầu tụt dốc vào năm 2008-2009, các nước sản xuất dầu đã có thể giảm lãi suất và vay nước ngoài để kích cầu. Nay giới đầu tư sợ rủi ro hơn. Việc chấm dứt chương trình mua công trái (“nới lỏng định lượng”) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào năm 2014 và việc tăng lãi suất gần đây đã thu hút tiền trở lại Mỹ, làm tăng giá Mỹ kim và siết chặt tình hình tiền tệ toàn cầu.

Giới sản xuất dầu, nhất là ở Châu Mỹ Latinh, đang phải siết chặt chính sách tiền tệ nội địa để giải quyết lạm phát, một phần là do đồng nội tệ ở các nước đó sụt giá mạnh. Ngân hàng trung ương Brazil đã giữ lãi suất ở mức cao, dù nền kinh tế nước này đang suy thoái mạnh. Ngân hàng trung ương ở Colombia và Mexico tăng lãi suất hồi tháng 12-2015. Các khó khăn tương tự cũng thấy rõ ở các nước nhiều dầu Nigeria và Angola, các nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba ở Châu Phi hạ Sahara. Tình hình tài chính dễ dàng hơn trong những năm sau 2009 đã khiến giới hoạch định chính sách ở Châu Phi ngộ nhận về khả năng bền bỉ của chính họ, theo Stuart Culverhouse thuộc hãng môi giới đầu tư Exotix.

Giới đầu tư dường như cũng đang nghĩ lại cách định giá các tài sản rủi ro ở các nước giàu. Đây là phản ứng trước những lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc cũng như trước tác hại mà việc giá dầu giảm mạnh có thể gây ra. Những nỗi lo về các doanh nghiệp trong ngành dầu không trả được nợ đã làm tăng mạnh lợi suất trái phiếu của các hãng này trong thị trường trái phiếu xếp hạng junk (rủi ro cao) của Mỹ vào cuối năm ngoái. Lợi suất của trái phiếu xếp hạng junk do các doanh nghiệp ngành khác phát hành cũng đồng thanh tương ứng tăng theo. Ngay cả lợi suất của các trái phiếu hạng investment (có chất lượng tín dụng tốt, đáng đầu tư) cũng đang tăng dần.

Các thị trường chứng khoán nhanh chóng cho thấy rằng các mức lãi suất thực cao hơn của trái phiếu công ty khiến khó biện minh hơn cho giá cổ phiếu cao ngất. Ngân hàng trung ương ở các nước giàu nói họ lo ngại rằng một thời gian dài có lạm phát gần bằng không đang củng cố những quan điểm tin rằng giá sẽ mãi đứng yên. Lãi suất thực tăng lên khi các kỳ vọng về lạm phát giảm và giới hoạch định chính sách khó mà ứng phó với điều này vì lãi suất hiện đã gần bằng không.

Kể từ đầu năm, cú sốc cung dầu từ Iran cũng đi kèm với những nỗi lo sợ về cú sốc cầu dầu từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc quản lý thất bại thị trường chứng khoán và tiền tệ đã gây ra những nỗi lo sợ về nền kinh tế, mà đã lan sang thị trường dầu. Khi các thị trường tài chính toàn cầu sa vào hoảng loạn, cũng có nhiều nỗi lo gia tăng về khả năng chịu đựng bền bỉ của nền kinh tế toàn cầu. Điều đó lại gay lo ngại về cầu dầu trong tương lai.

Các nỗi lo vĩ mô đã lớn, nhưng cũng còn những nỗi lo vi mô nữa. Các khoản trợ cấp nhiên liệu thấp hơn ở một số nước sản xuất dầu, nhằm để chặn thâm hụt ngân sách, đang khuyến khích người có xe lái xe ít hơn. Trung Quốc đã nói là sẽ không để cho giá xăng tăng theo giá dầu dưới mức $40/thùng, mà sẽ có cùng ảnh hưởng. Ngay cả ở Mỹ, mối liên hệ giữa xăng rẻ và việc tiêu thụ xăng cũng không còn mạnh như trước đây. Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân là xe hiện nay tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Có lợi cho môi trường và có lãi

Sau hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu hồi tháng 12, một số chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng dầu mới đây nhất phản ánh sự thay đổi cơ cấu trong việc tiêu thụ dầu do các nỗi lo ngại về môi trường – mà một số người gọi là “cầu cao điểm” (peak demand). Đúng là khi ý thức về khí hậu tăng lên, các hãng dầu sẽ sản xuất nhiều khí đốt hơn dầu, với hy vọng dùng nó làm năng lượng thay thế cho than. Nhưng có thể cũng còn quá sớm để giả định rằng thời kỳ của động cơ xăng sắp kết thúc.

Rất có thể giá dầu rốt cuộc sẽ chạm đáy và, nếu chu kỳ này giống như các chu kỳ trước, giá dầu sẽ tăng mạnh vì thiếu đầu tư vào các mỏ dầu và sự cạn kiệt tự nhiên của các giếng dầu hiện có. Tuy vậy, các hệ quả sẽ khác hẳn. Antoine Halff thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia nói với các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 19-1 rằng ngành dầu đá phiến, với cơ cấu chi phí đặc thù và chu kỳ kinh tế ngắn của mình, có thể gây phương hại tới đầu tư dài hạn hơn trong các mỏ dầu truyền thống có chi phí cao. Thay vì Saudi Arabia, giới khai thác dầu đá phiến rất có thể trở thành những nhà sản xuất có khả năng thay đổi cục diện của thế giới, tăng thêm tính biến động của thị trường, nhưng có lẽ trong một biên độ tương đối hẹp.

Nếu vậy các hãng dầu lớn sẽ đối mặt với một số câu hỏi sinh tồn. Trong tương lai, liệu họ có nên tiếp tục như trước, tung tiền đầu tư vào các dự án phù phiếm tốn kém ở những nơi hẻo lánh, với rủi ro ôm những trữ lượng dầu “không thể đốt được” khi các mối quan ngại về môi trường tăng lên? Họ có nên tái đầu tư lợi nhuận của mình vào dầu đá phiến hoặc các công nghệ có lợi cho môi trường hơn? Hay họ nên chia lại lợi nhuận cho cổ đông, như một số hãng thuốc lá đã làm, đánh dấu sự bắt đầu của việc chấm dứt thời kỳ nhiên liệu hóa thạch? Bất kể họ làm gì đi nữa, thời kỳ của những cú sốc dầu còn lâu mới kết thúc.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 27/1/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.