Quan hệ Trung-Đài: sự cáo chung của nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’
Sau cuộc gặp bất ngờ có tính lịch sử với tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình có thể được sử sách lưu danh là đã công nhận nền dân chủ của Đài Loan – hoặc chọn chủ trương xung đột.
Andrew Browne
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Khi hai vị lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan gặp nhau vào cuối tuần trước lần đầu tiên kể từ năm 1949, lởn vởn trong phòng họp mà không ai thấy là hồn ma của Mao Trạch Đông, lãnh tụ Trung Cộng, và Thống chế Tưởng Giới Thạch gầy hốc hác, địch thủ ác liệt của Mao Trạch Đông. Họ đã là kẻ thù của nhau trong cuộc nội chiến Trung Quốc trong hơn hai thập niên, trước khi lực lượng cách mạng nông dân chiến thắng của Mao lên nắm quyền ở Bắc Kinh cùng năm 1949.
Tưởng Giới Thạch buộc phải chạy ra lưu vong ở Đài Loan, mang theo Quốc Dân Đảng. Mối thù hằn giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch tiếp tục qua một ranh giới thời Chiến tranh Lạnh – có thời gian quân của hai bên nã pháo và tung các luận điệu tuyên truyền nhắm vào nhau qua eo biển hẹp phân cách Đài Loan với đại lục – nhưng họ luôn có cùng một giấc mơ, xuất phát từ cuộc đấu tranh lâu dài của họ: “Một Trung Quốc”.
Thống nhất đại lục và Đài Loan đã là sứ mệnh thiêng liêng của mọi lãnh đạo Trung Cộng từ thời Mao Trạch Đông, trong đó có chủ tịch hiện nay Tập Cận Bình. Và tuy ý tưởng “Một Trung Quốc” ngày nay gần như chẳng còn được đại chúng ủng hộ tại Đài Loan, nơi trân quý nền dân chủ non trẻ của mình, ý tưởng này vẫn ráng sống lay lắt như một di sản bên trong Quốc Dân Đảng, đảng của Mã Anh Cửu, tổng thống đương nhiệm của đảo quốc này.
Song, cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Khi những người kế tục chính trị của hai kẻ thù thời chiến của Trung Quốc có cú bắt tay lịch sử trong một khách sạn du lịch năm sao ở Singapore, cả hai vị chắc chắn hiểu rằng mục tiêu chung “Một Trung Quốc” nay coi như đã cáo chung.
Mã Anh Cửu hiện ở giai đoạn “vịt què”, sắp kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chính sách tiêu biểu của ông mở cửa kinh tế với Trung Quốc đã bị giới trẻ phẫn nộ ở Đài Loan phản đối; năm ngoái họ đã chiếm đóng [và biểu tình ngồi] tại Viện Lập pháp Đài Loan để ngăn cản một dự luật thương mại. Quốc Dân Đảng đang rối beng, và người có thể thắng cử tổng thống vào tháng Giêng sắp tới, Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ, đâu thể nào hô hào khẩu hiệu “Một Trung Quốc”. Đảng của bà cổ xúy độc lập, dù bản thân bà không đi xa quá đà như vậy.
Vận mệnh của Đông Á xoay vần ra sao nay nhìn chung sẽ tùy thuộc vào những diễn biến sắp tới. Tập Cận Bình đang nôn nóng. Ông đã nói là vấn đề Đài Loan “không thể cứ truyền từ đời này sang đời khác”. Trung Quốc trước đây đã hy vọng rằng sự hội nhập kinh tế gần gũi hơn sẽ đẩy nhanh một thỏa thuận chính trị, nhưng điều đó đã không xảy ra. Trái lại, điều đó đã khiến 23 triệu dân của Đài Loan càng lo ngại hơn về việc rơi vào tầm ảnh hưởng độc tài của Trung Quốc. Nếu chính quyền sắp tới của Đài Loan có vẻ như định hướng vĩnh viễn phân ly Đài-Trung, Tập Cận Bình có thể tái khai chiến, lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột Châu Á mới.
Tức là trừ phi Tập Cận Bình quyết định lưu danh sử sách là chính khách Trung Quốc vạch ra một cách tiếp cận mới với Đài Loan, một phương cách đủ sáng tạo để thích ứng với cả các ước vọng “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh lẫn quyết tâm của Đài Loan giữ nền dân chủ mà mình đã nhọc công giành được.
Mỹ, đồng minh quân sự chính của Đài Loan, đang lo lắng theo dõi; bờ biển của Trung Quốc dựng tua tủa tên lửa nhắm tới hòn đảo này. Đài Loan là vấn đề nhức nhối duy nhất có thể thực sự khiến hai siêu cường quốc Mỹ và Trung Quốc đánh nhau. Theo một nghiên cứu gần đây của RAND Corporation [tổ chức nghiên cứu phi chính phủ ở Mỹ chuyên về các vấn đề quân sự, an ninh, N.D.], nếu xảy ra, một cuộc xung đột như vậy sẽ “nhanh chóng, ác liệt, và có thể tuyệt vọng”. Không thể loại trừ khả năng leo thang hạt nhân; đó là lý do lý giải, phần nào, tại sao Mỹ không dứt khoát bảo đảm cho an ninh của Đài Loan. Có tổng thống Mỹ nào dám liều lĩnh thí mạng Los Angeles cho Đài Bắc? Washington duy trì một chính sách “mơ hồ có tính chiến lược”
Mã Anh Cửu, người từng học ở Harvard, rõ ràng ao ước bắt tay với Tập Cận Bình để cứu vãn phần nào di sản bị hoen ố của mình. Ông đã vun đắp vị thế tổng thống của mình dựa trên lời hứa có quan hệ hữu hảo hơn với Trung Quốc, để rồi vấp phải sự phản đối của công chúng Đài Loan tin rằng ông đã xúc tiến quá nhanh và liều lĩnh. Tỉ lệ ủng hộ ông đã xuống còn khoảng 20%. Ít ra thì này ông sẽ được nhớ tới nhờ cuộc gặp gỡ đột phá này.
Câu hỏi hắc búa thực sự là tại sao Tập Cận Bình màng tới ông. Có người cho rằng có lẽ Tập Cận Bình muốn tăng cơ may của Quốc Dân Đảng trước kỳ bầu cử vào tháng Giêng, đồng thời cũng là bầu cử vào Viện Lập pháp. Nhưng điều đó khó xảy ra: các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Quốc Dân Đảng đang tụt hậu đến vô vọng.
Tập Cận Bình đã trở nên một lãnh tụ thất thường, táo bạo nhưng khó lường. Nhà độc tài của Trung Quốc khiến cả khu vực bất ngờ khi thình lình tăng các áp lực quân sự và ngoại giao đối với các nước láng giềng, rồi lại cũng đột ngột làm dịu bớt đi. Ngay lúc này, các căng thẳng với Mỹ đang sùng sục về các đảo nhân tạo, dùng được cho mục đích quân sự, mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Biển Đông [Trung Quốc gọi là Nam Hải – South China Sea, N.D.]. Cách đây vài tuần, Hải quân Mỹ cho tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đi ngang những vùng biển gần với một trong những đảo nhân tạo đó, chỉ để nhắc cho Bắc Kinh nhớ rằng Washington vẫn thống lĩnh sóng nước vùng này và nhớ rằng Tập Cận Bình không thể tuyên bố những vùng cấm qua lại trên những tuyến giao thông hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Nên có lẽ cuộc gặp gỡ này là nhành ôliu của Tập Cận Bình – không chỉ với Đài Loan mà với cả khu vực này, và cả với Mỹ.
Có người suy đoán rằng Tập Cận Bình đánh bóng hình ảnh chính khách toàn cầu của mình bằng một cử chỉ phô trương cuối cùng sau khi được Tổng thống Barack Obama thết đãi tại Tòa Bạch Ốc, dự dạ tiệc với Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị tại Cung điện Buckingham, và hàn gắn quan hệ với cựu thù Việt Nam.
Nhưng có một cách lý giải khả dĩ khác. Có thể – chỉ là có thể – Tập Cận Bình thiết kế cuộc gặp với Mã Anh Cửu như là một cử chỉ xã giao khơi mào đối thoại, một cách để bắt đầu thực hiện thường xuyên các giao thiệp cấp cao mà sẽ tiếp tục dưới thời bà Thái Anh Văn, người mà Tập Cận Bình biết là khó mà chấp nhận ý tưởng “Một Trung Quốc”.
Nếu vậy thì đó là nước đi thay đổi cuộc cờ. Nó sẽ thay đổi những cảm nhận về Tập Cận Bình, người cho tới nay tỏ vẻ gần như không linh hoạt trong những cách xử sự với các khu vực ngoại vi không yên ả của Trung Quốc, trong đó có Hong Kong, nơi Bắc Kinh đã bác bỏ những yêu sách của dân chúng đòi có dân chủ trọn vẹn, và vùng Tân Cương bất kham của Trung Quốc, nơi chính quyền tiếp tục nặng tay đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu theo Hồi giáo.
Một chuyển biến như vậy cũng có thể gây tiếng vang trong dân chúng Trung Quốc. Dù sao đi nữa, Đài Loan là một phương án dân chủ cho cộng đồng nói tiếng Hoa.
Nếu đồng ý bang giao với giới lãnh đạo Đài Loan mà không cần nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Tập Cận Bình sẽ công nhận các giá trị mà Đài Loan trân trọng: sự đa nguyên chính trị, sự đa dạng văn hóa và đời sống bình yên thường nhật của Đài Loan. Đây là những phẩm chất mà hàng triệu du khách Trung Quốc đổ sang Đài Loan mỗi năm thường trầm trồ – những phẩm chất của một xã hội hậu công nghiệp thịnh vượng nhìn chung tự làm lành với chính mình, nếu không phải với láng giềng khổng lồ của mình.
Dân chủ đã khóa tay khiến bất cứ nhà lãnh đạo Đài Loan nào cũng không thể mặc cả với Bắc Kinh, dù người Đài Loan chắc chắn mong muốn có quan hệ thân thiện. Nếu Thái Anh Văn không chịu chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”, khó tưởng nổi một lãnh tụ tương lai nào của Quốc Dân Đảng dám chấp nhận. Sở dĩ như vậy là vì đại đa số cử tri ở Đài Loan hài lòng với hiện trạng – không được công nhận độc lập chính thức (hòn đảo này là một quốc gia tự trị trên mọi phương diện trừ cái tên) mà cũng không thông nhất với Trung Quốc. Thái Anh Văn đã chọn lập trường thận trọng này.
Một điều không kém phần quan trọng là tuy hầu hết cư dân đảo quốc này là con cháu của những di dân người Hán từ đại lục, họ đã coi Đài Loan là quê hương của mình. Họ chẳng mảy may đoái hoài tới những kêu gọi đoàn kết dân tộc dựa trên tinh thần đồng bào cốt nhục như kiểu Tập Cận Bình đã nói ở Singapore: “Chúng ta là anh em vẫn gắn kết với nhau bằng máu mủ ruột thịt cho dù xương chúng ta đã gãy.”
Hơn nữa, nhiều người Đài Loan phẫn nộ vì một phiên bản lịch sử nhìn nhận Đài Loan một cách riêng biệt trong bối cảnh một cuộc nội chiến Cộng Sản-Quốc Dân Đảng chưa giải quyết xong, như thể 1949 là năm duy nhất có ý nghĩa trong diễn ngôn về quá khứ của họ.
Thực vậy, cột mốc năm tháng có ý nghĩa nhất với nhiều người Đài Loan không phải là năm 1949, khi Quốc Dân Đảng bắt đầu lưu vong, mà là năm 1945. Đó là năm mà Quốc Dân Đảng, khi đó là thế lực cầm quyền ở Trung Quốc, tiếp quản Đài Loan từ Nhật vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến.
Nhật đã cai trị Đài Loan như một thuộc địa trong 50 năm – và nhìn chung đã cai trị tốt. Ngược lại, Quốc Dân Đảng tàn bạo, thối nát và bất tài. Quốc Dân Đảng bình định nơi sẽ trở thành thành trì trên đảo này bằng cách tàn sát khoảng 20.000 người Đài Loan. Và sự đàn áp này tiếp tục. Do Tưởng Giới Thạch dẫn đầu, khoảng một triệu lính giải ngũ và những người tị nạn khác đổ bộ lên Đài Loan với dân số khoảng sáu triệu người và thiết lập chế độ độc tài độc đảng theo thiết quân luật.
Đến nay, một số người Đài Loan vẫn đánh đồng khái niệm “Một Trung Quốc” với thời kỳ mà mật vụ của Quốc Dân Đảng tiến hành đàn áp và chính quyền tống giam các nhà hoạt động đòi độc lập trên Lục Đảo, sách nhiễu các luật sư nhân quyền tìm cách biện hộ cho họ và bịt miệng báo chí. Sau một cuộc đấu tranh lâu dài, nhọc nhằn đòi dân chủ – cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Đài Loan được tổ chức vào năm 1996 – những người Đài Loan này không có ý định nắm mắt đưa chân san sẻ với một đảng khác của người đại lục.
Phong cách cai trị của Tập Cận Bình – trong đó có kiểm duyệt gắt gao Internet, kiềm chế các tổ chức phi chính phủ và kiểm soát ý thức hệ ở đại học – đặc biệt khiến người Đài Loan lo ngại.
Học giả về Trung Quốc Donald Rodgers, giáo sư ở Austin College, viết rằng người dân Đài Loan “không muốn thống nhất với Trung Quốc – không đời nào.” Đối với họ, quan hệ với đại lục đã tới một bước ngoặt. Họ ngày càng bác bỏ giả định cho rằng “vấn đề Đài Loan” là một cuộc cãi vả trong gia đình giữa người Trung Hoa với nhau. Thay vì vậy, họ xem đó là một cuộc đấu chính trị giữa hai nước có chủ quyền ngang hàng với nhau.
Hoàng Quân Bối (Charles Huang), một doanh nhân Đài Loan có tiếng và một trông những cố vấn thân cận nhất của Thái Anh Văn, nói rằng người có khả năng thành lãnh đạo của Đài Loan không phản đối cuộc gặp ở Singapore nhưng phản đối việc bí mật sắp xếp cuộc gặp này – Mã Anh Cửu bất ngờ tiết lộ về cuộc gặp vào phút chót – và bất đồng với việc tổng thống Đài Loan dường như hoàn toàn chấp nhận công thức “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Tổ tiên của ông Hoàng từ đại lục tới Đài Loan cách đây 10 thế hệ. Ông nói như vậy ông là người Hoa, nhưng ông gắn bó với Đài Loan về mặt văn hóa, xã hội, và chính trị và mọi mặt khác. Ông nói: “Tôi gọi mình là người Hoa, nhưng chỉ một cách miễn cưỡng.” Ông Hoàng nói thêm rằng mối quan hệ Trung-Đài “phải theo một cách suy nghĩ khác.”
Nói cách khác, quên nguyên tắc “Một Trung Quốc” đi. Và quên đi đề nghị từ lâu của Bắc Kinh về con đường tiến tới cái đích đó – công thức “Một Quốc gia, Hai Chế độ” mà Bắc Kinh đã dùng để thu hồi Hong Kong, mà qua đó thuộc địa của Anh Quốc giữ hệ thống tư pháp độc lập, báo chí năng động và các quyền tự do khác trong khi Trung Quốc đảm nhận các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại.
Đối với người Đài Loan, khó mà tưởng nổi họ sẽ cho phép quân lính của Trung Cộng đóng quân trên hòn đảo này, như hiện nay đang đóng quân ở khu trung tâm Hong Kong. Một cách khác mà quân Trung Quốc có thể tới Đài Loan – một cuộc đổ quân thủy bộ, với sự hậu thuẫn của các cuộc oanh tạc và bắn tên lửa – cũng không tưởng không kém, ít nhất là tạm thời hiện nay.
Giới phân tích cho rằng rất có thể, nếu Thái Anh Văn cương quyết chống lại quan niệm “Một Trung Quốc” và Tập Cận Bình đáp lại bằng đường lối cứng rắn, hòn đảo này sẽ bị bót nghẹt từ từ. Tập Cận Bình có thể bắt đầu bằng cách chặn đứng dòng du khách rồi tìm cách cuỗm mất một số đối tác ngoại giao của Đài Loan, mà trong đó quan trọng nhất tới nay là Vatican, vốn từ lâu có quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh.
Hoặc ông có thể khiến thế giới ngạc nhiên bằng cách đi theo hướng ngược lại – ví dụ, bằng cách công nhận nền dân chủ của Đài Loan và đề nghị một liên bang lỏng lẻo giữa hai nhà nước có chủ quyền. Cuộc gặp gỡ ở Singapore không có gì khích lệ cho thấy ông dự tính như vậy. Không có một thỏa thuận về nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Tân Hoa Xã trích dẫn phát biểu của Tập Cận Bình: “Con thuyền phát triển hòa bình sẽ vấp phải những ngọn sóng kinh hoàng hoặc thậm chí bị lật.”
Quả thực, để tránh bất cứ suy diễn nào cho rằng cuộc gặp gỡ ở Singapore là giữa nước, hai vị lãnh đạo chỉ gọi nhau là “tiên sinh”, chứ không phải là “tổng thống/chủ tịch”. Và khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin về cuộc họp báo của Mã Anh Cửu trước khi ông lên đường sang, đài này đã bôi đen huy hiệu hình lá cờ Đài Loan nhỏ xíu mà ông đeo trên ve áo.
Lịch sử quan hệ đầy sóng gió giữa Cộng Sản và Quốc Dân Đảng cho thấy rằng ta sẽ chứng kiến những bất ngờ phức tạp khi Trung Quốc và Đài Loan gắng tìm ra cách giải quyết thế bế tắc này. Thử nhớ lại thời điểm hồi năm 1936 khi một trong những tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch bắt cóc ông ở thành phố Tây An và giam giữ ông cho tới khi ông đồng ý chấm dứt nội chiến với Cộng Sản và hợp tác với các lực lượng của Mao Trạch Đông chống lại quân Nhật xâm lược.
Biến cố Tây An đã thay đổi vận mệnh của Châu Á: quân Quốc Dân Đảng đánh hầu hết những trận lớn chống lại quân Nhật, cầm chân hơn một triệu quân địch mà lẽ ra có thể đã được triển khai ở nơi khác, và đẩy nhanh việc chấm dứt Chiến tranh Thái Bình Dương. Trong khi đó, Cộng Sản dưỡng quân để chuẩn bị khôi phục nội chiến.
Những quyết định mà Tập Cận Bình đang đối mặt cũng hệ trọng không kém. Trong khi ông cân nhắc các phương án của mình, sự thanh bình của khu vực trở thành con tin.
Nguồn: Andrew Browne, The End of ‘One China’, The Wall Street Journal, 13 Nov 2015
(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 28/10/2015)
Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ