Mạng lưới buôn lậu dầu: Cỗ máy kiếm tiền của ISIS

Làm quan

Borzou Daragahi và Erika Solomon

ISIS_oilLúc đợi phỏng vấn xin việc, anh thanh niên Syria mê mẩn nhìn đủ loại thiết bị máy ảnh cao cấp, các khoang biên tập video và cách bố trí chung trong những văn phòng của nơi mà anh có thể vào làm việc. Mức lương cũng không đến nỗi tệ: cao gấp năm lần lương của một công chức Syria trung bình.

Người thanh niên độ tuổi đôi mươi từng là thợ may kể lại: “Họ muốn trả lương cho tôi 1.500 đô-la mỗi tháng, cộng thêm xe, nhà và tôi cần máy ảnh nào cũng có. Tôi nhớ mình nhìn quanh văn phòng mà cứ mê tơi những thiết bị họ có ở đó. Tôi thầm nghĩ những người này không thể tự mình kiếm được lắm tiền như vậy. Hẳn phải có một nhà nước đứng sau chuyện này.”

Tổ chức mà anh ta có thể vào làm việc là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, gọi tắt là ISIS, xuất thân là một chi nhánh của al-Qaeda. ISIS mong muốn trở thành một nhà nước, nhưng vẫn chưa đạt tới mục tiêu đó. Tổ chức này kiểm soát một phần ba Iraq và một phần tư Syria, nhưng người thanh niên này đang được tuyển mộ không phải để cầm súng. Thay vì thế, anh ta đang được tuyển cho phòng truyền thông của ISIS – loại hoạt động thường chỉ thấy ở các công ty đa quốc gia – tại Raqqa, thành phố thuộc Syria được xem là thủ phủ không chính thức của Nhà nước Hồi giáo tự phong của tổ chức này.

Anh ta quyết định không nhận việc này vì ở lại Syria là quá nguy hiểm, nhưng câu chuyện này minh họa mức độ tài nguyên và tài lực dành cho nhóm khủng bố đã lớn mạnh từ cuộc xung đột ở Syria và phát triển thành một tổ chức mà hồi tháng 9 Tổng thống Barack Obama đã hứa Mỹ sẽ “làm suy yếu và rốt cuộc sẽ tiêu diệt”.

Mỹ và các đồng minh xem việc bóp nghẹt nguồn tài lực đó (ước tính từ 1 triệu tới 5 triệu Mỹ kim mỗi ngày) là điều thiết yếu để chặn đứng bước tiến của ISIS.

Giới điều tra phương Tây đã tìm cách truy nguyên những số tài khoản ngân hàng ở Vùng Vịnh và xác định những người quyên tặng cho thánh chiến ở xa tận Indonesia. Ngoài những nhóm tống tiền và bảo kê bất chính, ISIS khai thác những vùng thuộc quyền kiểm soát của mình để kiếm tiền, bắt các tiệm bán lẻ đóng thuế 2 Mỹ kim mỗi tháng. Theo một nhà hoạt động ở Syria, sắp tới, ISIS dự định thu tiền điện và nước để kiếm tiền trong những vùng thuộc quyền kiểm soát của mình.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng để chặn đứng nguồn tài chính của ISIS, chính phủ các nước phương Tây và các đồng minh của họ ở Trung Đông trước tiên phải nghiên cứu mạng lưới buôn lậu dầu đã có từ mấy chục năm nay, và hiện đang được tổ chức này khai thác để tài trợ cho nhà nước sơ khai của mình. Mạng buôn bán không chính thức béo bở này bao gồm miền bắc Iraq, miền đông bắc Syria, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều vùng của Iran và, theo giới chức phương Tây và các chuyên gia quốc tế hàng đầu, là nơi ISIS kiếm được phần lớn nguồn tiền của mình.

ISIS_oil-map

Trong một phúc trình gần đây, hãng quản lý rủi ro Maplecroft cho biết ISIS hiện nay kiểm soát sáu trong số 10 mỏ dầu của Syria, trong đó có cơ sở lớn Omar, và ít nhất bốn mỏ nhỏ ở Iraq, bao gồm các mỏ ở Ajeel và Hamreen.

Buôn lậu dầu đã có nguồn gốc sâu xa trong khu vực này. Sau khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Iraq trong thập niên 1990, một mạng lưới hùng mạnh của giới vận chuyển lậu, giới buôn bán và các nhà máy lọc dầu lậu đã sinh sôi nảy nở.

Hàng trăm doanh nhân đã xuất hiện, mua bán những phần nhỏ trong lượng dầu của Iraq với giá rẻ rồi vận chuyển sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để bán lại với giá thấp. Nhiều doanh nhân như vậy đã trở nên giàu có và quyền thế, với nhiều lợi ích được bảo đảm và quan hệ chính trị.

Các chuyên gia năng lượng và giới chức phương Tây nói rằng ISIS có thể đang buôn lậu tới 80.000 thùng dầu mỗi ngày, trị giá hàng triệu Mỹ kim, qua thị trường mờ ám này. Dầu được chuyển lậu qua vùng núi hiểm trở và các tuyến đường sa mạc hay thậm chí qua các con đường hợp pháp ở Reyhanli, Zakho hay Penjwan để tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Jordan.

Valerie Marcel, một chuyên gia năng lượng Trung Đông và Châu Phi ở Chatham House, một viện nghiên cứu ở London, nói: “Việc Iraq bị trừng pháp quá lâu đã khiến các doanh nhân người Kurd và Iraq điền vào chỗ trống và tạo ra các mạng lưới buôn lậu dầu Iraq. Các mạng lưới Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria, Iraq đã sinh sôi do mấy chục năm cấm xuất khẩu. Có thị trường ngầm này từ Iraq và nay từ Syria. Điều đó đang trở thành một vấn nạn lớn.”

Dầu chợ đen thường được lọc ở các nhà máy ở Kurdistan thuộc Iraq; các nhà máy này một phần là sản phẩm phụ của những căng thẳng giữa giới lãnh đạo người Kurd và Baghdad. Trong những năm gần đây, Chính quyền Vùng  Kurdistan làm ngơ khi các nhà máy lọc dầu địa phương mọc lên để cung ứng cho thị trường sở tại sau khi Baghdad cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu hỏa nếu không được phép của Baghdad.

Như vậy nghĩa là người Kurd có thể đang góp phần làm đầy két tiền của tổ chức thánh chiến mà các lực lượng dân quân của chính mình đang đánh trả. Bilal Wahab, một chuyên gia năng lượng ở Đại học American University of Sulaymaniyah, nói: “Hiện nay có thể ISIS đang bán dầu thô [thông qua trung gian] cho các nhà máy lọc dầu không chính thức này. Chính quyền Vùng  Kurdistan không muốn đóng cửa chúng vì như vậy sẽ làm tăng giá xăng. Họ không thể tăng giá xăng vì họ không trả được lương, và họ không trả được lương vì chính quyền trung ương đã không giao ngân sách cho Chính quyền Vùng  Kurdistan trong tám tháng. Đúng là phi pháp, đúng là tệ hại. Nhưng đó là chất bôi trơn bánh xe của nền kinh tế.”

Giới chức quốc tế thừa nhận rằng phần lớn ngân quỹ của ISIS kiếm được bên trong những vùng rộng lớn Iraq và Syria do chúng kiểm soát.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Chúng bơm dầu rồi bán để tài trợ cho các thủ đoạn dã man, cùng với hoạt động bắt cóc, ăn cắp, bảo kê và hỗ trợ từ nước ngoài.” Khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ có xem xét khả năng oanh tạc các mỏ dầu hay nhà máy lọc dầu do ISIS kiểm soát, ông Kerry đáp: “Tôi chưa nghe thấy ai phản đối.”

Các ranh giới của vùng chợ đen chủ yếu thuộc khu vực người Kurd chưa bao giờ dễ giám sát, canh giữ, ít khi được thừa nhận bởi những người có các mối thân bằng quyến thuộc và quan hệ thương mại xuyên biên giới. Địa hình thì đủ kiểu từ đồng bằng mượt cỏ chia cắt Thổ Nhĩ Kỳ với miền tây bắc Syria tới những ngọn núi hiểm trở giữa vùng Kurdistan thuộc Iraq và các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tới các vùng bình địa dọc các biên giới với Jordan của Iraq và Syria.

Buôn lậu là hoạt động chính của nền kinh tế của Chính quyền Vùng  Kurdistan bán tự trị gồm ba tỉnh, với các hang ổ của bọn buôn lậu nằm rải rác dọc biên giới với Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở các thị trấn như Hajj Omran dọc biên giới Iran-Iraq, bọn buôn lậu công khai khoe khoang với khách về những kỳ tích của chúng.

Giới chức vùng Kurdistan thuộc Iraq cảnh báo rằng họ thiếu nguồn lực để kiểm soát hoạt động buôn bán này – vùng này hiện có biên giới 1.000 cây số với ISIS – và than phiền rằng ngân quỹ đã giảm kể từ khi Baghdad bắt đầu giữ lại ngân sách cấp cho vùng này; đây là một ví dụ nữa cho thấy những chia rẽ chính trị của Iraq đang làm lợi cho ISIS.

Sherko Jawdat Mustafa, một nghị viên của nghị viện vùng Kurdistan, nói: “Chính quyền đang nỗ lực hết sức để kiểm soát biên giới. Nhưng suy thoái đang diễn ra ở Kurdistan với tất cả các thể chế và bộ máy của mình.”

Giới chức cũng nghi rằng nhân viên canh gác biên giới ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được hối lộ để cho phép hàng qua cửa khẩu. Bà Marcel nói: “Tình hình giống như một cartel ma túy và một tổ chức tội phạm cũng hưởng lợi từ sự hỗ trợ chính thức hay những người có quyền nhắm mắt làm ngơ. Điều đó không thể tồn tại trên quy mô như hiện nay nếu không có một số quân nhân và nhân viên hải quan đồng lõa và hưởng lợi.”

Iraq xếp hạng 171 trong số 177 nước trong bảng xếp hạng năm 2013 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về mức độ cảm nhận tham nhũng chính thức. Các lực lượng an ninh thường ăn tiền và làm ngơ.

Ông Wahab nói: “Rất nhiều tiền cũng rơi vào tay những người làm việc ở điểm kiểm soát. Vì vậy cần thực thi trách nhiệm giải trình ở các điểm kiểm soát và tìm cách ngăn chặn họ nhận hối lộ.”

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gần đây nói rằng lượng nhiên liệu buôn lậu bị tịch thu đã tăng từ 35.260 tấn vào năm 2011 lên tới hơn 50.000 tấn chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014; điều đó cho thấy hoạt động buôn lậu đang bùng nổ. Nhưng thị trường dường như đã thay đổi trong những tuần gần đây sau khi Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát biên giới.

Hầu hết hoạt động buôn lậu được thực hiện bên trong các vùng do ISIS kiểm soát, càng gây khó khăn hơn cho các nỗ lực ngăn chặn. Othman al-Sultan, một nhà hoạt động ở thành phố Deir Ezzor của Syria, nói: “Hiện nay phần lớn các thương lái là người Iraq. Tất cả các thương lái Iraq đến mua dầu tho và đưa về Iraq. Dầu thô của Syria rẻ, và họ dùng nó cho máy phát điện và các nhà máy ở Iraq.”

ISIS đã tìm cách không phụ thuộc vào các nhà tài trợ quốc tế với nỗ lực tạo ra nền kinh tế tự cung tự cấp kể từ khi khẳng định mình là một thế lực quan trọng trong cuộc xung đột ở Syria. Chính sự bất đồng về việc nên tự tạo ngân quỹ trong nước hay nhờ vào tài trợ quốc tế đã phần nào dẫn tới va chạm với các tổ chức phiến loạn khác ở Syria, trong đó có nhóm Jabhat al Nusra trực thuộc al-Qaeda.

Giới phân tích cho rằng truy lùng và phong tỏa các tài khoản hay bắt giữ những kẻ ủng hộ quốc tế sẽ chẳng gây tác hại gì cho lắm đối với tài chính của một tổ chức chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt. Phần lớn giới ủng hộ ở Vùng Vịnh muốn lật đổ Bashar al-Assad, tổng thống Syria, hiện nay nhìn chung xa lánh ISIS.

Phúc trình của Maplecroft nói: “Do Nhà nước Hồi giáo tìm cách giảm thiểu sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng quốc tế, tổ chức này tương đối ít bị ảnh hưởng của những đợt phong tỏa tài sản hay các biện pháp trừng phạt tài chính quốc tế.”

Ngoài ra, người ta tin rằng tổ chức này đã phân phối nguồn tiền của mình trên một vùng địa lý rộng lớn. Hisham Hashemi, một chuyên gia ở Baghdad về phiến quân Sunni, nói: “Ngăn chặn các hoạt động buôn lậu sẽ không ảnh hưởng tới Nhà nước Hồi giáo trước mắt. Chúng có tiền – bằng tiền mặt – đủ để hoạt động trọn hai năm.”

Nhưng tham vọng quá lớn của ISIS và việc không chịu thỏa hiệp có thể đế chế tài chính của chúng sụp đổ. Ước vọng trở thành nhà nước chính thức của ISIS đã khiến chúng cố gắng kiểm soát toàn bộ quy trình và loại bỏ những người trung gian. Cũng có những dấu hiệu cho thấy quốc tế đang hợp sức bóp nghẹt hoạt động buôn bán dầu trên chợ đen. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền vùng Kurdistan thuộc Iraq đã công bố những nỗ lực ngăn chặn mới. Theo một nhà hoạt động, giá dầu thô ở Syria đã tăng từ $25 lên tới $41, cho thấy sản lượng đã giảm xuống sau khi Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt biên giới.

Tại làng buôn lậu Hacipasa, gần biên giới Syria, người dân gần đây chỉ trích các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn việc qua lại biên giới phi pháp vốn đã tạo kế sinh nhai cho nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chính phủ mới được bổ nhiệm ở Baghdad của thủ tướng Haider al-Abadi bắt đầu rót lại ngân sách đã bị trì hoãn từ lâu cho vùng Kurdistan, điều đó sẽ tạo động lực lớn hơn để người Kurd đóng cửa các nhà máy lọc dầu lậu mua dầu từ thị trường chợ đen.

Bà Marcel nói: “ISIS đang cố gắng đưa các sản phẩm dầu đến càng gần với người tiêu thụ cuối cùng càng tốt để thu thêm lợi nhuận. Như vậy, tài chính của ISIS có thể càng dễ xử lý hơn vô số những người môi giới nhỏ với số lượng ít ỏi rải rác trên toàn lãnh thổ này.”

Lược dịch từ Fuelling Isis IncFinancial Times, 21/9/2014

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 1/10/2014.)

Bài liên quan:

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.