Nhượng bộ hay đàn áp: Lựa chọn khó khăn của Tập Cận Bình ở Hong Kong

Chuyện xứ lạ, Làm quan

James T. Areddy

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch 

Những cuộc biểu tình rầm rộ đòi dân chủ ở Hong Kong đã khiến Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đối mặt với các lựa chọn khó khăn giữa nhượng bộ và đàn áp. Chọn cách nào cũng khó xử cho chính quyền của ông – và vị thế chính trị của ông.

Mấy ngày cuối tuần qua và tới tận hôm thứ Hai 29/9, người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, đã đối đầu với cảnh sát và làm đình trệ hoạt động kinh doanh ở nhiều khu của Hong Kong. Các đám đông đã vãn dần vào sáng sớm hôm thứ Ba 30/9 nhưng dự kiến sẽ lại tăng lên trong ngày.

Cảnh sát đã bắn hơi cay và xịt tiêu để giải tán hàng ngàn sinh viên tụ tập bên ngoài trụ sở công quyền hôm Chủ nhật 28/9, nhưng người biểu tình lại tụ hội và tái xuất hiện với số lượng đông đảo hơn, làm tắc nghẽn đường sá ở trung tâm thành phố.

Khi các cuộc biểu tình bùng phát mạnh mẽ, Tập Cận Bình ở lại Bắc Kinh và không có phát biểu công khai gì về các sự kiện này. Thay vì thế, các phát ngôn viên cấp thấp hơn của chính quyền gọi đợt phản kháng này là hành động phi pháp và cảnh báo ngoại quốc không nên can dự vào chuyện quốc nội.

Người biểu tình giơ cao điện thoại di động để biểu bộ sự đoàn kết trong cuộc biểu tình bên ngoài trụ sỏ chính quyền Hong Kong hôm 29/9. (Ảnh: Agence France-Presse/Getty Images)
Người biểu tình giơ cao điện thoại di động để biểu bộ sự đoàn kết trong cuộc biểu tình bên ngoài trụ sỏ chính quyền Hong Kong hôm 29/9. (Ảnh: Agence France-Presse/Getty Images)

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong – để phản đối những đề xuất của Bắc Kinh về những hạn chế đối với cách bầu chọn đặc khu trưởng – khơi dậy những vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc luôn quan ngại rằng các cuộc biểu tình ở một nơi thuộc Trung Quốc, nếu không bị ngăn chặn, có thể khích lệ người dân ở những nơi khác nổi dậy. Hong Kong, vốn từng được các quyền tự do và quyền tự trị hạn chế khi được trao trả cho Trung Quốc cách đây 17 năm sau thời kỳ là thuộc địa của Anh, được xem là ví dụ để Bắc Kinh chứng tỏ khả năng quản lý một trung tâm tài chính quốc tế với mức can thiệp tối thiểu.

Nay, Tập Cận Bình đối mặt với các lựa chọn khó khăn: Điều chỉnh công thức đã đề xuất cho hệ thống bầu cử của Hong Kong thì bộc lộ thế yếu, hoặc dùng vũ lực trấn áp người biểu tình thì có nguy cơ khơi dậy ký ức về cuộc đàn áp đẫm máu biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã nổi lên như một người biện hộ mãnh mẽ các vấn đề chủ quyền quốc gia dọc biên giới Trung Quốc và trong nội bộ quốc gia với khẩu hiệu đầy tinh thần dân tộc “Giấc mơ Trung Hoa”.

Phong trào bất tuân dân sự của Hong Kong đang làm sôi sục dư luận ở Đài Loan, hòn đảo có chế độ dân chủ mà từ lâu Bắc Kinh muốn giành lại. Khi gặp một phái đoàn từ Đài Loan hồi tuần trước, Tập Cận Bình nhắc tới chế độ bán tự trị của Hong Kong như là một mô hình để tái hội nhập Đài Loan. Nhưng nhiều người ở Đài Loan bày tỏ ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong khi TV Đài Loan chiếu đi chiếu lại những đoạn phim quay cảnh các sinh viên bị khuất phục bằng hơi cay và khu tài chính của Hong Kong ngập trong màn khói trắng.

Alex Huang, một giáo sư chính trị học tại Đại học Đạm Giang (Tamkang University), nói: “Nếu Bắc Kinh có ý định tạo nên hình ảnh tử tế hay tốt đẹp trong thâm tâm người Đài Loan, những chuyện xảy ra trong cuối tuần qua ở Hong Kong hết sức tác hại.”

Bắc Kinh dường như rất cảnh giác để bảo đảm rằng hành động bắt chước phản kháng sẽ không xuất hiện ở những nơi khác tại Trung Quốc, chẳng hạn như các vùng bất kham Tây Tạng và Tân Cương. Tin tức từ Hong Kong bị kiểm duyệt gắt gao trên báo chí và mạng xã hội ở đại lục; mạng chia sẻ hình ảnh Instagram đã bị rớt mạng nhiều lần hôm thứ Hai 29/9, theo nhiều tổ chức theo dõi hoạt động Internet.

Dingding Chen (Trần Định Định), một giáo sư trợ lý về chính quyền và quản lý nhà nước tại Đại học Macau, cho rằng khi theo dõi các diễn biến ở Hong Kong, giới lãnh đạo chóp bu của Trung Cộng lo ngại “hiệu ứng lan truyền” khích lệ người dân bất mãn ở những vùng khác tại Trung Quốc đòi có nhiều quyền hơn hoặc cho thấy chủ quyền quốc gia bị phương hại bởi “các thế lực thù địch ngoại quốc” thách thức sự cai trị của Đảng Cộng sản.

Theo giáo sư Trần, một vấn đề nữa là sẽ càng khó thỏa hiệp hơn nếu các cuộc biểu tình ở Hong Kong có vẻ càng thách thức chủ quyền quốc gia hoặc được xem là một mô hình cho các phong trào khác, chứ không phải phản ánh vị thế khác thường của Hong Kong bên trong Trung Quốc.

Nếu tình hình diễn biến vượt khỏi tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát Hong Kong, Quân đội Giải phóng Nhân dân có một đơn vị đồn trú ở Hong Kong, và một quan chức về hưu đã nói hồi đầu năm nay rằng các lực lượng đó có thể được triệu tập để trấn áp một cuộc nổi loạn. Một lực lượng cảnh sát bán quân sự của Trung Quốc, được huấn luyện để dẹp loạn dân sự, được triển khai ở tỉnh Quảng Đông, kế bên Hong Kong.

Nhưng một phản ứng kiểu Thiên An Môn được xem là khó xảy ra, và chính quyền đã rút lại cảnh sát chống nổi loạn hôm thứ Hai 29/9 trong nỗ lực thiện chí nhằm giảm căng thẳng sau khi quốc tế có nhiều chỉ trích việc dùng hơi cay trong mấy ngày cuối tuần qua.

Giáo sư Trần nói: “Điều lớn nhất mà họ muốn tránh là một cuộc xung đột đẫm máu.”

Các vấn đề ở Hong Kong xuất hiện ngay trước ngày quốc khánh lần thứ 65 của Trung Cộng (thứ Tư 1/10); quốc khánh là dịp giới lãnh đạo Trung Quốc dùng để nhấn mạnh tính thống nhất quốc gia. Khi hoạt động biểu tình tăng mạnh hôm thứ Hai 29/9, chính quyền đã hủy đợt bắn pháo bông hàng năm đã dự định tổ chức ở bến cảng Hong Kong.

Người biểu tình đòi dân chủ phong tỏa Nathan Road, con đường chính qua trung tâm khu Cửu Long của Hong Kong hôm 29/9. (Ảnh: Alex Ogle/Agence France-Presse/Getty Images)
Người biểu tình đòi dân chủ phong tỏa Nathan Road, con đường chính qua trung tâm khu Cửu Long của Hong Kong hôm 29/9. (Ảnh: Alex Ogle/Agence France-Presse/Getty Images)

Ngay cả trước khi Hong Kong được Anh trao trả, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lo ngại rằng lãnh thổ tư bản chủ nghĩa này có thể là một căn cứ để thâm nhập và lật đổ phần còn lại của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của ngoại quốc. Hôm thứ Hai 29/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc tới chủ đề đó, cảnh báo các chính phủ ngoại quốc không can thiệp vào các vấn đề quốc nội, trong đó có “các thế lực bên ngoài ủng hộ các hoạt động phi pháp” tại Hong Kong.

Mấy giờ trước đó, lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong nói rằng họ “mạnh mẽ ủng hộ các truyền thống lâu đời của Hong Kong và các điều khoản trong Luật Cơ bản bảo vệ các quyền tự do căn bản được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do ngôn luận và tự do báo chí”. Chính phủ Anh nhấn mạnh “các quyền và quyền tự do căn bản, bao gồm quyền biểu tình” của Hong Kong.

Chủ đề nổi loạn đã là một điểm nhức nhối giữa giới lãnh đạo Trung Quốc và lãnh thổ này trước đây. Việc Bắc Kinh nhất quyết buộc Hong Kong ban hành luật chống nổi loạn đã dẫn tới những cuộc biểu tình quy mô lớn hồi năm 2003 và khiến cho đặc khu trưởng khi đó của Hong Kong càng mất lòng dân.

Trong các cuộc biểu tình hiện nay, người biểu tình đòi đặc khu trưởng hiện nay Lương Chấn Anh từ chức, và họ muốn giới lãnh đạo Trung Quốc cho phép bầu cử tự do, rút lại kế hoạch bầu cử trong đó việc đề cử các ứng cử viên tranh chức đặc khu trưởng sẽ do một ủy ban chủ yếu trung thành với Bắc Kinh thực hiện.

Tập Cận Bình từng can dự vào chính sách ở Hong Kong vào nhiều thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của ông. Trong nhiều năm trước khi lên làm chủ tịch Trung Cộng vào năm 2012, ông từng là ủy viên bộ chính trị phụ trách vấn đề Hong Kong.

Trong chuyến thăm gần đây nhất tới Hong Kong, với tư cách phó chủ tịch vào năm 2008, Tập Cận Bình gây phẫn nộ trong giới luật pháp Hong Kong vì đã có phát biểu mà một số luật sư nghĩ rằng gây phương hại cho tính độc lập của họ với việc ra chính sách của chính quyền. Tập Cận Bình kêu gọi “đoàn kết và hợp tác chân thành trong đội ngũ cai trị (của Hong Kong) và “sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau giữa Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp”.

Trong những ngày gần đây, nhiều nhà phân tích nhận định rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã có dấu hiệu có thể thỏa hiệp về vấn đề Hong Kong bằng cách rút lại sự ủng hộ trong các phát biểu công khai của họ đối với đặc khu trưởng hiện nay Lương Chấn Anh, và bày tỏ mong muốn có những lối suy nghĩ mới về chính sách ở Hong Kong.

Ví dụ, trong dịp cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều kêu gọi “có thêm nỗ lực nghiên cứu các tình huống và vấn đề mới về Hong Kong và Macao, có thảo luận cụ thể, củng cố đồng thuận, và đưa việc nghiên cứu lý thuyết và việc thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” lên một tầm mới”.

Ông phát biểu như vậy khi gặp các đại diện của một tổ chức gọi là Hiệp hội Trung Quốc về Nghiên cứu Hong Kong và Macao, và bức ảnh của Tân Hoa Xã về sự kiện này cho thấy Lý Nguyên Triều chụp chung với phó chủ tịch của tổ chức này Lau Siu-kai (Lưu Triệu Giai), một giáo sư xã hội học lâu nay công khai chỉ trích đặc khu trưởng Lương Chấn Anh. Báo Wall Street Journal không thể liên lạc được hiệp hội này và ông Lưu để lấy ý kiến.

Khi được hỏi về ông Lương Chấn Anh hôm thứ Hai 29/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không nói rõ ủng hộ ông ta hay không, và đẩy trách nhiệm giải quyết căng thẳng cho chính quyền sở tại, nói rằng “chúng tôi hết sức tin tưởng và ủng hộ chính quyền của Đặc khu Hành chính Hong Kong”.

Người biểu tình Hong Kong trước đây từng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại. Khi hàng trăm ngàn người kỷ niệm năm thứ sáu Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 2003 bằng một cuộc tuần hành phản đối kế hoạch của chính quyền về ban hành luật chống nổi loạn, chính quyền gác lại luật đó.

Và 18 tháng sau, đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong, đại gia ngành vận tải tàu biển Đổng Kiến Hoa, do mất lòng dân nên từ chức vì lý do sức khỏe – dù ông vẫn tích cực tham gia các vấn đề Trung Quốc-Hong Kong, dẫn đầu một phái đoàn lãnh đạo doanh nhân Hong Kong gặp Tập Cận Bình hồi tuần trước.

Carole J. Petersen, một luật sư và giáo sư tại Đại học Hawaii ở Manoa có tham gia các vấn đề luật pháp ở Hong Kong, nói: “Điều đó quả thực cho thấy Bắc Kinh có khả năng thay đổi ý định về một việc gì đó.”

Theo bà Petersen, so với việc ngăn cản luật chống nổi loạn giúp giữ nguyên hiện trạng, lần này khác ở chỗ người biểu tình muốn có những thay đổi về luật bầu cử “để cho phép họ tiến lên, rời xa hiện trạng. Như vậy khó hơn.”

Nguồn: Wall Street Journal, 29/9/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 1/10/2014.)

Bài liên quan:

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.