Trước vụ Michael Brown, bất công đã có từ lâu ở Ferguson

Làm quan

Đầu năm nay, trước khi thời tiết mùa hè ở thị trấn Ferguson, tiểu bang Missouri, chuyển thành một màn hơi cay và trận mưa đạn cao su, trước khi khu ngoại ô nghèo bắt đầu chia sẻ sóng truyền hình nước Mỹ với Sierra Leone và Iraq, một hãng hỗ trợ pháp lý tên là ArchCity Defenders soạn một phúc trình tố cáo nhiều thành phố và thị trấn tại Hạt St. Louis chặn tài xế da đen với tỉ lệ cao khác thường vì các lỗi vi phạm giao thông, phạt họ trong các phiên tòa kín, và tống giam họ khi họ không đóng tiền phạt được. Bị đưa vào sổ đen “thường xuyên phạm pháp” là ba thị trấn ở phía bắc của Hạt này: Florissant, Bel-Ridge, và Ferguson.

Phúc trình chưa có tựa đề này vẫn còn nằm trong máy tính của Giám đốc Điều hành Thomas Harvey hôm 9/8, đợi trau chuốt cho hoàn chỉnh, thì Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi không vũ trang, thiệt mạng vì bị viên cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn sáu lần.

Thị trấn Ferguson rúng động sau khi biến cố này. Hàng ngày, các cuộc phản kháng diễn ra êm ả, người biểu tình giơ tay lên trời và hò vang: “Giơ tay đầu hàng, xin đừng bắn!” Nhưng đêm đến, biểu tình biến thành hỗn loạn, họ quăng chai lọ, đập phá và hôi của cửa hàng, cảnh sát thả hơi cay, ném pháo sáng và bắn đạn cao su.

(Ảnh: Philip Montgomery)
(Ảnh: Philip Montgomery)

Không ai biết chắc chuyện gì đã xảy ra vào những giây phút trước khi Michael Brown chết. Cảnh sát nói rằng anh ta đã tấn công viên cảnh sát Wilson và định cướp súng của ông. Còn một người bạn của Brown có mặt lúc đó phản bác, cho biết lúc đó anh ta bị bắn khi đang cố đầu hàng.

Ban đầu, dân chúng không biết tên viên cảnh sát nổ súng cũng không biết nhiều về chính Brown. Sau khi có nhiều ý kiến phẫn nộ đòi minh bạch hơn, cảnh sát công bố tên ông Wilson hôm 15/8. Họ cũng công bố một video trong đó một người đàn ông nói là Brown cướp tiệm rượu mấy phút trước cuộc chạm trán định mệnh với cảnh sát. Video cho thấy Brown xô đẩy và đe dọa một nhân viên nhỏ người trong tiệm khi người này tìm cách ngăn cản anh ta.

Không rõ viên cảnh sát Wilson có biết Brown là một nghi phạm cướp khi ông bắn anh ta. Sau khi video được công bố, dân chúng càng phẫn nộ; nhiều người cho rằng đó là trò bôi nhọ, có người nghĩ rằng video đó chẳng liên quan, và cho rằng Brown chẳng đáng lãnh sáu viên đạn. Chẳng bao lâu sau khi video được chiếu trên TV, những kẻ hôi của đã tấn công và cướp tiệm mà Brown bị nghi là đã cướp.

Ferguson là một cộng đồng nhỏ, khoảng 21.000 dân, với đặc điểm dân số thay đổi nhanh chóng. Năm 1990, 75% dân số là da trắng; năm 2010, 67% là da đen. Lực lượng cảnh sát không thay đổi thích ứng: gần 95% là da trắng, mà đa số người dân không tin cảnh sát. Tỉ lệ cảnh sát da trắng áp đảo như vậy một phần là do sức ì của bộ máy công quyền. Công chức có công việc ổn định lâu dài và hưu bổng hậu hĩnh, nên lực lượng lao động ít thay đổi. Một tiệm fast-food ở thị trấn có tỉ lệ dân Hispanic nhiều hơn thì sẽ nhanh chóng tuyển các nhân viên thu ngân nói tiếng Tây Ban Nha. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát có tốc độ chậm hơn trong việc tuyển nhân viên mới cho thích ứng với một cộng đồng biến đổi.

Ferguson cần nhiều hơn 3 cảnh sát da đen trong lực lượng 53 người. Theo nghiên cứu của ArchCity Defenders, 86% vụ cảnh sát chặn xe liên quan đến tài xế da đen, dù người da đen chỉ chiếm 2/3 dân số. Sau khi bị chặn xe, người da đen có tỉ lệ bị lục soát cao gấp đôi, dù các vụ lục soát người da đen phát hiện hàng cấm với tỉ lệ chỉ bằng 2/3 so với các lần lục soát người da trắng.

Thị trưởng Ferguson cũng là người da trắng, và có vẻ chẳng hiểu biết gì kể từ sau vụ Brown bị bắn. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói rằng ở Ferguson không có tình trạng phân biệt chủng tộc. Nhiều cư dân da đen lại nghĩ khác. Ví dụ, Stephan Hampton, nhớ là ông nội của mình bị cảnh sát giết năm 1984. Anh cũng nhớ ngày khi bị cảnh sát chặn lần đầu tiên: “Ngày 26/5/2010”. Một người tên Webster nhớ bị cảnh sát chặn khi đang chạy xe đạp và mới 15 tuổi; và nói thêm: “Tôi không thể đếm được đã bị chặn bao nhiêu lần kể từ lúc đó.”

Trong bối cảnh này, hầu như mọi hành động và phản ứng của cảnh sát Ferguson sau vụ bắn Brown đều sai lầm. Cảnh sát để xác của Brown trên đường phố trong bốn tiếng đồng hồ. Họ giữ kín tên của viên cảnh sát nổ súng. Họ đối đầu với những người biểu tình ôn hòa và những kẻ bạo động theo cách giống nhau, bằng cách phô trương vũ lực đáng kinh ngạc – hùng hổ y như quân đội, với xe bọc thép có người bắn tỉa trên nóc xe – và hoàn toàn thiếu tế nhị.

gettyViệc quân sự hóa hoạt động cảnh sát vi phạm các lý tưởng “giữ trật tự trị an bằng đồng thuận”, một triết lý có từ thời những ủy viên hội đồng phụ trách cảnh sát đầu tiên của đại đô thị London năm 1829. Người London cho rằng “quyền hạn của cảnh sát để thực hiện các chức năng và nghĩa vụ của mình phụ thuộc vào việc dân chúng chấp thuận sự tồn tại của cảnh sát”.

Hôm 18/8, tổng thống Barack Obama lên án hành động nặng tay của cảnh sát ở Ferguson, và nói rằng nước Mỹ cần phân biệt rạch ròi giữa quân đội và lực lượng thực thi pháp luật. Cái ranh giới mà Obama đề cập đã trở nên mập mờ, như các xe bọc thép trên đường phố Ferguson cho thấy. (Lâu nay Ngũ Giác Đài cung cấp cho cảnh sát địa phương trên toàn nước Mỹ các loại vũ khí và thiết bị mà quân đội dư thừa.)

Theo FBI, năm 2012 cảnh sát Mỹ bắn chết 409 người. Cảnh sát Vương quốc Anh bắn chết một người. Cảnh sát Đức (được vũ trang thường xuyên hơn cảnh sát Anh) bắn chết 8 người, còn cảnh sát Nhật chỉ bắn chết một người trong sáu năm qua. Dù gì đi nữa, cảnh sát Mỹ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn so với cảnh sát ở các nước giàu khác. Thường dân mà cảnh sát Mỹ gặp thường có vũ trang (tổng cộng có khoảng 300 triệu khẩu súng), nên chẳng trách họ lo lắng hơn khi người dân không giơ tay cho thấy không mang súng.

Ai chịu trách nhiệm trong cuộc đối đầu dẫn tới cái chết của Brown vẫn chưa ngả ngũ. Nhưng phúc trình của ArchCity Defenders là bằng chứng rõ nhất tính tới nay cho thấy hệ thống tư pháp của Ferguson có tính phân biệt đối xử trên thực tế, nếu không nói là có chủ đích, từ lâu trước khi lực lượng cảnh sát có phản ứng mạnh tay trước các cuộc bạo động nổ ra sau vụ bắn chết người này.

Harvey và các đồng tác giả phát hiện rằng các tài xế thuộc tầng lớp trung lưu bị cảnh sát chặn lại phạt thường thuê luật sư giúp các giấy phạt chạy quá tốc độ giảm xuống thành các lỗi vi phạm không liên quan đến di chuyển; còn các tài xế nghèo hơn, chủ yếu da đen, vì không thuê nổi luật sư nên thường tụt dốc không phanh. Họ bị trừ điểm trên bằng lái, không đóng nổi tiền phạt, bị bỏ tù, mất việc làm, lái xe với bằng lái bị treo và lại gặp rắc rối nhiều hơn.

Người ta có thể đặt câu hỏi về nhận định thẳng thừng của ArchCity Defenders rằng “các bị cáo bị bỏ tù vì nghèo”. Nhưng sẽ khó khăn hơn nếu muốn phản bác lời cảnh báo của các luật sư biện hộ này rằng các tập quán ở Ferguson “tiêu hủy lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp và các thành tố của hệ thống này”.

Chuyện bạo động và hôi của ở Ferguson rõ ràng là sai xét về mọi phương diện, nhưng điều này đang xảy ra ở một xã hội rõ ràng không vận hành trơn tru. Vernellia Randall, một giáo sư luật ở Đại học Dayton đã về hưu, nói “Điều này phải được công nhận là một triệu chứng của một vấn đề lớn hơn. Mỗi khi thấy sự bất bình đẳng chủng tộc ở đâu đó, ta nghĩ rằng đó một vấn đề biệt lập – ví như bất bình đẳng chủng tộc trong tư pháp hình sự, trong y tế, trong cho vay mua xe. Điều này sẽ còn tiếp diễn chừng nào chúng ta vẫn không chịu công nhận có cả một hệ thống [bất bình đẳng] và không tìm cách loại bỏ hệ thống đó”.

Nhiều người Mỹ, đặc biệt người da trắng, tự an ủi rằng nước Mỹ đã thành một xã hội không còn phân biệt chủng tộc. Ở Ferguson thì không hề: tại đây 67,4% dân số là da đen, 29,3% là da trắng, và chỉ có 3,3% tất cả các sắc dân khác. Phản ứng đa dạng trên toàn nước Mỹ trước các biến cố ở khu ngoại ô St. Louis này cũng góp phần tăng thêm ngộ nhận về xã hội không còn phân biệt chủng tộc. Tám mươi phần trăm người da đen được Trung tâm Nghiên cứu Pew khảo sát trên toàn quốc cho rằng vụ bắn Michael Brown “nêu ra các vấn đề quan trọng về chủng tộc cần được thảo luận.” Chỉ có 44% người da trắng nghĩ như vậy. Có gấp đôi người da đen so với người da trắng trả lời Pew rằng phản ứng của cảnh sát trước các cuộc phản kháng “đã đi quá xa”.

Ferguson đã thu hút sự chú ý của nước Mỹ vì người ta cảm thấy rằng các thành phố và thị trấn khác cũng có hệ thống rệu rã như vậy. Tuy nhiên, Hạt St. Louis không phải là nước Mỹ thu nhỏ. Một lịch sử khác thường của tình trạng phân chia tủn mủn địa lý hành chính và loại trừ khiến cho xung đột chủng tộc càng căng thẳng hơn. Bản đồ của Hạt này trông giống như một cái chậu vỡ vụn, chia nhỏ thành 90 thành phố và thị trấn, cùng với những cụm dân cư ở các vùng chưa được trở thành khu vực hành chính chính thức. Từ thế kỷ 19, những cụm dân cư đã tự lập thành phố hay thị trấn để cải thiện dịch vụ, hoặc để nắm quyền kiểm soát nguồn thu thuế từ các hãng xưởng địa phương, hoặc để tránh đóng thuế để hỗ trợ những người láng giềng nghèo hơn, hoặc trong một số trường hợp là để loại trừ người da đen.

Thực tế này dẫn tới kết quả đương nhiên là một hạt với các thị trấn bị phân chia giai tầng rõ rệt về cả chủng tộc lẫn thu nhập. Vùng phía nam giàu có hơn vẫn chủ yếu là người da trắng. Vùng phía bắc ở khu hình khuỷu tay của các sông Mississippi và Missouri, nơi có Sân bay Quốc tế Lambert-St. Louis và Ferguson, có tỉ lệ người da đen ngày càng cao. Một số thị trấn ở phía bắc đã duy trì được một hỗn hợp chủng tộc ổn định. Tuy nhiên, thông thường khi người da đen dời đến một thị trấn thì người da trắng bỏ đi. Theo Clarence Lang, một sử gia ở Đại học Kansas đã nghiên cứu St. Louis, nguồn thu thuế bị giảm đi, và người da đen cảm thấy bị lừa gạt vì những lợi ích đã thu hút họ dời đến địa phương đó đã nhanh chóng biến mất. Giai cấp tương tác với chủng tộc. Ở Ferguson, những nhà đầu tư mua nhà bị nhà băng kéo rồi cho mướn; người mướn nhà nghèo hơn các chủ nhà – cả da trắng lẫn da đen – mà giới đầu tư đánh bật ra khỏi địa phương. Đó là một lý do tại sao thu nhập gia đình trung vị của Ferguson đã điều chỉnh lạm phát đã giảm 25% từ năm 2000 đến 2012, xuống chỉ còn chưa tới $36,000/năm.

Michael Brown học ở trường thuộc Học khu Normandy kém cỏi, học khu này đã bị mất tín nhiệm năm ngoái, và đang được Bộ Giáo dục Missouri điều điều hành. Các học khu lân cận đã chống việc tiếp nhận học sinh từ Normandy chuyển sang. Một xã luận của tuần báo St. Louis American do người da đen làm chủ bình luận rằng nhiều nhà quản lý và phụ huynh ở các khu khá giả hơn không ngần ngại khi công khai phát biểu rằng Michael Brown và anh em của mình không phù hợp với cộng đồng của họ.

Sự phân chia tủn mủn địa lý hành chính cũng có một ảnh hưởng tai hại khác: các thị trấn đối đầu với nhau. Các doanh nghiệp khi chọn lựa nơi mở hãng xưởng có thể khiến các địa phương nhỏ bé này cạnh tranh với nhau để đưa ra các biện pháp ưu đãi thuế, dẫn tới cuộc chạy đua xuống đáy, khiến tất cả các địa phương mất hết các nguồn thu thuế mà họ vô cùng cần. Một khi một thị trấn hay thành phố được thành lập, bất luận nhỏ đến đâu, rất khó sáp nhập nó với địa phương khác. Ferguson có dân số khoảng 21.000, và được xem là thị trấn tương đối lớn. Nhiều thị trấn ở Hạt St. Louis có chưa tới 1.000 dân; dân số vào năm 2010 của thị trấn Champ chỉ là 13, toàn da trắng.

Giải quyết các xung đột cố hữu ở Ferguson không thể là việc một sớm một chiều. Nhưng cư dân ở đây đồng ý rằng cải tổ Sở Cảnh sát là ưu tiên cấp bách nhất. Giúp cảnh sát da trắng và thanh niên da đen mà họ đối đầu hiểu nhau là một giải pháp cho một vấn đề nan giải, và là một điều kiện tiên quyết để tạo ra thay đổi căn bản.

Thay đổi cũng cần xuất phát từ cấp cao nhất. Cách đây một năm, các cơ quan phát triển kinh tế của thành phố và hạt St. Louis đồng ý chấm dứt cạnh tranh và sáp nhập các nỗ lực. Nhưng các ý tưởng sáp nhập chính quyền các cấp thành phố và hạt đã nhiều lần được đưa ra trong thế kỷ qua, nhưng tất cả đều thất bại. Người da trắng thường phản đối việc hợp nhất vì họ sợ phải đóng thuế nhiều hơn, còn những người da đen đã lên tới các chức vụ quyền lực lo ngại rằng việc sáp nhập có thể dễ dàng triệt tiêu các lợi ích đó.

Trước mắt, các cuộc bạo động đã gây tác hại cho việc làm ăn kinh doanh. Dan McMullen, chủ hãng bảo hiểm Solo Insurance, nói “Tình hình này sẽ báo hại chúng tôi.” Cửa sổ văn phòng hãng của ông bị bọn hôi của đập vỡ. Kể từ lúc xảy ra vụ bắn Brown, ông chỉ có một khách hàng, và đã cho nghỉ việc phần lớn các nhân viên của mình. Nếu không ai bị kết án, ông lo ngại là tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. “Chắc tôi sẽ phải ở nhà.”

Bạo động hiếm khi có lợi cho bất cứ ai, và tổn hại có kéo dài nhiều năm trời. Bọn hôi của có thể khiến chủ hãng xưởng và cửa tiệm rời bỏ để chạy luôn sang các thị trấn khác an toàn hơn. Những người còn trụ lại sẽ ít bị cạnh tranh hơn nên sẽ nâng giá, khiến đời sống của cư dân càng vất vả hơn. Newark và Detroit chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn sau những cuộc bạo động năm 1967.

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp từ Businessweek 21/8/2014The Economist 23/8/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài viết, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 27/8/2014.)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.