Xung đột Israel-Gaza: Khi nào và làm sao kết thúc?

Làm quan

gazaKhi chiến dịch của Israel nhằm tiêu diệt hoặc ít nhất là vô hiệu hóa Hamas, phong trào Hồi giáo ở Palestine, bước vào ngày thứ mười, số tử vong tiếp tục tăng lên. Tính đến ngày 17/7, hơn 220 người Palestine được biết đã thiệt mạng và ít nhất 1.600 bị thương. Liên Hiệp Quốc cho biết một phần tư trong số các nạn nhân là trẻ em và ba phần tư là thường dân. Hơn 560 ngôi nhà, trong đó có nhiều nhà của người Hamas, đã bị phá hủy và hàng ngàn căn bị hư hại. Trong một trường hợp, 17 người trong gia đình của một cảnh sát trưởng Gaza bị giết khi tư gia của ông là mục tiêu bị tấn công. Nhà của Mahmoud Zahar, một sáng lập viên Hamas đang lẩn trốn, bị đánh sập.

Điện và nước trên toàn Dải Gaza ngay cả những lúc yên ổn nhất cũng chập chờn, nay thì bị cắt đứt. Thực phẩm và thuốc men cơ bản bị thiếu cho 1,8 triệu dân của lãnh thổ này, vốn phải chen chúc trong một dải đất chật hẹp ven biển chỉ dài 41 km. Ít nhất 20.000 dân Gaza tị nạn trong các trường học do Cơ quan Cứu trợ và Công tác của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) quản lý dành cho dân Palestine. Cảnh báo là sẽ còn oanh tạc nhiều nữa, phía Israel khuyên 100.000 dân Gaza rời khỏi nhà của mình nếu không muốn bị hỏa tiễn bắn trúng.

Trong khi đó, phía Hamas tiếp tục bắn tên lửa và nã pháo vào Israel. Tính đến ngày 17/7, cùng với các nhóm phiến quân khác, Hamas đã bắn hơn 1.200 quả, theo phía Israel, chỉ làm thiệt mạng một người Israel. Nhưng người dân Israel lần này khiếp sợ vũ khí của Hamas hơn lần gần đây nhất khi Israel phong trào này ở Gaza, vào tháng 11/2012, bằng một cuộc oanh tạc tương tự kéo dài tám ngày. Phần lớn các tên lửa của Hamas vẫn là tự tạo, ít khi gây chết người, nhưng Hamas đã tích lũy nhiều vũ khí tối tân hơn, trong đó có một số có tầm 160 km, được chuyển lậu vào qua đường Iran và Syria.

Trong số khoảng 11.000 tên lửa và pháo các loại mà tình báo Israel suy đoán là Hamas và các nhóm phiến quân khác sở hữu vào lúc Israel khởi đầu Chiến dịch Lợi thế Phòng vệ hiện nay, khoảng 600 có tầm bắn 75 km, có thể đe dọa Tel Aviv. Có thể có thêm 100 tên lửa có tầm bắn trên 100km. Như vậy Hamas có thể nhắm tới tất cả các thành phố lớn nhất của Israel, trong đó có Haifa và Jerusalem, tại các thành phố này còi báo động đã vang lên trong tuần qua. Hamas nay cũng có máy bay không người lái.

Tuy Hamas bị Israel đánh ác liệt, chưa có dấu hiệu cho thấy Hamas có vẻ sớm bỏ cuộc, dù cả hai bên đồng ý ngừng bắn trong 5 giờ vào ngày 17/7. Khi chính phủ Israel ngỏ lời yêu cầu ngừng bắn thông qua trung gian Ai Cập vào ngày 14/7, giới lãnh đạo Hamas đang lánh trong các hầm trú ẩn ở Gaza và trong các khách sạn trên khắp Trung Đông đã từ chối. Trong quãng thời gian 6 giờ khi Israel tạm ngưng, Hamas tiếp tục ngang ngạnh bắn tên lửa. Sau đó lực lượng không quân của Israel tấn công trở lại với cường độ mạnh hơn. Theo một số ước tính, chỉ trong vòng ba tuần Hamas có thể sẽ cạn tên lửa, do Israel tấn công mạnh và do Hamas dùng cạn kiệt nguồn cung của mình.

Trong khi đó, Binyamin Netanyahu, thủ tướng Israel, tính toán các nước cờ tiếp theo của mình với những ý kiến mâu thuẫn nhau của các cánh tả hữu trong nước và của các chính phủ nước ngoài. Một số đồng minh trong liên minh của ông, đặc biệt những người thuộc phe hiếu chiến, chẳng hạn như Avigdor Lieberman thuộc đảng Israel Ngôi nhà của Chúng ta kêu gọi ông đưa quân đánh trên bộ để “làm cho xong việc”. Ngày 15/7, ông đã cách chức Danny Danon, thứ trưởng quốc phòng hiếu chiến đã chỉ trích ông có tinh thần chủ bại. Ông Netanyahu còn loại bộ trưởng kinh tế Naftali Bennett, lãnh tụ của một phái khác trong chính phủ liên minh, ra khỏi nhóm có quyền quyết định.

Cho đến nay, thủ tướng Netanyahu chưa muốn triển khai chiến dịch trên bộ, có lẽ nhớ lại kinh nghiệm năm 2006, khi đó người dân Israel ban đầu hồ hởi ủng hộ cuộc chiến nhằm tiêu diệt phe thù địch bắn tên lửa ở Lebanon, nhưng sau đó nhanh chóng phản đối khi binh lính Israel bắt đầu bị sa lầy và thiệt mạng. Người ta cho rằng Hamas đã đặt đủ kiểu bẫy phòng khi Israel xâm lấn.

Nhưng cũng không rõ ông Netanyahu có muốn thực sự tiêu diệt Hamas, bởi khi không còn Hamas biết đâu một nhóm còn cực đoan hơn, có thể có liên hệ với al-Qaeda, xuất hiện để thay thế Hamas ở Gaza. Nếu ông quyết định ra tay để thâu tóm dải dất này, như một số người cánh hữu đề xuất, và đưa người dân ở đây vào quyền cai trị trực tiếp của Israel, cán cân dân số ở quốc gia Israel chính thức cộng với các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ nghiêng hẳn về người Do Thái của cả vùng đất tính gộp. Hầu hết các cố vấn thân cận của ông Netanyahu có lẽ nghĩ rằng tốt hơn là nên để Gaza bị cô lập và bao vây như trước, với nhóm Hamas yếu ớt nắm quyền, mà theo lời của một nhà phân tích Israel là “chỉ ngoi ngóp”.

Hồi tuần rồi, Hamas đưa ra một kế hoạch 10 điểm. Theo đó, Hamas đề nghị đợt ngừng bắn, sau đó là thời gian đình chiến 10 năm. Trong số các yêu sách chủ chốt của nhóm này có chấm dứt bao vây Gaza và thả các tù nhân, mở lại hải cảng và phi trường của Gaza và đặt dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.

Khi số tử vong tăng lên, nước ngoài sẽ tăng áp lực đòi Israel đáp ứng một số yêu sách của Hamas. Human Rights Watch, tổ chức đấu tranh nhân quyền đóng ở New York, đã kêu gọi Israel mở một hành lang nhân đạo để đưa vào thuốc men và các nhu yếu phẩm và đưa người bị thương hoặc bệnh tật ra ngoài.

Chính phủ các nước Châu Âu và Liên hiệp Châu Âu (EU) hiện nay không có ảnh hưởng gì ở Vùng Đất thánh. Chính sách của EU từ chối liên hệ với Hamas khiến Châu Âu không thể làm trung gian hòa giải.  các nước Na Uy và Thụy Sĩ không thuộc EU trước đây từng đàm phán với Hamas, nay lại ngỏ ý giúp. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ do Recep Tayyip Erdogan đứng đầu cho biết sẽ giúp, nhưng ông Netanyahu không muốn dính líu tới ông ta. Vì Obama do bị Quốc hội cấm nên cũng không thể đàm phán trực tiếp với Hamas, ông đã yêu cầu Qatar, quốc gia trong khu vực thân thiện nhất với Hamas, kêu gọi Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Khaled Meshal, lãnh tụ có thế lực nhất của Hamas bên ngoài Gaza, đang ở  Qatar. Nhưng Qatar dường như không thể thuyết phục Hamas xuống nước.

Israel cho rằng sẽ khôn khéo hơn nếu để Ai Cập xử lý Hamas, vì biết rằng Abdel Fattah al-Sisi, tổng thống mới của Ai Cập, cũng ghét Hamas thậm tệ. Các điều kiện ngừng bắn do Ai Cập đứng ra điều đình gần như  dẫn tới sự đầu hàng của Hamas. Một nhà ngoại giao Châu Âu vẫn còn gặp Hamas nói: “Đó là một cái bẫy. Hamas biết rằng Sisi còn muốn bóp chết phong trào này hơn cả Israel.” Kể từ khi các tướng lĩnh Ai Cập lật đổ Muhammad Morsi, người tiền nhiệm của ông Sisi, họ đã đóng hầu hết các đường hầm dưới biên giới với Gaza vốn dùng làm con đường huyết mạch để chuyển các nhu yếu phẩm và vũ khí vào dải đất này. Ông Sisi dường như sẽ mãn nguyện khi thấy Hamas bị đập tan.

Các đề xuất khác có khuynh hướng tập trung vào việc tái thiết nền kinh tế Gaza, với lý do rằng chỉ khi người dân ở dải đất này có đời sống khấm khá hơn thì họ mới quay lưng lại với Hamas. Ngay cả trước khi Israel mở Chiến dịch Lợi thế Phòng vệ, điện chỉ có chưa tới nửa ngày. Phân nửa dân Gaza thất nghiệp hoặc không được trả lương. Một số người cho rằng trong 18 tháng nữa dân Gaza sẽ không còn nước máy để uống. Nhưng các đề xuất tái thiết nền kinh tế Gaza dường như vô nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay. Và nếu tên lửa tiếp tục bắn vào Israel và bom tiếp tục thả xuống Gaza, chẳng còn gì quý giá để tái thiết.

Tổng hợp từ The Economist, 19/7/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 23/7/2014.)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.