World Cup 2014: Cuộc chơi bạc tỉ

Làm giàu

wc2014logoGiấc mơ tốn kém

Brazil đã mãn nguyện với giấc mơ từ lâu muốn đưa giải bóng đá thế giới World Cup trở lại Nam Mỹ sau 36 năm vắng bóng. Bắt đầu từ ngày 12/6, sự kiện lớn nhất của làng bóng đá thế giới diễn ra tại Brazil trong 32 ngày. Người dân ở đất nước xem bóng đá như tôn giáo này mong muốn đội nhà vô địch ngay tại quê hương và lập kỷ lục 6 lần giành cúp vàng. Trong khi đó, chính phủ hy vọng World Cup 2014 sẽ là động lực mang lại thay đổi lớn lao cho nền kinh tế đang lụn bại của nước nhà.

Chính phủ đã hứa hẹn việc tổ chức World Cup sẽ có những lợi ích kinh tế lớn lao để trấn an dân chúng ngày càng tỏ ra nghi ngờ. Nhưng tâm lý bất mãn ở Brazil về chất lượng của hệ thống giao thông cộng cộng, y tế, giáo dục và an ninh đã tăng dần kể từ khi các cuộc biểu tình bùng nổ hồi năm ngoái trong thời gian tổ chức giải Cúp Liên đoàn (giải đấu được xem là để hâm nóng cho World Cup năm nay).

Năm ngoái, Aldo Rebelo, bộ trưởng thể thao Brazil, hào hứng liệt kê những lợi ích kỳ vọng từ World Cup, trong đó có 28 tỉ real (12 tỉ đô-la Mỹ, 1 real = 0,44 đô-la Mỹ) đầu tư vào giao thông đô thị, cảng, sân bay, sân vận động và cơ sở hạ tầng du lịch. Nhưng ông thừa nhận rằng nhiều công trình cơ sở hạ tầng công cộng, ngoài các sân vận động, chẳng hạn như nâng cấp sân bay, đã được bao gồm trong kế hoạch cơ sở hạ tầng chung của chính phủ, gọi là chương trình đẩy nhanh tăng trưởng.

Vinicius Lages, bộ trưởng du lịch Brazil, nói với AFP: “World Cup không phải là thần dược kinh tế, mà là chất xúc tác cho sự phát triển của Brazil. Đó là một nhân tố chủ chốt khiến Brazil rốt cuộc đã nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình.” Theo ông tiên đoán, chỉ riêng trong năm 2014 World Cup sẽ tăng thêm khoảng 13,6 tỉ đô-la Mỹ cho nền kinh tế Brazil (hiện lớn thứ bảy thế giới).

Không chỉ có vậy. Một báo cáo của Ernst & Young Terco về các tác động xã hội và kinh tế của World Cup 2014 kết luận rằng giải đấu này “sẽ tạo ra 3,63 triệu việc làm/năm và lợi tức 63,48 tỉ real (28,23 tỉ đô-la Mỹ) cho dân chúng trong giai đoạn 2010-2014, ngoài khoản thu thuế 18,13 tỉ real.”

Ernst & Young dự báo tác động đối với sản lượng hàng hóa và dịch vụ quốc dân ở mức 112,79 tỉ real, còn các ngành hưởng lợi nhiều nhất từ sự kiện này (được định nghĩa là các hoạt động kinh tế với sản lượng tăng đáng kể) là xây dựng công chánh, ẩm thực, dịch vụ kinh doanh, tiện ích công cộng, dịch vụ thông tin, và du lịch và khách sạn.

Tất cả những dự đoán đó nghe rất hấp dẫn, nhưng cũng có nhiều báo cáo khác trái ngược nhau về lợi ích lâu dài thực sự của việc tổ chức World Cup. Một báo cáo của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s về tác động của World Cup đối với những ngành khác nhau đã kết luận rằng World Cup sẽ giúp doanh thu tăng ngắn hạn nhưng các mức gia tăng này không đủ để ảnh hưởng đến lợi nhuận, và những xáo trộn về giao thông, tình trạng đông đúc và số ngày làm việc bị mất sẽ gây thiệt hại cho kinh doanh.

Dù đa số người dân Brazil cảm nhận rằng World Cup khiến đất nước tốn kém rất nhiều, theo báo cáo của Moody’s, giải đấu này sẽ có tác động không đáng kể cho nền kinh tế có giá trị 2,2 ngàn tỉ đô-la Mỹ của Brazil. Barbara Mattos, chuyên viên phân tích cao cấp tại Sao Paulo của Moody’s, nhận xét rằng nền kinh tế của Brazil rất lớn nên tác động sẽ không quá lớn, do World Cup chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đầu tư chỉ giới hạn ở một số thành phố hay tiểu bang. Giải đấu này sẽ chỉ tăng thêm 0,4% GDP cho Brazil trong thời gian 10 năm, và mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng dự kiến chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng mức đầu tư theo kế hoạch của nước này từ năm 2010 đến 2014.

Năm 2007, khi FIFA (Liên đoàn Bóng đá Thế giới) trao cho Brazil quyền đăng cai World Cup 2014, nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,1%. Hiện nay, giới phân tích kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế Brazil đang ở bờ vực suy thoái. Theo một khảo sát hàng tuần của ngân hàng trung ương, giới kinh tế dự báo GGP chỉ tăng trưởng 1,68% năm nay, và 2% trong năm 2015.

Brazil rất có thể gặp phải “hiệu ứng World Cup”, theo định nghĩa của trang IBTimes.com là hiện tượng các nước chủ nhà bị thiệt hại kinh tế nhiều hơn do đăng cai giải đấu, như trường hợp của Nam Phi năm 2010. Bốn năm sau, các lợi ích của việc đăng cai World Cup vẫn chưa thấy đâu. Một bài báo của trang IBTimes.com dẫn lời của Dennis Coates, giáo sư Đại học Maryland, nhận xét rằng ngay cả World Cup 1994 ở Mỹ (được xem là một trong những giải thành công và có biến chuyển lớn nhất) tính trung bình cũng khiến mỗi thành phố đăng cai bị giảm lợi tức 712 triệu đô-la Mỹ so với dự đoán.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Vinicius Lummertz, bí thư quốc gia về chính sách công của Brazil, lạc quan nói với báo The Rio Times rằng ngành du lịch Brazil sẽ hưởng lợi lớn từ World Cup. Bộ Du lịch tiên đoán rằng du khách nội địa và ngoại quốc sẽ chi tiêu 25 tỉ real trong thời gian diễn ra giải đấu, với ước tính có 600.000 du khách ngoại quốc và 3 triệu du khách nội địa. Tính trung bình mỗi du khách ngoại quốc dự kiến sẽ dự xem bốn trận đấu và chi tiêu khoảng 2.488 đô-la Mỹ trong thời gian lưu lại Brazil. Lợi ích kinh tế cho Brazil dựa trên số du khách đổ v ước tính sẽ là 3,03 tỉ đô-la Mỹ, chưa kể các giao dịch tài chính gián tiếp của các du khách này.

Những khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ Brazil cho cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây để chuẩn bị cho World Cup có thể là nhằm để tối đa hóa doanh thu mà đất nước này có thể đạt được qua giải đấu này, và cũng có thể hướng về tương lai nữa. (Brazil sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè vào năm 2016.)

Nghiên cứu nói trên của Ernst & Young đề cập đến các nhu cầu đầu tư như vậy để có thể biến lợi tức từ du lịch thành hiện thực. “Một khi các biện pháp cần để giúp đất nước khai thác các cơ hội do World Cup mang lại được hoàn tất, giải đấu này có thể khiến lượng du khách quốc tế đến Brazil tăng đến 79% trong năm 2014, với khả năng còn tác động cao hơn trong những năm về sau. Trong giai đoạn 2010-2014, con số đó sẽ có thể tăng thêm 2,98 triệu du khách nữa.” Lượng du khách đổ vào nhờ tác động trực tiếp và gián tiếp của World Cup dự kiến sẽ tăng thêm lợi tức 5,94 triệu real cho các công ty Brazil.

Tuy nhiên, trước khi Brazil có thể mở tiệc ăn mừng các lợi ích kinh tế sắp có, một vài diễn biến cập nhật về ngành du lịch có thể làm giảm bớt tâm lý hứng khởi đó. Theo ký giả Claire Rive của tờ The Rio Times, ngành du lịch ở Brazil đã phải điều chỉnh các ước tính bị thổi phồng của họ về lượng du khách dự kiến sẽ đổ vào, và do vậy phải giảm giá đáng kể cho giá vé máy bay nội địa và quốc tế, và tiền khách sạn trong thời gian diễn ra giải đấu.

Tham nhũng và lãng phí

Tổ chức World Cup là tiền triệu, tiền tỉ nên dễ nảy sinh cơ hội kiếm tiền kiểu ăn xổi, nhất là ở một nước như Brazil. Christopher Gaffney, giáo sư Đại học Liên bang ở Rio de Janeiro, cho rằng có sự cấu kết giữa giới chóp bu cầm quyền và giới chóp bu kinh doanh ở Brazil để lũng đoạn có lợi cho họ.

Lâu nay đã có nhiều nghi ngờ về các vụ tham nhũng và biển thủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Lấy ví dụ trường hợp Sân vận động Mane Garrincha ở Brasilia, hiện đã là sân bóng đá tốn kém thứ nhì thế giới (sau sân Wembley ở Anh).

Hồi tháng 5 vừa rồi, hãng tin Associated Press có một bài phóng sự cáo buộc tập đoàn xây dựng Andrade Gutierrez và hãng kỹ thuật công chánh Via Engenharia đã thành lập một liên minh xây dựng, và buộc chính phủ trả 1,5 triệu đô-la Mỹ cho việc vận chuyển các khán đài tiền chế cho sân vận động ở Brasilia, trong khi mức phí ban đầu dự kiến chỉ là 4.700 đô-la Mỹ.

Các chuyên viên kiểm toán phát hiện rằng các tập quán lãng phí hoặc hoạch định kém đã khiến chi phí tăng thêm 28 triệu đô-la Mỹ, trong khi 16 triệu đô-la Mỹ bị tổn thất khi thật khó hiểu là chính quyền Brasilia không áp dụng được mức phạt đối với tập đoàn Andrade Gutierrez vì trễ hạn 5 tháng cho việc hoàn thành phần chính của sân vận động này.

Theo Al Jazeera, chính tập đoàn này đã có các khoản đóng góp chính trị tổng cộng 37,1 triệu đô-la Mỹ sau khi tên các thành phố đăng cai trận đấu được khẳng định và sau khi tập đoàn này được giao các hợp đồng trị giá tổng cộng gần một phần tư trong tổng kinh phí tổ chức World Cup, bốn năm sau khi tập đoàn này đóng góp chỉ có 73.180 đô-la Mỹ trong các cuộc bầu cử cấp đô thị, như vậy là tăng 500 lần. Ngoài ra, các chuyên viên kiểm toán phát hiện 275 triệu đô-la Mỹ về mức tính giá bị cáo buộc là quá cao chỉ với ba phần tư trong tổng số kinh phí 900 triệu đô-la Mỹ của Sân vận động Mane Garrincha.

Một quan chức chính phủ cho rằng tham nhũng chỉ là một phần nguyên nhân khiến các sân vận động phục vụ World Cup có phí tổn cao hơn dự toán. Con số ước tính mới nhất cho 12 sân xây mới và nâng cấp cho thấy chi phí khoảng 8 tỉ real (3,6 tỉ đô-la Mỹ), cao hơn 2,7 tỉ real so với con số ước tính chi tiết đầu tiên công bố năm 2010, và gần bốn lần so với con số dự toán xây dựng sân vận động mà Brazil trình lên FIFA hồi năm 2007 trong hồ sơ xin đăng cai.

Văn phòng tổng kiểm toán, tòa án tài khoản quốc gia (TCU) và một nhóm công tố viên đã điều tra các công trình World Cup (có tổng kinh phí 11 tỉ đô-la Mỹ). Theo TCU, qua điều tra các hợp đồng và phát hiện nhiều trường hợp đội giá và tính phí quá cao, họ đã giúp tiết kiệm được khoảng 700 triệu real

Sergio Nogueira Seabra, bí thư về minh bạch và chống tham nhũng của Văn phòng tổng kiểm toán Brazil, cho biết văn phòng của ông đã điều tra các hợp đồng thi công trị giá 2 tỉ real cho các sân vận động World Cup ở Manaus, Cuiaba và Rio de Janeiro (nơi diễn ra trận chung kết vào ngày 13/7). Sau khi phân tích, họ đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu real. Nhóm của Seabra không có thẩm quyền để xem xét những nơi khác. Ông nói không phải tất cả các ví dụ tính giá quá cao đều do tham nhũng. Hồi tháng 11 năm ngoái, tạp chí Forbes ước tính phí tổn của tham nhũng ở Brazil trong năm 2013 có thể lên đến tổng cộng 53 tỉ đô-la Mỹ.

Gần như tất cả các sân vận động liên quan đến World Cup đều bị chậm tiến độ, khiến chi phí tăng lên khi thời hạn sắp đến. Một số sân, trong đó có sân Sao Paulo nơi tổ chức trận khai mạc giữa Brazil và Croatia vào ngày 12/6, vẫn còn đang xây dựng dang dở vào cuối tháng 5.

Vinicius Panetto, một công tố viên ở Rio de Janeiro điều tra công trình sân vận động Maracana ở Rio, phát hiện rằng theo dự toán ban đầu, mỗi bàn nhựa để thay tã trong sân vận động này có giá 10.800 real (4.876 đô-la Mỹ). Một mức giảm 92% chi phí đó, cộng với một mức giảm khác về gạch men lót trong nhà vệ sinh, đã giảm được 7 triệu real trong dự toán. Con số 495 cổng sẽ dùng tại sân này được giảm xuống còn 5 cổng, tiết kiệm thêm 12 triệu real nữa.

Con gà đẻ trứng vàng cho FIFA

Trong khi lợi ích mà giải bóng đá thế giới mang lại cho Brazil còn chưa rõ ràng, chắc chắn FIFA sẽ thắng lớn như ở các kỳ trước. World Cup 2014 sẽ mang lại tổng doanh thu 4 tỉ đô-la Mỹ cho FIFA, cao hơn 66% so với giải lần trước ở Nam Phi năm 2010. Phần lớn là nhờ tiền bán bản quyền truyền hình và tiếp thị quảng cáo. World Cup mang lại nhiều doanh thu hơn bất cứ giải thể thao nào, ngoại trừ Thế vận hội (nếu dựa trên doanh thu cho một ngày thi đấu, trận chung kết Super Bowl của NFL là vô đối). Lợi nhuận của FIFA cho World Cup 2014 là 2 tỉ đô-la Mỹ.

Gần như toàn bộ doanh thu của FIFA xuất phát từ bản quyền truyền hình (1,7 tỉ) và bản quyền tiếp thị quảng cáo (1,35 tỉ) từ các đối tác doanh nghiệp như Adidas, Emirates, Sony, Visa, Hyundai và Coca-Cola. Các công ty tên tuổi thích vung tiền chi cho World Cup vì bóng đá có lượng khán giả hâm mộ cuồng nhiệt trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của FIFA, tại giải World Cup 2010 ở Nam Phi, 909 triệu khán giả truyền hình xem ít nhất một phút của trận chung kết tại nhà. Khoảng 619,7 triệu người cũng xem ít nhất 20 phút liên tiếp khi Tây Ban Nha thắng Hà Lan 1-0 trong hiệp đấu bù giờ ở Johannesburg. Hơn 3,2 tỉ người xem tối thiểu 1 phút truyền hình trực tiếp giải năm 2010. Mức xếp hạng trung bình chính thức là 188,4 triệu lượt người xem cho mỗi trận đấu.

World Cup 2010 thu hút số khán giả Mỹ nhiều nhất trong lịch sử giải đấu này. ESPN công bố rằng các chương trình phát hình trận đấu đạt mức xếp hạng trung bình 2,1 (2,29 triệu gia đình và 3,26 triệu người xem), tăng 31% so với năm 2006. Trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha là trận bóng đá của giải World Cup nam giới có số lượt người xem đông nhất (15,6 triệu).

Ngay cả ở Mỹ, giá trị nội dung thể thao của World Cup cũng cao hơn. Hồi tháng rồi, Fox Sports giành được bản quyền truyền hình tiếng Anh ở Mỹ cho World Cup 2018 (ở Nga) và World Cup 2022 (ở Qatar), đánh bại các đối thủ ESPN và NBC. ESPN mua được bản quyền truyền hình cho các giải năm 2010 và 2014 với giá 100 triệu đô-la Mỹ. Tuy con số chính thức về hợp đồng truyền hình mới chưa được công bố, ký giả John Ourand của tạp chí Sports Business Journal được nguồn tin cho biết Fox có thể đã trả từ 400 đến 500 triệu đô-la Mỹ. Con số này khá hợp lý vì Univision đã trả 425 triệu đô-la Mỹ cho bản quyền truyền hình tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ trong hai kỳ World Cup vừa rồi.

Tuy nhiên, kinh phí cho World Cup không hề rẻ. Với giải ở Brazil, FIFA sẽ chi trả tổng cộng 576 triệu đô-la Mỹ cho các liên đoàn thành viên tham gia, các câu lạc bộ có cầu thủ tham gia và cho chương trình bảo vệ câu lạc bộ, cao hơn 37% so với World Cup ở Nam Phi cách đây bốn năm. Phần lớn nhất trong đó sẽ là mức tiền thưởng kỷ lục, cao hơn 75% so với giải năm 2010. Đội vô địch World Cup 2014 sẽ được thưởng 35 triệu đô-la Mỹ, hạng nhì 25 triệu, hạng ba 22 triệu, hạng tư 20 triệu, 4 đội bị loại ở tứ kết sẽ được nhận 14 triệu/đội, 8 đội bị loại ở vòng 16 sẽ được nhận 9 triệu/đội, 16 đội bị loại ở vòng đấu bảng sẽ được nhận 8 triệu/đội. Xét đến tổng số đội, cầu thủ và thời gian diễn ra World Cup, con số cho mỗi cầu thủ mỗi ngày sẽ là 2.800 đô-la Mỹ ở Brazil.

Hoạt động kinh doanh World Cup đã tăng trưởng mạnh kể từ cuối thập niên 1990 nhờ đà tăng mạnh về bản quyền truyền hình. Bản quyền truyền hình bên ngoài nước Mỹ cho các giải 2002 và 2006 được bán với giá 2 tỉ đô-la Mỹ, tăng gấp 6 lần so với con số 310 triệu đô-la Mỹ mà Liên hiệp Truyền hình Châu Âu (đại diện cho lợi ích và sức mạnh tài chính của các đài truyền hình Châu Âu) trả cho ba giải đấu tổ chức trong thập niên 1990. Kể từ năm 1998, tổng doanh thu World Cup cho FIFA đã tăng 11 lần.

Thành công tài chính của World Cup có lợi cho sự phát triển của môn bóng đá. Ngân sách của FIFA cho các năm 2015-2018 là 4,9 tỉ đô-la Mỹ, trong đó 2,15 tỉ được dành cho World Cup 2018 ở Nga. Tính chung, 78% (3,8 tỉ đô-la Mỹ) trong số 4,9 tỉ này sẽ được đầu tư trực tiếp vào bóng đá (các dự án phát triển, các giải đấu, và hoạt động quản trị).

Bất luận World Cup 2014 có tác động ra sao đến nước chủ nhà, giải đấu này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của cả thế giới trong một tháng sắp tới, nhờ đó FIFA tạm tránh xa những chỉ trích và tố cáo gần đây về nạn tham nhũng, nhất là trong việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar. Những cáo buộc về việc Qatar hối lộ các quan chức FIFA trong thời gian vận động đăng cai nghiêm trọng đến nỗi đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi tước quyền đăng cai của Qatar, và tổ chức chọn lại nước chủ nhà.

Số liệu kinh doanh qua các kỳ World Cup gần đây (Nguồn: Forbes.com)

Năm 2010 2006 2002 1998
Nước chủ nhà Nam Phi Đức Hàn Quốc & Nhật Pháp
Đội vô địch Tây Ban Nha Ý Brazil Pháp
Tổng doanh thu 2,4 tỉ đô-la Mỹ 3,2 tỉ đô-la Mỹ 2,5 tỉ đô-la Mỹ 365 triệu đô-la Mỹ
Doanh thu truyền hình 1,1 tỉ đô-la Mỹ 1,7 tỉ đô-la Mỹ 1,6 tỉ đô-la Mỹ 120 triệu đô-la Mỹ
Doanh thu tiếp thị, quảng cáo 1,1 tỉ đô-la Mỹ 785 triệu đô-la Mỹ 810 triệu đô-la Mỹ 245 triệu đô-la Mỹ

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 11/6/2014.)

Bài liên quan: Bóng đá không chỉ là một trò chơi

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.