Bóng ma Lục Tứ (Kỳ cuối)

Chuyện xứ lạ, Làm quan

Cách đây một phần tư thế kỷ, chính quyền Trung Cộng dùng xe tăng và súng máy đàn áp dã man cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Sự kiện đẫm máu đó là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc cận đại, được ghi lại trong sử sách là biến cố Lục Tứ (diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989). Trong bài viết sau đây đăng trên trang China File ngày 20/4/2014, Perry Link, giáo sư danh dự về Nghiên cứu Đông Á của Đại học Princeton, phân tích chính sách “cho phép làm giàu nhưng cấm tự do tư tưởng” của Đặng Tiểu Bình sau vụ thảm sát này và tác động của nó đối với xã hội Trung Quốc ngày nay.  Bài viết này phỏng theo lời tựa của Perry Link viết cho cuốn sách mới xuất bản “Những người lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc” (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China) của Rowena He [Hà Tiểu Thanh]. Một phiên bản khác ngắn hơn của bài này đăng trên NYRblog ngày 31/3/2014 với nhan đề China After Tiananmen: Money, Yes; Ideas, No (Trung Quốc sau Thiên An Môn: tiền thì được, tư tưởng thì cấm).

Bóng ma Lục Tứ

Perry Link

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Kỳ 1)

Đại lộ Trường An ngày 4/6/1989 (Alan Chin)
Đại lộ Trường An ngày 4/6/1989 (Alan Chin)

Tóm lại sự bùng nổ trong nền kinh tế Trung Quốc đã diễn ra như sau: Trong thời Mao Trạch Đông, người dân Trung Quốc không tự do về mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ ngoại trừ những việc hàng ngày thông thường nhất. Sau khi Mao chết năm 1976, và càng rõ ràng hơn sau vụ thảm sát năm 1989, Đặng Tiểu Bình xuống nước và bảo người dân Trung Quốc đại ý rằng họ vẫn còn nằm trong vòng kiềm tỏa về các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, và những vấn đề khác về “tư tưởng”, nhưng chuyện kiếm tiền thì nay họ được hoàn toàn tự do. Và họ lao vào kiếm tiền – mà ai cũng sẽ làm vậy khi chỉ có được một kênh duy nhất để vận dụng sức lực cá nhân. Họ làm lụng cật lực – với mức lương thấp, làm nhiều giờ, không có công đoàn, không có luật lệ về lương bổng người lao động, không có sự bảo vệ của nền báo chí tự do hay các tòa án độc lập, và thậm chí không có tư cách pháp lý ở những thành phố nơi họ làm việc. Có hàng trăm triệu người như vậy, và họ làm việc hết năm này sang năm khác. Vậy có lạ chăng khi họ đã làm ra lượng của cải khổng lồ? Những chi tiết tinh vi của bức tranh này hẳn nhiên phức tạp hơn vậy, nhưng hình thù tổng thể của nó chẳng hề là một bí ẩn hay “phép lạ”.

Năm 1985, Đặng Tiểu Bình bắt đầu dùng cụm từ “hãy để một bộ phận dân chúng làm giàu trước”. Điều đó đã xảy ra, và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người giàu lên trước gần như luôn luôn là những người có quan hệ chính trị tốt. Có quan hệ tốt với giới quyền lực chính trị tức là dễ dàng tiếp cận được các nguồn lực cũng như các chức vụ béo bở hơn để từ đó tham ô, và của cải của giới thượng lưu bắt đầu tăng vọt vào giữa thập niên 1990. Tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc đã tăng cho tới khi vượt qua mức bất bình đẳng ở các nước tư bản phương Tây và chỉ thua một số nước kém phát triển ở Châu Phi và Nam Mỹ. Trong văn hóa truyền khẩu dân gian, và về sau trên Internet, chuyện tiếu lâm, ca dao, và “bài vè” (thuận khẩu lưu, shunkouliu) thường phản ánh tâm trạng vô cùng bất bình về sự giàu có của giới thượng lưu cũng như những cách bất chính bị xem là đã được dùng để kiếm được số của cải đó. Nhưng các quan điểm như vậy, giống như bất cứ sự thảo luận nào về các giá trị công dân, đã không – và hiện nay vẫn không – được thể hiện trên phương tiện truyền thông chính thức, trên các kênh này những ý kiến nhắc tới sự bình đẳng, dân chủ, việc cai trị bằng hiến pháp, tôn giáo không được nhà nước cho phép, và nhiều chủ đề khác thiết yếu cho cuộc thảo luận như vậy đều bị theo dõi và thường bị cấm.

Sự coi trọng tiền bạc, cộng với những hạn chế chuyên quyền về việc thảo luận cởi mở về các giá trị khác, đã làm nghèo đi các giá trị công cộng của xã hội. Vaclav Havel đã viết về tình trạng “hậu toàn trị” trong đó một mạng lưới đầy rẫy những lời nói dối chính thức phổ biến tới mức tạo nên phiên bản thứ hai của đời sống thường nhật. Nhắc lại ý của Havel, Thẩm Đồng, một lãnh tụ sinh viên trong đợt biểu tình năm 1989, nhận xét rằng “thực tế của cuộc sống trong một nhà nước công an” là “ta sống trong một lời nói dối công cộng khổng lồ”. Vương Đan, một lãnh tụ sinh viên thời 1989 khác, thấy rằng dần theo năm tháng người dân quen với những lời nói dối và bắt đầu ‘nói dối một cách vô thức”. Việc Trung Quốc tung hô chuyện kiếm tiền khiến nước này khác với Tiệp Khắc của Havel, nhưng không hề tốt hơn. Chẳng hề xóa đi sự giả tạo (như các lý thuyết của những chính khách phương Tây lạc quan cho rằng nó sẽ xóa đi được), cơn say kiếm tiền phần nào đã sự giả tạo càng trầm trọng hơn.

Các tầng lớp có tiền của mới ở Trung Quốc hành xử như thể họ đang mò mẫm tìm hiểu xem các tầng lớp có tiền của mới nên hành xử ra sao. Trong thời Mao Trạch Đông, phim ảnh, văn chương và các bích chương cổ động chính trị vẽ biếm họa giúp mọi người hiểu bọn tư sản hoang đàng ra sao – đồ ăn, thức uống, tình dục, giày láng cóng, đồng hồ bảnh, xe bóng lộn, vân vân. Tất tần tật xấu xa. Sau thời Mao, trong thời kỳ “làm giàu là vinh quang”, người ta tìm những hướng dẫn cách hành xử khi có tiền, và hình ảnh biếm họa về giới tư sản đã có sẵn nhưng nay được đánh giá tích cực, chứ không còn tiêu cực. Người Trung Quốc có tiền của vung tay ăn chơi ở Bali và Paris, nơi họ dẫn đầu thế giới về mua sắm những món xa xỉ như nước hoa Chanel và túi xách Luis Vuitton. Mục đích của việc mua túi xách (cũng như ở những nơi khác trên thế giới) không phải là để đựng đồ đạc, mà là để sở hữu một cái túi xách hàng hiệu thực thụ – chứ không phải hàng giả, như nhiều người ở trong nước – và để có thể chứng tỏ với thiên hạ là ta quả thực sở hữu món đồ mua trực tiếp từ Paris. Du khách có thể mua thêm mấy cái túi xách để đem về Trung Quốc bán kiếm lời – một cách khôn ngoan để trang trải phần nào chuyến đi Paris. Bán lại túi xách là sang trọng, đi Paris là sang trọng, bản thân mấy cái túi xách là sang trọng. Nhưng liệu những người sang trọng này có cảm thấy vững chải trong lòng? Hay họ quá bận phô trương, cạnh tranh, chạy – trong khi ở một cấp độ khác lại cảm nhận một cách mơ hồ (ngại dừng lại để kiểm tra) rằng họ đang chạy với bình hết xăng?

“Thói trọng vật chất” có thể không phải là từ đúng để chỉ văn hóa thượng lưu mới này vì không nhất thiết liên quan đến vật chất thực sự. “Thói sĩ diện bề ngoài” có lẽ là từ phù hợp hơn. Mục đích cuối cùng cho hoạt động của một người không phải là cái túi xách mà là việc phô trương túi xách. Nếu việc phô trương có tác dụng, cái túi xách chỉ là công cụ phô trương. Cái có ý nghĩa, có giá trị là vẻ bề ngoài. Rõ ràng còn hy vọng cho Trung Quốc vì khi văn hóa thượng lưu này lan rộng, thiên hạ càng chê cười nó. Sự bùng nổ truyện tiếu lâm truyền khẩu và trên mạng trong những năm gần đây đã tập trung vào những thứ giả: sữa giả, rượu giả, đồ cổ giả, ảnh giả, lịch sử giả, hát giả tại các buổi lễ Thế vận hội, vân vân – thậm chí cả sư tử giả tại một sở thú (một con chó lớn giả trang). Nhà văn Trung Quốc Dư Hoa đã chua chát nói rằng thứ duy nhất ta biết là thật là một món đồ giả làm giả.

Tuy nhiên, gần như mọi châm biếm đều nói ở chỗ riêng tư, hoặc nói công khai thì phải nặc danh. Chẳng ai dại gì công khai có ý kiến phản đối đàng hoàng. Chế độ gọi đây là “sự bất đồng quan điểm”, và sự bất đồng quan điểm có thể gây tổn hại lớn. Người ta thấy nếu biết khôn thì nên tránh bị để ý, có thể rủa xả ở chốn riêng tư, nhưng chớ gây rắc rối giữa bàn dân thiên hạ. Người bất đồng chính kiến bị xem là kỳ quặc và không biết tính toán sao cho có lợi cho mình nhất, đôi khi bị chính người thân nhìn nhận như vậy. Bạn bè và láng giềng tránh xa họ – không phải vì bất đồng với với ý kiến của họ (như chế độ thích tuyên truyền) mà là do sợ dính chàm giống họ. Khi Vương Đan về thăm quê cha sau khi anh nổi danh là một kẻ bất đồng, dân làng canh gác các lối vào làng để anh không đến quá gần – nhưng rồi, nếu anh thực sự xuất hiện, họ sẽ che giấu anh.

Dân chúng có người chấp nhận những lời nói dối của chế độ trong khi có người chỉ giả vờ chấp nhận, nhưng khi năm tháng dần trôi sự phân biệt này ngày càng bớt quan trọng. Dù thật tình hay giả vờ chấp nhận, lợi ích cá nhân của người dân được bảo vệ và họ hòa mình vào xã hội “bình thường”. Rốt cuộc, theo nhận xét của Rowena He, Trung Quốc chỉ còn “một thế hệ thậm chí không hình dung được một xã hội mà lớp trẻ của xã hội đó sẽ hy sinh vì lý tưởng”.

Song, ở một mức độ sâu xa hơn, người Trung Quốc (cũng như bất cứ dân tộc nào) không cảm thấy vững chải khi cứ mãi sống với thái độ hoài nghi và tình trạng không đoán trước được tương lai. Người giàu gởi tiền ra nước ngoài – và cũng cho con đi du học. Năm 2013, nhiều cuộc khảo sát và báo cáo cho thấy có sự gia tăng mạnh về kế hoạch di cư của cả gia đình, nhất là trong giới giàu có, và chẳng có lý do gì để nghĩ rằng người nghèo sẽ không theo xu hướng đó nếu họ có điều kiện.

Có nhiều lý do khiến người ta muốn di cư. Không khí trong lành hơn, cơ hội kinh tế và học hành tốt hơn, và các truyền thống gia đình có từ mấy chục năm (nhất là với nông dân ở miền nam Trung Quốc) đều là các yếu tố. Nhưng cũng có một số ước muốn sâu xa về xã hội và chính quyền mà người dân buộc phải có hành động cho dù, vì những lý do hiển nhiên, họ không muốn nói rõ ra. Liệu một tương lai ở Trung Quốc có thực sự hứa hẹn hạnh phúc ngay cả cho những gia đình có của và có quyền? Thực ra, di cư để bày tỏ quan điểm chính trị đã có căn nguyên từ xa xưa ở Trung Quốc. Trong sách Mạnh Tử, tác phẩm kinh điển của Trung Quốc về triết lý chính trị được soạn vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, đức hạnh của vua chúa được đo lường bằng số người được thu hút đến xứ sở của họ. Xứ nào có bạo chúa thì dân chúng bỏ xứ đi sang nơi khác. Những người như Rowena He muốn điều tốt đẹp nhất cho Trung Quốc – những người yêu nước theo đúng nghĩa của từ này, chứ không phải nghĩa “ái quốc” Cộng sản – ước mong Trung Quốc lại có được sức hút như Mạnh Tử dạy.

Nhận xét về vai trò chủ chốt của những chính sách của Đặng Tiểu Bình sau vụ thảm sát 1989, Rowena He viết rằng:

Những chính sách của Đặng qua nhiều năm tháng đã dẫn tới một nền kinh tế bùng nổ, mức sống trung bình cao hơn, và một vị thế nổi bật hơn cho Trung Quốc trên thế giới, nhưng cũng gây ra bất bình đẳng rất lớn về của cải, tham nhũng lan tràn, các vấn đề môi trường dai dẳng, tâm lý hoài nghi và cay nghiệt của dân chúng và giảm sút lòng tin với nhà nước, chi tiêu quá nhiều vào việc “duy trì ổn định”, và những dấu hiệu hung hãn mới song hành với sự trỗi dậy quốc tế của Trung Quốc.

Những lời như vậy đã khiến cô hứng chịu biết bao lời thóa mạ trên Internet từ những người biện hộ cho chế độ hiện nay. Những người bình luận này có thể có cả kẻ ăn lương lẫn không ăn lương, nhưng họ đều có chung một điểm: họ tránh né thực chất vấn đề cô đề cập, thay vì thế lại công kích cá nhân theo kiểu ấu trĩ nhất và rỗng tuếch về mặt tri thức. Cô là kẻ “chống Trung Quốc”, “bán nhân dân của mình để mua tương lai cho mình”, là “con điếm cho bọn ngoại quốc”, vân vân. Tôi chẳng hề thổi phồng ở đây. Trong hàng chục ví dụ tôi từng thấy, phân tích của họ chẳng đào sâu hơn mức này, và thực tình hiếm có câu nào dài hơn. Những bình luận này thực sự chỉ cho thấy rằng các đối thủ của Rowena He không có câu trả lời cho cô.

Chúng ta không thể nói rằng sự suy đồi đạo đức ở Trung Quốc ngày nay chỉ là do vụ thảm sát 1989. Thái độ hoài nghi cay nghiệt hình thành do tính giả tạo của luận điện chính thức có căn nguyên từ Phong trào Phản Hữu năm 1957 và Nạn đói Lớn trong những năm 1959-1962 thời Đại Nhảy vọt. Mao Trạch Đông chịu trách nhiệm, hơn nhiều so với Đặng Tiểu Bình, về điều mà nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị gọi là “những thảm họa tâm linh sâu thẳm trong chúng ta”, những thảm họa khiến người ta “đi bằng bước đi vội vã và nhìn bằng ánh mắt vô hồn” như thể “chẳng có nơi nào để đi, chẳng có nơi nào để trốn”. Tuy nhiên, vụ thảm sát năm 1989 vẫn là một bước ngoặt. Nếu không có nó, công thức “tiền thì được, tư tưởng thì không” của Đặng Tiểu Bình dành cho người dân Trung Quốc – chính sách tạo nền móng cho phần lớn những gì ta thấy ở Trung Quốc ngày nay – đã không có tác dụng. Vụ thảm sát đó cũng tạo nền móng cho nỗi sợ – nỗi khiếp sợ vô hình có tác động sâu sắc, ít khi được bày tỏ, nhưng rất hữu hiệu – mà chế độ dựa vào đó để dẹp yên dân chúng kể từ đó.

Kết cuộc sẽ ra sao? Hẳn nhiên chúng ta không biết. Những thủ thuật kiểm soát của Đảng Cộng sản xưa nay đã hữu hiệu, và nỗ lực của đảng nhằm tái tạo chủ nghĩa chuyên chế cận đại trong một phiên bản ổn định ở thế kỷ 21 đã tạo được sức đẩy đáng kể. Nhìn tổng quan, dường như chưa chắc nỗ lực này có thể thành công, mặc dù những tổn hại của việc chứng kiến sức đẩy hung hăng này, không chỉ đối với Trung Quốc mà với cả thế giới, quả thực có thể rất đáng sợ.

Mario Vargas Llosa, người đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, hồi đầu năm 2014 đã viết:

Thật khó mà không thấy buồn vô hạn về tình trạng lạc hậu mà chủ nghĩa toàn trị đã áp đặt lên Trung Quốc, Nga và Cuba. Bất cứ tiến bộ xã hội nào mà chủ nghĩa cộng sản có thể đã mang lại cho những xã hội này đều trở nên vô nghĩa do tình trạng chậm phát triển về con người, văn hóa và chính trị mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra, và các chướng ngại vật còn lại cản trở những nước này hiện đang tận dụng các nguồn lực của mình và vươn tới một thời hiện đại bao gồm các lý tưởng dân chủ, chế độ pháp trị và tự do. Rõ ràng mô hình cộng sản cũ đã cáo chung, nhưng các xã hội này đang mất nhiều thời gian và phải hy sinh nhiều để rũ bỏ bóng ma của nó.

Nhận xét của Vargas Llosa chỉ ra một điều mỉa mai cố hữu trong cấu trúc của “tinh thần ái quốc” kiểu quốc doanh của Trung Quốc. Với mục đích giả tạo bề ngoài là nâng cao lòng tự hào của người Trung Quốc ở khắp nơi, “tinh thần ái quốc” này yêu cầu tâng bốc chế độ chuyên quyền của Trung Quốc, mà chế độ xem như biểu tưởng của đất nước; dù đồng thời cũng chính chế độ, với cách hành xử của mình, là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc mất mặt dưới con mắt của thế giới. Thử tưởng tượng người Trung Quốc sẽ cảm thấy dễ chịu hơn dường nào, nhẹ nhõm hơn và lạc quan hơn dường nào, nếu họ có thể khoe với thế giới – cùng với tất cả những điều khác họ có để khoe – một chính quyền hiện đại cởi mở, tuân thủ luật pháp và dân chủ.

Khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau vụ thảm sát 1989 rằng người Trung Quốc cần được “giáo dục”, và khi chính quyền của ông bắt đầu nỗ lực có hệ thống để dập tắt các khát khao chính trị của họ và để nhào nặn họ thành những thần dân “ái quốc” chú trọng vào tinh thần dân tộc và tiền tài, có thể ông đã ngả mũ ngưỡng mộ Bertolt Brecht, người đã từng viết: “Nhân dân đã hết tín nhiệm chính quyền; chính quyền đã quyết định giải tán nhân dân và bổ nhiệm nhân dân khác.” Liệu kế hoạch của Đặng sau vụ thảm sát, được những người kế nhiệm ông áp dụng tiếp, sẽ tiếp tục hữu hiệu hay không? Liệu người Trung Quốc ba mươi năm nữa sẽ vẫn hài lòng với vai trò nhân dân mà kế hoạch của Đặng đã gán cho họ? Điều này có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra. Dù thế nào đi nữa, phần thiệt hơn cũng rất cao, cao không kém những cái chết vì sốt rét của trẻ em Châu Phi.

Nguồn: Perry Link, The Specter of June Fourth, China File, 20/4/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 28/5 và 4/6/2014.)

Bài liên quan: Những hồn ma Thiên An Môn

4 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.