Hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ cuối)

Làm giàu, Làm quan

Ưu thế năng lượng của Mỹ: Các hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ cuối)

Robert D. Blackwill và Meghan L. O’Sullivan, Tạp chí Foreign Affairs, tháng 3 & 4/2014

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

(Kỳ 1, Kỳ 2)

shaleƯu thế của Mỹ

Nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ năng lượng Bắc Mỹ đương nhiên sẽ là Mỹ. Ảnh hưởng trước mắt sẽ là tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới và của cải trong ngành năng lượng. Nhưng ngoài điều đó, vì khí đốt của Mỹ thuộc loại rẻ nhất thế giới, các ngành công nghiệp của Mỹ chủ yếu dựa vào khí đốt để làm nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như sản phẩm hóa dầu và thép, sẽ tiếp tục tăng lợi thế cạnh tranh của mình. Sự bùng nổ năng lượng cũng sẽ kích thích kinh tế bằng cách khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng và các ngành dịch vụ ở Mỹ. Viện Toàn cầu McKinsey ước tính rằng đến năm 2020, sản lượng dầu khí không truyền thống có thể tăng GDP hàng năm của Mỹ từ 2% đến 4%, tức khoảng từ 380 đến 690 tỉ Mỹ kim, và tạo ra đến tối đa 1,7 triệu việc làm lâu dài mới. Ngoài ra, vì lượng nhập khẩu năng lượng chiếm khoảng một nửa trong mức thâm hụt thương mại hơn 720 tỉ Mỹ kim của Mỹ, lượng nhập khẩu năng lượng giảm đi hiện đang dẫn tới một cán cân thương mại có lợi hơn cho Mỹ.

Không nên nhầm lẫn việc giảm lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng với sự hoàn toàn độc lập về năng lượng. Nhưng sự bùng nổ năng lượng của Mỹ sẽ góp phần làm lắng dịu tư duy suy tàn về nước Mỹ. Hơn nữa, việc chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn cung cấp năng lượng nước ngoài – và vào những nước sản xuất mà Washington thường có quan hệ chông gai – sẽ giúp Mỹ được tự do hơn trong việc theo đuổi chiến lược đại cục của mình. Nhưng Mỹ sẽ vẫn còn mối liên kết chặt chẽ với các thị trường năng lượng toàn cầu hóa. Ví dụ, bất cứ xáo trộn lớn nào về nguồn cung dầu toàn cầu vẫn sẽ ảnh hưởng đến giá xăng ở Mỹ và cản trở tăng trưởng. Do đó, Washington sẽ vẫn quan tâm đến việc duy trì tính ổn định của các thị trường thế giới. Không ở nơi đâu điều đó đúng hơn ở Trung Đông, nơi mà các mối quan tâm hệ trọng của Mỹ – về việc ngăn chận khủng bố, chống phổ biến hạt nhân, và cổ xúy an ninh trong khu vực để bảo vệ các đồng minh như Israel và bảo đảm luồng lưu thông năng lượng – sẽ còn dài lâu. Và cũng sẽ còn nhu cầu giữ an ninh trật tự cho các tài nguyên chung toàn cầu (global commons), chẳng hạn như các tuyến đường biển quan trọng phục vụ thương mại năng lượng và các hàng hóa khác.

Ngoại giao dầu khí

Ngoài việc củng cố nền kinh tế Mỹ, sự bùng nổ năng lượng hứa hẹn làm sắc bén hơn các công cụ trị quốc của Mỹ. Khi cần phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, một nguồn cung năng lượng đa dạng hơn sẽ tạo ra các lợi thế rõ rệt. Ví dụ, có thể đã gần như không thể áp dụng các biện pháp hạn chế vô tiền khoáng hậu đối với lượng dầu xuất khẩu của Iran nếu nguồn cung Bắc Mỹ không gia tăng. Khác với các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Iraq, Libya, và Sudan trong quá khứ (được áp dụng trong những giai đoạn thế giới thừa dầu), các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Iran được áp đặt khi thị trường dầu khan hiếm và giá cao. Để tranh thủ được sự ủng hộ của các nước ngần ngại áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt như vậy đối với Tehran, Washington đã buộc phải đưa ra lập luận đáng tin cho rằng việc loại bỏ dầu của Iran ra khỏi thị trường quốc tế sẽ không làm tăng giá. Các biện pháp trừng phạt do Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2011 đã đặt điều kiện để áp dụng một số biện pháp hạn chế là chính quyền Mỹ phải quả quyết rằng có đủ dầu trên thị trường toàn cầu để yêu cầu các nước khác giảm lượng nhập khẩu của họ.

Tuy điều khoản này coi như giúp Nhà Trắng được miễn trừ, Nhà Trắng không bao giờ dùng tới nó, nhờ sản lượng dầu chặt nhẹ (light tight oil) của Mỹ tăng đều đặn, giúp bù đắp cho hơn một triệu thùng dầu Iran mỗi ngày bị các lệnh trừng phạt loại khỏi thị trường. Số dầu đó của Mỹ đã giúp Washington xoa dịu nỗi lo của các chính phủ khác về việc giá tăng lên và do vậy giành được sự ủng hộ quốc tế cho các cấm vật nghiêm ngặt hơn. Những biện pháp này đã gây tác hại đáng kể đối với nền kinh tế Iran và góp phần thúc đẩy Tehran ngồi vào bàn đàm phán. Nếu không có các nguồn cung mới của Mỹ, các biện pháp trừng phạt như vậy có thể đã chẳng hề được phê chuẩn.

Sự hồi sinh năng lượng cũng giúp cho các nhà đàm phán thương mại Mỹ có ưu thế mới khi các nước khác cạnh tranh để có khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Washington hiện đang đàm phán hai hiệp định thương mại đa phương quan trọng: hiệp định Hợp tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (với 28 nước của Liên hiệp Châu Âu) và hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (với 11 nước ở Châu Á-Thái Bình Dương và Nam-Bắc Mỹ). Về vấn đề xuất khẩu LNG, luật Mỹ cho phép tự động phê chuẩn các đơn xin thành lập trạm đầu mối nhằm để vận chuyển khí đốt tới các nước đã ký các hiệp định thương mại với Washington. Ngược lại, các đơn xin thành lập trạm đầu mối nhằm để vận chuyển LNG đến nơi khác phải đi qua một quá trình xét duyệt để xác định xem hoạt động thương mại đó có phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ hay không. Đối với nhiều quốc gia ở Châu Á và Châu Âu muốn đưa khí đốt nhập khẩu từ Mỹ vào hỗn hợp năng lượng của họ, có được tư cách thương mại đặc biệt này sẽ có thêm giá trị. Thực vậy, động cơ khuyến khích này đã tỏ ra có ý nghĩa quan trọng trong việc thuyết phục Nhật (rất cần khí đốt sau thảm họa Fukushima làm ngưng hoạt động toàn bộ cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của nước này) tham gia đàm phán Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương.

Sự biến đổi về năng lượng toàn cầu cũng giúp Washington có một cách mới củng cố các liên minh của mình. Nhiều nước hiện nay hy vọng theo chân Mỹ và bắt đầu khai thác các tài nguyên dầu khí không truyền thống của mình, và chính quyền Mỹ đã bắt đầu tích hợp kinh nghiệm năng lượng của Mỹ vào hoạt động ngoại giao. Hai dự án của Bộ Ngoại giao – Chương trình Tham gia Kỹ thuật Khí đốt Không truyền thống và Sáng kiến Năng lực và Quản lý Năng lượng – đang tập hợp chuyên môn kỹ thuật từ các bộ ngành của chính phủ để giúp các nước khác (đến nay chỉ mới là các nước nhỏ đang phát triển) xây dựng ngành dầu khí của họ.

Chính phủ nên mở rộng các nỗ lực ban đầu này và liên kết chúng với chiến lược liên minh tổng quát bằng cách hỗ trợ các nước như Ba Lan và Ukraine khi họ cố gắng khai thác trữ lượng đá phiến nội địa của họ. Hoạt động sản xuất ở những nước này và các nước khác sẽ không chỉ giảm bớt rủi ro xung đột về các tài nguyên khan hiếm mà còn giúp các quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng có lợi hơn cho khí hậu mà không hy sinh mức độ tăng trưởng kinh tế mà họ cần. Washington nên cố gắng giúp họ hiểu các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự bùng nổ năng lượng ở Mỹ và, nếu được hoan nghênh, nên tư vấn về cách tạo ra các môi trường tương tự.

Năng lượng và ảnh hưởng

Cuộc cách mạng năng lượng Bắc Mỹ đã diễn ra, và có quy mô lớn, và nó sẽ chỉ càng có ý nghĩa quan trọng khi Mỹ sắp trở thành nước xuất siêu năng lượng; điều đó sẽ đến vào khoảng năm 2020. Sự biến đổi nhờ đó về nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ có lợi cho các nước tiêu thụ và giảm sức mạnh của những nước sản xuất truyền thống. Những diễn biến này cũng có thể làm suy yếu vai trò truyền thống của OPEC trong việc kiểm soát giá năng lượng toàn cầu, có lẽ trong chừng mực mà giá năng lượng sẽ giảm. Sự xáo trộn như vậy lại lan truyền sang tất cả các nước phụ thuộc vào dầu khí để có nguồn thu ngân sách. Ngay cả nếu giá không giảm đáng kể, dòng chảy năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục được biến đổi – và cùng với nó là biến chuyển về các mối quan hệ kinh tế và địa chính trị.

Trong khi đó, Mỹ sẽ có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ sự biến đổi này và nắm bắt các cơ hội mới. Sự bùng nổ năng lượng sẽ tăng thêm động lực cho quá trình hồi sinh kinh tế của Mỹ, và việc giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ giúp Mỹ có mức độ tự do và ảnh hưởng ngoại giao lớn hơn. Sự bùng nổ năng lượng sẽ không giải quyết tất cả các thách thức mà giới hoạch định chính sách Mỹ đang đương đầu: Washington vẫn phải khắc phục hậu quả của hơn một thập niên tham chiến ở Afghanistan và Iraq, tình trạng chi tiêu ngân sách phung phí của chính mình, nạn thiên vị đảng phái ở Quốc hội, sự sút giảm lòng tin của nhiều nước đồng minh sau nhiều tiết lộ về sự do thám của Mỹ, và sự vươn lên của Trung Quốc. Tuy vậy, sự bùng nổ mạnh mẽ về sản lượng dầu khí của Mỹ, cộng với những ưu điểm lâu bền khác về quân sự, kinh tế, và văn hóa của Mỹ sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong những năm sắp tới – nhưng chỉ nếu Washington bảo vệ những nguồn sức mạnh mới có này trong nước và tận dụng các cơ hội mới để bảo vệ các lợi ích lâu dài của mình ở nước ngoài.

 —

Robert D. Blackwill là nghiên cứu viên cao cấp hàm Henry A. Kissinger về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations). Meghan L. O’sullivan là giáo sư thực hành hàm Jeane Kirkpatrick về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bà cũng tư vấn cho các công ty năng lượng về rủi ro địa chính trị. Cả hai đều làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền của tổng thống George W. Bush.

Nguồn: Robert D. Blackwill and Meghan L. O’Sullivan, America’s Energy Edge – The Geopolitical Consequences of the Shale Revolution, Foreign Affairs, March/April 2014 Issue

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 12 & 19/3/2014.)

Bài liên quan: Dầu khí đá phiến: cuộc vui sắp tàn?

One thought on “Hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ cuối)

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.