Gặp Mao Trạch Đông mới

Chuyện xứ lạ, Làm quan
Bruce Gilley
 

Có thể đã đến lúc thừa nhận rằng Tập Cận Bình, lãnh tụ đang chờ lên ngôi của Trung Quốc, không phải là người ôn hòa như nhiều người nghĩ.  Thực vậy, những bằng chứng từ quá khứ của ông cho thấy Tập Cận Bình sẽ lèo lái Trung Quốc theo một hướng hiếu chiến hơn về cả đối nội lẫn đối ngoại.  Khi thời điểm ông nhậm chức đã cận kề, Tập Cận Bình đang lộ rõ những dấu hiệu chứng tỏ là một người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi về chính sách đối ngoại và có thiên hướng dùng công an đàn áp khi xử lý các bất đồng trong nước.  Do đó, sự thăng tiến của ông có thể có nghĩa là cuộc đấu tranh dài lâu giữa phe Maoist và phe cải cách vốn đặc trưng cho “kỷ nguyên cải cách” của Trung Quốc nay đã đến hồi kết thúc.  Sự thay thế kỷ nguyên đó có phần giống với cuộc đấu tranh vốn đặc trưng cho những năm đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khi mà phe tiến bộ xã hội với niềm tin vào học thuyết giải phóng xã hội Marxist đối đầu với phe dân tộc chủ nghĩa bài Nhật (và bài Mỹ) say mê học thuyết kiểm soát chính trị  của Lenin.  Tập Cận Bình rõ ràng thuộc nhóm thứ hai, thiên về trật tự và quyền lực và bỏ qua tiến bộ xã hội, và ông có thể lãnh đạo Trung Quốc theo một hướng rất đáng ngại. 

Chính sách đối ngoại là lĩnh vực mà các lãnh đạo Trung Quốc thường nhanh chóng để lại dấu ấn của mình, do chỉ có một số ít người liên quan nếu so với chính sách đối nội.  Do vậy, đó cũng là lĩnh vực mà câu hỏi ai sẽ đảm trách thực sự có ý nghĩa, và thuật cai trị đầy tinh vi của Bắc Kinh vẫn còn quan trọng.  Sau cuộc viếng thăm hồi tháng Tám, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden khen Tập Cận Bình là người “mạnh mẽ” và “thực dụng”.  Có lẽ Biden đúng.  Nhưng sức mạnh và tính thực dụng của Tập Cận Bình không nhất thiết là điềm tốt cho những ai e ngại về một Trung Quốc đang vươn lên.

Lần đầu tiên Tập Cận Bình để lộ trước công chúng mặt trái “mạnh mẽ” này là năm 2009. Lúc đó, trong một chuyến thăm Mexico, ông nói với Hoa kiều, “Những người ngoại quốc ăn no mặc ấm chẳng có việc gì hay hơn để làm ngoài chuyện đổ lỗi cho Trung Quốc.  Nhưng Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, không xuất khẩu nghèo đói, và không can thiệp vào công việc của người khác. Vậy thì có gì để than phiền nào?”

“Ba điều không”, như vẫn được gọi từ đó đến nay, của Tập Cận Bình đã được phe dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc tung hô nhiệt liệt, trong đó có các tác giả cuốn sách in năm 1996 Nước Trung Quốc biết nói Không với giọng điệu đầy cay độc.  Phe dân tộc chủ nghĩa này bày tỏ hy vọng rằng Tập Cận Bình sẽ là lãnh tụ đầu tiên kể từ Mao Trạch Đông sẵn sàng đương đầu với Phương Tây.  Hồi đầu tháng Chín, Tập Cận Bình nói với học viên tại Trường Đảng Trung Ương, viện đào tạo cao cấp của đảng ở Bắc Kinh, rằng “hai mục tiêu chủ đạo – đấu tranh giành độc lập quốc gia và giải phóng nhân dân, tức là việc hiện thực hóa cả hai ước vọng nước mạnh dân giàu – xưa nay luôn luôn liên hệ mật thiết với nhau.  Mục tiêu thứ nhất luôn là cơ sở của mục tiêu thứ hai.”

Về đối nội, Tập Cận Bình cũng thể hiện rõ phong cách bạo chúa qua việc ủng hộ nhiệm kỳ của Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh nổi tiếng mạnh tay.  Là một thái tử đảng cũng chắc chắn sẽ tham gia Thường vụ Bộ Chính Trị nắm quyền cai trị vào năm 2012, Bạc Hy Lai xóa sổ tội ác có tổ chức trong thành phố này qua một cuộc càn quét không phân biệt phải trái bất chấp trình tự thủ tục pháp lý hồi năm 2009.  Đến thăm thành phố này vào cuối năm 2010, Tập Cận Bình phát biểu rằng “cuộc đấu tranh dữ dội ‘chống lại các băng đảng Tam Hợp Hội và nhổ tận gốc những tên tội phạm xấu xa'” đã “hết sức hợp lòng dân” và khen ngợi bộ máy an ninh địa phương vì “dẫn đầu” trong việc loại trừ vấn nạn này.  Việc ông cổ xúy cho “mô hình Trùng Khánh” đôi khi được diễn dịch là sự trở lại với chủ nghĩa Mao.  Thay vì thế, điều đó nên được xem là sự trở lại với một nhà nước công an dân tộc chủ nghĩa, giống với Tưởng Giới Thạch hơn là Mao Trạch Đông.

Hồi giữa tháng Bảy, Tập Cận Bình được cử tới Lhasa để chủ trì “lễ kỷ niệm” lần thứ 60 ngày “giải phóng” Tây Tạng.  Hoàn toàn trái ngược với những chính sách hòa giải và nhân đạo của nguyên tổng bí thư Hồ Diệu Bang, người có chuyến viếng thăm Tây Tạng vào năm 1980 đánh dấu cơ hội cuối cùng cho sự hòa giải thực sự với vùng này, chuyến thăm của Tập Cận Bình là điển hình của sự thống trị.  Đông đảo công an và mật vụ tràn ngập thành phố này, và trên khán đài danh dự đố tìm ra được một bóng người Tây Tạng.  Thành phố hoàn toàn bị phong tỏa, và Tập Cận Bình đi đâu cũng có binh lính và an ninh kè kè bốn bên.  Theo báo chí Trung Quốc, thậm chí ông còn mang theo cả nước riêng của mình để uống, nấu ăn và tắm, vì quá sợ bị đầu độc.  Tập Cận Bình không hề có nỗ lực tiếp xúc với dân thường Tây Tạng, mà thay vì thế đọc một bài diễn văn dài bảy mươi phút với giọng điệu cứng rắn chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quân đội hiện diện đông đảo ở vùng này.

Đằng sau con người Tập Cận Bình “máu và sắt” này là gì?  Dư luận thường cho rằng người con trai này của Tập Trọng Huân (một đảng viên ôn hòa của ĐCS Trung Quốc từng chịu đau khổ dưới thời Mao Trạch Đông) là một người cải cách.  Sự nghiệp của ông ở các tỉnh duyên hải miền nam quả thực cho thấy ông rất quan tâm đến cải cách kinh tế và hiệu quả hành chính.  Nhưng kỷ nguyên cải cách đã chấm dứt, và những cuộc tranh luận đó đã là chuyện quá khứ.  Hiện nay, những cuộc tranh luận là giữa phe tiến bộ Marxist, nhiều người trong đó nổi lên trong các tổ chức đảng và ở những vùng nội địa nghèo, và phe dân tộc chủ nghĩa Leninist, nhiều người trong đó, giống như Tập Cận Bình, thăng tiến qua những chức vụ kỹ trị trong chính phủ, thường là ở những vùng duyên hải giàu có.  Phe tiến bộ Marxist quan tâm nhất về công bằng xã hội và ý thức hệ của đảng, trong khi phe dân tộc chủ nghĩa Leninist quan tâm nhất về sức mạnh dân tộc và kỷ cương của đảng.  Tập Cận Bình rõ ràng thuộc nhóm thứ hai.  Ông chẳng quan tâm đến những vấn đề “hòa hợp xã hội”, “phát triển với nhân dân là trọng tâm” và “phát triển mang tính khoa học” lâu nay đã thu hút sự chú ý của hai nhân vật tiến bộ Marxist nắm quyền kể từ năm 2002 (Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo).  Thay vì thế, ông chú trọng đến quyền lực nhà nước, áp dụng trong cả đối nội lẫn đối ngoại.

Đối với Mỹ, trong khi ấn tượng thiện chí của Biden là thích hợp ở cấp độ ngoại giao, những nhà hoạch định chính sách ngoại giao cần cân nhắc khả năng ngày càng cao của một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu dưới thời Tập Cận Bình.

Bruce Gilley là trợ lý giáo sư chính trị học tại Trường Quản lý Nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State University, và là tác giả của cuốn The Right to Rule: How States Win and Lose Legitimacy (Quyền Cai trị: Cách nhà nước giành được và đánh mất tính chính đáng).

Bản tiếng Anh: Meet the New Mao, The National Interest, 28/9/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com 

4 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.