Các tập san như Nature, Cell và Science đang phá hoại khoa học ra sao

Tạp nhạp

Randy Schekman

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Những động cơ khuyến khích của các tập san hàng đầu làm méo mó khoa học, cũng như các khoản tiền thưởng hậu hĩnh làm méo mó ngành ngân hàng.

Tôi là một nhà khoa học. Thế giới của tôi là một thế giới chuyên môn đạt được nhiều thành tựu vĩ đại cho nhân loại. Nhưng thế giới này bị suy đồi vì các động cơ khuyến khích không thích hợp. Các cơ cấu phổ biến hiện nay để tạo danh tiếng cá nhân và tiến thân thường trọng thưởng những công trình nghiên cứu hào nhoáng nhất, chứ không phải nghiên cứu có giá trị nhất. Những người trong giới chúng tôi chạy theo các động cơ khuyến khích này thực ra chỉ hành xử rất duy lý – bản thân tôi từng chạy theo chúng – nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của nghề nghiệp chúng tôi, nói gì đến các lợi ích của nhân loại và xã hội.

Chúng ta đều thấy rõ các động cơ khuyến khích méo mó đã ảnh hưởng thế nào đến ngành tài chính và ngân hàng. Các động cơ khuyến khích dọn ra trước mắt những đồng nghiệp của tôi không phải là những khoản tiền thưởng hậu hĩnh, mà là các phần thưởng chuyên môn nhờ được đăng bài trong các tập san [khoa học] uy tín – chủ yếu là Nature (Tự nhiên), Cell (Tế bào) và Science (Khoa học).

Những tập san xa xỉ này được xem là khuôn vàng thước ngọc về chất lượng, chỉ đăng những bài nghiên cứu xuất sắc nhất. Vì các ban xét duyệt kinh phí tài trợ nghiên cứu và bổ nhiệm [nhân sự hàn lâm] thường xem nơi đăng bài là đại diện cho chất lượng của khoa học, nếu có bài đăng ở các tập san này, ta thường cầm chắc được tài trợ nghiên cứu và được bổ nhiệm chức danh giáo sư. Nhưng tiếng tăm của các tập san lớn chỉ được bảo đảm một phần. Tuy có đăng nhiều bài xuất sắc, các tập san này không chỉ đăng những bài xuất sắc. Mà họ cũng không phải những tập san duy nhất đăng công trình nghiên cứu xuất sắc.

Các tập san này tích cực chăm chút cho thương hiệu của mình, theo những cách tạo điều kiện tăng số lượng đăng ký mua tập san hơn là khuyến khích những nghiên cứu quan trọng nhất. Giống như các nhà thiết kế thời trang tạo ra những túi xách hay bộ vét loại số lượng hạn chế, họ biết rằng tình trạng khan hiếm sẽ kích cầu, vì thế họ hạn chế một cách giả tạo số bài nghiên cứu mà họ nhận đăng. Các thương hiệu độc quyền này sau đó được tiếp thị bằng một thủ thuật gọi là “hệ số ảnh hưởng” (impact factor) – loại điểm số dành cho mỗi tập san, đo số lần các bài đăng trong tập san đó được các nghiên cứu về sau trích dẫn. Trên lý thuyết, những bài có giá trị hơn thường được trích dẫn nhiều hơn, vì vậy các tập san có giá trị hơn có điểm số cao hơn. Tuy nhiên, đây là một số đo còn rất nhiều khiếm khuyết, theo đuổi cái mà tự thân nó đã trở thành một cứu cánh – và đang phá hoại khoa học giống như văn hóa tiền thưởng đang phá hoại ngành ngân hàng.

Việc một bài nghiên cứu được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng của tập san đăng bài đó là chuyện phổ biến và được nhiều tập san khuyến khích. Nhưng vì hệ số của một tập san là điểm số trung bình, nó chẳng thể hiện gì về chất lượng của bất kỳ một bài nghiên cứu riêng lẻ nào. Hơn nữa, việc trích dẫn đôi khi, chứ không phải luôn luôn, có liên quan đến chất lượng. Một bài có thể được trích dẫn nhiều vì đó công trình khoa học có giá trị – hoặc vì nó có tính hấp dẫn, có vẻ khiêu khích, hoặc sai. Ban chủ biên các tập san xa xỉ hiểu rõ điều này, nên họ chấp nhận những bài sẽ gây xôn xao vì chúng nghiên cứu những chủ đề hấp dẫn hoặc đưa ra những nhận định thách thức. Điều này ảnh hưởng đến loại hình khoa học mà giới khoa học theo đuổi. Nó tạo ra những bong bóng trong các lĩnh vực thời thượng, trong đó các nhà nghiên cứu có thể đưa ra những nhận định táo bạo mà các tập san này muốn, trong khi lại ngăn cản những hoạt động nghiên cứu quan trọng khác, chẳng hạn như nghiên cứu lặp lại (replication studies).

Trong những trường hợp cực đoan, sức hấp dẫn của tập san xa xỉ có thể khuyến khích thủ đoạn đi tắt, và góp phần dẫn đến số lượng ngày càng nhiều các bài bị hủy bỏ vì sai sót hay gian lận. Riêng tập san Science gần đây đã hủy bỏ một số bài đình đám báo cáo về phôi người sinh sản vô tính, các liên hệ giữa việc xả rác và bạo lực, và hồ sơ di truyền của những người sống đến trăm tuổi. Có lẽ tệ hơn là tập san này chưa hủy bỏ những nhận định cho rằng một vi khuẩn có thể dùng a-sen trong DNA của nó thay vì phốt-pho dù giới khoa học chỉ trích nặng nề.

Có một cách tốt hơn, thông qua loại hình mới là các tập san nguồn mở mà bất cứ ai cũng được đọc miễn phí, và không cần phải khuyến dụ đăng ký mua tập san với giá cao. Ra đời trên mạng, các tập san này chấp nhận tất cả những bài đáp ứng các chuẩn mực chất lượng, mà không có hạn mức giả tạo nào cả. Nhiều tập san có chủ biên là các nhà khoa học đang hoạt động khoa học; họ có thể thẩm định giá trị của các bài nghiên cứu mà không cần quan tâm đến số lần trích dẫn. Theo kinh nghiệm của tôi trong vai trò chủ biên eLife, một tập san nguồn mở nhận kinh phí tài trợ của Wellcome Trust, Viện Y khoa Howard Hughes và Hội Max Planck, các tập san này tuần nào cũng đăng công trình nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới.

Các nhà tài trợ và các trường đại học vẫn còn có vai trò. Họ phải yêu cầu các ủy ban chịu trách nhiệm ra quyết định về tài trợ nghiên cứu và bổ nhiệm chức danh không được đánh giá các bài nghiên cứu dựa vào nơi đăng bài. Chất lượng của công trình khoa học đó, chứ không phải thương hiệu của tập san, mới là điều quan trọng. Điều quan trọng nhất là giới khoa học chúng ta cần phải có hành động. Giống như nhiều nhà nghiên cứu thành công, tôi đã đăng bài ở những tập san có thương hiệu lớn, trong đó có những bài đã giúp tôi được trao Giải Nobel Y khoa mà tôi sẽ được vinh dự đón nhận vào ngày mai [10/12/2013]. Nhưng không còn như vậy nữa. Hiện nay tôi quyết tâm cho phòng thí nghiệm của mình tránh các tập san xa xỉ và tôi khuyến khích những người khác làm tương tự.

Cũng như Wall Street cần phá bỏ tầm ảnh hưởng của văn hóa tiền thưởng vốn khuyến khích việc chấp nhận rủi ro, một hành vi duy lý đối với cá nhân nhưng có tính phá hoại hệ thống tài chính, khoa học phải phá bỏ sự chuyên chế của các tập san xa xỉ. Kết quả sẽ là hoạt động nghiên cứu có giá trị hơn để phục vụ khoa học và xã hội tốt hơn.

___

Ảnh: Tập san Science gần đây đã hủy bỏ một bài đình đám báo cáo về các liên hệ giữa việc xả rác và bạo lực. (Ảnh: Alamy/Janine Wiedel)

Nguồn: Randy Schekman, “How journals like Nature, Cell and Science are damaging science, The Guardian, 9/12/2013

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.