Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại (Kỳ 1)

Chuyện xứ lạ, Làm quan

confucius-by-IvanWalsh.com-on-Flickr-e1308671653281-300x197Các Viện Khổng Tử kiểm duyệt thảo luận chính trị và hạn chế việc tự do trao đổi tư tưởng. Vậy thì tại sao các trường đại học Mỹ lại đỡ đầu chúng? Đó là câu hỏi mà Marshall Sahlins, giáo sư danh dự chuyên ngành nhân học ở Đại học Chicago, muốn lý giải qua bài phân tích rất chi tiết có nhan đề China U. đăng trên báo The Nation số đề ngày 18/11/2013 (lên mạng ngày 29/10/2013). Nhan đề bản tiếng Việt do người dịch đặt.

Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại

Marshall Sahlins 

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Ted Foss và tôi ngồi trong văn phòng của ông ở tầng ba của tòa nhà Judd Hall ở Đại học Chicago. Foss là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, một chương trình hàng đầu về nghiên cứu khu vực tập hợp dưới trướng của mình các chuyên gia về nhiều ngành chuyên nghiên cứu Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Ở tầng bốn phía trên là các văn phòng và phòng hội thảo của Viện Khổng Tử tại đại học này; viện này khai trương năm 2010. Mỗi Viện Khổng Tử là một đơn vị học thuật thực hiện giảng dạy có chứng nhận về ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa, và tài trợ nhiều loại hình hoạt động ngoại khóa khác nhau, bao gồm triển lãm nghệ thuật, thuyết trình, hội nghị, chiếu phim và kỷ niệm các lễ hội Trung Hoa; ở Đại học Chicago và một số trường khác, Viện Khổng Tử cũng tài trợ các công trình nghiên cứu của các giáo sư sở tại về các đề tài Trung Hoa. Tôi hỏi Foss rằng Viện Khổng Tử của Đại học Chicago có bao giờ tổ chức các buổi thuyết trình hay hội nghị về các vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, chẳng hạn như độc lập cho Tây Tạng hay tư cách chính trị của Đài Loan, hay không. Đưa tay chỉ về bức tường ở đầu kia, ông đáp, “Trong văn phòng này thì tôi treo ảnh Đạt Lai Lạt Ma được. Nhưng ở tầng bốn, thì không.”

Lý do là các Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago và những nơi khác nhận được trợ cấp và chịu sự giám sát của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Chương trình Viện Khổng Tử được khởi xướng ở CHNDTH vào năm 2004, và hiện nay có khoảng 400 viện trên toàn thế giới cũng như một chương trình mở rộng tầm ảnh hưởng gồm gần 600 “lớp học Khổng Tử” ở các trường trung học và tiểu học. Có thể nói một sáng kiến giáo dục và văn hóa do chính phủ tài trợ như vậy không phải là chuyện mới. Trong hơn sáu mươi năm qua, Đức đã dựa vào Viện Goethe (Goethe-Institut) để khuyến khích dạy tiếng Đức trên toàn cầu. Nhưng trong khi Viện Goethe, cũng như Hội đồng Anh (British Council) và Liên minh Pháp (Alliance Française), là một viện độc lập nằm ngoài khuôn viên đại học, một Viện Khổng Tử là một đơn vị gần như tự chủ bên trong chương trình đào tạo thường lệ của trường chủ nhà – ví dụ, mở các khóa học có chứng nhận về Hán ngữ trong Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Đại học Chicago.

Có một điểm khác biệt lớn khác: các Viện Khổng Tử chịu sự quản lý của một chính phủ nước ngoài, và do vậy tuân theo mục đích chính trị của chính phủ đó. Hiến chương và quy chế của các Viện Khổng Tử, cùng với các thỏa thuận ký với các trường đại học chủ nhà, đặt các hoạt động của Viện Khổng Tử dưới sự giám sát của tổng bộ ở Bắc Kinh của Hội đồng Hán ngữ Quốc tế, thường được gọi là Hán Biện (汉办, Hanban). Dù các văn bản chính thức mô tả Hán Biện là “trực thuộc Bộ Giáo dục”, tổ chức này chịu sự quản lý của một hội đồng gồm các quan chức cấp cao của đảng và nhà nước Trung Cộng từ nhiều ban ngành chính trị, và chủ tịch hội đồng là một ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông (Liu Yandong). Hội đồng quản lý với nữ chủ tịch họ Lưu hiện nay có các ủy viên từ mười hai bộ và ủy ban của nhà nước, trong đó có Ngoại giao, Giáo dục, Tài chính và Văn hóa, Phòng Thông tin Quốc vụ viện, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, Tổng cục Báo chí và Xuất bản Nhà nước. Nói trắng ra, Hán Biện là một công cụ của nhà nước đảng trị Trung Cộng hoạt động như một tổ chức sư phạm quốc tế.

Ở các trường đại học lớn có mở Viện Khổng Tử, Hán Biện đảm trách một phần trong chương trình đào tạo Hán ngữ tổng thể. Ở các trường nhỏ hơn (và số trường này nhiều hơn), phần lớn hay toàn bộ việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa thuộc quyền kiểm soát của Hán Biện. Hán Biện có quyền cung cấp giảng viên, sách giáo khoa và nội dung của các khóa học do mình đảm trách; Hán Biện cũng cử các đồng viện trưởng người Trung Quốc cho các Viện Khổng Tử sở tại. Các công trình nghiên cứu về Trung Quốc do các học giả thực hiện với tiền tài trợ của Hán Biện được Bắc Kinh phê duyệt. Các giảng viên do Hán Biện bổ nhiệm, cùng với các chương trình đào tạo và ngoại khóa của các Viện Khổng Tử, được Bắc Kinh đánh giá và phê duyệt định kỳ, và các trường đại học chủ nhà bắt buộc phải chấp nhận để Bắc Kinh giám sát và đánh giá các hoạt động của Viện Khổng Tử. Hán Biện có quyền kiện đòi bồi thường về bất cứ hoạt động nào được thực hiện nhân danh các Viện Khổng Tử mà không được Hán Biện cho phép hay phê chuẩn. Hán Biện đã ký nhiều thỏa thuận chấp nhận một số ngoại lệ đối với các quy định này, nhưng thường chỉ khi tổ chức này muốn thuyết phục một trường đại học có uy tín, ví như Stanford hay Chicago, tham gia vào chương trình Viện Khổng Tử toàn cầu.

Dù các Viện Khổng Tử đã thu hút được chú ý ở Mỹ và các nước khác, gần như chưa có một điều tra báo chí hay điều tra dân tộc học nghiêm túc nào về các đặc điểm của những viện này, chẳng hạn cách huấn luyện các giảng viên Trung Quốc hay cách chọn nội dung của các khóa học và sách giáo khoa. Một khó khăn [khi nghiên cứu] là các Viện Khổng Tử cứ như một mục tiêu di động. Không chỉ các quan chức Trung Quốc sẵn sàng linh hoạt khi đàm phán với các trường đại học danh tiếng, mà chiến lược chung của Hán Biện cũng luôn thay đổi trong những năm gần đây. Dù đã vươn ra toàn cầu, chương trình Viện Khổng Tử dường như chưa đạt được các mục tiêu chính trị là đánh bóng hình ảnh và tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Khác với [sức hút của] cuốn Mao tuyển trong kỷ nguyên giải phóng của các nước Thế giới Thứ Ba, thiên hạ chẳng mấy ai tin chế độ Trung Quốc hiện nay. Có diện mạo của một chế độ chính trị thu phục nhân tâm là điều kiện cần để thành công bằng “quyền lực mềm”, như nhận định của của Joseph Nye, người đã sáng chế thuật ngữ này. Chương trình Viện Khổng Tử đổi mới theo hướng tham gia ít hơn vào việc truyền bá ngôn ngữ và văn hóa, và can dự nhiều hơn vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cốt lõi ở trường đại học chủ nhà. Song, các nguyên tắc hoạt động của chương trình Viện Khổng Tử vẫn là các nguyên tắc của hiến chương và quy chế của chương trình này, cùng với các thỏa thuận mẫu được đàm phán với các trường đại học tham gia. Hán Biện thường xuyên và tích cực muốn các Viện Khổng Tử tổ chức các sự kiện và khóa học dưới sự bảo trợ của các trường đại học chủ nhà nhằm tạo ra hình ảnh tích cực về Trung Quốc – như vậy khẳng định phát biểu thường được trích dẫn của ủy viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân (Li Changchun) nói rằng các Viện Khổng Tử là “một phần quan trọng trong cơ cấu tuyên truyền hải ngoại của Trung Quốc”.

Một bài báo năm 2011 trên tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tuyên bố y hệt, khoe khoang về sự truyền bá các Viện Khổng Tử (lúc đó là 331 viện) cùng với các chỉ số khác cho thấy Trung Quốc vươn lên thống lĩnh chính trị thế giới, chẳng hạn như tỉ lệ tăng trưởng hàng năm 8%, các thành tựu công nghệ và quân sự, và vị thế mới trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. “Tại sao Trung Quốc hiện nay được chú ý nhiều như vậy? Đó là do sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc … Hiện nay chúng ta có một mối quan hệ khác với thế giới và phương Tây: chúng ta không còn phải đợi họ ban ơn nữa. Thay vì thế, chúng ta đã từ từ vươn lên và sánh ngang với họ.”

* * *

Một trở ngại trong việc tìm hiểu hoạt động của các Viện Khổng Tử là thỏa thuận mẫu để lập Viện Khổng Tử (do một hoặc hai đại diện của trường đại học chủ nhà phê chuẩn) được giữ bí mật. Thỏa thuận này có một điều quy định cấm tiết lộ, với nội dung như sau (dịch từ phần tiếng Trung của văn bản song ngữ): “Hai bên ký kết thỏa thuận sẽ xem thỏa thuận này là một văn bản bí mật, và nếu không được bên kia chấp thuận bằng văn bản, không bên nào được phép công bố, tiết lộ, hoặc công khai, hoặc cho phép những người khác công bố, tiết lộ, hoặc công khai các tài liệu hoặc thông tin được thu thập hoặc được biết liên quan đến bên kia, ngoại trừ trường hợp việc công bố, tiết lộ, hoặc công khai là điều cần thiết để một bên ký kết thỏa thuận này thực hiện các bổn phận của mình theo thỏa thuận này.”

Quy định cấm tiết lộ này liên quan đến các điều trong thỏa thuận mẫu, nhất là Điều 5, bắt buộc các hoạt động của Viện Khổng Tử phải tuân theo phong tục, luật pháp và quy định của Trung Quốc cũng như của quốc gia của trường chủ nhà. Điều này làm sao khả thi ở những nước như Mỹ? Hán Biện hoạt động theo luật pháp Trung Quốc vốn cấm đoán các hình thức ngôn luận chính trị và các hệ thống niềm tin được bảo vệ ở Mỹ bằng Tu chính án thứ nhất; như vậy có thể xảy ra khả năng là khi tuân theo Điều 5, các trường đại học Mỹ sẽ đồng lõa trong việc tuyển dụng có tính chất phân biệt đối xử hay vi phạm quyền tự do ngôn luận. Và vì hiến chương của các Viện Khổng Tử quy định rằng hiến chương này và các quy chế của nó “áp dụng cho tất cả các Viện Khổng Tử”, các viên chức của các trường đại học chủ nhà phải chấp nhận để Trung Quốc kiểm soát công tác học thuật ở trường của họ và đồng ý giữ bí mật về cách dàn xếp này. Làm như vậy thậm chí có hợp pháp hay không?

Dù dường như không có tuyên bố nào về mục tiêu “quyền lực mềm” cụ thể của chương trình Viện Khổng Tử trong các văn bản chi phối hoạt động của chương trình, có một điều khoản có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng lại chẳng khác gì con ngựa thành Troy. Bằng cách đề ra một quy tắc bắt buộc về giảng dạy ngôn ngữ, điều khoản này quy định rằng người học sẽ thu được kiến thức về Trung Quốc chỉ theo những cách hợp ý nhà nước Trung Cộng. Nguyên tắc thứ mười và cuối cùng của “Các nguyên tắc chung” trong hiến chương và các quy chế (Chương 1) quy định: “Các Viện Khổng Tử tiến hành dạy Hán ngữ bằng tiếng Phổ thông sử dụng các Hán tự Chuẩn”. Cụm từ nhằm tung hỏa mù “Hán tự Chuẩn” thực ra là chữ giản thể mà nhà nước Trung Cộng chính thức truyền bá để dễ học hơn chữ phồn thể đã được dùng làm chữ viết ở Trung Quốc trong hàng ngàn năm, và vẫn còn là chữ viết ở Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và nhiều cộng đồng Trung Hoa ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh – và tất nhiên Trung Cộng không hài lòng.

Trong một bài rất chi tiết phơi bày ý đồ chính trị của quy tắc bắt buộc về ngôn ngữ, Michael Churchman đã nhận định rằng việc giảng dạy chỉ bằng Hán tự Chuẩn sẽ tạo ra một tầng lớp học giả toàn cầu chỉ biết Hán ngữ nửa vời. Những người bản ngữ có hiểu biết về ngữ cảnh liên quan và trước đây có tiếp xúc ít nhiều với chữ phồn thể thì có thể phần nào giải mã được chữ phồn thể, chứ các sinh viên nước ngoài học Hán ngữ ở độ tuổi đại học thì chịu. Churchman cho rằng do không đọc được các tác phẩm kinh điển bằng cổ văn ngoại trừ các phiên bản đã được dịch và diễn dịch ở Trung Cộng, và do bị tách biệt khỏi các tác phẩm bất đồng và đại chúng của các cộng đồng Trung Hoa khác, các sinh viên theo học các khóa của Viện Khổng Tử thậm chí không thể tiếp cận được “kho tư liệu lớn và ngày càng tăng về lịch sử Đảng Cộng sản, sự đấu đá nội bộ, và nạn bè phái do các tác giả đại lục viết nhưng chỉ được xuất bản ở Hong Kong và Đài Loan”. Thay vì thế, họ phải chịu cùng những chính sách về chuẩn hóa ngôn ngữ (tiếng phổ thông) và chữ viết (giản thể) mà qua đó chế độ muốn kiểm soát những điều được phép và không được phép bàn ở Trung Quốc.

* * *

Nhiều học giả uy tín và uyên bác về Trung Quốc đã nhận định rằng các Viện Khổng Tử cũng có những “vùng cấm” giống như Bắc Kinh áp đặt đối với công luận Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ The New York Times, June Teufel Dreyer, giảng viên dạy môn chính quyền và chính sách đối ngoại Trung Quốc ở Đại học Miami, nói: “Ta được chỉ thị không được bàn về Đạt Lai Lạt Ma – hoặc mời Đạt Lai Lạt Ma đến trường. Tây Tạng, Đài Loan, việc tăng cường quân sự của Trung Quốc, các cuộc đấu đá bè phái trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc – tất cả những điều này đều bị cấm đoán.” Các Viện Khổng Tử ở Đại học Công lập Bắc Carolina và Đại học Sydney, Úc, đã tích cực cố gắng ngăn cản không để Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện. Ở Sydney, ông phải nói chuyện ở bên ngoài trường, và Viện Khổng Tử tài trợ cho một buổi thuyết trình của một học giả Trung Quốc trước đó từng tuyên bố rằng Tây Tạng luôn luôn là một phần của Trung Quốc, dù Tây Tạng đã chìm trong thời kỳ phong kiến tăm tối và chế độ nông nô cho đến khi có các cuộc cải cách dân chủ của Trung Quốc năm 1959. Viện Khổng Tử ở Đại học Waterloo, Canada, đã huy động sinh viên của mình để biện hộ cho việc Trung Quốc đàn áp một cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, còn Đại học McMaster, Canada, và Đại học Tel Aviv, Israel, gặp nhiều rắc rối với các cơ quan pháp luật vì những hoạt động chống Pháp Luân Công của các Viện Khổng Tử ở trường họ. Các đề tài bị cấm đoán khác bao gồm cuộc thảm sát Thiên An Môn, các tác giả bị đưa vào sổ đen, nhân quyền, việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến, phong trào dân chủ, thao túng tiền tệ, ô nhiễm môi trường, và phong trào tự trị của người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Tân Cương. Mới gần đây, giới lãnh đạo chính phủ Trung Quốc dứt khoát cấm thảo luận bảy chủ đề trong các lớp đại học Trung Quốc, trong đó có các giá trị phổ quát, tự do báo chí và những sai lầm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đây là một phần trong một chỉ thị cho các cán bộ địa phương để “hiểu những mối nguy xuất phát từ các quan điểm và học thuyết được phương Tây cổ xúy”. Từ đó đương nhiên suy ra là các chủ đề này sẽ không phải là các vấn đề được tự do tìm tòi, học hỏi ở các Viện Khổng Tử.

Có ít nhất một viện trưởng Viện Khổng Tử nói rằng viện của mình được tự do thảo luận bất cứ điều gì tùy thích; dường như chỉ có trở ngại về những điều họ không muốn thảo luận. Glenn Cartwright, hiệu trưởng trường Renison University College của Đại học Waterloo, nơi đặt Viện Khổng Tử, nói: “Chúng tôi không biết tí gì về hợp đồng mà [các quan chức Hán Biện] bắt buộc các giảng viên của họ ký. Tôi biết là có một số điều kiện, nhưng liệu chúng tôi có thể yêu cầu các điều kiện đó phải như thế nào hay không là chuyện khác.” Nhân quyền không được thảo luận ở Viện Khổng Tử của Học viện Công nghệ British Columbia vì điều đó không nằm trong tôn chỉ của trường. Theo viện trưởng Jim Reichert, “chức năng của chúng tôi thực sự là chú trọng đến nhận thức văn hóa, phát triển kinh doanh, và những điều thực dụng đại loại như thế.” Ngay cả các trường đại học chuyên về nhân văn như Erlangen-Nürnberg ở Đức, viện phó Viện Khổng Tử nói với một tờ báo vào năm 2012 rằng các Viện Khổng Tử có thể không phải là nơi phù hợp để tranh luận về Tây Tạng và các vấn đề nhạy cảm khác; những chủ đề như vậy tốt hơn là để dành cho các khoa Hán học.

Các trường đại học danh tiếng cũng có kiểu trốn tránh trách nhiệm như vậy khi biện minh cho các hạn chế của Viện Khổng Tử về việc tự do trao đổi tư tưởng. Bình luận về khả năng Viện Khổng Tử của Đại học Chicago thảo luận vấn đề độc lập cho Tây Tạng, vụ thảm sát Thiên An Môn hay Pháp Luân Công, Ted Foss nói với tôi: “Tôi nghĩ có đôi chút tự kiểm duyệt. Và cũng may là chúng tôi có kinh phí cho Trung tâm Nghiên cứu Đông Á; chúng tôi có thể dùng khoản đó cho các loại công trình nghiên cứu kiểu này. Tôn chỉ của chúng tôi cho Viện Khổng Tử ở đây là nghiên cứu kinh doanh và kinh tế ở Trung Quốc hiện đại.” Tôn chỉ đó, như ông và những người khác đã cho phép, đã gây nên một số “phản ứng” của Hán Biện về các chủ đề nghiên cứu mà Viện Khổng Tử của Đại học Chicago nên ủng hộ. Các quan chức Hán Biện hỏi liệu “chúng tôi có thực sự đang muốn tài trợ cho [các công trình về] nghệ thuật vào thế kỷ thứ 10, vì thỏa thuận là chúng tôi tập trung vào Trung Quốc hiện đại.” Về “tiền tài trợ”, Foss nói trong một bối cảnh khác, “chưa có sự can thiệp trực tiếp nào, nhưng như tôi đã nói, có đôi chút tự kiểm duyệt … Tôi hài lòng ở chỗ là chúng tôi không bị ép buộc phải nhận nhiều chương trình này nọ; vì chúng tôi nhận được đủ kiểu yêu cầu về các vũ đoàn hoặc hội này hội nọ đến đây, và chúng tôi có thể từ chối … Nhưng một số Viện Khổng Tử khác thì cơ bản là họ bị ấn chương trình buộc phải làm.”

Foss thừa nhận Viện Khổng Tử của Đại học Chicago quả thực bị “buộc phải nhận” một vị viện phó đến từ trường đối tác của Chicago là Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. Bà ta là một chuyên gia về Liên hiệp Châu Âu nhưng không được phân công giảng dạy hay trách nhiệm gì khác ở Chicago. Foss nói: “Thực ra bà ta là tai mắt của Hán Biện.” Điều này khiến ông nghĩ đến “bất cứ phòng ban, bất cứ khoa nào ở Trung Quốc. Ta có trưởng khoa, rồi bí thư chi bộ; và điều đó khiến bạn bè học thuật của tôi điên tiết, ngoài ra còn có người chịu trách nhiệm báo cáo” lên Bắc Kinh. Ở mọi cấp – từ sự quản lý của Bộ Chính trị đối với tổng bộ Hán Biện đến vị viện phó đến từ Đại học Nhân dân đảm trách báo cáo về Viện Khổng Tử Đại học Chicago với cung cách làm việc bắt chước kiểu giám sát chính thức của đảng đối với một phân khoa đại học ở Trung Quốc – có sự lặp lại cảnh một cổ hai tròng cúa nhà nước đảng trị vừa có sự giám sát của bộ phận hành chính vừa có sự kiểm soát của đảng. Các viên chức quản lý cấp cao ở Chicago và các trường đại học chủ nhà khác hẳn phải có bổn phận làm quen với những dàn xếp khác thường như vậy – hay ấy là do bạn nghĩ thế. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên cho mà xem.

* * *

(Còn tiếp 2 kỳ: Kỳ 2; Kỳ 3)

Nguồn: Marshall Sahlins, China U., The Nation, 18/11/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 6/11, 13/11 và 20/11/2013.)

13 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.