Cuộc chạy đua thu hút di dân triệu phú

Làm giàu, Làm quan

OB-YY316_money0_JV_20130917135030Trước kia, người nước ngoài muốn nhập cư vào một nước mình ao ước thì chỉ cần nhọc công và thật kiên nhẫn chờ đợi hồ sơ lọt qua các cửa của bộ máy hành chính quan liêu. Nhưng ngày nay, đôi khi để lấy được tấm vé vàng đó, họ chỉ cần trở thành triệu phú và hứa hẹn đầu tư bộn tiền ở quê hương mới.

Những nước như Mỹ, Úc, và New Zealand đang đua nhau thu hút người giàu trên khắp thế giới, và trong những năm gần đây mỗi nước đã triển khai hay mở lại chương trình thường được gọi là thị thực triệu phú (millionaire visa). Các chương trình này chủ yếu nhắm đến những nhà đầu tư giàu có, đẩy nhanh quá trình những người này có thể được tư cách thường trú nhân – và đôi khi thậm chí còn sớm được quốc tịch. Douglas Goldstein, một cố vấn đầu tư quốc tế và giám đốc Profile Investment Services có trụ sở ở Israel nói: “Các nước đang cố gắng hết sức để thu hút các triệu phú hay tỉ phú nước ngoài. Ai cũng muốn những người này đem tiền đến chi tiêu ở nước họ.”

Cuộc chạy đua này diễn ra khi mức tăng trưởng của cải toàn cầu đang chuyển dần sang giới tài phiệt và nhiều giới khác ở các thị trường mới trỗi dậy. Giới “siêu giàu” trên thế giới – những người có ít nhất 100 triệu Mỹ kim tài sản khả dụng – dự báo sẽ tăng từ 7% đến 24% cho đến năm 2016 ở Tây Âu và Bắc Mỹ, thấp hơn nhiều mức dự báo 60% ở Mỹ Latinh, 76% ở Nga, và hơn 100% ở Trung Quốc và Ấn Độ, theo một báo cáo về của cải năm 2012 do Knight Frank và Citi Private Bank thực hiện. Đồng thời, một số chuyên gia luật và cố vấn tài chính cho rằng tình hình chính trị không rõ ràng ở một số nơi, cũng như các cảm giác bất ổn thường trực ở Trung Đông, đã khiến ngày càng có nhiều triệu phú tìm nơi lánh nạn ở các nước như Mỹ. Bruce Givner, một luật sư ở Los Angeles, nói: “Họ đến đây để thụ hưởng cảnh ổn định xã hội và kinh tế.”

Để đón nhận được phần nào số của cải này, chính quyền Úc năm ngoái đã khởi xướng chương trình thị thực dành cho nhà đầu tư lớn để cố gắng thu hút những doanh nhân và nhà đầu tư có tầm cỡ từ khắp thế giới và tăng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Những người muốn tắm nắng Sydney và trở thành thường trú nhân có thể biến giấc mơ thành hiện thực nếu đáp ứng một số tiêu chí, trong đó có đầu tư ít nhất 5 triệu Úc kim (tương đương 4,7 triệu Mỹ kim) vào các sản phẩm tài chính như trái phiếu và quỹ đầu tư có quản lý, cũng nhưng các công ty đặt trụ sở trên lục địa xa xôi này. Chương trình này đã thu hút hơn 170 đương đơn – chủ yếu từ Trung Quốc – và các chương trình tương tự ở các nước khác cũng đã có cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo ước tính hồi giữa năm nay, nếu tất cả các hồ sơ di dân đầu tư vào Úc (chủ yếu từ Trung Quốc) đều được chấp nhận, thì Úc thu hút được ít nhất tổng số tiền đầu tư 850 triệu Úc kim (877 triệu Mỹ kim).

Úc cũng đặc biệt nhắm đến người giàu từ Trung Quốc. PricewaterhouseCoopers ước tính Trung Quốc có hơn một triệu triệu phú và khoảng 60.000 người “siêu giàu” (có tài sản hơn 15 triệu Úc kim). Loại thị thực đặc biệt của Úc có số “188”, khác biệt với loại thị thực số “457” truyền thống dành cho hầu hết những nhân công nước ngoài tạm thời. Để tăng thêm tính hấp dẫn của loại thị thực đầu tư, chính phủ Úc đã tạo thêm một tiểu loại thị thực thường trú mới có số “888”, con số được nhiều người Trung Quốc xem là phát tài phát lộc.

Năm ngoái, khoảng 7.600 người nước ngoài nộp đơn cho chương trình di dân diện đầu tư có tên là EB-5 ở Mỹ, cao hơn gấp đôi so với số đơn nộp trong năm 2011. Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2012, hơn 1,8 tỉ Mỹ kim được Mỹ thu hút được bằng chương trình di dân đầu tư, và 80% trong số những người nước ngoài được cấp thị thực là người Trung Quốc.

Cũng giống như “thẻ qua cửa nhanh” để miễn xếp hàng ở các khu vui chơi giải trí, các nhà đầu tư có thể đóng thêm tiền để được tư cách di dân nhanh hơn những người vốn đã được miễn xếp hàng đợi lâu. Ở Vương quốc Anh, nếu đầu tư tương đương khoảng 1,5 triệu Mỹ kim thì sẽ đủ tiêu chuẩn được tư cách thường trú nhân sau 5 năm, trong khi đầu tư tương đương khoảng 15,6 triệu thì chỉ còn phải đợi 2 năm. Một khoản đầu tư lớn hơn cũng giúp dễ nhận được cái nhiều người thèm muốn là con dấu chấp thuận của cơ quan di trú và hải quan. Trong những tiêu chí bắt buộc để xin được thị thực đầu tư “thông thường” ở New Zealand có yêu cầu người nước ngoài có ít nhất ba năm kinh nghiệm kinh doanh, nói tiếng Anh và không quá 65 tuổi. Nhưng cách đây hai năm, chính phủ nước này đã ban hành luật với các điều kiện bắt buộc dễ dàng hơn. Hiện nay, nếu được nâng cấp lên diện nhà đầu tư “ưu tiên” (với điều kiện đóng thêm tương đương 6,8 triệu Mỹ kim ngoài khoản tương đương 1,2 triệu Mỹ kim mà các nhà đầu tư thông thường phải đóng) thì đương đơn không cần có kinh nghiệm kinh doanh, nói bất cứ thứ tiếng nào họ muốn và có 80 tuổi, hay bao nhiêu tuổi cũng chẳng sao.

Dù những thị thực diện đầu tư này có thể rất hấp dẫn đối với một số người, chúng cũng có thể dẫn đến một số trở ngại phức tạp về luật pháp. Một số người đã đánh giá thấp mức độ khó khăn của việc duy trì tư cách cư trú của mình sau khi họ đã đến đất nước mới. Ở Mỹ, một số nhà đầu tư đã không tạo được số công ăn việc làm tối thiểu (10 việc làm toàn thời gian trong vòng 2 năm) cần có để họ có thể tiếp tục ở lại, nên họ và gia đình bị tống cổ về lại cố hương. Lauren Cohen, luật sư ở Florida thuộc hãng e-Council Inc. chuyên lập kế hoạch kinh doanh cho những người giàu muốn lấy được thị thực diện đầu tư, nói: “Một số người coi như mua thẻ xanh, rồi lại để mất chúng”.

Đôi khi nhìn bề ngoài có vẻ là một thương vụ hấp dẫn nhưng rốt cuộc có thể hóa ra tai hại – nếu không muốn là thảm họa – về tài chính. Ví dụ, các chuyên gia cho biết một số chính phủ đợi đến khi các tỉ phú qua đời rồi mới dùng tư cách thường trú của người ngoại quốc đó để truy thu thuế trên sản nghiệp để lại. Trong một trường hợp tư vấn của ông Douglas Goldstein, thân chủ nghĩ đến việc từ bỏ quốc tịch Mỹ vì ông cảm thấy các yêu cầu về thuế ở Mỹ quá khắc nghiệt. Triệu phú này lúc đó bắt đầu thương lượng để có thị thực đặc biệt từ chính quyền đảo Cyprus; họ hứa cho ông tư cách thường trú nếu ký thác 15 triệu Mỹ kim trong một ngân hàng trên đảo quốc này. (Cuối cùng, ông không chịu cắn câu.)

Tất nhiên thuê chuyên gia luật để làm hết mọi giấy tờ theo quy định bắt buộc cũng tốn kém. Nhưng điều đó có thể giúp tránh được những vấn đề khác mà các nhà đầu tư khác đã gặp phải. Hồi đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Mỹ lần đầu tiên đệ đơn kiện một dự án EB-5, cáo buộc rằng những người quảng bá dự án này chiêu dụ các nhà đầu tư nước ngoài cho một khách sạn và trung tâm hội nghị đóng ở Chicago, và lừa đảo bán chứng khoán trị giá hơn 145 triệu Mỹ kim cho khoảng 250 nhà đầu tư chủ yếu ở Trung Quốc như một cách để lấy được tư cách thường trú ở Mỹ.

Theo giới chuyên gia, trong chừng mực nào đó, những chương trình này quả thực đã trở thành nạn nhân của chính thành công của mình. Cách đây hai năm, số thị thực di dân diện đầu tư của Canada hết sạch trong vòng 30 phút, và tuy bắt đầu chỉ có 700 chỗ, năm ngoái Canada đã ngừng nhận hồ sơ mới để tập trung số hồ sơ tồn đọng quá nhiều. (Con số này có lúc hóa ra hơn 88.500 hồ sơ). Trong khi đó, ở Singapore, tiêu chí hiện đã khá cao, vì nhà đầu tư phải đóng tối thiểu 8 triệu Mỹ kim và có tài sản trị giá khoảng 16 triệu Mỹ kim. Nhưng tình trạng người nước ngoài giàu có liên tục đổ vào đã khiến giá bất động sản ở Singapore tăng lên, và năm ngoái chính phủ nước này đã chấm dứt chương trình thị thực này để “giảm áp lực tăng giá bất động sản nội địa từ các nhà đầu tư nước ngoài”, theo một báo cáo của PricewaterhouseCoopers.

Giá vé vào cửa

Quốc gia Điều kiện bắt buộc về đầu tư Tư cách
Mỹ 500.000 Mỹ kim đầu tư vào một doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian Thị thực thường trú nhân có điều kiện thời hạn 2 năm
Thẻ xanh thường trú sau khi xét duyệt doanh nghiệp
Canada 800.000 Gia kim (tương đương 779.000 Mỹ kim) cho chính phủ không trả lãi (chương trình đã tạm ngưng kể từ năm 2012) Thị thực thường trú nhân
Có thể nộp đơn xin quốc tịch sau 3 năm
Anh Quốc 1 triệu, 5 triệu hay 10 triệu bảng Anh (1,5 triệu, 7,6 triệu hay 15,2 triệu Mỹ kim). Ba phần tư trong số này phải đầu tư vào công trái hay hay các công ty Anh. Thị thực đầu tư
Có thể nộp đơn xin thẻ thường trú nhân sau 3 đến 5 năm, và xin quốc tịch sau 4 đến 7 năm, tùy theo số tiền đầu tư
Úc 5 triệu Úc kim (5,2 triệu Mỹ kim) Thị thực thường trú nhân
Có thể nộp đơn xin quốc tịch sau 4 năm
Đảo Cyprus 300.000 euro (390.930 Mỹ kim) Thị thực cư trú thời hạn 3 năm
Có thể nộp đơn xin quốc tịch sau 6 năm
Bồ Đào Nha 300.000 euro (651.550 Mỹ kim) Thị thực cư trú
Có thể nộp đơn xin quốc tịch sau 6 năm
St. Kitts & Nevis 400.000 Mỹ kim Quốc tịch
Nguồn: Wall Street Journal
Số liệu so sánh Mỹ kim dùng tỉ giá hối đoái vào tháng 5/2013.

Tổng hợp từ Wall Street Journal ngày 20/9/2013 và 6/5/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 25/9/2013.)

One thought on “Cuộc chạy đua thu hút di dân triệu phú

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.