Khủng hoảng Syria (1): Syria và tiền lệ Kosovo

Làm quan

Ted Galen Carpenter

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Ảnh: Wikimedia Commons/Darko Dozet)
(Ảnh: Wikimedia Commons/Darko Dozet)

Những ai từ lâu mong muốn Mỹ đứng đầu một chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria nay có một lý do mới để biện minh. Chuyện chính phủ Syria dường như đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở nước này đã khiến thiên hạ kêu gào đòi không kích ngay lập tức tấn công vào chế độ của Bashar al-Assad. Ngay cả chi tiết bất tiện là nguồn gốc của đợt sử dụng hơi độc vẫn chưa được xác định dứt khoát cũng không làm chùn bước phe cổ xúy Mỹ một lần nữa can dự vào một cuộc chiến ở Trung Đông.

Song, phe diều hâu hiếu chiến gặp một trở ngại. Quốc hội [Mỹ] chẳng mặn mà về chuyện can thiệp vào Syria, còn các cuộc thăm dò dư luận trong năm qua khẳng định rằng dân chúng phản đối nước cờ đó. Giờ đây có thể tiên đoán là sẽ có chiến dịch tuyên truyền về những cảnh tượng ghê rợn của một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân vô tội, nhưng chiến dịch tuyên truyền đó chưa chắc khiến thiên hạ bừng bừng tâm lý ủng hộ chiến tranh.

Bởi vậy phe cổ xúy cho hành động quân sự đánh chính phủ Assad vô vọng tìm kiếm cách để buộc Mỹ can thiệp bất chấp ý nguyện của Quốc hội và nhân dân Mỹ. Một số người chủ chiến đã xem cuộc chiến của NATO năm 1999 ở Kosovo là một tiền lệ lý tưởng.

Kosovo quả là một tiền lệ quá phù hợp – một bài học thực tế cho thấy tại sao tham chiến ở Syria sẽ là hành động sai về hiến pháp, đáng ngờ về luân lý và dại dột về chiến lược.

Lý do thứ nhất – và là lý do đầy thuyết phục – cho thấy tại sao Tổng thống Obama không nên thực hiện các kế hoạch theo báo chí tường thuật sẽ tấn công bằng tên lửa hành trình là: theo Hiến pháp [Mỹ], tổng thống không có quyền ra quyết định đó. Hiến pháp trao cho Quốc hội, chứ không phải tổng thống, quyền đưa nước Mỹ tham chiến. Quyền gây chiến đơn phương, hợp pháp của tổng thống chỉ giới hạn ở việc đánh trả những đợt tấn công bất ngờ vào các mục tiêu của Mỹ. Chẳng ai nghiêm túc lập luận rằng Syria đã có hành động như vậy, hay thậm chí lập luận rằng Syria là một mối đe dọa an ninh khả dĩ đối với Mỹ. Đành rằng quyền gây chiến của Quốc hội đã giảm dần trong sáu thập niên rưỡi qua, vừa do sự lấn lướt của các tổng thống vừa do quốc hội từ bỏ dần quyền lực của mình. Song, là một dân tộc tự do, chúng ta không thể nào chấp nhận ghi vào cái lịch sử đáng tiếc đó thêm một lần nữa tổng thống tự ý vô cớ gây chiến.

Kosovo là một ví dụ đáng ngại cho thấy giới chủ trương can thiệp sẵn sàng đi xa đến đâu để phớt lờ yêu cầu bắt buộc chỉ có quốc hội mới được tuyên chiến. Chính quyền Clinton không chỉ qua mặt Quốc hội khi khởi xướng cuộc xung đột đó, mà còn bất chấp cả việc Quốc hội đã không tán thành cuộc tấn công vào Serbia. Clinton và những người ủng hộ ông nhất mực cho rằng có đủ sự ủng hộ của quốc tế là đủ ủy quyền cho hành động của Mỹ, dù không được quốc hội phê chuẩn. Sự ủng hộ của quốc tế thường có nghĩa là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – một lập luận do tổng thống George H.W. Bush đưa ra trước khi quyết định muộn màng, do dư luận gây sức ép, xin quốc hội phê chuẩn (dù không phải là lời tuyên chiến chính thức) cho Cuộc chiến vùng Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Kosovo có một trở ngại cho giới chủ trương can thiệp chủ chiến. Cả Nga và Trung Quốc kịch liệt phản đối hành động can thiệp đánh vào Serbia, do đó không thể có chuyện thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Các quan chức chính quyền Clinton khắc phục rào cản đó chỉ bằng cách phớt lờ Hội đồng Bảo an cũng như họ đã phớt lờ Quốc hội. Bấy giờ “đủ sự ủng hộ của quốc tế” nghĩa là sự ủng hộ của liên minh NATO do Mỹ thống lĩnh.

Nước cờ đó đã khiến Moscow và Bắc Kinh nổi giận. Quyết định sau này của chính quyền Bush phớt lờ Hội đồng Bảo an và tiến hành Cuộc chiến Iraq với một “khối liên hiệp của những nước có ý nguyện” (“coalition of the willing”) lại càng gây tổn hại đến các mối quan hệ song phương với hai quốc gia đó. Điều hết sức đáng lo là chính quyền Obama dường như đang bỡn cợt với khả năng đi theo con đường tương tự.

Nga và Trung Quốc không phải không có cách phản ứng lại những trường hợp bẽ bàng về chính sách như vậy. Chính phủ Nga đã vin vào tiền lệ Kosovo cho những hành động của Nga chống lại Cộng hòa Georgia vào năm 2008, góp phần chia cắt hai vùng đầy biến động của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia, dù Washington phản đối quyết liệt và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không phê chuẩn. Đưa thêm Syria vào lịch sử can thiệp vốn đã có các trường hợp Kosovo và Iraq càng thuyết phục Bắc Kinh và Moscow, nếu như còn chút ngờ vực, rằng Mỹ rẻ rúng vai trò Hội đồng Bảo an của họ và sẽ dùng Hội đồng Bảo an khi, và chỉ khi, thuận tiện cho các mục tiêu chính sách của Washington. Trong bối cảnh có nhiều vấn đề kinh tế và an ninh cần hợp tác với Nga và Trung Quốc, việc Obama có vẻ muốn đi theo đường lối đó là thiển cận đến mức nguy hiểm.

Cuối cùng, vụ can thiệp vào Kosovo nên là một ví dụ cảnh báo về việc thực hiện các chiến dịch nhân đạo ngay giữa lúc đang diễn ra các cuộc nội chiến khốc liệt. Giới chủ trương can thiệp mô tả chính phủ Serbia của Slobodan Milosevic là ví dụ đặc trưng cho cái ác, và phe phiến loạn Kosovo, do Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) đứng đầu, là những người dân chủ can trường và cao quý. Ta có thể thấy cách khắc họa tương tự mô tả cuộc xung đột Syria chỉ đơn giản là cuộc đấu tranh giữa hai thái cực rạch ròi thiện và ác.

Nhưng thực tế lại khác hẳn. KLA là một liên minh mờ ám giữa những nhà dân chủ thực thụ, phe dân tộc chủ nghĩa Albania cố chấp, phe Hồi giáo cực đoan, và các phần tử hoàn toàn phản xã hội. Có nhiều bằng chứng đáng tin cho thấy các lực lượng đó phạm nhiều tội ác tàn bạo, trong đó có sát hại thường dân và tù binh Serbia và bán nội tạng của họ trên chợ đen quốc tế. KLA không xứng đáng với ủng hộ cả về mặt luân lý lẫn vật chất mà Mỹ dành cho họ.

Tương tự, tuy chế độ Assad quả nhiên là đáng ghê tởm, liên hiệp phiến quân cũng lắm phần tử bất hảo mà ngoài nhiều việc khác còn thực hiện những hành động khủng bố. Đáng lo ngại hơn nữa là nhiều người trong số những phiến quân hữu hiệu nhất là thành viên của các phe phái có liên hệ với al Qaeda. Những cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu đánh vào các lực lượng của Assad rất có thể sẽ đưa một chế độ cực đoan, kịch liệt chống Phương Tây lên nắm quyền.

Nói trắng ra, bất chấp những cáo buộc về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học và các hành động tàn bạo khác, Mỹ chẳng lợi lộc gì trong cuộc cờ này. Can thiệp vào Syria là hành động dại dột xét về các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, về tổn thất có thể có đối những mối quan hệ với Nga và Trung Quốc quan trọng hơn nhiều, và về tác hại hơn nữa đối với Hiến pháp Mỹ. Chính quyền Obama nên phớt lờ những lời kêu gọi của giới chủ trương can thiệp bừa bãi – những người dường như chưa bao giờ gặp một cuộc chiến mà họ không thích.

Ted Galen Carpenter, nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Cato và cộng tác viên của The National Interest, là tác giả của chín cuốn sách và hơn 500 bài báo và nghiên cứu về các vấn đề quốc tế.

Nguồn: Ted Galen Carpenter, Syria and the Kosovo Precedent, The National Interest, 28/8/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

4 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.