Putin chuyển trục chiến lược: Vì sao Nga đang hướng về Phương Đông

Làm giàu, Làm quan

Mỹ đang chuyển trục sang Châu Á. Nay đến lượt Nga. Nhưng thay vì tạo đối trọng với Trung Quốc, Nga chỉ đang muốn xí phần sớm cho Nga trong một trật tự thế giới mới, trong đó sự phối hợp của các đại cường quốc được giả định là sẽ thiên về Châu Á hơn là Phương Tây.

Putin chuyển trục chiến lược: Vì sao Nga đang hướng về Phương Đông

Fiona Hill và Bobo Lo

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Hồi tháng 6 năm nay, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ ý định bắt chước Mỹ và chuyển trục chiến lược sang hướng đông. Ông thông báo những kế hoạch đầy tham vọng nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Nga bằng cách nhắm đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thay vì các thị trường truyền thống ở Châu Âu. Ông đề xuất những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt xuyên Siberia để giúp nước Nga kết nối thông suốt hơn với khu vực Thái Bình Dương. Và ông khen ngợi công ty dầu khí quốc doanh Rosneft vì đã ký kết được một hợp đồng xuất khẩu quan trọng với Trung Quốc. Bài phát biểu đó xuất hiện chưa đầy một năm sau khi Putin chủ trì cuộc họp thường niên của lãnh đạo các nước thành viên tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Vladivostok, sự kiện được xem là buổi tiệc ra mắt chính thức – hay có thể nói là buổi tiệc đánh dấu sự tái xuất – của Nga sau nhiều thập niên sao lãng về chiến lược và kinh tế đối với vùng Viễn Đông của chính họ.

Sự thay đổi về trọng tâm kinh tế này nghe rất giống sự chuyển trục chiến lược sang Châu Á của Mỹ, và Nga quả thực đã bắt đầu tái khẳng định sự hiện diện quân sự của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương giống như Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Moscow lâu nay đã hết sức cố gắng nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là hợp tác, chứ không phải cạnh tranh, với Bắc Kinh. Nga khẳng định trong chính sách khu vực của mình không hề có nỗ lực kiềm hãm Trung Quốc. Thực vậy, trong một cuộc họp với các ký giả và giới phân tích quốc tế ở Sochi, thành phố du lịch ở vùng Biển Đen của Nga, vào tháng 10/2010, Putin đã cáo buộc “các chuyên gia nước ngoài” về “việc luôn cố gắng đem Trung Quốc ra dọa chúng tôi”. Ông đập lại: “Chúng tôi không sợ. Trung Quốc không khiến chúng tôi lo ngại … Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác với nhau về nhiều vấn đề”. Putin cho biết bản thân ông hài lòng với hiện trạng quan hệ Nga-Trung, và Bắc Kinh dường như cũng có quan điểm tương tự. Hồi tháng Ba, Tập Cận Bình đã chọn Nga là nơi đến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị Chủ tịch Trung Quốc. Và hồi tháng Bảy, Bắc Kinh và Moscow củng cố quan hệ hợp tác bằng các đợt tập trận hải quân chung ở vùng Biển Nhật Bản.

Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung, tháng 7/2013 (RIA Novosti / Vitaliy Ankov)
Nga và Trung Quốc tập trận hải quân chung, tháng 7/2013 (RIA Novosti / Vitaliy Ankov)

Các động cơ của Nga tương đối rõ ràng. Giống như Mỹ và nhiều nước khác, Nga cũng tán thành quan điểm thời thượng cho rằng hiện đang diễn ra sự dịch chuyển quyền lực sang Phương Đông. Nga cũng chia sẻ quan niệm hiện nay cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc sẽ gây tổn thất cho Mỹ và phương Tây. Nhưng khác với sự chuyển trục của các nước Châu Âu khác, động cơ dẫn đến sự chuyển trục của Nga vừa là nỗi lo về sự yếu thế của vùng miền đông dân cư thưa thớt, vừa là ước muốn gây ảnh hưởng. Nga cùng lúc muốn bảo vệ lãnh thổ đất liền, tăng cường sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương, lấp khoảng trống rộng lớn giữa các chính sách của mình đối với Châu Á và Châu Âu, và tìm ra cách xử thế với Trung Quốc và các đối thủ khác trong khu vực.

Thật không may cho Putin là Moscow không có đủ năng lực để biến giấc mơ chuyển trục thành hiện thực. Đăng cai hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ mang tính đình đám như tổ chức Thế vận hội, chứ không phải là một biến chuyển hệ trọng mang tính hệ thống. Bất chấp những hoạt động dồn dập gần đây, Châu Á vẫn chỉ là phần thứ yếu trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nga. Dù định vị nước Nga trở thành trung tâm thương mại và hợp tác giữa các nước Châu Á, trọng tâm chiến lược của Moscow vẫn còn mắc kẹt ở Phương Tây – dân Nga đa phần sống ở Phương Tây, quan hệ kinh tế của Nga chủ yếu với Phương Tây, và chủ thuyết quân sự chính thức của Nga vẫn xoay quanh Mỹ và NATO. Thực tế này sẽ vẫn như vậy trong tương lai trước mắt. Các khuôn mẫu cũ khó phá bỏ, và ngay cả những nỗ lực đầy hứa hẹn nhất trong các nỗ lực mới này cũng đang tỏ ra khó duy trì lâu dài.

Ví dụ vấn đề năng lượng. Trong hơn hai thập niên qua, Nga đã khai thác nhiều tài nguyên dầu khí trên Đảo Sakhalin Island để đáp ứng các nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước láng giềng ở Đông Bắc Á. Nga đã xây xong đường ống quan trọng dẫn dầu xuất khẩu xuyên Siberia đến bờ Thái Bình Dương và cũng kết nối với Trung Quốc. Mới gần đây, Nga đồng ý xuất khẩu 365 triệu tấn dầu sang Trung Quốc trong 25 năm tới. Nhưng 20 triệu tấn dầu của Nga trong năm 2011 chỉ chiếm khoảng 6% số dầu nhập khẩu của Trung Quốc, thua xa Saudi Arabia và Angola. Ngay cả khi thỏa thuận gần đây nhất suôn sẻ, khó hình dung được bằng cách nào thị phần của Nga sẽ tăng đáng kể trong bối cảnh nhìn chung Trung Quốc tăng xuất khẩu dầu. Nga lại càng khó xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc hơn. Từ năm 2004 đến tháng 6/2013, hai nước đã ký kết không dưới 6 hiệp định về buôn bán khí đốt, nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận nào về các đợt giao hàng thật sự.

Nhìn chung, dấu ấn kinh tế của Nga ở Châu Á – Thái Bình Dương vô cùng khiêm tốn. Nga chỉ chiếm một phần trăm tổng thương mại trong khu vực và chủ hơn hai phần trăm trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Putin có thể nhắc đến việc gia tăng những con số này, nhưng tính chất ngày càng mang màu sắc tân thực dân của quan hệ thương mại của Nga với Bắc Kinh là một điểm nhức nhối. Phần lớn thương mại của Nga với Trung Quốc là xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để đổi lại hàng sản xuất công nghiệp và hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh chẳng quan tâm đến các sản phẩm công nghiệp của Nha, ngoại trừ vũ khí, và ngay cả với mặt hàng đó, nhu cầu đã đình trệ trong những năm gần đây. (Không có hợp đồng lớn mua bán vũ khí nào kể từ năm 2006, dù điều này có thể sắp thay đổi nếu Trung Quốc quyết định mua 24 máy bay chiến đấu SU-35 và 4 tàu ngầm hạng Lada). Trung Quốc cũng phật ý: Moscow đã thường xuyên từ chối không cho các công ty Trung Quốc mua cổ phần với tỉ lệ lớn trong các dự án năng lượng của Nga. Thực ra, Điện Kremlin dường như thường xem Bắc Kinh là nhà đầu tư đối đế – “đối tác” mà Nga chỉ cần đến khi không còn khả năng nào khác.

Hơn nữa, trong khu vực, Nga không có ảnh hưởng rõ rệt về việc ra quyết định vấn đề an ninh. Điều đó chủ yếu thuộc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Mỹ. Tuy Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đi thăm Nga vào tháng 4/2013 – chuyến viếng thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật trong một thập niên – mối bang giao với Nhật vẫn còn căng thẳng. Trong một cuộc tập trận lớn của quân đội Nga tại vùng Viễn Đông của Nga, Nhật và Mỹ được giả định là các lực lượng thù địch xâm lược. Moscow và Tokyo vẫn chưa ký một hiệp ước hòa bình chính thức sau Chiến tranh Thế giới II, và cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với Quần đảo Nam Kuriles (ở Nhật gọi là Lãnh thổ Phương Bắc) dường như vẫn nan giải.

Trên bán đảo Triều Tiên, Nga là đấu thủ ít có ảnh hưởng nhất trong cái gọi là các vòng đàm phán sáu bên ở Bắc Hàn. Thực vậy, sự đóng góp của Nga từng được các nhà ngoại giao trong khu vực mô tả là “gây phiền toái nhiều hơn là đóng góp có giá trị”. Nga gần như hoàn toàn đứng ngoài các nỗ lực giải quyết thế bế tắc giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhất thích đáp những chuyến tàu hỏa dài ngày sang Nga, nhưng Moscow chưa bao giờ biến được sở thích nổi tiếng đó thành ảnh hưởng đối với chính sách Bắc Hàn. Còn Kim Chính Ân dường như không thừa hưởng lòng đam mê của cha mình đối với phong cảnh Nga.

Tóm lại, sự chuyển trục của Nga chỉ mới là nói, chứ chưa có bao nhiêu chính sách. Nga vẫn chậm chạp trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ ở Châu Á, còn các giới lãnh đạo chóp bu ở Châu Á – trong đó có các lãnh đạo ở Trung Quốc – xem Nga không phải nước Châu Á, mà cũng không phải là đấu thủ đáng tin trong khu vực. Họ tin rằng Nga vẫn còn gốc gác ở Châu Âu, hoặc khá lắm cũng chỉ là một phần ở Trung Á, và Nga chẳng thể đóng góp gì mấy cho Phương Đông ngoài tài nguyên thiên nhiên và vũ khí. Sự tình càng phức tạp hơn vì Putin có đường lối thực hiện chính sách đối ngoại tập trung ở giới chóp bu, trong đó ông và các quan chức cao cấp nhất của mình trực tiếp làm việc với lãnh tụ của các nước khác. Kiểu hoạt động đó khó có tác dụng ở Châu Á, vì Putin và giới thân cận của ông chẳng có mấy ai quen biết gần gũi và không có chuyên môn gì về Châu Á. Khác với Mỹ, Nga không có sự hiện diện, năng lực, hay thậm chí mức độ quan tâm để biến sự chuyển trục của mình thành một hiện thực chiến lược hay kinh tế.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ song phương của Nga với Trung Quốc đã mang lại những thành quả đáng kể. Những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh và các cuộc xung đột vũ trang dọc biên giới Trung-Xô là chuyện quá khứ, và viễn cảnh một Trung Quốc quá hùng mạnh vẫn còn mang tính suy đoán. Hơn nữa, một Trung Quốc nhìn chung thân thiện đã góp phần bảo đảm an ninh cho vùng Viễn Đông của Nga, và nhờ đó cho cả sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga. Xưa nay Trung Quốc ủng hộ Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Và nhờ sự kết giao của hai nước, Moscow được thơm lây với thành công của Bắc Kinh. Mối bang giao giữa hai nước cũng đã củng cố tính chính danh quốc tế của chế độ Putin, khi Moscow cổ xúy ý tưởng (cũ) về việc Nga đóng vai trò người cân đối địa chính trị hay cầu nối văn minh giữa Đông và Tây. Như Vyacheslav Nikonov, một trong những nhà bình luận hàng đầu của Nga, nhận định khi Moscow mới thử đưa ra ý tưởng về sự chuyển trục sang Thái Bình Dương hồi tháng 10/2010: Với sự bành trướng sang phía đông trước đây của Nga, vị trí địa lý “Âu-Á” độc nhất vô nhị và sự giao thoa của các nền văn hóa của Nga, và sự trỗi dậy về dân số và kinh tế không thể tránh được của Châu Á – Thái Bình Dương, tương lai duy nhất cho nước Nga là đóng vai trò một cường quốc “Châu Âu – Thái Bình Dương”.

Và cái tương lai khả dĩ đó sẽ khiến Putin hài lòng. Mục tiêu hiện thời của ông là xí phần sớm cho Nga trong một trật tự thế giới mới, trong đó sự phối hợp của các đại cường quốc được giả định là sẽ thiên về Châu Á hơn là Châu Âu. Nhưng về lâu về dài, khoảng cách kinh tế và chính trị giữa một nước Trung Quốc năng động và một nước Nga không hiện đại hóa sẽ quá lớn khiến Moscow không thể san bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Những vấn đề mới như việc khai thác tài nguyên và các tuyến hàng hải Bắc Cực có thể tạo thêm căng thẳng cho các mối quan hệ song phương. Suy cho cùng, Nga chẳng ưa một nước Trung Quốc thích bá quyền gì hơn một nước Mỹ thích hành động đơn phương, hay hơn bất kỳ một liên minh nào có thể đẩy Nga ra bên lề – bao gồm “mẫu hình mới của các mối quan hệ giữa các đại cường quốc” mà Tập Cận Bình bàn đến khi ông thăm Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 6. Nhìn xa hơn thời khắc chuyển trục hiện tại của Nga, rất có thể Nga một lần nữa lại vỡ mộng, do mắc kẹt giữa một Phương Đông mà Nga không liên quan và một Phương Tây mà Nga không dễ dàng tương thích.

Nguồn: Fiona Hill and Bobo Lo, Putin’s Pivot: Why Russia is Looking East, Foreign Affairs, 31/7/2013

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 14/8/2013.)

One thought on “Putin chuyển trục chiến lược: Vì sao Nga đang hướng về Phương Đông

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.