Cuba hậu cộng sản (Phần cuối)

Làm giàu, Làm quan

Julia E. Sweig và Michael J. Bustamante

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Phần 1)

Xuất nhập cảnh dễ dàng hơn

Cải cách luật di trú mới đây của Cuba tóm tắt rất cô đọng một số khả năng, hạn chế, và tác động của chương trình nghị sự tổng quát của Castro. Tuy là dấu hiệu cho thấy nhà nước sẵn sàng ra các quyết định chiến lược và cải cách có thể nói quan trọng nhất cho đến nay, luật di trú mới cũng thể hiện rõ các rào cản cam go vẫn tồn tại và minh họa khó khăn trong việc xử lý các góc nhìn và kỳ vọng. Cũng như với hầu hết các vấn đề trong xã hội Cuba, ranh giới giữa chính trị và kinh tế học hết sức mập mờ.

Đối mặt với nguy cơ các chuyên gia có học vấn và nguồn vốn rời bỏ đất nước sau cách mạng, chính phủ Cuba đã bắt đầu quản lý chặt chẽ việc di chuyển của công dân ở nước ngoài vào đầu thập niên 1960. Vì kiều dân có liên can trực tiếp trong những nỗ lực lật đổ chế độ Castro, thường do chính phủ Mỹ tài trợ, Havana xem di trú là vấn đề an ninh quốc gia. Trong nhiều năm, những ai bỏ nước ra đi trót lọt, bất kể hợp pháp hay phi pháp, đều bị nhà nước tước đoạt tài sản và không thể về nước, ngoại trừ các ngoại lệ khác thường. Những biện pháp giới hạn như vậy đã để lại nhiều vết thương hằn sâu.

Nhưng đã lâu lắm người Cuba trong và ngoài nước không còn phân biệt được rạch ròi giữa phe chống cộng và phe cách mạng ủng hộ Castro. Hiện nay chỉ gần ghé qua sân bay Miami là đủ chứng kiến sức mạnh của các mối quan hệ xuyên quốc gia; vào mùa cao điểm, hơn một trăm chuyến bay thuê riêng hàng tuần đưa người Cuba và người Mỹ gốc Cuba quan lại giữa hai nước. Việc đi lại này đã được phép trong một số hoàn cảnh kể từ cuối thập niên, đã tăng đáng kể từ năm 2009, khi tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ các hạn chế về chuyến thăm thân nhân. Năm 2012, có đến 400.000 người Cuba ở Mỹ về thăm quê. Và đó là chưa kể đến hàng trăm di dân Cuba sinh sống trên khắp Châu Mỹ Latinh, Canada, Châu Âu và các nước khác cũng về quê thăm và hỗ trợ gia đình.

Quả thực, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn để người Cuba đi lại, làm việc ở nước ngoài, rồi về nước, luật di trú mới của Cuba cũng nhằm mục đích kích thích nền kinh tế. Ở mức ước tính 1 tỉ Mỹ kim mỗi năm, kiều hối đã là hoạt động lớn kể từ cuối thập niên 1990, giúp người Cuba bù đắp cho mức lương thấp và tận dụng những cơ hội ít ỏi dành cho kinh doanh tư nhân. Nay khi chính phủ đã mở rộng hơn khu vực doanh nghiệp nhỏ, các mối quan hệ giữa cộng đồng kiều bào và đảo quốc đang mang lại lợi ích còn lớn hơn. Người Cuba ở nước ngoài hiện đã đầu tư vào các tiệm ăn uống mặt tiền, tiệm sửa chữa, và các doanh nghiệp nhỏ khác mọc lên khắp nước. Một số người tại Cuba cũng gởi tiền ra nước ngoài nhờ thân nhân mua giùm họ hàng tiêu dùng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài việc chấn chỉnh một hiện trạng rất mất lòng dân, luật di trú mới đã đặt chính phủ vào tình thế khó xử. Giả định có đủ số người Cuba kham nổi lệ phí nay đã giảm, nhưng vẫn còn tương đối cao, để xin các giấy tờ thông hành cần thiết, các nước khác – chủ yếu là Mỹ – sẽ cần phải tiếp tục tiếp nhận số lượng lớn du khách và di dân cuba. Oái ăm thay, từ lâu Havana đã phê phán các ưu đãi đặc biệt mà luật di trú Mỹ dành cho người Cuba vì dường như khuyến khích và tưởng thưởng cho những nỗ lực nguy hiểm nhằm vượt biển sang Mỹ. Hiện nay, Cuba dường như hưởng lợi từ những biện pháp như vậy còn trong luật – đặc biệt là quy trình xử lý hồ sơ nhanh để được tư cách thường trú nhân theo quy định của Đạo luật Điều chỉnh Cuba năm 1996. Theo quy định của Cuba cho phép kéo dài thời gian lên đến hai năm được cứ trú hợp pháp ở nước ngoài, hơn 20.000 người Cuba di cư hợp pháp sang Mỹ mỗi năm sẽ có thể lấy được thẻ xanh mà không nhất thiết phải từ bỏ quốc tịch, nhà cửa hay cơ sở kinh doanh ở Cuba.

Nguồn vốn nhỏ nhoi của kiều bào có thể dễ quản lý hơn và dễ tin cậy hơn tiền của các tập đoàn đa quốc gia chỉ vì động cơ kiếm lợi. Theo các quy định về hồi hương trong luật di trú mới của Cuba, một số người Cuba thậm chí có thể về nước nghỉ hưu với số tiền hưu bổng và tiết kiệm sau mấy chục năm làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, mở cửa để thêm nhiều công dân trẻ tuổi ra đi có thể đầy rủi ro cho một xã hội nhanh chóng lão hóa và có tỉ lệ sinh sản thấp mà lâu nay đang bị chảy máu chất xám. Vả lại, ngoài kiều hối, Cuba rất cần những nhà đầu tư cỡ trung và cỡ lớn. Suy cho cùng, chỉ có chi tiêu nhiều hơn mới có thể giải quyết vấn đề kinh tế căn bản nhất của Cuba: các ngành sản xuất kiệt quệ của nước này. Castro dường như nhận thấy rằng thu hút đầu tư nước ngoài, phi tập trung hóa chính quyền, và mở rộng hơn nữa khu vực tư nhân là những cách duy nhất để xử lý vấn nạn dài hạn này. Tuy nhiên, có thể chính phủ sẽ thực hiện rất cẩn trọng. Giới chức trách không dám làm rúng động tình hình chính trị trong nước, còn người dân cũng như giới lãnh đạo đảng đều ngần ngại trước viễn cảnh có liệu pháp sốc thay đổi triệt để hơn. Những cuộc biểu tình đại chúng ngày càng tăng ở Trung Quốc và Việt Nam phản đối tình trạng bất bình đẳng và nạn tham nhũng tràn lan lại càng khiến chính phủ Cuba ưa chuộng chủ trương cải cách từ từ.

Giữ được thế cân đối thích hợp sẽ không phải là việc dễ. Cuối năm 2012, Havana hợp pháp hóa việc thành lập các hợp tác xã vận tải – các tổ chức tư nhân, chia sẻ lợi nhuận do các hội viên sở hữu và quản lý – để giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong phân phối nông sản.. Trong khi đó, 100 doanh nghiệp nhà nước hiện đang tự hạch toán độc lập trong một chương trình thí điểm kéo dài một năm. Được biết chính phủ cũng đang cân nhắc những cách để dành nhiều điều khoản thuận lợi hơn cho nhiều loại đối tác nước ngoài tiềm năng tham gia liên doanh. Nhưng Đảng Cộng sản đang tìm cách vượt qua nhiều mâu thuẫn – công nhận có chỗ cho kinh tế thị trường, bỏ những thành kiến lâu đời đối với giới doanh nghiệp, và có dấu hiệu muốn phi tập trung hóa ngân sách trong khi khẳng định ngược lại, theo câu chữ trong văn bản hướng dẫn chính thức năm 2011, rằng “kế hoạch hóa tập trung, chứ không phải thị trường, sẽ nắm vai trò chủ đạo”.

Trút bớt gánh nặng cho nhà nước gia trưởng

Giảm bớt vai trò kinh tế của nhà nước trong khi duy trì tính liên tục về chính trị đòi hỏi phải khéo léo xử lý vấn đề ý thức hệ tế nhị. Tuy chính phủ hy vọng tiếp tục cung cấp cho người dân Cuba các dịch vụ xã hội quan trọng, chẳng hạn như y tế và giáo dục, giới lãnh đạo đảng đã khiển trách người dân đảo quốc quá lệ thuộc vào cái mà cách đây vài năm một quan chức có uy tín gọi là “nhà nước gia trưởng” (daddy state). Nhiều người dân Cuba xem điều đó thật mỉa mai. Những nhà cách mạng lập quốc của Cuba xưa kia đã xây dựng một nhà nước gia trưởng để bảo đảm bình đẳng, nay lại kêu gọi phá bỏ một phần nhà nước đó. Hơn nữa, phần lớn người Cuba hiện đã cần phải nhờ tới chợ đen hay sự trợ giúp của thân nhân ở nước ngoài để có được nhiều nhu yếu phẩm hằng ngày.

Phó chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (Adalberto Roque/AFP/Getty Images)
Phó chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (Adalberto Roque/AFP/Getty Images)

Nói như vậy không có nghĩa là các cải cách được thực hiện mà không có ý kiến đóng góp của người dân. Trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Cuba vào năm 2011, chính phủ đã triệu tập nhiều cuộc họp trên khắp nước để nghe người dân bày tỏ bất bình và đưa các kiến nghị thay đổi, và để thảo luận chương trình nghị sự của Castro. Dù trước mắt chưa thể có bầu cử đa đảng, nỗ lực này đã tạo điều kiện cho tranh luận công khai rộng rãi và thường quyết liệt, tuy vẫn trong khuôn khổ nhận thức “xã hội chủ nghĩa” tổng quát. Tuy vẫn bảo vệ chế độ cai trị độc đảng, Castro cũng đã kêu gọi giới quan chức nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho phép báo chí nhà nước tiếp xúc với họ, và ông cũng yêu cầu báo chí về phần mình hãy bỏ giọng điệu đắc thắng thường thấy. Theo tinh thần tương tự, ông nài nỉ sinh viên hãy “dũng cảm tranh luận” và đảng viên hãy “nhìn thẳng vào mắt nhau, bất đồng và tranh luận, bất đồng ngay cả với những gì lãnh đạo nói bất cứ khi nào [các đồng chí] nghĩ có lý do phải bất đồng”. Gần đây hơn, Díaz-Canel công khai nhắc tới việc không thể nào ngăn cấm lan truyền tin tức qua các mạng xã hội và Internet – một dấu hiệu cho thấy rằng, đối với chính phủ, lợi ích chiến lược tạo điều kiện thuận lợi để kết nối Internet rộng rãi hơn rất có thể sẽ có giá trị hơn nhiều so với lợi ích của việc kiểm soát truy cập mạng.

Thực tế vẫn chưa bắt kịp với những lời hô hào này. Tranh luận công khai của các quan chức cao cấp của Cuba vẫn còn hiếm, cho dù có tin nói rằng khi họp kín nội bộ họ tranh cãi kịch liệt. Cũng chưa rõ liệu Quốc hội Cuba có thể trở thành một nhánh chính quyền có ý nghĩa hơn, có khả năng tranh biện hơn hay không. Những phát biểu công khai bị xem là bài bác tính chính đáng của Cách mạng Cuba vẫn là điều cấm kỵ, và là căn cứ để lãnh hậu quả ở công sở hay thậm chí bị khai trừ. Tuy nhiên, bên ngoài các cơ quan chính phủ cao cấp và các nhật báo chủ yếu vẫn nhu mì không dám bày tỏ bất đồng, những tiếng nói đa dạng đã nâng tầm tranh luận đáng kể trong những năm gần đây, xóa nhòa ranh giới khá rõ rệt phân biệt các quan điểm “cách mạng” và “ phản cách mạng”.

Quốc tế thường chú ý đến cộng đồng bất đồng chính kiến có quy mô nhỏ và tự phong của Cuba, đặc biệt là một nhóm mới hơn gồm những nhà hoạt động và blogger thành thạo kỹ thuật số. Song, ở một nước mà Internet vẫn còn là mặt hàng đắt đỏ và bị quản lý chặt chẽ, có lẽ những cuộc tranh luận lý thú nhất và có thể có tác dụng nhất đang diễn ra trong giới học thuật, giới nghệ sĩ, các nhà làm phim độc lập, các cựu quan chức, và các lãnh tụ tôn giáo không chuyên, đặc biệt từ Công giáo. Người dân Cuba dễ dàng tiếp cận hơn với các trang mạng, tạp chí, và các diễn đàn công khai của các giới này. Nhìn chung, các giới này không kiến nghị dứt khoát đoạn tuyệt với tất cả các di sản, biểu tượng và chủ đề tuyên truyền của Cách mạng Cuba. Họ cũng giữ khoảng cách với nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài, đặc biệt của Mỹ và người Mỹ gốc Cuba; các nguồn tài chính đó đã khiến nhiều nhà bất đồng chính kiến thành “tay sai” trong con mắt của nhà nước Cuba. Song, họ hành động như vậy là do niềm tin chính trị chứ không phải vì tính toán chiến lược, không chịu chấp nhận cái được xem là lựa chọn giữa quỵ lụy trước đảng ở quốc nội và cộng tác với các âm mưu chuyển tiếp dàn dựng ở hải ngoại.

Gần đây, một nhóm nhỏ gồm những người Công giáo ôn hòa và những người Marxist chủ trương cải cách được một trung tâm văn hóa do giáo hội tài trợ tập hợp lại với nhau, đã lưu hành trên mạng một loạt các kiến nghị thẳng thắn về cải cách chính trị. Những kiến nghị bao gồm cho phép bầu cử trực tiếp và có tính cạnh tranh cho tất cả các vị trí lãnh đạo quan trọng của Cuba (dù với tất cả các ứng cử viên xuất phát từ cùng một đảng), được quyền truy cập Internet không hạn chế, truyền thông tự do hơn, phân chia quyền lực hữu hiệu hơn trong chính quyền, và sử dụng nhiều hơn các cuộc bỏ phiếu toàn dân đối với các quyết định lớn của chính phủ. Những kiến nghị này đã gây nên sự phản đối từ một số người muốn giữ nguyên hiện trạng, trong khi tạo được sự quan tâm và ủng hộ đáng kể, và tranh luận trong giới học thuật trên đảo quốc.

Tuy nhiên, dù các cuộc thảo luận này có quy mô vô tiền khoáng hậu, khó mà tiên đoán liệu chúng có tạo được thay đổi cụ thể trong ngắn hạn hay không. Hiện tại, các cuộc thảo luận này dường như chẳng có tác động gì lắm đối với công chúng; họ ít quan tâm với chúng hơn giới chính thống khăng khăng bám giữ đức tin cách mạng. Lý do giải thích việc thường dân Cuba không màng đến chính trị vừa là do tính bàng quan, tính trì trệ, tâm lý tự phòng thân, và các nhu cầu vật chất mà họ đối mặt hàng ngày, vừa là do họ ít được tiếp cận thông tin và quyền tụ họp bị hạn chế. Dù gì đi nữa, rất nhiều người Cuba xem các đài truyền hình Miami qua băng đĩa hoặc vệ tinh lậu, nhưng đến nay có vẻ như họ không có nhiều khả năng xuống đường biểu tình hơn những người hàng xóm không được tiếp cận thông tin như vậy. Kể từ thập niên 1960, những cách chính để những người bất mãn hay không hài lòng tại Cuba bày tỏ quan điểm của mình là di cư – đặc cụ thể là sang Mỹ, do có nhiều động cơ khuyến khích dành cho người Cuba được quy định trong luật nhập cư của Mỹ. Chừng nào chiều hướng này còn tiếp tục, Havana sẽ có không gian chính trị để tiếp tục các cải cách của mình “không ngừng nghỉ, nhưng không vội vã”, theo lời của Castro.

Tảng băng cuối cùng của Chiến tranh Lạnh

Như vấn đề di trú cho thấy, không thể hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế và chính trị của Cuba nếu tách biệt nó ra khỏi bối cảnh quốc tế. Lệnh cấm vận của Mỹ vẫn là một chướng ngại vật rất lớn đối với sự thịnh vượng kinh tế của đảo quốc, và khiến triển vọng chính trị nội địa của Cuba rất u ám. Trong trường hợp Việt Nam, chỉ sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận năm 1994 nền kinh tế mới bắt đầu biến đổi thật sự. Do Cuba ở gần Mỹ, và có chi phí lao động tương đối thấp, một thay đổi tương tự về luật của Mỹ có thể có tác động sâu sắc đối với Cuba.

Hồi tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mở đầu buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ cho ông bằng cách ca ngợi mối quan hệ cộng tác mật thiết giữa ông với Thượng nghị sĩ John McCain (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Arizona) trong việc vượt qua di sản của chiến tranh để khôi phục quan hệ của Mỹ với Việt Nam. Song, cả Kerry lẫn Obama dường như vẫn theo quan niệm truyền thống đã lỗi thời về Cuba; theo quan niệm đó, Washington không thể thay đổi chính sách thất bại của mình chừng nào những người Mỹ gốc Cuba trong Hạ viện tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, thực tế hiện đang thay đổi. Cử tri của những nhà lập pháp này đã bắt đầu bỏ phiếu bằng đôi chân và túi tiền của mình, về Cuba và gởi tiền về cho gia đình ở đó với mức độ chưa từng thấy trước đây. Ngoài ra, nhiều người người Mỹ gốc Cuba giàu có hiện nay đang bàn bạc trực tiếp với Havana về những dự án đầu tư lớn trong tương lai. Là một ứng cử viên Đảng Dân chủ đã giành gần một nửa số phiếu của người Mỹ gốc Cuba ở Florida trong năm 2012, Obama có vị thế vững vàng hơn bất cứ vị tổng thống tiền nhiệm nào để bắt đầu phác thảo lộ trình chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài 50 năm của Mỹ.

Bối cảnh địa chính trị ở Châu Mỹ Latinh là một lý do khác mà chính phủ Mỹ nên có thay đổi nghiêm túc về Cuba. Năm năm qua, Obama đã làm ngơ về việc Châu Mỹ Latinh nhất trí phản đối quan điểm của Washington về Cuba. Thay vì duy trì mãi thế cô lập ngoại giao của Havana, chính sách của Mỹ thể hiện các kỳ vọng đế quốc của một thời đại đã qua, góp phần dẫn đến việc chính Washington bị đẩy ra bên lề. Gần như tất các các nước trong khu vực đã từ chối tham dự một Hội nghị Thượng đỉnh các Châu Mỹ nữa nếu không có sự hiện diện của Cuba. Cuba, về phần mình, hiện là chủ tịch Cộng đồng các Nhà nước Châu Mỹ Latinh và Caribe mới thành lập và loại trừ Washington. Chính quyền Obama đã bắt đầu vạch ra cái có thể trở thành chương trình nghị sự nghiêm túc trong nhiệm kỳ thứ hai về Châu Mỹ Latinh, tập trung vào năng lượng, việc làm, sự tham gia của toàn xã hội, và tăng cường hội nhập với các Châu Mỹ. Nhưng Cuba có ý nghĩa tượng trưng mạnh trên khắp khu vực này đến nỗi Tòa Bạch Ốc chỉ có thể dứt khoát đưa các quan hệ Mỹ- Châu Mỹ Latinh ra khỏi Chiến tranh Lạnh và bước vào thế kỷ 21 bằng cách thay đổi chính sách của mình đối với Cuba.

Tuy nhiên, để có thay đổi như vậy, Washington phải từ bỏ giả định cho rằng Havana thích một mối quan hệ đối đầu với Mỹ. Raúl Castro đã cho thấy ông không giống anh trai của mình và tận dụng nhiều kênh khác nhau, công khai lẫn riêng tư, để nhắn với Washington rằng ông sẵn sàng thảo luận. Như vậy không có nghĩa là ông hay những người kế nhiệm ông sẵn sàng thỏa hiệp về chính trị nội bộ của Cuba; thực ra, vẫn chưa rõ Castro sẵn sàng đưa những vấn đề gì ra để thương thảo. Nhưng các quyết định của chính phủ ông về việc thả hơn 120 tù chính trị trong năm 2010 và 2011 và cho phép các blogger và nhà hoạt động bất đồng đi nước ngoài trong năm nay có thể là nhằm mục đích dọn đường cho các cuộc thảo luận có thể có với Mỹ.

Trong khi dó, cái chết của Hugo Chávez, cựu tổng thống Venezuela, và thắng lợi sít sao của người kế nhiệm ông, Nicolás Maduro, đã cho thấy rõ là Havana có những lý do riêng của mình để vạch ra con đường tiến tới bang giao với Mỹ. Trong khoảng một thập niên vừa qua, Cuba đã lệ thuộc vào Venezuela để được cung cấp số lượng lớn dầu hỏa được trợ giá, và đổi lại bằng cách cử một lực lượng hùng hậu bác sĩ Cuba làm việc cho các chương trình xã hội của chính quyền Chávez. Tình hình bất ổn chính trị ở Caracas là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những mối nguy hiểm của việc lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác. Havana hiện đang bắt đầu mở rộng quan hệ. Ngoài việc đầu tư vốn vào dự án nâng cấp Cảng Mariel, Brazil đã cấp một hạn mức tín dụng để cải tạo và mở rộng năm sân bay ở cuba và gần đây đã ký thỏa thuận tuyển mộ 6.000 bác sĩ Cuba để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự phục vụ y tế nông thôn của Brazil. Dù vậy, về lâu về dài, Mỹ vẫn là một thị trường tự nhiên trọng yếu cho các sản phẩm và dịch vụ của Cuba.

Dĩ nhiên, như thập niên 1990 đã chứng minh, ngay cả một đợt khó khăn tài chính nghiêm trọng cũng có thể chưa đủ để khiến Havana đến cầu cạnh Washington. Nửa thế kỷ chiến tranh kinh tế của Mỹ đã khiến các quan chức chính quyền và cán bộ đảng ở Cuba nghĩ rằng sự cởi mở trong nước hoặc đối với Mỹ có liên hệ với mối đe dọa cho nền độc lập của Cuba. Một số người theo chủ trương cứng rắn có thể thích chèo chống để vượt qua khó khăn của hoàn cảnh hiện tại hơn là đối mặt với tình hình bất trắc có thể xuất hiện do mở cửa đất nước rộng hơn.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để thay đổi những thái độ như vậy là Washington nên chủ động thiết lập một thỏa thuận ngoại giao và kinh tế với Havana. Trong ngắn hạn, hai nước có nhiều vấn đề thực tiễn để cùng nhau giải quyết, trong đó có các thách thức về môi trường và an ninh, cũng những số phận của những nhân vật được nhiều người biết đến đang ở tù tại Mỹ và Cuba. Phần lớn các bước chính sách mà Obama nên thực hiện ở giai đoạn này –đưa Cuba ra khỏi danh sách các nhà nước ủng hộ khủng bố, loại bỏ các rào cản cho tất cả người Mỹ sang Cuba, và cho phép thương mại và đầu tư nhiều hơn – sẽ không cần sự phê chuẩn của nghị viện hay mặc cả quan trọng với Havana. Dù có thể bất tiện về chính trị ở Mỹ nếu một vị tổng thống bị xem là ra tay giúp Castro, tại Cuba, những biện pháp như vậy có thể củng cố lập luận cho rằng Cuba có thể trở thành một xã hội cởi mở hơn, dân chủ hơn mà không ngã quỵ trước áp lực bên ngoài hay bị lật đổ. Hơn nữa, các mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn có thể có tác động vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế, giúp giới cải cách trong nước có ảnh hưởng hơn và tăng mức độ ủng hộ tại Cuba đối với việc tự do hóa kinh tế và chính trị nhiều hơn.

Năm 1991, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đứng cạnh Ngoại trưởng Mỹ James Baker ở Moscow và tuyên bố rằng Liên Xô sẽ bỏ khoản trợ cấp hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm cho Cuba. Các nhà phân tích của CIA và giới bình luận ở Mỹ ngay lập tức bắt đầu tiên đoán Cách mạng Cuba sắp chết và sự nhanh chóng khôi phục chủ nghĩa tư bản. Hơn 20 năm đã qua kể từ khi đó, Fidel Castro đã rút lui, và Raúl Castro, 82 tuổi, hiện đang trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm theo ông là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Năm 2018, khi Díaz-Canel nắm quyền, rất có thể Cuba sẽ tiếp tục thách đố những mơ tưởng của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh cho dù Cuba ngày càng xa rời quá khứ xã hội chủ nghĩa chính thống của mình. Với những người còn lại của thế hệ cách mạng lập quốc của Cuba, sự chuyển biến tế nhị như vậy là cơ hội cuối cùng để định hình di sản của họ. Với những người Cuba sinh sau năm 1991, những năm sắp tới có thể mang lại cơ hội từ bỏ hoàn cảnh bế tắc ý thức hệ và kinh tế kéo dài mà họ đã lớn lên cùng.

Trong khi đó, Obama có quyền lựa chọn. Ông có thể chọn con đường ít bị chống đối chính trị nhất và để các quan chức chính quyền thủ cựu, những người khư khư chủ thuyết an ninh quốc gia, và những ý kiến ủng hộ cấm vận ở Mỹ tiếp tục chính sách hạn chế Cuba, càng làm xa lánh các đồng minh trong khu vực và khiến các quan chức Cuba tiếp tục có tâm lý bị cô lập. Hoặc ông có thể can đảm trở thành vị tổng thống rốt cuộc đã rút Mỹ ra khỏi cuộc tranh luận nội bộ của Cuba và tìm được cách để Washington và Havana hợp tác với nhau. Nếu được như vậy thì cả người dân Cuba lẫn các lợi ích quốc gia của Mỹ đều được lợi.

Nguồn: Julia E. Sweig and Michael J. Bustamante, Cuba After Communism, Foreign Affairs, July/August 2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 24/7, 31/7 & 7/8/2013.)

Bài liên quan: Cuba: cánh cửa mở hờ

10 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.