Bắc Cực sắp bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ

Làm giàu

Greenland Ice SheetBắc Cực dự kiến sẽ trở nên ngày càng quan trọng trong những thập niên sắp tới khi biến đổi khí hậu làm tan băng và giúp dễ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như mở ra những tuyến đường vận tải hàng hải mới. Hồi tháng 5 vừa rồi, Canada đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, tổ chức đại diện cho quyền lợi của các nước có biên giới tiếp giáp Bắc Cực. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Scott G. Borgerson, giám đốc điều hành CargoMetrics và đồng sáng lập viên của tổ chức phi vụ lợi Arctic Circle, để tham khảo về triển vọng đầy hứa hẹn của vùng giá băng này.

Bắc Cực sắp bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ

Scott G. Borgerson

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

Nguồn: Wall Street Journal
Nguồn: Wall Street Journal

Chẳng ai ngờ băng lại tan nhanh như vậy. Tuy giới khoa học khí hậu lâu nay đã biết tình trạng địa cầu ấm lên đang làm giảm tỉ lệ diện tích đóng băng của bề mặt Bắc Băng Dương, ít ai tiên đoán tốc độ tan băng quá nhanh như vậy. Năm 2007, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu ước tính rằng bắt đầu từ năm 2070 những mùa hè Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng. Tuy nhiên, những quan sát vệ tinh mới đây đã đẩy mốc thời gian đó lên sớm hơn: vào khoảng năm 2035, và thậm chí những mô phỏng tinh vi hơn thực hiện vào năm 2012 đã đưa mốc đó lên năm 2020. Đúng như dự kiến, tính tới cuối mùa hè năm ngoái, tỉ lệ bề mặt đóng băng của Bắc Băng Dương đã giảm xuống tới diện tích nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 1979, giảm 350.000 dặm vuông (bằng diện tích của Venezuela) kể từ mùa hè năm trước. Tính chung, chỉ trong ba thập niên vừa qua, băng Bắc Cực đã mất một nửa diện tích và ba phần tư thể tích.

Không chỉ riêng đại dương ấm dần lên. Năm 2012, Greenland ghi nhận mùa hè nóng nhất của mình trong 170 năm, và lớp băng của quốc gia này đã bị tan bề mặt nhiều hơn gấp bốn lần so với mức tan trung bình mỗi năm trong ba thập niên trước đó. Cũng trong mùa hè năm đó, tám trong mười địa điểm theo dõi bề mặt đóng băng thường trực ở bắc Alaska có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử, hai địa điểm còn lại có mức cao kỷ lục bằng nhau. Những nhà thi đấu hockey ở bắc Canada thậm chí đã bắt đầu lắp đặt các hệ thống làm lạnh để giữ cho sân trượt băng không bị tan.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những thay đổi này đang gây hỗn loạn cho các hệ sinh thái mỏng manh của vùng này. Trong khi hàng chục ngàn hải mã do bị mất những tảng băng nổi của chúng nên dạt lên bờ ở tây bắc Alaska, các hệ động thực vật cận Bắc cực đang di trú lên phía bắc. Các lãnh nguyên đóng băng đang bắt đầu trở lại nguyên dạng đất đầm lầy như cách đây 50 triệu năm, và những cơn bão mở ra các vùng biển mới đang làm xói mòn bờ biển và cuốn nhà cửa của cư dân bản địa xuống biển.

Bất luận ta nghĩ nên giải quyết thế nào về chuyện địa cầu ấm lên, thực tế là nó đang diễn ra. Mà cũng không chỉ toàn bất lợi. Ở Bắc Cực, nhờ, tình trạng địa cầu ấm lên, vùng biển xưa nay không thể đi qua được và được bao quanh bởi vùng hoang vu hẻo lánh đang biến thành một địa thế hoàn toàn khác hẳn: nó sắp trở thành một trung tâm kỹ nghệ và thương mại tương tự như Địa Trung Hải. Lớp băng và ranh giới đang tan của vùng này sắp mở đường dẫn tới vô vàn kho tàng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm ước tính gần một phần tư trữ lượng dầu khí chưa được khám phá và các mỏ khổng lồ khoáng sản quý của thế giới. Vì các tuyến đường biển qua Bắc Cực vào mùa hè rút ngắn được hàng ngàn dặm trong một hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Bắc Cực cũng có khả năng trở thành một hành lang trọng yếu cho vận tải đường biển toàn cầu, như hiện nay đã trở thành tuyến đường hàng không quan trọng.

Nguyên ngân khiến Bắc Cực đầy hứa hẹn một phần là nhờ chính phủ các nước xung quanh vùng này. Phần lớn các nước này có tình hình thu chi ngân sách tương đối vững mạnh và, ngoại trừ Nga, có luật pháp rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và có các giá trị dân chủ cổ xúy những mối quan hệ hòa bình. Các nước Bắc Cực cũng đã bắt đầu có những nỗ lực đồng bộ đáng kể để hợp tác, chứ không phải tranh giành, khi vùng này mở ra, giải quyết các tranh chấp ranh giới lâu đời một cách hòa bình và ứng xử theo luật quốc tế. Nhờ có tập quán quản lý tốt và vị trí địa lý thuận lợi, những thành phố như Anchorage và Reykjavik sẽ đến lúc có thể trở thành các trung tâm vận tải và thủ phủ tài chính quan trọng – có tầm vóc tương đương Singapore và Dubai.

Dĩ nhiên, tuy tình trạng Bắc Cực ấm lên là chuyện đã rồi, ta không nên xem đó cái cớ để cưỡng đoạt vô tội vạ một môi trường nhạy cảm. Song, nếu được phát triển một cách có trách nhiệm, thành quả gặt hái từ Bắc Cực có thể mang lại lợi ích to lớn cho cư dân vùng này và cho các nền kinh tế xung quanh vùng này. Đó là lý do tại sao tất cả các nước Bắc Cực cần tiếp tục hợp tác và phối hợp hình thành một tầm nhìn chung về phát triển bền vững, và tại sao Mỹ nói riêng cần bắt đầu vùng này là một ưu tiên của chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại, như Trung Quốc đang làm. Dù muốn hay không, Bắc Cực đã mở ra cơ hội kinh doanh, và các chính phủ cũng như giới đầu tư có thừa lý do để tham gia ngay từ phút ban đầu.

Việc gì phải khua chiêng đánh trống ầm ĩ

Chỉ mới cách đây nửa thập niên, cuộc tranh giành Bắc Cực có vẻ như sẽ diễn ra hoàn toàn khác. Năm 2007, Nga cắm cờ ở đáy biển Bắc Cực, và trong mấy năm sau đó, các nước khác cũng đua nhau giành vị thế, tăng cường các đợt tuần tra hải quân và đưa ra những tuyên bố chủ quyền đấy tham vọng. Nhiều nhà quan sát, trong đó có tôi, đã tiên đoán rằng nếu không có một bộ quy tắc quản lý toàn diện, cuộc đua giành tài nguyên tất yếu sẽ dẫn tới xung đột. Năm 2008, tôi đã viết trên tạp chí này (Foreign Affairs): “Các cường quốc Bắc Cực đang nhanh chóng đi tới chỗ bế tắc ngoại giao, và điều đó rốt cuộc có thể dẫn tới … tình trạng leo thang đối đầu có vũ trang”.

Nhưng một điều thú vị đã xảy ra trong quá trình Bắc Cực tiến tới tình trạng vô chính phủ. Thay vì giữ lập trường cứng rắn, khả năng có thể xảy ra căng thẳng gia tăng đã khiến các quốc gia liên quan giải quyết các bất đồng của mình một cách êm thấm. Mối quan tâm chung về lợi ích đã thắng bản năng tranh giành lãnh thổ. Các nước Bắc Cực chứng minh rằng những người bi quan đã sai bằng cách chấm dứt giễu võ dương oai và đạt được nhiều kỳ công hợp tác đáng nể. Các nước dùng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 – mặc dù Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn nó – làm cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về ranh giới và ban hành các tiêu chuẩn an toàn cho vận tải thương mại. Và năm 2008, 5 nước có bờ biển Bắc Cực – Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga, và Mỹ – đã ra Tuyên bố Ilulissat, trong đó họ hứa sẽ giải quyết một cách có trật tự những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau và bày tỏ ủng hộ UNCLOS và Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council), hai thể chế quốc tế thích hợp nhất đối với vùng này.

Các cường quốc Bắc Cực đã giữ lời hứa này. Năm 2010, Nga và Na Uy giải quyết bất đồng lâu đời của họ về ranh giới biển gần Quần đảo Svalbard Islands, còn Canada và Đan Mạch hiện đang nghiên cứu một đề xuất chia tách Đảo Hans, một đảo đá [rất nhỏ, có diện tích 0,5 dặm vuông] không người ở mà hai nước đã tranh chấp mấy chục năm nay. Năm 2011, các nước Bắc Cực ký một hiệp định tìm kiếm và cứu hộ do Hội đồng Bắc Cực làm trung gian đàm phán. Hồi tháng Tư năm nay, họ bắt đầu xây dựng một hiệp định quản lý hoạt động đánh bắt hải sản thương mại. Và mùa hè năm nay, họ sẽ hoàn tất những kế hoạch phối hợp ứng phó với các sự cố tràn dầu. Một số nước Bắc Cực thậm chí đang chia sẻ tàu phá băng của nhau để vẽ bản đồ lòng biển trong quá trình (theo quy định của UNCLOS) phân ranh giới thềm lục địa mở rộng của họ. Mặc dù còn một số điểm khúc mắc – ví dụ Ottawa và Washington chưa nhất trí về việc liệu Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage ) tạo nên một loạt các eo biển quốc tế hay các vùng biển nội địa của Canada và ranh giới biển chính xác họ ở Biển Beaufort  – những bất đồng gay go nhất đã được giải quyết, và phần lớn những bất đồng còn lại liên quan tới những vùng ngoài khơi xa nhất và liên quan tới những vùng ít có ý nghĩa kinh tế nhất của Bắc Cực.

Tất cả các hành động hợp tác này đều không đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp lý bao trùm mới duy nhất. Thay vì thế, các quốc gia đã chắp nối các hiệp định song phương và đa phương, bắt nguồn từ Hội đồng Bắc Cực và có thế dựa vững chắc là UNCLOS. Nhờ đạt được một thỏa hiệp khả thi và bền vững, các cường quốc Bắc Cực đã tạo nền tảng cho thời kỳ phát triển bùng nổ lâu dài của vùng này.

Một vùng giàu tài nguyên

Một tàu nghiên cứu khảo sát ở Vòng Bắc Cực (Saul Loeb/AFP/GettyImages)
Một tàu nghiên cứu khảo sát ở Vòng Bắc Cực (Saul Loeb/AFP/GettyImages)

Hầu hết các mô tả bản đồ không thể hiện hết địa hình mênh mông của Bắc Cực. Trên bản đồ Mỹ, Alaska chỉ là một ô ngoài khơi bờ biển California, nhưng thực tế lại rộng gấp 2,5 lần so với tiểu bang Texas và có bờ biển dài hơn 48 tiểu bang phía nam cộng lại. Greenland lớn hơn toàn bộ Tây Âu. Khu vực bên trong Vòng Bắc Cực chiếm 8% bề mặt và 15% đất của trái đất.

Vùng này cũng có các mỏ dầu khí khổng lồ – đó là lý do chính khiến vùng này đầy hứa hẹn về kinh tế. Chủ yếu nằm ở phía tây Siberia và Vịnh Prudhoe của Alaska, các mỏ dầu khí của Bắc Cực chiếm khoảng 10,5 sản lượng dầu toàn cầu và 25,5 sản lượng khí toàn cầu. Và những con số đó có thể sẽ sớm tăng lên. Theo những ước tính ban đầu của Hội Địa chất Mỹ, Bắc Cực có thể chiếm tới 22% mỏ dầu và khí thông thường chưa được khám phá của thế giới. Những kho báu này đã trở nên dễ tiếp cận hơn và hấp dẫn hơn, nhờ lớp băng biển rút dần, mùa khoan dầu dài hơn trong mùa hè và các kỹ thuật thăm dò mới.

Các công ty tư nhân đã triển khai ở vùng này. Bất chấp chi phí khai thác cao và những rào cản về quy định quản lý, Shell đã đầu tư 5 tỉ Mỹ kim để tìm dầu ở Biển Chukchi của Alaska, công ty Scotland Cairn Energy đã đầu tư 1 tỉ Mỹ kim để tìm dầu ngoài khơi Greenland. Gazprom và Rosneft đang dự định đầu tư thêm hàng tỉ Mỹ kim để phát triển vùng Bắc Cực thuộc Nga, nơi các công ty quốc doanh đang hợp tác với ConocoPhillips, ExxonMobil, Eni, và Statoil để khai thác các tài nguyên xa xôi ở Siberia. Sự bùng nổ kỹ thuật fracking (bẽ gãy bằng thủy lực) rốt cuộc có thể gây áp lực làm giảm giá dầu, nhưng điều đó không thay đổi thực tế là Bắc Cực có hàng chục tỉ thùng dầu loại truyền thống mà sẽ có ngày góp phần tăng nguồn cung cấp toàn cầu. Hơn nữa, sự bùng nổ đó đã lan tới Bắc Cưcj. Hoạt động thăm dò dầu bằng kỹ thuật fracking đã bắt đầu ở bắc Alaska, và hồi mùa xuân năm nay, Shell và Gazprom đã ký một thỏa thuận quan trọng để phát triển dầu đá phiến ở vùng Bắc Cực thuộc Nga.

Cũng phải kể tới khoáng sản. Hiện nay, mùa hè dài hơn giúp có thêm thời gian thăm dò quặng khoáng sản, và lớp băng biển rút dần đang mở ra những cảng nước sâu để xuất khẩu khoáng sản. Bắc Cực hiện đã có mỏ kẽm có sản lượng lớn nhất thế giới (mỏ Red Dog ở bắc Alaska), và mỏ nickel có sản lượng lớn nhất thế giới (ở Norilsk, phía bắc Nga). Chủ yếu nhờ Nga, trong tổng sản lượng của thế giới, Bắc Cực chiếm 40% sản lượng palladium, 20% kim cương, 15% platinum, 11% cobalt, 10% nickel, 9% tungsten, và 8% kẽm. Alaska có hơn 150 mỏ tiềm năng các nguyên tố đất hiếm, và nếu tiểu bang này là một quốc gia, Alaska sẽ xếp trong 10 nước hàng đầu về trữ lượng toàn cầu của nhiều loại khoáng sản trong các khoáng sản này. Và tất cả những tài sản này chỉ mới là điểm khởi đầu. Bắc Cực chỉ mới bắt đầu được đo đạc khảo sát. Một khi hoạt động khai thác bắt đầu, có đủ lý do để hy vọng rằng, như vẫn thường xảy ra, người ta sẽ phát hiện thêm nhiều lượng khoáng sản hơn.

Thời kỳ bùng nổ sắp tới của Bắc Cực không chỉ giới hạn ở việc khai khoáng và khoan dầu. Những khu rừng phương bắc với những loại cây vân sam, thông và linh sam của vùng này chiếm 8% tổng trữ lượng gỗ của trái đất, và các vùng biển Bắc Cực hiện đã chiếm 10% tổng sản lượng đánh bắt của thế giới. Một ngày nào đó những tàu chở dầu chuyển đổi mục đích sử dụng có thể vận chuyển nước sạch từ các sông băng Alaska tới miền nam Châu Á và Châu Phi.

Vị trí địa lý đặc thù của Bắc Cực bản thân nó là một ưu thế. Nhìn từ trên đỉnh của địa cầu, vùng này nằm ở giao lộ của những nền kinh tế có năng suất cao nhất thế giới; hãng hàng không Icelandair đã bắt đầu có đường bay quanh vùng địa cực này giữa Reykjavik, Anchorage, và St. Petersburg, và những đường cáp viễn thông dưới nước dự kiến được lắp đặt sẽ nối miền đông bắc Châu Á, miền đông bắc nước Mỹ, và Châu Âu. Vĩ độ cao của Bắc Cực khiến vùng này là một nơi thuận lợi để mở rộng các trạm mặt đất cho các vệ tinh trong các quỹ đạo địa cực. Với thủy triều thuộc hàng mạnh nhất thế giới, Bắc Cực có tiềm năng thủy điện rất lớn, và đặc điểm địa chất của vùng này có khả năng lớn lao về địa nhiệt, với bằng chứng là ngành luyện nấu chảy quặng nhôm dùng địa nhiệt của Iceland. Nhiệt độ mát cũng khiến Bắc Cực là một nơi hấp dẫn để xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, như trung tâm mà Facebook đang xây dựng ở miền bắc Thụy Điển. Một hầm chứa được đào sâu trong lòng đá mát lạnh của Quần đảo Svalbard để bảo quản hàng trăm ngàn loại hạt giống cây trồng.

Khi băng biển tan ra, những tuyến đường vận tải đi tắt trước đây chỉ là truyền thuyết nay đang thành hiện thực. Hành lang Tây Bắc (đi ngang quần đảo của Canada) vẫn còn tắc nghẽn vì băng. NHưng năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận, những chiếc tàu thương mại (4 chiếc) đi từ miền tây bắc Châu Âu sang miền đông bắc Châu Á thông qua Tuyến đường Biển Phương Bắc (đi qua Bắc Băng Dương phía trên vùng liên lục địa Âu-Á). Con số này tăng lên tới 34 trong năm 2011, và tới 46 trong mùa hè Bắc Cực năm ngoái. Tuy vẫn còn khá lâu trước khi Tuyến đường Biển Phương Bắc giành bớt lưu lượng giao thông có ý nghĩa từ Kênh Suez và Kênh Panama, tuyến đường này đã là hiện thực, chứ không phải chỉ là ảo tưởng của thủy thủ; nó đang là một tuyến đường biển ngày càng khả thi cho các tàu chở dầu muốn cắt giảm hàng ngàn hải lý khỏi các tuyến đường truyền thống đi qua Eo biển Malacca và Eo biển Gibraltar. Nó cũng tạo ra một kênh xuất khẩu mới cho các vùng đất nông trại đang ấm dần lên và các mỏ mới xuất hiện dọc bờ biển phía bắc của Nga, nơi một số con sông lớn nhất Nga đổ vào Bắc Băng Dương. Nhận thấy tiềm năng hứa hẹn của tuyến đường này, gần đây Bộ Giao thông Nga lập một văn phòng Tuyến đường Biển Phương Bắc ở Moscow để giải quyết giấy phép vận tải, theo dõi thời tiết biển, và bố trí các nhân viên hỗ trợ hải hành mới dọc theo hành lang này. Khi băng biển tan nhiều hơn nữa, một tuyến đường trực tiếp phía trên cực bắc và tránh hoàn toàn bờ biển Nga cũng sẽ mở ra.

Tài khóa ổn định

Hẳn nhiên, chỉ riêng tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi thôi thì chưa đủ để bảo đảm bền vững kinh tế cho vùng này: cứ nhìn Trung Đông là đủ biết. Nhưng Bắc Cực có nhiều điểm thuận lợi. Thứ nhất, phần lớn các quốc gia có lãnh thổ phía trên Vòng Bắc Cực có tình hình thu chi ngân sách khá ổn định. Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, và Thụy Điển đều có tỉ số nợ trên GDP dưới 54%, còn tỉ số của Nga chỉ là 12%. Tuy Mỹ có mức nợ bằng 75% GDP, cho đến nay Mỹ tránh được lãi suất cao nhờ Mỹ kim có vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu, còn riêng tiểu bang Alaska có thặng dư ngân sách và được Standard & Poor’s xếp hạng tín dụng AAA. Canada có tỉ số nợ trên GDP cao hơn (84%), nhưng quốc gia này cực kỳ ổn định, và Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2012 xếp hạng hệ thống ngân hàng Canada hạng vững mạnh nhất thế giới trong năm thứ năm liên tiếp. Iceland vẫn còn đánh vật với hậu quả của sự sụp đổ hệ thống tài chính năm 2008, nhưng đang hồi phục với tốc độ kỷ lục. Năm 2012, GDP của nước này tăng 2,7%, và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,6%. Tình hình tài khóa nhìn chung ổn định của các nước Bắc Cực khiến vùng này là một môi trường hấp dẫn cho vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt nếu so với những vùng giàu tài nguyên khác.

Nhiều nước Bắc Cực có các quỹ đầu tư quốc gia đáng kể, với nguồn tiền thu được từ cho thuê mỏ để khai thác dầu và khí; đó là những nguồn tài lực họ có thể dùng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm kích thích phát triển trong vùng này. Với giá trị 700 tỉ Mỹ kim, quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy là quỹ lớn nhất thế giới. Quỹ Phúc lợi Quốc gia của Nga có giá trị 175 tỉ Mỹ kim. Quỹ Thường trực của Alaska trị giá 45 tỉ Mỹ kim và cho phép tiểu bang này không đánh thuế lợi tức; quỹ này thậm chí còn chia cổ tức hàng năm cho mỗi người dân tiểu bang. Nếu các chính phủ có tư duy chiến lược, những nguồn dự trữ này có thể tài trợ cho những bộ khung vận tải và năng lượng để nền kinh tế đang tăng trưởng của Bắc Cực có thể dựa vào đó để trưởng thành.

Với ngoại lệ hiển nhiên là Nga, các nước Bắc Cực cũng có hệ thống luật pháp đáng tin cậy và các quy định quản lý rõ ràng, thuận lợi cho đầu tư. Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển, và Canada đều nằm trong 20 nước đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Dễ Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Nhờ có tính ổn định chắc chắn về luật pháp do các thể chế nhà nước vững mạnh tạo ra, các nước này chẳng gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; khác với những nền kinh tế mới trỗi dậy khác, giới đầu tư có thể khá tin tưởng rằng chính phủ các nước Bắc Mỹ và Bắc Âu sẽ không quốc hữu hóa các tài sản cá nhân, đòi hối lộ, hay đưa ra những phán quyết tòa án tùy tiện.

Săn tìm lợi ích

Không có vùng nào giàu tài nguyên, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, có thể tránh thu hút sự chú ý của Trung Quốc được lâu. Quả vậy, thật đúng lúc, Bắc Kinh đã bắt đầu nỗ lực đồng bộ để thâm nhập Bắc Cực – đặc biệt là ở Iceland và nước láng giềng bán tự trị Greenland – với những ý nghĩa địa chính trị sâu xa. Hồi tháng 5, Hội đồng Bắc Cực đã cấp tư cách quan sát viên cho Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc.

Trung Quốc xem Iceland là cửa ngõ chiến lược để bước vào vùng này; chính vì vậy Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã viếng thăm chính thức Iceland vào năm ngoái (trước khi sang Copenhagen để thảo luận về Greenland). Công ty vận tải quốc doanh của Trung Quốc đang muốn thuê dài hạn ở Reykjavik, còn tỉ phú [bất động sản] Trung Quốc Hoàng Nộ Ba trong nhiều năm qua đang cố gắng phát triển địa ốc trên một lô đất rộng 100 dặm vuông ở phía bắc của đảo này. Hồi tháng Tư, Iceland ký một thỏa ước thương mại tự do với Trung Quốc, và là nước Châu Âu làm như vậy. Trong khi Mỹ đóng căn cứ quân sự có từ thời Chiến tranh Lạnh ở Iceland vào năm 2006, Trung Quốc đang tăng sự hiện diện của mình ở đó, xây dựng đại sứ quán lớn nhất tính tới nay ở đất nước này, thường xuyên cử doanh nhân sang, và đưa tàu phá băng chính thức của mình tên là Tuyết Long cập cảng Reykjavik hồi tháng Tám năm ngoái.

Trong khi đó, điểm hấp dẫn chính của Greenland nằm dưới đất. Ngoài quặng sắt và dầu, hòn đảo này nằm trên những mỏ khổng lồ các nguyên tố đất hiếm, hiện nay Trung Quốc đang thống lĩnh nguồn cung cấp các nguyên tố này. Greenland chỉ có chưa tới 60.000 dân, nhưng hòn đảo này tiếp đón nhiều phái đoàn Châu Á trong năm qua. Hồi tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Lee Myung-bak tới để tham dự lễ ký thỏa thuận giữa một công ty khai khoáng quốc doanh của Hàn Quốc và một công ty của Greenland. Trước ông đã có Từ Thiệu Sử, lúc đó là bộ trưởng đất đai và tài nguyên của Trung Quốc, sang ký các thỏa thuận hợp tác. Cho tới nay, những liên doanh như vậy chủ yếu mang tính chất thăm dò, nhưng chúng có thể sớm hình thành các đại dự án cung cấp cho các thị trường đói tài nguyên ở Châu Á.

Kể từ khi được Đan Mạch cho phép bán tự trị vào năm 1979, Greenland đã đi trên con đường tiến tới tự trị hoàn toàn, và năm 2009, Greenland giành quyền kiểm soát hệ thống tư pháp và tài nguyên thiên nhiên của mình. Chính quyền sở tại dùng quyền tự do đó để thiết lập các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nước khác. Nếu đầu tư nước ngoài trên hòn đảo này tiếp tục ở tốc độ hiện tại, sẽ tới lúc nguồn thu sở tại có thể thay thế khoản trợ cấp hàng năm 600 triệu Mỹ kim mà Greenland nhận được từ Copenhagen, và điều đó thể giúp Greenland đòi độc lập chính trị. Cử tri trên hòn đảo này phê chuẩn con đường này hồi tháng Ba, khi Đảng Siumut chủ trương phát triển giành được đa số ghế trong nghị viện Greenland. Trong khi các tiểu quốc xích đạo có thể nhanh chóng biến mất trong biển dâng cao, Greenland rất có thể sẽ trở thành đất nước đầu tiên ra đời do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nước Bắc Cực lâu nay đang đầu tư ngay tại xứ sở băng giá của mình. Nga dẫn đầu với sự lãnh đạo của một tổng thống hăng hái và một số chương trình nhà nước quyết tâm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng dọc theo bờ biển phía bắc đất nước. Ở Canada, chính quyền của các địa phương như Lãnh thổ Yukon, Lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories), Nunavut, và Quebec đã lập các văn phòng phát triển để thu hút đầu tư. Hồi tháng 5 năm nay, khi Canada đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, Canada chỉ định giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế Phía bắc làm quan chức cao cấp về Bắc Cực của Canada, chỉ đạo ông lèo lái chính sách Hội đồng Bắc Cực về “phát triển dành cho người dân phương bắc”. Trong nhiều năm qua, các công ty Na Uy đã lập nhiều liên doanh với các đối tác Nga để phát triển các dự án dầu khí quanh biển Barents. Trong khi đó, Alaska đã ban hành các chính sách ủng hộ tăng trưởng, chẳng hạn như giảm thuế dầu và khí và bán thêm nhiều giấy phép thuê đất nhà nước.

Tuy nhiên Juneau đã gặp khó khăn do phía chính phủ liên bang Mỹ gây cản trở, khiến những lô đất liên bang bị đóng cửa và buộc giới phát triển bất động sản mò mẫm đi qua một quy trình xin giấy phép cồng kềnh và gặp vô số bất trắc về quản lý nhà nước. Vào thời điểm này, giới lãnh đạo Alaska có lẽ chỉ muốn chính phủ liên bang tránh ra, chứ đừng cản đường. Thái độ không hỗ trợ của Washington thể hiện chính sách Bắc Cực nhìn chung thụ động của Mỹ. Trong khi những nước khác trên thế giới đã thức tỉnh trước tầm quan trọng ngày càng tăng của Bắc Cực, Mỹ dường như vẫn ngủ say, bỏ mặc sân chơi để các đối thủ có tính cạnh tranh hơn chiếm lĩnh.

Một loại hình phát triển mới

Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực từ một vùng địa chính trị thứ yếu biến thành một vùng hứa hẹn vô vàn lợi ích cho giới doanh nhân của thế kỷ này. Các quốc gia nên tiếp tục cam kết đi theo con đường hòa bình mà họ đã vạch ra cho tới nay. Nhưng giới hoạch định chính sách cần nghiêm túc về việc thiết lập một tầm nhìn chung về cách khai thác tài nguyên Bắc Cực. Phát triển kinh tế không nhất thiết dẫn tới thảm họa môi trường. Thực ra, việc mở cửa Bắc Cực là một cơ hội ngàn năm có một để phát triển bền vững một nền kinh tế mới trỗi dậy.

Để một cách tiếp cận như vậy có thể phổ biến, các quốc gia sẽ phải biết cân đối đúng mức giữa bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên. Một cách để hòa quyện chủ nghĩa tư bản với chủ trương bảo tồn thiên nhiên là xem thiên nhiên như một hình vốn đầu tư và đưa phí tổn môi trường vào các quyết định phát triển, như cách làm của những chương trình quản lý các ngư trường bằng cách phân bổ các tỉ lệ đánh bắt được và của những chương trình bảo vệ rừng bằng cách tạo ra các chứng khoán có thể giao dịch được. Để chiến thuật này có tác dụng ở Bắc Cực, cần có hạch toán trọn vẹn các tài nguyên hiện có. Chính vì vậy, chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, và những tổ chức khác cần thực hiện điều tra khảo sát toàn diện về các tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học của vùng này. Khi các căn cứ khoa học tốt hơn đã được thiết lập, chính phủ các nước có thể đưa ra những quyết định dựa trên thông tin đầy đủ về phát triển, cân đối những rủi ro đối với môi trường nhạy cảm này với các ưu tiên kinh tế và an ninh quốc gia khác của họ. Mục tiêu là để tìm ra điểm chung giữa giới hoạt động bảo vệ môi trường muốn lập tức biến Bắc Cực thành một khu bảo tồn thiên nhiên và giới muốn khoan dầu và khai khoáng bằng mọi giá đề cao việc khai thác tài nguyên hơn bất cứ điều gì khác.

Ở Alaska, điều này có nghĩa là cho phép những dự án dầu và khí thực hiện trên cơ sở từng trường hợp nhưng bằng cách dùng một số khoản lợi nhuận để tạo ra một nền kinh tế đa dạng hơn. Bằng không, tiểu bang này có nguy cơ trở thành một thuộc địa dầu hỏa nữa bị lời nguyền tài nguyên hạ gục. Alaska nên đầu tư nguồn của cải đáng kể của mình vào hệ thống đại học kém phát triển của mình, tài trợ những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, và tạo ra những chính sách thu người nhập cư tài năng và khuyến khích họ mở doanh nghiệp mới, chẳng hạn như các công ty năng lượng có thể tái tạo. Mô hình cần học tập là Na Uy; nước này đã tận dụng nguồn lợi khổng lồ từ dầu hỏa để tạo ngân quỹ cho một nhà nước cấp tiến và khởi động ngành năng lượng có thể tái tạo. Cách tiếp cận như vậy cũng mang tính chất rất Alaska, phù hợp với hiến pháp tiểu bang quy định rằng Alaska “khuyến khích định cư trên đất đai của mình và phát triển các tài nguyên bằng cách khai thác chúng cho mục đích sử dụng tối đa phù hợp với lợi ích người dân”.

Bắc Cực tạo ra một cơ hội phi thường để viết lại các luật chơi về phát triển một nền kinh tế mới trỗi dậy. Nhưng bây giờ chính là để bắt đầu làm điều đó, trước khi một sự cố tràn dầu tương tự như sự cố Deepwater Horizon làm hoen ố hình ảnh Bắc Cực và vẻ hấp dẫn của nó. Do Bắc Cực nóng dần lên với tốc độ nhanh hơn nhiều người tiên đoán, câu hỏi không còn là liệu lớp băng biển mùa hè có biến mất hay không và liệu vùng này có mở ra cơ hội phát triển rộng khắp hay không, mà là khi nào điều đó sẽ xảy ra. Nếu được quản lý đúng cách, Bắc Cực có thể vừa là một môi trường được bảo vệ kỹ càng vừa là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng – với những lợi ích lớn lao cho cả người ngoài lẫn cư dân ở phần bất động sản có vị thế đắt giá này.

Nguồn: Scott G. Borgerson, The Coming Arctic Boom, Foreign Affairs, July/August 2013

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 26/6 và 3/7/2013.)

6 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.