Rủi ro quanh ta: Những điều chưa biết

Tạp nhạp

risk_signBạn hoảng sợ vì lượng thuốc trừ sâu nhân tạo có thể còn sót lại trong thức ăn của bạn? Nếu quả vậy, bạn thử xem xét điều này: khi một nhà sinh vật học nổi tiếng bỏ thêm một hóa chất thường có trong tự nhiên vào một bữa ăn bình thường, ông ta phát hiện rằng chúng ta ăn phải lượng thuốc trừ sâu tự nhiên nhiều gấp 10.000 lần so với loại thuốc trừ sâu nhân tạo. (Ông nhấn mạnh rằng chẳng việc gì phải lo ngại với cả hai loại đó cả.) Bạn có lo ngại mình bị nhiễm vi trùng từ một bệnh viện? Trên thực tế bạn dễ bị dính vi trùng từ tiền trong túi của bạn. Khoảng 1/10 tiền đồng và gần một nửa tiền giấy có mang các vi khuẩn gây bệnh.

Đó chỉ mới là vài ví dụ về phân tích rủi ro, một ngành học đã nổi bật trong 15 năm qua khi máy điện toán và các kỹ thuật đo lường cực nhạy đã giúp cho công việc tính toán các con số cho xác suất đạt độ chính xác cao. Cách chúng ta lý giải những con số này đang ảnh hưởng cách sống của chúng ta cũng như cách xã hội phân bổ những nguồn lực hạn chế.

Hàng ngày mỗi người chúng ta có hàng trăm lần đánh giá rủi ro. Chúng ta phải lái xe nhanh đến mức nào nếu chúng ta bị trễ hẹn? Dùng thuốc bổ vitamin có đáng đồng tiền bát gạo hay không? Ta có nên mua cổ phiếu hay trái phiếu hay không?

Đối với nhiều người, lái xe là điều nguy hiểm nhất trong một ngày của họ. Để phân tích những rủi ro kiểu này, Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia của Mỹ đã lập một hồ sơ dữ liệu xử lý bằng máy điện toán về hơn một triệu trường hợp tử vong trên xa lộ. Hồ sơ này ghi nhận các chi tiết từ tốc độ và loại xe cho đến thời gian trong ngày xảy ra tai nạn cùng với tuổi và giới tính của nạn nhân. Một vài phát hiện từ hồ sơ này: trong một vụ tai nạn hai xe đụng nhau và nếu bạn đang lái một chiếc xe nhỏ đụng vào một chiếc xe lớn, nguy cơ tử vong của bạn sẽ cao hơn gấp 17 lần. Buộc dây an toàn sẽ làm giảm đến 42% nguy cơ tài xế bị chết trong một tai nạn.

Các nghiên cứu dịch tễ học cũng cho thấy mối liên hệ giữa một số hoạt động – chẳng hạn như hút thuốc – với tỉ lệ tử vong cao hơn. Một số nhà khoa học hiện nay cho biết rằng số liệu thống kê cho thấy một điếu thuốc làm giảm thọ bảy phút.

Những con số khác còn đáng lo hơn. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu phát hiện rằng thất nghiệp có thể là một “nghề” thậm chí còn nguy hiểm hơn cả nghề leo cao để sửa gác chuông. Bị thất nghiệp được xếp hạng nguy hiểm tương đương với việc hút 10 điếu thuốc mỗi ngày vì có nguy cơ cao dễ tự sát, bị bệnh xơ gan do uống rượu, và những chứng bệnh khác có liên quan đến stress vốn là kết quả của tình trạng thất nghiệp. Nghèo cũng nguy hiểm. Sống trong một khu vực bần cùng của một thành phố Mỹ khiến cho tuổi thọ người ta giảm chừng 9 năm.

Trong khi những nhà dịch tễ học xác lập những mối tương liên đó, những nhà độc tố học kiểm nghiệm các chất sinh ung thư trên các sinh vật. Động vật được cho ăn rất nhiều một số hóa chất nào đó đã phát sinh các khối u. Những phát hiện này đã được suy diễn cho con người – cho đến nay người ta vẫn còn tranh cãi gay gắt về khả năng áp dụng những kết quả kiểm nghiệm này đối với con người.

Trước thập niên 1970, các nhà khoa học chỉ xem xét một hóa chất là chất sinh ung thư hay chất biến đổi gen mà thôi. Hồi đó chỉ có một số hóa chất dường như là gây ung thư. Hiện nay, hai phần ba các hóa chất bị nghi ngờ là gây ung thư (hơn 800 hóa chất đã được kiểm nghiệm cho đến nay) đã được phát hiện là gây ra hoặc làm tăng trưởng các khối u ở động vật gặm nhấm. Tuy nhiên vẫn còn hơn 70.000 hóa chất tổng hợp chưa được kiểm nghiệm. Các chất gây ung thư có hiệu lực rất khác nhau, vì thế vấn đề hiện nay không chỉ là xác định thuộc loại hóa chất nào, mà còn là hàm lượng bao nhiêu.

Phức tạp hóa những kết quả này là những bước nhảy vọt của nhân loại trong việc phân tích hóa học định lượng. Hiện nay, các nhà khoa học có thể đo được những lượng bằng 1 phần quadrillion (1 quadrillion = 1.000.000.000.000.000). Như vậy một chất phụ gia trong thực phẩm chế biến có thể được phát hiện có chứa 1 phần quadrillion của một hợp chất được biết là gây khối u ở chuột khi được dùng với liều lượng lớn. Theo Điều Luật Delaney được Quốc Hội Mỹ thông qua vào năm 1958, hợp chất đó không được bỏ thêm vào thực phẩm – mặc dù không ai có thể chứng minh được rằng nó có thể gây ung thư ở người. Điều Luật Delaney cấm sử dụng bất cứ chất phụ gia trong thực phẩm chế biến nào gây khối u trong các động vật thí nghiệm với bất cứ liều lượng nào.

Điều luật này quên mất một điều: toàn bộ cuộc sống là một rủi ro. Ví dụ, bạn hãy hít một hơi thật sâu và giữ lại. Có thể bạn đã hít vào những phân tử của những độc tố nguy hiểm nhất trên trái đất (mặc dù với mức rất thấp): dioxin, radon, benzene, formaldehyde. Với những ý định hoàn toàn loại trừ rủi ro, Điều Luật Delaney đáng tiếc là lạc hậu so với những gì chúng ta hiểu biết hiện nay.

Năm 1980, các nhà tâm lý học đã yêu cầu ba nhóm công dân bình thường đánh giá xếp hạng 30 hoạt động, hóa chất và công nghệ theo rủi ro; sau đó họ so sánh những kết quả đó với phần đánh giá xếp hạng do một nhóm chuyên gia thực hiện. Ở một vài điểm, các công dân bình thường và các chuyên gia đồng ý với nhau, chẳng hạn như về rủi ro của những loại xe có động cơ – các chuyên gia xếp hạng số 1, một trong ba nhóm công dân xếp hạng số 2. Nhưng ở những điểm khác có nhiều sự khác biệt: hai nhóm công dân xem năng lượng hạt nhân là rủi ro số 1 của họ, trong khi các chuyên gia xếp nó ở hạng số 20. Các chuyên gia xếp tia X ở hạng số 7, trong khi một nhóm công dân xếp ở hạng 22. Các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: thế thì điều gì ảnh hưởng đến cách công chúng cảm nhận về rủi ro?

Họ phát hiện công chúng có phản hồi khác nhau đối với những rủi ro tự nguyện và không tự nguyện. Người ta có thể chịu đựng những rủi ro lớn hơn nhiều nếu đó chính là việc làm của chính mình, chẳng hạn như hút thuốc và leo núi. Nhưng nếu rủi ro là một điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của ta, chẳng hạn như thuốc trừ sâu trên thực phẩm hoặc chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân, ta phản đối kịch liệt dù cho mối đe dọa đó bé tí ti. Ta cũng có xu hướng thổi phồng xác suất của những cái chết thảm thương và ghê rợn chẳng hạn như do bão táp hay các thiên tai khác, và lại xem thường những rủi ro rất bình thường nhưng dễ gây tử vong hơn nhiều, chẳng hạn như những cơn đột quỵ và cơn đau tim. Công chúng thường đánh giá rủi ro của tai nạn và bệnh tật ở mức như nhau, mặc dù bệnh tật làm thiệt mạng nhiều hơn gấp 15 lần.

Trong khi hàng năm có biết bao người chết trên xa lộ và do những bệnh có liên quan đến hút thuốc, chỉ một vụ nổ máy bay phản lực với 300 hành khách thu hút được sự chú ý của báo chí nhiều hơn. Những cái chết ly kỳ ngoạn mục chiếm trang nhất; còn những cái chết bình thường nằm co mình trên trang cáo phó.

Cách chúng ta đánh giá rủi ro cũng phụ thuộc vào việc rủi ro có được xem là “tự nhiên” hay không. Chẳng hạn như làm vườn vào một ngày nắng đẹp có thể có nguy cơ bị ung thư da. Tuy nhiên người ta thường lưỡng lự trong việc sử dụng thuốc bôi để bảo vệ da vì ánh nắng mặt trời là “tự nhiên”.

Một ví dụ độc đáo về rủi ro bị cảm nhận sai lầm xảy ra vào năm 1989 khi chương trình “60 phút” của đài CBS News cáo buộc rằng hóa chất Alar khiến cho trẻ em có nguy cao bị ung thư. Alar được một số người trồng táo Mỹ dùng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích giữ cho táo không bị rụng sớm. Đứng trước một hình ảnh vẽ một trái táo lớn với một hộp sọ và hai cái xương bắt chéo, phóng viên Ed Bradley tường thuật rằng Alar là “tác nhân gây ung thư mạnh nhất trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta.”

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nước Mỹ hoảng loạn Một người mẹ hỏi nếu bà ta đổ nước táo xuống đường ống thoát nước thì có an toàn hay không hay bà phải mang nó đến bỏ vào chỗ chứa chất thải độc hại. Các trường học cấm canteen bán táo và những sản phẩm từ táo. Ngành sản xuất táo thiệt hại hơn 100 triệu  đô-la, và những người trồng táo sạt nghiệp.

Cơn hoảng loạn đó xuất phát từ những cuộc nghiên cứu gây nhiều tranh cãi, trong đó chuột phát sinh khối u khi tiếp xúc với lượng Alar gấp hàng trăm ngàn lần so với lượng mà trẻ em thường tiếp xúc. Uniroyal Chemical, hãng sản xuất Alar, rút mặt hàng này ra khỏi thị trường. Sau này, nhiều dợt xem xét độc lập cho thấy mối đe doạ này bé tí ti, nhưng cho đến lúc đó ý niệm về “chất Alar chết chóc” đã ăn sâu trong tâm trí của công chúng Mỹ, và chất này vẫn ngậm ngùi đứng ngoài thương trương.

Bruce Ames, một nhà sinh vật học phân tử thuộc Đại Học California ở Berkeley, đã phát hiện rằng vai trò của con người trong việc đưa những chất gây ung thư vào nguồn thực phẩm – dưới hình thức thuốc trừ sâu – là rất nhỏ so với những gì thiên nhiên làm. Tất cả các loại thực vật đều phát triển những kiểu phòng vệ bằng sinh hóa để chống lại những kẻ thù của chúng: nấm, côn trùng và động vật ăn cỏ. Những chất sinh hóa này đi vào dây chuyền thực phẩm. Rau sống, cần tây và củ cải đường chứa acid caffeic; đậu phộng, bắp và sữa có thể chứa độc tố gây mốc; trứng có thể chứa benzene.

Ung thư là nguy cơ mà người ta lo ngại nhất. Vào năm 1981, Văn phòng Thẩm định Công nghệ của Quốc Hội Mỹ giao cho hai nhà dịch tễ học Đại Học Oxford nhiệm vụ tổng kết những kiến thức đã biết về các nguyên nhân gây bệnh ung thư ở Mỹ. Họ phát hiện rằng 1/3 những cái chết vì ung thư là do hút thuốc gây nên, 1/3 rá6t có thể là do nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến chế độ ăn uống, và phần còn lại là chủ yếu là những kiểu chọn lựa lối sống khác. Các chất sinh ung thư có trong môi trường có thể chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ của tất cả những trường hợp ung thư.

Những kết quả như thế đã khiến cho một số nhà khoa học lập luận rằng một số chương trình của chính phủ Mỹ là tương đương với kiểu “án mạng theo số liệu thống kê” vì chúng đã dành những nguồn tài lực vốn rất hạn hẹp để phòng ngừa những rủi ro không đáng kể. Chẳng hạn như Superfund (Siêu quỹ) chi tiêu 1,5 tỉ  đô-la mỗi năm vào việc dọn sạch những chỗ chứa chất thải độc hại chỉ để ngăn chặn ước chừng 25 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Ngược lại, chính phủ Mỹ năm ngoái chỉ chi tiêu 313 triệu  đô-la để chống lại bệnh ung thư vú, căn bệnh giết chết hơn 40.000 phụ nữ hàng năm.

Nhân loại cũng đang nhận thấy rằng giảm rủi ro trong một lĩnh vực có thể làm tăng rủi ro trong một lĩnh vực khác. John Graham, giáo sư về khoa học hoạch định chính sách và ra quyết định tại Trường Y tế Harvard, đưa ra ví dụ về hiệu năng sử dụng nhiên liệu của xe hơi. Nếu chính phủ bắt buộc những chiếc xe mới phải tăng mức trung bình của số dặm đường chạy được cho mỗi gallon xăng từ 27,5 lên đến 40, nhờ đó sẽ giảm rủi ro từ ô nhiễm không khí, các nhà sản xuất có thể buộc phải chế tạo những chiếc xe nhỏ hơn. Graham tính toán rằng những chiếc xe kém an toàn hơn này có thể làm mất hoàn toàn những lợi ích an toàn có được nhờ công nghệ túi khí.

Những vấn đề này càng trở nên lý thú hơn khi áp dụng cho những rủi ro có tỉ lệ xảy ra rất nhỏ nhưng lại có thể gây tác động rất lớn. Vào năm 1994, hai nhà khoa học tính toán rằng nếu bạn sống trong 65 năm tới, xác suất mà bạn có thể chết vì một tiểu hành tinh hay sao chổi đụng vào trái đất là 1/20.000. Để dễ hiểu điều này hơn, ta thử xem xét: xác suất có bốn con ách trong một tay bài 5 lá là 1/50.000.

Điều chính yếu mà ta cần phải nhớ là tuổi thọ của con người đang tăng dần, nhờ vào những loại thuốc men tốt hơn, chế độ ăn uống tốt hơn và cách quản lý rủi ro tốt hơn trong cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống tập thể của chúng ta. Phải chăng điều đó có nghĩa là chẳng có gì bất ổn nếu ta thêm một ít bơ vào miếng bánh xốp vào bữa điểm tâm sáng mai? Có thể không. Bạn vẫn phải coi chừng lượng cholesterol của bạn. Ta có nên mất ngủ vì lo sợ bị một thiên thạch rơi trúng đầu? Việc gì phải lo. Không chừng bạn lại có nhiều cơ may trúng số.

(Lược dịch từ Reader’s Digest, 8/1996. Bài đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay khoảng năm 1996.)

One thought on “Rủi ro quanh ta: Những điều chưa biết

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.