Vòi bạch tuộc của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc

Chuyện xứ lạ, Làm giàu

China_superbankLời giới thiệu: Bành trướng toàn cầu là giấc mơ bao đời nay của Trung Quốc, và gần đây được che giấu bằng nhiều mỹ từ như “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise, 和平崛起, hòa bình quật khởi) thời Hồ Cẩm Đào, hay tuyên bố của lãnh tụ mới lên ngôi Tập Cận Bình về “giấc mơ đại phục hưng của dân tộc Trung Hoa”. Trong mấy thập niên qua, thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), nhà nước Trung Quốc cụ thể hóa giấc mộng bá quyền bằng cách dùng đồng tiền thu phục chính phủ và thâu tóm thị trường ở nhiều nước, ví như gần đây cam kết cho Châu Phi vay 20 tỉ Mỹ kim.  Dù có thể có các điều khoản khác nhau, những khoản cho vay như vậy luôn có một điểm chung: bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc và ràng buộc chính quyền sở tại trao phần lớn hợp đồng thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho các công ty Trung Quốc. Hai ký giả Henry Sanderson và Michael Forsythe của hãng tin Bloomberg đã dày công nghiên cứu về CDB để viết nên cuốn “China’s Superbank: Debt, Oil and Influence — How China Development Bank Is Rewriting the Rules of Finance“, xuất bản hồi tháng 12/2012. Chúng tôi xin trích dịch “Lời nói đầu” của cuốn sách này.

Lời nói đầu của cuốn “Siêu ngân hàng của Trung Quốc: Nợ, Dầu, và Ảnh hưởng — Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang soạn lại các quy luật tài chính như thế nào”

Henry Sanderson và Michael Forsythe

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch & chú giải

Hugo Chávez, lộng lẫy trong bộ quân phục ủi láng bóng và diện đôi bốt thắt dây đỏ, tiếp một vị khách rất đặc biệt. Gặp ông vào cái ngày trung tuần tháng 9/2011 ở Caracas là ông trùm ngân hàng uy quyền nhất thế giới. Ngân hàng đó đã cho chính quyền của Chávez vay ít nhất 40 tỉ Mỹ kim trong vòng bốn năm từ 2008 tới 2012, tức khoảng 1.400 Mỹ kim cho mỗi người dân Venezuela, bất kể nam phụ lão ấu.

Vị khách có vẻ lom khom và trông già hơn độ tuổi 66, vừa uống trà cúc vừa nhìn chăm chú Chávez ngồi phía đối diện, đầu cạo nhẵn thín do chữa bệnh bằng liệu pháp hóa trị. Vị khách trao cho tổng thống Venezuela một cuốn sách dày 600 trang đầy những khuyến nghị tư vấn cho Chávez cách điều hành, quản lý, và xây dựng cảng, đường bộ và đường sắt.

Thời buổi này, ngân hàng nào lại có thể cho một trong những chế độ nhiều rủi ro nhất thế giới, một đất nước với lịch sử hai thế kỷ vỡ nợ tín dụng, vay quá nhiều như vậy, rồi lại chỉ bảo con nợ cách tiêu xài tiền vay?

Không phải Goldman Sachs. Ông chủ ngân hàng của Chávez có những mối quan hệ với chính quyền mà cái định chế lừng lẫy ở New York, nơi nuôi dưỡng tài năng của các vị cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson và Robert Rubin, có nằm mơ cũng không thấy. Người ngồi đối diện với Chávez thuộc hàng trâm anh thế phiệt của Trung Quốc. Cha của ông [Trần Vân] là một trong những nhà lập quốc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Công ty của ông là ngân hàng cấp vốn cho cả tập đoàn Trung Quốc.

Không phải Ngân hàng Thế giới. Cái định chế có trụ sở ở Washington và ra đời nhờ ảnh hưởng của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai [1] có tổng tài sản cho vay chỉ bằng một phần nhỏ quy mô công ty của vị khách này, ngân hàng chính sách lớn nhất thế giới. Ngân hàng Trung Quốc chủ nợ của Chávez cũng có quyền hãnh diện hơn Ngân hàng Thế giới, vì đã góp sức tạo nên chương trình xóa đói giảm nghèo có thể nói là thành công nhất trong lịch sử; chương trình đó đã giúp hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc tiến lên thành dân thành thị trung lưu. Ngân hàng đó đã đổ hàng tỉ Mỹ kim vào Châu Phi, kích thích hàng xuất khẩu của Ethiopia và hồi sinh mạng lưới đường sắt của Ghana sau nhiều thập niên bị bỏ bê.

Không phải Quỹ Dự trữ Liên bang của Mỹ. Quỹ Dự trữ Liên bang có thể có trong tay hàng ngàn tỉ Mỹ kim, và có thể đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế sau đợt sụp đổ tài chính năm 2008. Nhưng xét về mặt thành tựu, ngân hàng chủ nợ của Chávez có thể nói đã có bảng thành tích còn ấn tượng hơn. Ngân hàng đó đã xây dựng một hệ thống để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương được ghi nhận là đã giúp Trung Quốc vững tay lèo lái qua được trận bão khủng hoảng tài chính toàn cầu trong khi Mỹ và Châu Âu trượt ngã.

Hugo Chávez và Trần Nguyên
Hugo Chávez và Trần Nguyên

Vị khách của Chávez là Trần Nguyên, chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank – CDB) [2] và là ông chủ ngân hàng uy quyền nhất thế giới. Không ai mua được cổ phần của CDB: ngân hàng này do chính phủ Trung Quốc sở hữu toàn bộ. Nhưng ta sẽ sai lầm nếu gọi đó là một cơ quan hành chính ngoan ngoãn phục tùng nhà nước. Đó là một ngân hàng, với tỉ lệ nợ xấu thấp nhất trong số những tổ chức tín dụng lớn của Trung Quốc, và nổi tiếng về những lần đàm phán không khoan nhượng với khách hàng nội địa lẫn ngoại quốc. Tuy những nước có lợi tức quốc dân từ thấp tới trung bình khác có những ngân hàng phát triển giúp cấp vốn cho các công ty nội địa của họ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để bắt kịp những cường quốc đã phát triển, quy mô của CDB và lượng tiền ngân hàng này có thể cho vay khiến định chế này trở thành một quái thú khác hẳn.

Nhưng ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới? Đúng vậy. Ta thử cùng nhau điểm qua các ví dụ minh chứng.

Minh họa 1: Trung Quốc. CDB đã soạn cẩm nang cho thời kỳ bùng nổ kinh tế và đô thị hóa lớn nhất trong lịch sử, đi tiên phong về một hệ thống cấp vốn cho các công ty được nhà nước bảo đảm, với tổng số tiền cho vay hơn 2 ngàn tỉ Mỹ kim trên toàn Trung Quốc để xây dựng đường sá, cầu, tàu điện ngầm, và sân vận động, và về sau được dùng để kích thích tăng trưởng khi nền kinh tế thế giới kiệt quệ vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. CDB đã thiết lập hệ thống tài trợ chìa khóa trao tay, bắt đầu từ năm 1998 ở tỉnh An Huy. Với hệ thống này, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gần như không bị va vấp trong khi Mỹ lâm vào đợt suy thoái kinh tế nặng nề nhất kể từ sau thời kỳ Đại Khủng hoảng. Cao Kiện, phó chủ tịch CDB mới về hưu gần đây, được xem là cha đẻ của thị trường trái phiếu Trung Quốc. Có năm CDB đã bán nhiều trái phiếu hơn Bộ Tài chính Trung Quốc. Điều này cho thấy CDB dễ dàng tiếp cận được những khoản tiền khổng lồ trong hệ thống tài chính Trung Quốc. [3]

Minh họa 2: Châu Phi. Số tiền cho vay của CDB đang bắt đầu vượt qua số tiền cho vay của Ngân Hàng Thế giới và những tổ chức quốc tế khác, tập trung vào xây dựng công nghiệp và cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp của quá trình tăng trưởng của Châu Phi và tận dụng những khách hàng lớn nhất của mình (các công ty quốc doanh hàng đầu của Trung Quốc) để thực hiện phần lớn công việc này. Tuy phần lớn hoạt động cho vay của Trung Quốc ở Châu Phi tập trung vào việc khai thác dầu và kim loại để giải cơn khát nguyên liệu khó lòng thỏa mãn được của Trung Quốc (một phần là nhờ nguồn vốn vay của CDB tài trợ cho công cuộc đô thị hóa của Trung Quốc), nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Quỹ Phát triển Trung-Phi, bộ phận chuyên về vốn cổ phần tư nhân (private equity) [4] của ngân hàng này, đang kích thích ngành sản xuất công nghiệp của lục địa đen trong khi chi phí lao động tăng lên ở Trung Quốc, giúp biến đổi Ethiopia thành một nước xuất khẩu da thuộc và giúp các công ty Trung Quốc như Chery Automobile mở nhà máy. Ở Ghana, CDB đang cấp vốn xây dựng đường bộ, đường sắt và một mạng lưới đầu mối và đường ống dẫn dầu với tổng số tiền cho vay 3 tỉ Mỹ kim, lớn nhất trong lịch sử nước này, và bảo đảm rằng các công ty Trung Quốc sẽ thắng thầu phần lớn các hợp đồng. Khoản cho vay này quy định rằng 60% số tiền phải dành cho các công ty Trung Quốc dưới dạng các hợp đồng. [5]

Minh họa 3: Châu Mỹ La tinh. Số tiền vay khổng lồ, vô tiền khoáng hậu của CDB dành cho chính quyền Chávez đã giúp các công ty dầu quốc doanh của Trung Quốc chắc chắn tiếp cận được nguồn cung cấp dài hạn trong thị trường dầu toàn cầu lắm cạnh tranh trong khi nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng lên. Tập đoàn Trung Quốc Trung Tín (Citic Group), công ty đầu tư quốc doanh lớn nhất Trung Quốc và là khách hàng của CDB, đã cung cấp đường sắt và những khu nhà ở. Một khách hàng khác của CDB, đại tập đoàn quốc doanh Thủy điện Trung Quốc (Sinohydro Group), xây các nhà máy điện.

Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng hưởng lợi. Người đại diện cho Trần Nguyên để tiếp xúc với  Venezuela là Lưu Khắc Cố, một người mảnh khảnh, tóc húi cua và có giọng nói oang oang như một hạ sĩ quan thủy quân lục chiến. Chávez thân mật gọi ông là “người anh em”. Cách đây một thập niên, họ Lưu phục vụ dưới trướng Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã bị thất sủng và đang chờ bị xét xử về vai trò của ông trong vụ vợ ông sát hại một doanh nhân người Anh. Phe đối lập Venezuela lo ngại rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đang xâm hại chủ quyền quốc gia và đang lôi đất nước vào một liên minh lệ thuộc đầy rủi ro. Những ông kẹ của chủ nghĩa đế quốc Mỹ trong thế kỷ 20 thường là các công ty Mỹ như ExxonMobil. Phải chăng CDB đang đảm trách vai trò đó cho Trung Quốc?

Minh họa 4: Năng lượng sạch và Viễn thông. CDB đã cấp hạn mức tín dụng hơn 92,4 tỉ Mỹ kim cho các công ty hàng đầu của Trung Quốc về năng lượng gió, năng lượng mặt trời và viễn thông. Những công ty này đã dùng nguồn vốn này để đánh bại các đối thủ cạnh tranh toàn cầu, giành được các khoản vay vì các chủ nợ biết những công ty này có sự hậu thuẫn của ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới. Công ty Kỹ thuật Hoa Vi (Huawei Technologies), công ty được cấp hạn mức tín dụng nhiều nhất, đã tự biến mình thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì thế giới trong thập niên qua, dùng khoản tín dụng của CDB để giúp những nhà phân phối của mình ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi, Châu Á, và Châu Âu mua thiết bị của mình. Năm 2009, hãng América Móvil có trụ sở ở Mexico City, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Châu Mỹ La tinh, tìm nguồn vốn 1 tỉ Mỹ kim để nâng cấp mạng di động của mình – và đã chọn CDB. Những công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc tiếp tục tăng sản lượng dù lỗ chồng chất, được hậu thuẫn bằng các khoản tín dụng của CDB lớn hơn nhiều so với những khoản vay mà chính phủ Mỹ dành cho công ty nay đã phá sản Solyndra LLC (đã trở thành một vấn đề nổi cộm trong kỳ tranh cử tổng thống năm 2012). Những khoản cho vay của CDB đang giúp Trung Quốc thống lĩnh một ngành công nghiệp của tương lai và góp phần đẩy các công ty Mỹ và Châu Âu vào tình cảnh vỡ nợ. Nhiều công ty Trung Quốc có lượng nợ và những khoản lỗ hàng quý mà lẽ ra cũng đẩy họ tới chỗ phá sản nếu như không có những khoản tiền cho vay của CDB và, như trong một trường hợp, sự bảo lãnh giải cứu của chính quyền địa phương. Hoạt động tài trợ vốn của CDB đã góp phần khiến Mỹ và Liên hiệp Châu Âu đâm đơn kiện Trung Quốc về mậu dịch.

***

Trong vòng một thập niên, CDB đã trở thành nguồn tài chính tạo điều kiện cho sự bành trướng toàn cầu và sự bùng nổ kinh tế nội địa của Trung Quốc. Cuốn sách này cố gắng lý giải tầm quan trọng đó. Đây là cuốn sách về ngân hàng đó.

Nhưng đây không phải là cuốn sách về một ngân hàng bình thường nào đó.

Đây là cuốn sách về Trung Quốc. Việc Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường quốc kinh tế toàn cầu và thành công của những công ty hàng đầu Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp với CDB. Từ năm 1998, ngân hàng này nằm dưới sự điều hành của Trần Nguyên, con trai của Trần Vân, một trong “bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. [6] Hiểu được CDB là ta hiểu được cốt lõi của chủ nghĩa tư bản quốc doanh của Trung Quốc, một hệ thống các ngân hàng và công ty do chính phủ kiểm soát mà nhiều nước đang phát triển xem như là mô hình thay thế cho một hệ thống chú trọng tới thị trường tự do hơn.

Một vài chủ đề căn bản định hình cuốn sách này và ngân hàng này. Giống như các ngân hàng phát triển khác trong lịch sử, CDB đã giúp kiến tạo thị trường và cấp vốn ở những nơi các ngân hàng khác không muốn cho vay, tạo điều kiện để Trung Quốc bắt kịp về phát triển kinh tế bất chấp một hệ thống tài chính lạc hậu. Ngân hàng này tin ở việc kết hợp những chức năng của thị trường với các ưu tiên chiến lược của chính phủ. Điều này có thể thấy qua những nỗ lực của ngân hàng trong việc giúp các chính quyền địa phương thành lập các công ty để huy động vốn, và qua quá trình tiến triển của đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, từ một công trình mà phần lớn các ngân hàng Trung Quốc và ngân hàng quốc tế không chịu cho vay, tới một công ty vào năm 2011 bán được trái phiếu và mua cổ phần của EDP (Energias de Portugal), công ty điện lực lớn nhất Bồ Đào Nha. Thứ hai là niềm tin của Trần Nguyên về sự đô thị hóa. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ chưa từng thấy trước đây, từ những xa lộ nối liền các tỉnh miền núi, tới hàng trăm sân bay mới, cũng như các dự án công chánh đồ sộ như đường ống dẫn khí đốt đông-tây và công trình Nam Thủy Bắc Điều đưa nước từ miền nam về miền bắc khô cằn. Cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu cần có nguồn vốn dài hạn mà trong nhiều trường hợp CDB đã biết cách bảo đảm bằng tiền bán đất; mô hình [bảo đảm vốn vay] này về sau được ngân hàng này sử dụng với việc bán dầu ở Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Ngân hàng này tự hào về việc phối hợp chặt chẽ với người đi vay để cải thiện khả năng trả nợ của họ, giúp ngân hàng có thể cho vay đối với những nước mà phương Tây xem là quá rủi ro bằng cách chọn những dự án chắc chắn sẽ có lãi. Trong nhiều trường hợp, vốn vay đi thẳng vào những nhà thầu Trung Quốc và không có sự can dự của chính quyền sở tại. Cuối cùng, nhờ những số tiền khổng lồ CDB có thể huy động từ thị trường trái phiếu Trung Quốc, nơi lãi suất bị kiểm soát, CDB có thể cấp vốn dưới dạng vốn cổ phần hay vốn vay mà hiếm có ngân hàng nào sánh nổi.

Cuốn sách này phác họa sự vươn lên của CDB trên trường quốc tế. Do các ngân hàng Châu Âu và Mỹ đã phải chịu để chính phủ bảo lãnh cứu trợ và bị hạ mức xếp hạng tín dụng, trung tâm quyền lực tài chính của thế giới đã dịch chuyển. Hiện nay Trung Quốc, do CDB dẫn đầu, có nguồn vốn để cấp cho các nước đang phát triển ở Châu Phi và Châu Mỹ La tinh, hệt như các ngân hàng nước ngoài trong những năm 1980, cũng như ở các thị trường đã phát tiển của Châu Âu và Mỹ. Lượng vốn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài dự kiến sẽ đạt tới hàng trăm tỉ Mỹ kim trong thập niên này khi những ngành công nghiệp của họ hướng lên cao hơn trên bậc thang giá trị và nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu tiếp tục tăng lên.

Nguồn vốn cho vay quốc tế của ngân hàng này trong hầu hết các trường hợp được cấp với lãi suất thị trường và theo mô hình dùng dầu đổi lấy vốn vay mà các ngân hàng phương Tây như Standard Chartered đã đi tiên phong trong quá khứ. Nhưng chính khả năng của CDB trong việc cho vay dài hạn và nguồn vốn [khổng lồ] đã khiến ngân hàng này trở thành một đấu thủ quan trọng và khác hẳn, thay vì chỉ là một định chế “cho vay lãi suất thấp” như quan niệm thông thường. Cách thức CDB có thể gắn kết các nhà thầu Trung Quốc với những công ty dầu trong cùng một thương vụ cũng quan trọng và khác hẳn. Điều đó cũng đúng với những ngành từ viễn thông tới năng lượng có thể tái tạo. Những ngân hàng phát triển ở các nước đang phát triển khác đơn giản là không có được nguồn vốn với quy mô lớn như vậy. Việc CDB kết hợp giữa sự hậu thuẫn của chính phủ và các nguyên tắc kinh doanh dựa trên thị trường là một cách làm vô cùng hiệu quả.  Điều đó sẽ có tác động lâu bền tới khả năng của Trung Quốc trong việc tìm được nguồn cung cấp trong các thị trường nguyên liệu toàn cầu, và giúp các công ty Trung Quốc tăng trưởng bằng cách ràng buộc nguồn cho vốn vay bằng các hợp đồng thầu công trình.

Bối cảnh tài chính Trung Quốc vẫn do nhà nước thống lĩnh.  Trong khi các nhà kinh tế học phương Tây trước khủng hoảng tài chính đã tin rằng cách tốt nhất để đạt tới thịnh vượng là giảm mức độ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và để khu vực tư nhân tự do hoạt động, CDB và chủ tịch của mình đã trưởng thành trong một thế giới khác, ở đó không có thị trường, chẳng có cổ phiếu hay trái phiếu, và một khu vực tư nhân gần như không tồn tại. Từng có khan hiếm hàng hóa và thiếu cơ chế định giá. CDB về sau đã tiến tới chỗ tạo lập thị trường và nguồn vốn ở những nơi không có. Trong cùng thời kỳ CDB vươn lên thành ngân hàng chính sách lớn nhất thế giới, nhà nước Trung Quốc không chỉ giữ quyền sở hữu toàn bộ mà còn tiếp tục ấn định các lãi suất cho vay mà các ngân hàng phải dựa vào đó để cấp vốn vay. Tình hình cũng không khác gì trong các ngành dầu hỏa, điện lực, hay ngân hàng phục vụ doanh nghiệp, trong đó nhà nước đã nắm tỉ lệ sở hữu cổ phần có quyền kiểm soát ở những công ty lớn nhất nhằm xây dựng hơn 100 doanh nghiệp gọi là tập đoàn chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia. [7] Ký ức về thất bại của các thị trường tự do trên một quy mô rộng lớn và tốn kém hồi năm 2008 lại chẳng khuyến khích Trung Quốc giảm bớt tỉ lệ sở hữu của nhà nước trong hệ thống ngân hàng, ở cùng thời điểm mà các ngân hàng Trung Quốc bành trướng trên trường quốc tế. Khi CDB cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng phương Tây về cho vay toàn cầu ở các thị trường hải ngoại ở Hong Kong và những nơi khác, nhiều người sẽ phải quen với và chấp nhận một ngân hàng có tính cạnh tranh phục vụ cho những ước nguyện cả của nhà nước lẫn của thị trường.

Nhưng đây không phải là cuốn sách chỉ bàn về những thắng lợi của Trung Quốc. Câu chuyện thành công này cũng có mặt trái. Khuôn mẫu do CDB tạo nên cũng có những hậu quả tai hại tiềm tàng. Hệ thống cấp vốn cho chính quyền địa phương – dù đã thành công trong trong việc đẩy mạnh tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây – đã đưa hệ thống tài chính cho đến nay nhanh chóng thương mại hóa trở lại với thế kỷ 20, buộc hệ thống ngân hàng phải oằn lưng gồng gánh những khoản cho vay có thể trở thành nợ xấu từ hàng ngàn tỉ nhân dân tệ trong các công trình có giá trị kinh tế đáng ngờ, chẳng hạn như khu phức hợp sân vận động Olympic tại làng quê của nông dân Lý Lý Quang ở thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, nơi không hề được được tổ chức một trận thi đấu nào của sự kiện diễn ra bốn năm một lần, tới những tượng đồng các nữ chiến binh có cánh trên những cột trụ giả kiểu Corinthian canh gác một khu rừng ở biên giới Nga.

Hệ thống tài trợ vốn vay địa phương của CDB, theo nhận xét của nhà chính trị học Victor Shih, cũng là một “cỗ máy bất bình đẳng”, dựa vào việc bóc lột dân làng và nông dân nghèo để tạo doanh thu từ việc bán đất. Hệ thống đó đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người như nông dân Lý Lý Quang; anh đã mất đất khi bị giải tỏa và được đền bù không thỏa đáng trong công trình xây dựng sân vận động địa phương được nhà nước tài trợ. Hệ thống đó đã đẩy tình trạng bất bình đẳng lợi tức của Trung Quốc lên tới mức cao đến nỗi chính phủ phải ngừng công bố chỉ số bất bình đẳng lợi tức được công nhận toàn cầu. Đến cả một nhân vật quyền lực như cựu thủ tướng Chu Dung Cơ hồi tháng 4/2011, khi phát biểu ở Viện Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Bắc Kinh (cũng là ngôi trường đã đào tạo họ Chu và các lãnh tụ Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, và Trần Nguyên), đã nói: “Số tiền đó như cướp đoạt của nhân dân và đã đẩy giá đất lên quá cao”.

***

Cuốn sách này kết hợp việc tường thuật tin tức tại chỗ và những cuộc phỏng vấn từ khắp thế giới với việc phân tích số liệu từ những cáo bạch phát hành trái phiếu của Trung Quốc để kể chuyện về ngân hàng hùng mạnh nhất thế giới. Ngân hàng này là một đối tượng nghiên cứu khó nhằn vì thiếu minh bạch, một trong những mối quan ngại chính về vai trò thống lĩnh ngày càng tăng của định chế này trên toàn cầu. CDB thường làm việc với các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài và các ngân hàng nước ngoài, nhưng lại không muốn trả lời câu hỏi: Dù có các báo cáo hàng năm về thành tích và mức độ ổn định bền vững, ngân hàng này chính thức không có ban quan hệ công chúng. Vì vậy có những lúc chúng tôi đành bắt chước phương pháp của Mao tiên sinh: dùng các chiến thuật du kích để tiếp cận thông tin.

Cả hai chúng tôi đều là ký giả có thẻ hành nghề ở Bắc Kinh và biết nói tiếng Trung. Nhờ đó, chúng tôi được dự các hội nghị và sự kiện chính trị, trong đó có kỳ họp thường niên vào tháng Ba hàng năm của cơ quan lập pháp Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ở Đại hội đường Nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn. Các quan chức CDB tham dự kỳ họp này là mục tiêu chính. Tại đó, chúng tôi thực hiện những cuộc phỏng vấn đột xuất, không chuẩn bị trước. Đôi khi, như trong trường hợp Lưu Khắc Cố, chúng tôi xin hẹn được những cuộc gặp nói chuyện lâu hơn, bàn về đủ thứ từ Venezuela tới nguồn gốc của việc tài trợ vốn cho chính quyền địa phương. Bắc Kinh chắc hẳn có nhiều hội nghị hơn bất cứ thành phố nào ngoại trừ Las Vegas, và khi các quan chức CDB xuất hiện, chúng tôi có mặt ở đó.

Và Trần Nguyên có rất nhiều người quen trên khắp thế giới. Nhiều người trong số họ, ví dụ như Jacob Frankel của J.P. Morgan, rất sẵn lòng nói chuyện với chúng tôi; những cựu nhân viên của CDB cũng vậy, họ chân thành kể về thời gian họ làm việc ở ngân hàng. Giới nghiên cứu, trong đó có Erica Downs thuộc Viện Brookings ở Washington, cũng đang bắt đầu chú trọng tới CDB. Chúng tôi đã lấy rất nhiều thông tin từ nghiên cứu của bà về các chương trình cho vay đổi dầu của CDB.

Chúng tôi đã làm những việc này trong khi vẫn tiếp tục thực hiện những tác nghiệp thường nhật của mình, nhằm lồng chuyện làm báo hàng ngày vào công trình viết sách của chúng tôi. Chuyện đó không dễ dàng, nhưng rất đáng công, vì khi chúng tôi nói CDB là ngân hàng có thế lực nhất thế giới, chúng tôi nói nghiêm túc. Nếu muốn hiểu Trung Quốc ở cả quốc nội lẫn tầm ảnh hưởng họ đang có đối với thế giới, ta nên bắt đầu bằng cách tìm hiểu Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Chúng tôi sắp xếp cuốn sách thành sáu chương.

Chương 1 khảo sát sáng kiến làm nên tên tuổi CDB: hệ thống tài trợ vốn cho chính quyền địa phương đã biến đổi bức tranh toàn cảnh của Trung Quốc trong chỉ hơn một thập niên, bơm hàng ngàn tỉ nhân dân tệ vào những công trình đa dạng, từ  hệ thống xa lộ mới nhất thế giới tới phiên bản Mahattan của Trung Quốc, một thành phố hoàn chỉnh với Trung tâm Lincohn và Tháp Đôi sừng sững trên bờ Vịnh Bột Hải. Bắt đầu ở thành phố Vu Hồ trên bờ sông Dương Tử vào năm 1998, giới lãnh đạo ngân hàng CDB nghĩ ra một cách để huy động nguồn tiền tiết kiệm gia đình của Trung Quốc để tạo nguồn vốn cho mô hình này, và khai thác lợi thế của giá ngày càng tăng của đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Nguồn vốn rót xuống các thành phố đã bùng nổ đô thị hóa khi hàng triệu người từ nông thôn đổ về thành thị. GDP của Trung Quốc tăng vọt nhờ đầu tư và năng suất cao hơn (do những khoản đầu tư đó). Đến năm 2008, hệ thống này đã áp dụng toàn quốc và chiếm tỉ lệ lớn trong hơn 4 ngàn tỉ nhân dân tệ của nguồn ngân quỹ kích cầu và lượng vốn cho vay mới; số tiền đó đã giúp Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng của mình qua thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chương 2 khắc họa chân chung Trần Nguyên, chủ tịch CDB từ năm 1998. Trần Nguyên đóng vai trò quyết định trong việc tái khẳng định vị thế của đảng trong nền kinh tế Trung Quốc bằng những khoản cho vay đối với các công ty quốc doanh và những công ty thành công nhất Trung Quốc. Trần Nguyên là con trai của một trong những người sáng lập Trung Cộng. Lý lịch dòng dõi cách mạng đưa họ Trần vào nhóm thái tử đảng – tức con cái của những người đã thống nhất Trung Quốc dưới trướng đảng cộng sản năm 1949 –  thuộc tầng lớp lãnh đạo có vai vế, trong đó có những người như lãnh tụ sắp nhậm chức Tập Cận Bình [8] và cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai. Học kinh tế trong thập niên 1980 khi Trung Quốc đang sa vào những cuộc tranh luận nảy lửa về cách tốt nhất để cải cách cơ chế kiểu Liên Xô đang suy kiệt của mình sau nhiều thập niên đói nghèo, ông bắt đầu hình thành những quan điểm độc nhất vô nhị cổ xúy cho việc nhà nước đóng vai trò lớn cùng lúc với khi thị trường mở rộng. Lên nắm quyền ở CDB, ông tạo nên lý thuyết tài chính phát triển để hướng dẫn hoạt động của ngân hàng, quyết tâm để CDB vừa kinh doanh có lãi vừa phục vụ những mục tiêu của nhà nước. Ông đã giảm được tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này từ hơn 40 phần trăm xuống thấp hơn 1 phần trăm trong vòng một thập niên, và biến CDB thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất.

Chương 3 bàn về Quỹ Phát triển Trung-Phi của CDB, quỹ vốn cổ phần tư nhân (private equity) lớn nhất của Trung Quốc đầu tư ở Châu Phi, và những nỗ lực của nó trong việc kích thích hoạt động sản xuất công nghiệp ở Ethiopia cũng như việc CDB cho Ghana vay ngay sau khi nước này khám phá ra dầu lần đầu tiên. Chúng tôi đã đến những nhà máy sản xuất da thuộc, giày, và kính ở Addis Ababa, biết được những câu chuyện có thành có bại về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc gầy dựng những công trình sản xuất công nghiệp trên lục địa này. Mạng lưới giao thông vận tải yếu kém của Châu Phi đã gây nhiều trở ngại cho một nhà máy kính có nguồn vốn của CDB. Thế nhưng một công ty quốc doanh Trung Quốc đang giúp xây dựng tuyến đường sắt tới cảng gần nhất ở Djibouti trên Hồng Hải mà hứa hẹn sẽ làm xuất khẩu tăng vọt. Trung Quốc đang hồi sinh cách tiếp cận tài chính phát triển chú trọng vào cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghiệp tạo ra việc làm trên khắp lục địa này, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế sau nhiều thập niên chiến tranh, cai trị kiểu bòn rút quốc dân, cùng với những triết lý và chương trình phát triển quốc tế thất bại.

Chương 4 tập trung vào công lao của CDB trong việc bảo đảm nguồn cung cấp dầu khí ổn định cho Trung Quốc thông qua những thỏa thuận đổi vốn vay để lấy năng lượng trên khắp thế giới. CDB đặc biệt chú trọng tới Venezuela, nơi nhận được gần phân nửa trong số những khoản cho vay kiểu này. Mục tiêu: Hỗ trợ sứ mệnh của nhà nước muốn bảo đảm tiếp cận nguồn cung cấp dầu ổn định để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế ngày càng tăng. Ở Venezuela, nước đã qua mặt Saudi Arabia vào năm 2011 để trở thành quốc gia có trữ lượng dầu đã được khẳng định lớn nhất thế giới. Trung Quốc lợi đơn lợi kép: bảo đảm nguồn cung dầu bằng những khoản cho vay của mình, rồi giành được hợp đồng cho các công ty quốc doanh của mình từ chính phủ Venezuela. Trên khắp thế giới, CDB cò kè mặc cả, đấu trí bao năm trời với những nhà đàm phán Nga về một thương vụ dầu và đường ống dẫn dần trị giá 25 tỉ Mỹ kim và thuê nhiều luật sư quốc tế từ các hãng luật như White & Case ở New York và Hogan Lovells ở Washington. Xét về mọi phương diện, đó là một mô hình có công hiệu, giúp Trung Quốc bành trướng sự hiện diện tài chính của mình ở những nước mà người phương Tây, từ chàng thanh niên Benjamin Disraeli trong những năm 1820 tới Citigroup trong những năm 1980, đã lỗ trắng mắt. Sau khi Ecuador mất khả năng chi trả 3,2 tỉ Mỹ kim nợ quốc tế trong năm 2008 và 2009, CDB nhảy vào cho vay 1 tỉ Mỹ kim, bảo lãnh bằng dầu. Mối nguy đối với Trung Quốc là tâm lý phẫn nộ của người dân nước sở tại đối với những khoản cho vay của Trung Quốc, chẳng hạn như ở Venezuela thời kỳ hậu Chavez, sẽ dẫn tới nhừng yêu sách đòi đàm phán lại hay thậm chí vỡ nợ. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một bài học đắt giá cho một cường quốc tài chính đang vươn lên.

Chương 5 xem xét những hạn mức tín dụng của CDB dành cho các công ty viễn thông và năng lượng mới của Trung Quốc. CDB đã cấp cho hai công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) và ZTE hạn mức tín dụng tổng cộng 45 tỉ Mỹ kim để giúp khác hàng của các công ty này mua hàng trả góp. Các giám đốc tài chính của các hãng viễn thông América Móvil ở Mexico và Tele Norte Leste Participacoes ở Brazil nói rằng các đối thủ cạnh tranh quốc tế không tài nào sánh nổi các điều khoản của CDB để hỗ trợ mua thiết bị mạng lưới Huawei. Những khoản vay này đã góp phần đẩy Huawei, một công ty có trụ sở ở Thâm Quyến do một cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân điều hành, vọt lên vị trí thứ nhì thế giới trong thị trường thiết bị viễn thông, chỉ sau công ty Ericsson AB của Thụy Điển.

CDB cũng cấp các hạn mức tín dụng cho những công ty năng lượng thay thế lớn nhất Trung Quốc, trong đó có những hãng sản xuất panô pin năng lượng mặt trời Yingli (Anh Lợi), Trina Solar, và LDK. Những công ty Trung Quốc này gia tăng công suất trong giai đoạn 2010-2011 ngay cả khi các ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn cầu đang sút giảm, khiến cho các công ty Đức và Mỹ nộp đơn xin phá sản. Nhờ sự hậu thuẫn không ai sánh nổi của CDB, các công ty Trung Quốc có thể đã làm được điều mà Nikita Khrushchev nằm mơ cũng không thấy: đó là thực sự “đào mồ chôn” những đối thủ cạnh tranh phương Tây của họ. [9]

Chương này cũng xem xét cách Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, công cụ cúc cung tận tụy của chủ nghĩa tư bản quốc doanh, đang xây dựng một hình thức mới của việc huy động vốn bằng vốn cổ phần riêng lẻ. Thôi cứ gọi đó là vốn cổ phần đại chúng. CDB Capital, với nguồn vốn ban đầu 35 tỉ nhân dân tệ từ CDB, đang đầu tư vào một loạt các công trình trên toàn quốc. Nhờ được độc quyền trong giới ngân hàng về các khoản đầu tư trực tiếp, CDB đang thu hút nhiều đối tác toàn cầu, trong đó có TPG Capital. Hồi tháng 5/2011, Jim Coulter, nhà đồng sáng lập TPG Capital, phải đi ngang qua tượng đồng bán thân của Trần Vân, Mao Trạch Đông, và lãnh tụ tối cao đã quá cố Đặng Tiểu Bình ở trụ sở của CDB Capital ở Bắc Kinh trước khi đặt bút ký một thỏa thuận hợp tác.

***

Và đó là chân dung khái quát về Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng sản là Thiên Chúa, thì CDB chính là ngôn sứ, bành trướng quyền lực của nhà nước Trung Quốc trên toàn cầu và củng cố quyền lực của họ tại quốc nội.

Chú thích của người dịch:

[1] Nguyên văn: “product of Pax Americana” (sản phẩm của Pax Americana; Pax Americana tiếng La tinh nghĩa là hòa bình Mỹ). Tuy cũng đã được dùng để chỉ hòa bình của Mỹ ở những thời kỳ khác nhau, nhưng thuật ngữ này trong bối cảnh hiện đại thường để chỉ nền hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, và vị thế quân sự cũng như kinh tế của Mỹ thời hậu chiến. Ở đây, các tác giả muốn so sánh ảnh hưởng của Mỹ (thông qua Ngân hàng Thế giới) với ảnh hưởng của Trung Quốc (thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc).

[2] Tên gốc là Quốc gia Khai phát Ngân hàng (國家開發銀行).

[3] Chi tiết này không có sách, nhưng được hai tác giả nêu thêm trong bài trích đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 7/3/2013. Chúng tôi đưa vào đây cho đầy đủ.

[4] Private equity chỉ loại hình vốn (của nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức) đầu tư trực tiếp và dài hạn vào một công ty / doanh nghiệp không có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.

[5] Chi tiết này không có sách, nhưng được hai tác giả nêu thêm trong bài trích đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 7/3/2013. Chúng tôi đưa vào đây cho đầy đủ.

[6] Nguyên văn: “The Eight Immortals”. “Bát đại nguyên lão” (八大元老) chỉ nhóm lão thành cách mạng nắm giữ những chức vụ chóp bu của Trung Cộng trong thập niên 1980 và 1990. Cụm từ này thường được dịch sang tiếng Anh là “the Eight Great Eminent Officials” hoặc “the Eight Elders”. Ở đây, hai tác giả lại dùng cụm từ “the Eight Immortals”, hơi có tính châm biếm hơn, thường để chỉ “Bát tiên” (八仙). Nhóm này gồm các vị Đặng Tiểu Bình (1904-1997), Trần Vân (1905-1995), Bành Chân (1902-1997), Dương Thượng Côn (1907-1998), Bạc Nhất Ba (1908-2007, cha của Bạc Hy Lai), Lý Tiên Niệm (1909-1992), Vương Chấn (1908-1993), Tống Nhiệm Cùng (1909-2005). Con cái các vị này được liệt vào hàng “thái tử đảng” (princeling, 太子党).

[7] Nguyên văn: national champions. Khái niệm (chính trị) này chỉ những đại tập đoàn trong những ngành chiến lược với mục tiêu không chỉ làm ra lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ lợi ích, gây thanh thế và cổ xúy cho các giá trị của một quốc gia, ví dụ như Samsung và Huyndai của Hàn Quốc, Gazprom và Rosneft của Nga, British Steel của Anh, và Petróleos de Venezuela (PDVSA) của Venezuela.

[8] Tập Cận Bình chính thức trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 15/12/2012, tại Đại hội 18, và được quốc hội Trung Quốc bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 14/3/2013.

[9] Ý này liên tưởng tới câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1956. Tại một buổi tiếp tân ở sứ quán Ba Lan tại Moskva, ông nói với những đại sứ phương Tây: “Cho dù các anh có muốn hay không, lịch sử đang đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ đào mồ chôn các anh”.

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 3/4, 10/4 & 17/4/2013.)

Bản tiếng Việt © 2013  Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Bàn tay ma quỷ của Trung Quốc ở Châu Phi

4 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.