Chuyển giao thế hệ lãnh đạo Trung Quốc: Bỏ lỡ cơ hội cải cách

Chuyện xứ lạ, Làm quan

Lý Thành

Ngày 15/11/2012, Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố thành phần lãnh đạo mới. Đây là cuộc chuyển giao thế hệ êm thấm lần thứ hai (lần trước là năm 2002 khi Giang Trạch Dân chuyển sang cho Hồ Cẩm Đào). Nhận định về thành phần lãnh đạo mới này, Lý Thành (Cheng Li), chuyên gia hàng đầu về chính trị Trung Quốc của Viện Brookings, đã trả lời phỏng vấn Hilary Whiteman của đài CNN vào ngày 16/11/2012, và viết bài “Opportunity Lost?” đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 16/11/2012, với nội dung gần giống nhau. Bài dịch này dựa trên khung bài phỏng vấn của CNN và bổ sung một số ý và số liệu từ bài viết trên Foreign Policy (những ý màu xanh, và bảng biểu).

Ông nghĩ gì về thành phần ban lãnh đạo mới?

Không ngạc nhiên nhưng thất vọng. Thất vọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, dường như trong nội bộ đảng không có bầu cử với số ứng cử viên nhiều hơn số ghế (差額選舉, sai ngạch tuyển cử) cho Bộ Chính trị (BCT) và Thường vụ BCT. Họ vẫn được chọn theo kiểu cũ bằng trò thao túng “hộp đen” của những ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sắp mãn nhiệm.

Sự mất cân bằng về phe phái trong Thường vụ BCT là điều thất vọng lớn nhất và có thể gây hậu quả nhiều nhất. Hai phe phái chính trị chính trong nội bộ giới lãnh đạo đảng hiện đang tranh giành quyền lực, ảnh hưởng, và quyền kiểm soát chính sách. Phe Giang Trạch Dân gồm các “thái tử đảng” xuất thân từ các gia đình cách mạng kỳ cựu hoặc cán bộ cấp cao. Phe Hồ Cẩm Đào gồm những người tiến thân chính trị qua con đường Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, nên gọi là đoàn phái (團派). Trong Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ có hai người thuộc đoàn phái; năm người kia đều là đệ tử của Giang Trạch Dân (và một trong hai ủy viên thường vụ thuộc đoàn phái là Lưu Vân Sơn, nguyên trưởng ban tuyên huấn, thực ra rất gần gũi với Giang Trạch Dân).

Thế cạnh tranh giữa hai phe phái này đã tạo ra cơ chế gần giống với cơ chế kiểm soát và cân bằng [checks and balances, thường dịch là tam quyền phân lập trong bối cảnh nền dân chủ, N.D.). Lãnh đạo thuộc hai phe này khác nhau về chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm. Họ đại diện cho những tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau và những khu vực địa lý khác nhau, nhưng thường hợp tác để cai trị có hiệu quả. Nếu hai phe phái này không duy trì thế cân bằng, phe thất thế có thể bớt hợp tác hơn. Đáng lo hơn nữa, phe thất thế có thể dùng các nguồn lực chính trị và các địa phương của mình để khởi xướng một cuộc đấu tranh giành quyền lực có thể gây phương hại đến tính chính đáng của hệ thống chính trị và đe dọa tính ổn định của cả quốc gia.

Tuy có cảm giác hết sức thất vọng, tôi cho rằng sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo này cũng có một số điểm tích cực.

Thứ nhất, Hồ Cẩm Đào rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương, giúp việc kế vị được thể chế hóa hơn và hoàn chỉnh hơn. Nhìn chung, sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo này cũng chỉ là bước chuyển tiếp có trật tự trong lịch sử Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sự thay đổi lãnh đạo này tuân theo những quy tắc và tiêu chí về giới hạn tuổi tác, và tỉ lệ thay đổi nhân sự trong tất cả các cơ quan lãnh đạo cũng đều rất cao: Trung ương Đảng 64%, Ban Kiểm tra Kỷ luật 77%, Ban Bí thư 68%, Thường vụ BCT 71%

Thứ hai, việc giảm số lượng ủy viên thường vụ BCT (từ chín xuống bảy, loại bỏ ủy viên phụ trách an ninh và ủy viên phụ trách tuyên huấn) là một bước phát triển đáng hoan nghênh. Đó là những điểm tích cực, nhưng theo đánh giá của tôi, thành phần lãnh đạo mới này không mang lại cảm giác phấn chấn cho đất nước; tôi nghĩ họ đánh mất một cơ hội lớn.

Một số vị lãnh đạo, đặc biệt là những người thuộc nhóm đoàn phái, sẽ hết sức phật ý. Đảng cần phải giải thích với nhân dân Trung Quốc tại sao Lý Nguyên Triều và Uông Dương – hai người mạnh mẽ ủng hộ cải cách chính trị – bị đánh bật ra khỏi Thường vụ BCT.

Tại sao họ bị đánh bật?

Theo tôi, nguyên nhân Uông Dương bị đánh bật vì ông bị nhiều vị lãnh đạo thuộc phe bảo thủ xem như một mối đe dọa. Nhất là khi đối thủ chính trị chính của Uông Dương là Bạc Hy Lai đã thất sủng, họ không muốn Uông Dương vào Thường vụ. Trước kia, Uông Dương và Bạc Hy Lai có xu hướng cân bằng lẫn nhau về quyền lực, ảnh hưởng và ưu tiên chính sách.

Tuy nhiên việc Lý Nguyên Triều không vào được Thường vụ là điều đáng ngạc nhiên. Là một tiếng nói chủ đạo cho giới trí thức có tư tưởng tự do đòi hỏi có chế độ pháp trị, chính phủ phải có trách nhiệm giải trình, và dân chủ trong nội bộ đảng, Lý Nguyên Triều được nhiều người ủng hộ. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút những người đi học nước ngoài hồi hương và đề bạt sinh viên tốt nghiệp đại học làm cán bộ làng xã.

Về nhiều phương diện, cả Lý Nguyên Triều và Uông Dương đều rất thẳng thắn, rất dũng cảm, và rất sáng tạo trong chính trị – họ tiếp cận người dân để được ủng hộ – vì thế có thể nói một số người trong phe bảo thủ rất sợ. Theo tôi, bảy ủy viên thường vụ BCT này rất có năng lực về các vấn đề kinh tế và tài chính, nhưng về mặt chính trị họ khá là bảo thủ.

Tập Cận Bình sẽ mất bao lâu để tạo dấu ấn của mình hay thể hiện những chính sách của mình?

Tập Cận Bình sẽ có một thời kỳ trăng mật ngắn bất chấp những lời chỉ trích và những mối lo ngại đã nổi lên. Sự chỉ trích có thể không nhắm vào ông, mà là vào Giang Trạch Dân, vào sự thống lĩnh của các thái tử đảng.

Ông cần chứng tỏ rằng ông có thể tạo hy vọng và niềm tin mới cho người dân bằng những chính sách kinh tế mới. Ông nên làm thế tương đối nhanh. Ông không thể đợi quá lâu vì rất nhiều người đang rất phẫn nộ với tình trạng quan tham lan tràn và bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng.

Ông cần làm được nhiều việc trên mặt trận kinh tế, nhưng tôi hơi e ngại rằng do thành phần của Thường vụ BCT mới, cải cách chính trị sẽ bị trì hoãn. Những vị lãnh đạo này không nổi tiếng về cải cách chính trị – không giống như Lý Nguyên Triều và Uông Dương.

Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo ra sao?

Tôi nghĩ ông sẽ nhấn mạnh cải cách kinh tế – để làm hài lòng tầng lớp trung lưu – và để thúc đẩy khu vực tư nhân, để áp dụng nhiều cơ chế cải cách kinh tế hơn, trong đó có cải cách ngân hàng và cải cách doanh nghiệp quốc doanh, chủ yếu là với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển khu vực tư nhân.

Một số ủy viên thường vụ, như Vương Kỳ Sơn, Du Chính Thanh, và Trương Cao Lệ, đều có năng lực khá cao về mặt này. Vấn đề là cải cách kinh tế cần có cải cách chính trị nghiêm túc; bằng không, cải cách kinh tế chẳng thể tiến xa vì bế tắc chính trị. Thành phần lãnh đạo này phát đi một tín hiệu rất rõ là họ bảo thủ về mặt chính trị.

Lý Khắc Cường có thể đóng góp gì trong vai trò Thủ tướng?

Về nhiều mặt, ông bị những thuộc hạ của Giang Trạch Dân bao quanh; những người đó sẽ hạn chế rất lớn quyền lực của ông. Trước đây đã có nhiều người muốn ngăn cản ông vươn lên chức thủ tướng – nhưng họ đã thất bại. Nhưng giờ đây ngay cả trong quốc vụ viện, và đương nhiên là trong Thường vụ BCT, ông khá đơn độc.

Có thể thấy gì về việc Giang Trạch Dân vẫn còn ảnh hưởng?

Phản ứng tiêu cực đối với Giang Trạch Dân sẽ rất đáng kể. Đúng là phe Giang Trạch Dân giành được nhiều ghế trong Thường vụ BCT, nhưng trong tương lai họ có thể trả giá rất đắt cho “chiến thắng” này. Công chúng sẽ vô cùng phẫn nộ. Những vị lãnh đạo này vẫn được chọn bằng những cuộc mặc cả ở hậu trường theo kiểu cũ và bằng ảnh hưởng của những vị lãnh đạo đã về hưu, chứ không thực sự thông qua bầu cử nội bộ đảng với nhiều ứng cử viên. Đó là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Điều đó sẽ gây phương hại cho tính chính đáng và uy tín của họ.

Tại sao và bằng cách nào Giang Trạch Dân vẫn còn có thể gây ảnh hưởng như vậy?

Vì cần bảo vệ những lợi ích của ông ta và gia đình ông ta. Trong chừng mực nào đó, những đệ tử của ông cũng được ông giúp họ. Giang Trạch Dân vẫn mạnh chủ yếu vì những đệ tử của ông ở những vị trí quan trọng. Những người như Tập Cận Bình, Trương Đức Giang và Vương Kỳ Sơn hiện đã nắm những chức vụ cao.

Tại sao Hồ Cẩm Đào không phải là loại lãnh đạo có thể áp đảo những đệ tử của Giang Trạch Dân trong Thường vụ BCT?

Còn quá sơm để có câu trả lời đủ căn cứ do thiếu thông tin đáng tin cậy về chuyện đã diễn ra bên trong Trung Nam Hải (trụ sở Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh).

Có thể có nhiều lý do. Một là Hồ Cẩm Đào muốn tạo sự tương phản giữa chính ông và Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân vẫn nắm quyền thêm hai năm sau sự chuyển giao ở Đại hội 16. (Trong lần chuyển giao thế hệ đó, Giang Trạch Dân giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm nữa.) Nhưng lần này, Hồ Cẩm Đào muốn từ bỏ vị trí đó ngay lập tức. Như vậy đây là bước cải tiến về thể chế. Bằng cách nhường quyền lực cho Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào tạo ra một tấm gương tốt cho việc kế vị chính trị được thể chế hóa hơn và hoàn chỉnh hơn, và củng cố mối quan hệ giữa đảng, nhà nước, và quân đội. Thứ hai, việc ông tự nguyện từ bỏ vị trí đó khiến việc Giang Trạch Dân vận động đề bạt những đệ tử của mình trong mấy tháng qua trở nên đáng quan ngại.

Sự cân bằng trong Thường vụ BCT đã bị phá vỡ, nhưng sự cân bằng trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương – giữa hai phe – nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn. Trong trung ương đảng (gồm 376 ủy viên) có nhiều người của Hồ Cẩm Đào. Do vậy, điều này có thể tạo ra những căng thẳng về cơ cấu giữ những cơ quan lãnh đạo rất quan trọng này.

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp & lược dịch

Nguồn: Hilary Whiteman, Shadow of former president looms over China’s new leaders, CNN, 16/11/2012; và Cheng Li, Opportunity Lost?, Foreign Policy, 16/11/2012.

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/11/18/chinese-new-leaders/

Bài liên quan:

8 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.