Nhà nước vì dân

Featured, Làm quan

Daron Acemoglu

Những chính quyền mạnh nhất là chính quyền phục vụ nhân dân, chứ không phải phục vụ một giới chóp bu chính trị – nhưng cần thường xuyên thận trọng để tránh lùi lại [một xã hội với các thể chế bòn rút]”. Một nhà nước biết phục vụ nhân dân có những thể chế bao gồm, tức là những thể chế phân phối quyền lực chính trị bình đẳng cho tất cả mọi tầng lớp, tạo điều kiện cho ai cũng có thể dự phần vào tiến trình phát triển của xã hội đó. Một xã hội có các thể chế bòn rút, chỉ tập trung quyền lực vào một thiểu số chóp bu chỉ biết vơ vét, tước đoạt nguồn lực của đại đa số thì chắc chắn sẽ lụi tàn. Đó là thông điệp của bài viết ngắn của Daron Acemoglu cho chuyên đề về quản lý nhà nước trong thời đại mới của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Nhà nước McKinsey, thuộc hãng tư vấn McKinsey & Company. Tựa đề tiếng Anh “The servant state” của bài này gợi nhớ đến những cụm dân ta đã nghe đầy lỗ tai như “nhà nước do dân, vì dân” hay “đầy tớ của nhân dân” nhưng mơ vẫn hoàn mơ.

Daron Acemoglu là Giáo sư Kinh tế hàm Elizabeth và James Killian ở Viện Công nghệ Massachussetts (MIT). Ông có bằng cử nhân kinh tế của Viện Đại học York và bằng tiến sĩ kinh tế của Trường Kinh tế London. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Ti sao các quc gia suy vong: nhng ngun gc ca quyn lc, thnh vưng, và nghèo khó”, viết chung với James Robinson, xuất bản vào tháng 3 năm 2012.

Vào mùa xuân cách đây hai mươi năm, Los Angeles rúng động trước những cuộc bạo loạn bùng nổ sau khi bốn viên cảnh sát được xử trắng án trong vụ đánh đập Rodney King, một thanh niên Mỹ gốc Phi. Ngày 3/3/1991, King lái xe trong tình trạng say rượu và không tuân lệnh cảnh sát. Không một tấc sắt trong tay và đã nằm bẹp sau khi bị chích súng điện, King bị đánh liên tục bằng gậy đến gãy xương mặt và vỡ mắt cá chân phải, cùng với nhiều thương tích khác. Đó là một trong những vụ nổi tiếng nhất về hành động tàn bạo của cảnh sát còn đọng lại trong ký ức của công chúng, nhưng vấn nạn này vẫn còn tái diễn – ví dụ hồi mùa thu năm 2011, những người biểu tình trong phong trào “Chiếm đóng” đã hứng chịu nhiều biện pháp nặng tay của cảnh sát ở nhiều thành phố Mỹ.

Những chuyện này dường như không liên hệ gì với cuộc tranh luận nổi tiếng – và vẫn tiếp diễn – về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và xã hội. Cuộc tranh luận này xoay quanh sự khác biệt giữa nhà nước đóng vai trò như người canh gác bảo vệ (night-watchman state), tức là nhà nước được ủy thác nhiệm vụ tối thiểu về giữ gìn an ninh trật tự, và nhà nước chuyên can thiệp hay nhà nước “bảo mẫu” (interventionist or “nanny” state), tức là nhà nước có trách nhiệm quản lý điều tiết và tạo động cơ khuyến khích để hoàn thiện việc phân bổ nguồn lực và tác động đến hành vi xã hội. Cả hai góc nhìn này đều ngầm chấp nhận định nghĩa của [triết gia Đức] Max Weber về nhà nước chính trị là thực thể có “độc quyền áp dụng bạo lực chính đáng” trong xã hội. Sự độc quyền này có những hàm ý của nó: nhà nước và những người đại diện cho nhà nước có quyền lực để cưỡng bức, và chuyện lạm dụng quyền lực này trong mọi xã hội thật chẳng may lại là một phần trong bản chất con người.

Sự lạm dụng quyền lực này là căn nguyên của điều mà James Robinson và tôi gọi là các thể chế bòn rút (extractive institutions) trong cuốn sách chúng tôi viết chung có tựa đề “Tại sao các quốc gia suy vong: những nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo khó” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty). Các thể chế bòn rút mang lại lợi ích cho một giới chóp bu có quyền lực chính trị bằng cách chiếm đoạt các nguồn lực từ tay đa số trong xã hội. Để làm được như vậy, giới chóp bu phải sử dụng quyền lực cưỡng bức của nhà nước. Quyền lực này đã thể hiện khi những người Tây Ban Nha đi chinh phục vùng đất mới đã giáng toàn bộ dân bản địa của Nam Mỹ xuống thành nô lệ trong các khu cai trị ủy thác encomienda hoặc lao động cưỡng bức trong hệ thống nô dịch mitaở các mỏ của Peru và Bolivia. Chính thứ quyền lực này đã giúp thực dân Anh, Pháp, và Tây Ban Nha tạo được các xã hội đồn điền dựa trên việc tàn nhẫn bóc lột lao động nô lệ ở vùng Caribbe. Cũng chính thứ quyền lực này tạo nên nền tảng của nhà nước phân biệt chủng tộc ở Nam Phi (tồn tại đến năm 1994) ngăn cấm không cho người Phi da đen làm gần như tất cả những nghề có kỹ năng và khiến họ chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài lao động rẻ mạt ở những mỏ và trang trại do người da trắng làm chủ. Ở những xã hội này, điều quan trọng là giới chóp bu có thể áp dụng quyền lực của nhà nước mà không có những ràng buộc đáng kể, khiến dân chúng khiếp sợ những kẻ đại diện cho nhà nước.

Tranh khắc năm 1596 này vẽ cảnh dân Inca gom vàng để trả cho Pizarro nhằm chuộc lại vua của mình – một ví dụ sinh động về chuyện kẻ có quyền bòn rút nguồn lực từ kẻ thiếu quyền lực.

Ngược lại, nhiều xã hội, bắt đầu ở Châu Âu hơn 300 năm trước, đã xây dựng những cái chúng tôi gọi là các thể chế bao gồm (inclusive institutions), đó là các thể chế phân phối quyền lực chính trị một cách bình đẳng hơn, cũng như đặt ra những ràng buộc đối với việc giới chính khách và giới chóp bu thực hiện quyền lực đó. Những thể chế chính trị bao gồm làm nền cho những thể chế kinh tế bao gồm, tạo ra các động cơ khuyến khích cho đầu tư và đổi mới sáng tạo, và tạo nên một sân chơi công bằng hơn trong nền kinh tế và trong xã hội. Những thể chế bao gồm không chỉ đưa đến một xã hội tốt đẹp hơn: rốt cuộc những thể chế này sẽ bền vững hơn, và xét về một mặt nào đó mạnh hơn các thể chế bòn rút – một phần bởi vì sức cám dỗ của quyền lực không giới hạn do các thể chế bòn rút mang lại cho giới chóp bu gây ra những cuộc đấu tranh thường xuyên với những giới muốn trở thành chóp bu nên săn tìm quyền lực đó cho chính mình.Tuy các thể chế bao gồm có những ưu điểm về mặt xã hội, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân ở gần như mọi xã hội vẫn là một mối quan hệ trong đó nhà nước thống trị công dân. Mỹ có lẽ có những thể chế bao gồm phổ quát [cho mọi tầng lớp], nhưng nhiều công dân sợ cảnh sát và các nhánh của chính quyền. Thực vậy, trong những năm gần đây, do sợ khủng bố, quyền lực của nhà nước trong việc giám sát và cưỡng bức công dân đã tăng lên, trong khi năng lực giám sát việc nhà nước lạm dụng quyền lực dường như giảm đi. Mối quan hệ thứ bậc giữa nhà nước và công dân không chỉ gói gọn trong các lực lượng cảnh sát và an ninh. Giới công chức nhà nước thường đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và đời sống khiến công dân không chẳng còn biết trông cậy vào đâu.Do quyền lực cố hữu này của nhà nước, ngay cả những thể chế bao gồm [một cách] tương đối có thể trở lại thành những thể chế bòn rút. Những thể chế bao gồm sẽ thường bị thách thức vì, ngay cả khi quyền lực chính trị được phấn phối khá bình đẳng, những người kiểm soát được nhà nước có thể dùng khả năng cưỡng bức của nhà nước để thay đổi các luật lệ kinh tế và xã hội theo hướng có lợi cho mình – và để bịt miệng những người bất đồng chính kiến phản đối việc họ thâu tóm [quyền lực]. Thử lấy ví dụ Venice, nơi đã trở thành một trong những chốn giàu có nhất thế giới trong thế kỷ thứ mười, dựa trên những thể chế bao gồm độc nhất vô nhị thời đó. Hệ thống chính trị của Venice – gồm một nghị viện và một Đại Hội đồng (Great Council) – có tiếng nói đại diện của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong khi những thể chế kinh tế của Venice khuyến khích mậu dịch đường xa thông qua những hình thức mới của hợp đồng và kỹ thuật. Nhưng vào cuối thế kỷ thứ 13, một nhóm các gia đình quyền thế bắt đầu chiếm quyền kiểm soát Đại Hội đồng. Họ dùng sự độc quyền quyền lực chính trị này để dựng lên rào cản gia nhập đối với những đối thủ cạnh tranh tiềm năng và thậm chí cấm những hợp đồng có tính sáng tạo từng thúc đẩy tăng trưởng của Venice. Khi những thể chế bòn rút thống lĩnh xã hội Venice, sự phồn vinh của Venice dần tàn phai. Đáng chú ý là khi diễn ra quá trình chuyển tiếp này, năng lực cưỡng bức của nhà nước tăng lên, và lần đầu tiên Venice xây dựng lực lượng cảnh sát sẵn sàng đàn áp những cuộc biểu tình phản đối và những yêu sách đặt ra cho giới chóp bu.

Như ví dụ Venice cho thấy, những thể chế bao gồm tồn tại trong một thế bấp bênh: nhà nước phải tích lũy đủ quyền lực để thực thi các quyền sở hữu tài sản và duy trì an ninh trật tự ở một mức độ cơ bản nào đó, nhưng không được áp đặt bầu không khí cưỡng bức đối với công dân. Và nhà nước không được để cho giới chóp bu thâu tóm [quyền lực], mặc dù năng lực cưỡng bức của nhà nước luôn luôn là một mục tiêu thèm muốn của giới chóp bu.

Vậy có lẽ đã đến lúc truất phế kiểu nhà nước theo định nghĩa của Weber ra khỏi vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc xã hội để củng cố tính bền vững của những thể chế bao gồm. Có lẽ đã đến lúc có nhà nước vì dân, biết phục vụ nhân dân, một thực thể nhà nước có những đại diện không còn bị [dân] e sợ và ít khả năng cưỡng bức hơn. Như vậy không có nghĩa là loại bỏ quyền lực của nhà nước trong việc can thiệp và quản lý điều tiết, mà nâng niu trân trọng hơn quan niệm quyền lực nhà nước xuất phát từ công dân, những người sẽ giám sát nhà nước chặt chẽ hơn và giành lại quyền lực đó khi nó bị lạm dụng.

Làm sao đạt được điều này? Cần áp dụng một cách tiếp cận hai hướng. Thứ nhất, chúng ta cần thay đổi về thái độ, trong các công dân bình thường và ngành tư pháp, ủng hộ một thỏa ước toàn xã hội rằng cảnh sát và những đại diện khác của nhà nước cũng chẳng khác gì nha sĩ của chúng ta chẳng hạn. Ta tôn trọng và lắng nghe nha sĩ của mình, nhưng nếu ta nghĩ là nha sĩ không làm tròn công việc của họ, ta có thể bỏ đi [tìm nha sĩ khác]. Dù công dân không thể dễ dàng bỏ xứ mà đi, nếu các quyền của họ được bảo vệ chặt chẽ hơn và tiếng nói của họ được lắng nghe rõ ràng hơn, họ sẽ có thể yêu cầu giải quyết đúng trình tự pháp lý và sa thải hoặc thậm chí truy tố những đại diện nhà nước có hành vi sai phạm. Luật pháp hiện tại của chúng ta cho phép làm như vậy, chỉ có điều chưa hoàn hảo.

Thứ hai, chúng ta cần dùng công nghệ để khiến sự thay đổi thái độ này tác động đến hành vi. Chính một người dân thường, George Holliday, đã quay phim cảnh Rodney King bị đánh, khiến công chúng chú ý đến biến cố này. Mặc dù vụ việc này kết thúc với một phán quyết mà nhiều người thấy bất công, chính sự hiện diện của công nghệ đã giúp ghi lại hành vi của cảnh sát và đẩy vấn đề này vào tầm ngắm của công chúng ban đầu. Công nghệ như vậy hiện nay rất phổ biến; những đoạn video quay được cũng cung cấp bằng chứng về hành động tàn bạo của cảnh sát đối với những người biểu tình trong phong trào “Chiếm đóng” hồi mùa thu năm 2011. Công nghệ, hiện đang được nhà nước sử dụng ngày càng nhiều để giám sát công dân, vì vậy có thể dùng để giám sát những đại diện của nhà nước. Khi đó công dân có thể dùng thỏa ước toàn xã hội về việc những đại diện của nhà nước phải chịu trách nhiệm với các công dân của mình để xử lý và hành động dựa trên thông tin này.

Có nhiều cải cách chính sách có thể giúp đạt mục đích này. Một bước hiển nhiên đầu tiên là tạo điều kiện cho công dân tiếp cận được thêm nhiều dữ liệu ngay lúc diễn ra (real-time, thời gian thực) về hành vi và việc làm của chính phủ, công chức, và cảnh sát viên. Một cách khác là tinh giản quy trình và tạo điều kiện dễ dàng [cho công dân] đưa ra yêu cầu [cung cấp thông tin] theo quy định của Đạo luật về Tự do Thông tin, mà có thể dùng để, ví dụ, bảo đảm các đại diện của nhà nước có tiền sử lạm dụng quyền lực không được thăng chức lên những vị trí đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn. Một cách khác gây tranh cãi nhiều hơn nhưng cũng quan trọng không kém là sự giám sát của công dân có thể thay thế những cuộc điều tra nội bộ trong một số trường hợp. Có thể củng cố những biện pháp bảo vệ những người tố giác nhà nước và cảnh sát.Và cuối cùng bản thân nhà nước có thể phát triển và truyền bá những công nghệ cho công dân giám sát những hoạt động của nhà nước – có phần giống như cách nhà nước cung cấp luật sư biện hộ cho các bị cáo.

Nếu làm được những điều đó, kết quả sẽ là một nhà nước do dân vì dân không chỉ giảm được những trường hợp lạm dụng quyền lực cụ thể. Việc phân phối quyền lực cho công dân sẽ giảm đi những động cơ khuyến khích giới chóp bu chiếm đoạt nhà nước, và sẽ là biện pháp tốt nhất bảo đảm rằng quyền lực của nhà nước sẽ không bị sử dụng để triệt hạ những cuộc biểu tình và các phong trào quần chúng nổi dậy khi một số phần tử trong xã hội muốn biến những thể chế bao gồm thành những thể chế bòn rút.

Nguồn: Daron Acemoglu, The servant state, McKinsey Center for Government, 10/2012

Bản tiếng Việt © 2012 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

5 comments

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.