Dân Canada khá giả hơn dân Mỹ (!?)

Làm giàu

Mỗi lần đi coi phim ở cụm rạp Cineplex, không thể nào thoát được câu “You’re richer than you think” (Bạn giàu hơn bạn nghĩ) của Scotiabank, một trong 6 ngân hàng lớn nhất Canada và là đơn vị liên kết với Cineplex. Cái kiểu quảng cáo đẩy khẩu hiệu chường lên màn bạc trước giờ chiếu khiến mình không thể không coi (gọi là captive advertising). Để rồi thỉnh thoảng lại bực mình nhớ tới nó khi đọc tin bữa này bộ trưởng tài chính ra trước hạ nghị viện đề nghị cắt giảm chi tiêu, bữa khác thống đốc ngân hàng trung ương cảnh báo dân chúng tránh ngập sâu trong nợ nần.

Vài tuần trước, một ngày trước Quốc khánh Canada (1/7), nhật báo The Globe & Mail giật cái tít nghe quen quen Canadians are richer than they think” (Dân Canada giàu hơn họ nghĩ). Người chấp bút là Michael Adams, Viện trưởng Viện Environics. Ông này lược thuật kết quả nghiên cứu mới đây của bổn viện, và hồ hởi thông báo một thực tế bất ngờ: trong 5 năm qua, giá trị tài sản ròng (bằng tổng giá trị tài sản có thanh khoản và bất động sản trừ các khoản nợ) của một hộ gia đình ở Canada cao hơn ở Mỹ. Mới thiệt, vì đây là lần đầu tiên.

Theo số liệu của Environics Analytics WealthScapes, tính trung bình hộ gia đình ở Canada giàu hơn 40.000 đô so với ở Mỹ. Cụ thể: trong năm 2011, giá trị tài sản ròng của hộ gia đình ở Canada là 363.202 đô, còn ở Mỹ là $319.970. Mà không phải là thời một đô Canada chỉ ăn chừng 60 xu Mỹ; mấy năm nay đô Canada và đô Mỹ xê xích ở mức ngang giá. Ngoài ra, những con số này chưa tính tới số nợ công của chính phủ mỗi nước (mà các thế hệ tương lai phải trả). Nếu tính luôn, thì con cháu dân Canada cũng nhẹ gánh hơn vì nợ công (tính bằng tỉ lệ phần trăm của GDP) của Mỹ cao hơn Canada.

Cách ổng dùng từ nghe cứ rón ra rón rén (The average Canadian has quietly become richer than the average American). Việc dân Canada lặng lẽ qua mặt dân Mỹ có thể thay đổi hình ảnh rập khuôn trong những cuộc trao đổi trà dư tửu hậu của dân chúng hai nước. Trước nay, những lần trò chuyện với người quen ở Mỹ luôn đi tới kết luận đại loại như ở Mỹ mức sống cao hơn, việc làm dễ kiếm hơn, lương cao hơn, còn dân Canada khó kiếm việc, lương thấp, đóng thuế cao hơn, nhưng được cuộc sống thanh bình hơn, có an sinh xã hội cao hơn (ví dụ chăm sóc y tế cơ bản miễn phí), vân vân và vân vân. Tóm lại, làm giàu thì ở Mỹ, hưởng già ở Canada (nhưng nếu rủng rỉnh thì mua vài căn ở Florida để tránh tuyết mùa đông :)).

Theo Michael Adams, nguyên nhân chính không phải là năng suất hay tài mưu lược kinh doanh của dân Canada tăng đột biến. Chủ yếu là do dân Mỹ nghèo đi do khủng hoảng kinh tế 2008 và thị trường địa ốc Mỹ sụp đổ. Do giá nhà ở Mỹ rớt thảm hại, giá trị bất động sản của dân Canada hiện nay cao hơn nhiều so với dân Mỹ, trung bình cao hơn 140.000. Nếu điều chỉnh luôn các khoản vay mua nhà (mortgage), giá trị thuộc chủ sở hữu (equity) của dân Canada cao gần gấp 4 lần. Riêng những tài sản có thanh khoản (tức không phải bất động sản) thì dân Mỹ vẫn có nhiều hơn. Dân Canada mang nợ ít hơn một phần là do bản tính dè dặt hơn dân Mỹ, một phần là do chính phủ Canada có quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện cho vay mua nhà, và dự phòng nợ xấu và yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Có bình luận viên ở Mỹ (ví dụ Clive Crook của tờ The Atlantic) nghi ngờ về số liệu và kết luận của Environics. Tin hay không thì tùy, nhưng với dân Canada vốn dĩ lép vế, và đôi khi có mặc cảm tự ti với anh cả Hoa Kỳ, tin này cũng mát lòng một chút trong cái nóng khủng khiếp của mùa hè Bắc Mỹ năm nay.

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.