Đánh lưỡi mấy lần trước khi giảng?

Tầm sư học đạo

Hổm rày nghỉ phép blog, chỉ đăng lại bài cũ hồi xưa, chứ không có bài mới vì hơi bận. Nhưng mấy bữa nay nghe xôn xao vụ TS. Lê Thẩm Dương, không nhịn được đành phải viết gì đó. Thực ra, vụ này đã lan truyền trên Facebook mấy hôm trước khi báo Giáo dục Việt Nam khui ra. Tựu chung có hai luồng dư luận trên mạng xung quanh vụ này. Phe ủng hộ đa phần là những sinh viên từng học với TS Dương và say mê lối giảng bài “linh hoạt và sinh động” của ông. Phe chỉ trích, đa phần là giáo viên, giảng viên, và những sinh viên dị ứng với phong cách giảng (?) cà rỡn quá trớn, nếu không muốn nói là văng tục như báo chí đã kê.

Trong khi những bạn bè theo nghề giáo, có cả một số ở chính Đại học Ngân hàng TP. HCM, rất bức xúc và xấu hổ vì có một đồng nghiệp như vậy, kết quả thăm dò trên mạng của báo GDVN lại là một cú bất ngờ cho những ai còn ít nhiều hy vọng vào nền giáo dục xứ mình.

Lấy từ mạng http://giaoduc.net.vn, ngày 13/3/2012

Rất nhiều bạn trẻ ca ngợi kiểu dạy sinh động của TS Dương, và chấp nhận ngôn ngữ sỗ sàng, xem như đó là thuốc chống buồn ngủ, rồi từ đó quay sang chê bai những ai quá hàn lâm là đạo đức giả. Phải, rất nhiều: trên Facebook có cả “Hội những người phát cuồng vì tiến sĩ Lê Thẩm Dương” hơn hai ngàn người thích (like), và “Hội Những Người Phát Cuồng Vì Bài Giảng Của Tiến Sĩ Lê Thẩm Dương” với gần 5.000 likes. Có bạn còn khoe là đi du học thấy giáo sư nước ngoài cũng văng tục hà rầm. Từng đi học (và dạy) ở quê nhà lẫn ở xứ người, mình xin thưa phát biểu vậy là võ đoán, nếu không nói là thiếu hiểu biết.

Hãy khoan nói về nội dung bài giảng của TS Dương. Lấy vài ví dụ lời ăn tiếng nói của TS Dương (ở đây) để cảm nhận rõ hơn. (Xin lỗi bà con là phải trích ở đây để minh họa).

  • “Gái hoa hậu, gái đẹp ấy, nó y chung cư cao cấp ấy. Cho nên gái đẹp rất khó lấy chồng vì thằng nào cũng thích nhưng lượng sức chắc chưa đến lượt mình, cho nên cô đơn lắm đừng có tưởng đẹp mà ngon đâu. Cái thứ hai là cái con xấu như Thị Nở cả đời không lấy chồng được cho nên cái nhà giẻ rách khó bán lắm. Cái nhà từ 800 đến tỉ hai dễ bán lắm á. Cho nên gái mà cứ tầm trung trung đắt hàng lắm…”
  • “Các chú bây giờ khôn lắm, các chú xây nhà xong kêu thầy phong thủy về, bắt đầu xây bùng binh ở đây, hòn non bộ… Không phải phong thủy đâu, m.. chú gian lắm, chú xây cái chỗ này để nếu có gì con vợ nó dí có chỗ mà chạy hiểu chưa. Mà chạy vòng tròn biết thằng nào đuổi thằng nào mà chạy.  Nó gian ở chỗ đó. Xong đến cơ quan bắt đầu chém. Gió. Công nhận lúc đàn bà nó sợ nó chạy lẹ thiệt ông ạ. M… hôm qua tôi điên tôi đuổi con vợ mà tôi dí mãi không được ông ạ…”
  • “Cá nhân cần phải có quan sát và đánh giá. Linh hồn của chiến lược là phải biết mình là ai. Đấy là khâu khó nhất. Và một cá nhân biết mình là ai thì phải quan sát đánh giá của người ta và thường từ 3-5 năm mới biết mình là ai. Mà người ta thường đánh giá không đúng và đó là nguyên nhân của ế chồng. Chị nào cũng đánh giá mình hoành tráng, m.., em mà lấy cái thằng đấy á, m.., không dám đâu, em là phải Đan Trường…”.

Giáo sư nước ngoài nói kiểu này thì sự nghiệp đi tong vì phạm ít nhất ba sai lầm lớn. Thứ nhất, ngôn ngữ quá thông tục không có trong não trạng của những giảng viên đứng đắn, huồng gì tiếng “đan mạch”. Trong giảng đường đố ai tìm ra ông thầy nào dùng những từ đệm f*&$^@ hay motherf*&$^@ làm gia vị cho bài giảng. Mà không chỉ ở học đường, người dạy học chẳng ai ăn nói vậy, kể cả ở quán cà phê. Thứ hai, dùng ngôn ngữ có tính miệt thị phụ nữ.  Những ai đã du học (ở trường đàng hoàng) chắc không tài nào tưởng tượng nổi một ông thầy dùng toàn những chữ chick (), gal (ghệ, gái), hay broad (ả, ẻm, con mẻ) để chọc lét sinh viên. Thứ ba, những hàm ý về giới tính / tình dục (cả tích cực lẫn tiêu cực) là tối kỵ. Không cần nói năng loạn xạ như trên, chỉ cần vô ý nói gì đó khiến sinh viên diễn giải hàm ý xúc phạm (cái này vô chừng lắm, ngoài tầm kiểm soát) là đủ mệt rồi. Xin kể chuyện này. Một bữa nọ, bà giáo sư người Mỹ đề nghị ngưng tiết học thường lệ để bà đọc một thư xin lỗi dài hai trang, và thời gian còn lại để sinh viên trong lớp mình bày tỏ quan điểm. Số là buổi học hôm trước bàn về vấn đề phá thai (abortion), bà chỉ một bạn nữ và hỏi: “Em và chồng sẽ tính sao nếu có thai ngoài ý muốn?” Bạn đáp cụt lủn: “I’m a lesbian” (Em là người đồng tính nữ). Mở ngoặc thêm: bà giáo này là cây đa cây đề không chỉ trong trường mà cả trong giới chuyên môn.

Thể nào cũng có bạn phản bác ngay: Đó là chuẩn mực phương Tây, không áp đặt cho Việt Nam được. Nếu vậy thì chịu thua, không lẽ mình lạc hậu rồi. Đành rằng cảm nhận của mỗi giới mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, nhưng trộm nghĩ bất luận già hay trẻ, xưa hay nay, phàm là người Việt chắc biết câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Hồi nhỏ đi học, luôn thấy trên đầu bảng có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ngày nay, không biết người ta treo câu gì, nhưng kiểu này lễ coi như tiêu tùng, còn văn cũng chưa chắc học được chữ nào cho tròn.

Ông bà đã dạy: “Đánh lưỡi bảy lần trước khi nói”. Trên bục giảng, bảy lần có khi còn chưa đủ.

30 comments

  • Cám ơn tác giả vì một bài viết hay, hay ở chỗ nó khách quan, có dẫn chứng cụ thể và đúng đắn về những quan điểm căn bản của nghề giáo

  • Có hai người khen rồi, một người trung lập nhé! TS. Lê Thẩm Dương có cái đúng cái sai của thầy. Việc phán xét đúng hay sai phải dựa vào cái ý định của thầy là gì, bên luật nước nước ngoài xem trọng cái này, ai giỏi thì cứ đọc cho biết (mình học luật của CPA Australia). Cái lỗi chủ yếu của thầy là quá dễ dãi lời ăn tiếng nói, cái đúng của thầy là muốn tạo cho người học cái hiểu cặn kẽ và thực tế hơn. Đối với những ng dễ bị lời ăn tiếng nói này ảnh hưởng thì không đáng là người tài giỏi, người tốt đâu phải chỉ tốt trong môi trường tốt mà giữ được cái tôi của mình trong môi trường xấu mới là quý. Suy nghĩ ký những lời nói bừa bãi của thầy thì cũng có nhiều điều để học còn hơn là ngồi nghe một mớ lý thuyết suông mà chẳng hiểu gì, đó là trình độ hiện nay của VIỆT NAM. Tôi thà nghe được những điều đáng học mà bỏ qua cái lễ còn hơn là theo lễ mà chẳng học được gì. Ai đó hãy giải quyết vấn đề cách truyền đạt và trình độ của giảng viên hiện nay rồi hãy lên án cái tồn tại hiện nay. Hoàn cảnh nào thì phát sinh giải pháp ấy thôi! Tôi chẳng bên ai cả, chỉ là muốn có được cái nhìn tốt nhât trên quan điểm của tôi. Tôi học được ở thầy rất nhiều nhưng không thích cái cách giáng tục tĩu của thầy nhưng hiện tại tôi có thể bỏ qua được vì chẳng có thầy cô nào mang lại kiến thức hoc tôi như thầy thôi!

  • Tôi đồng ý với tác giả, vì bài viết có dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục. Việc 1 giảng viên giảng bài thì cũng nên chú ý đến nhân cách, nhất là 1 người đã có bằng TS, là trưởng khoa 1 ĐH tên tuổi. Việc đó ảnh hưởng đến hình ảnh của khoa QTKD và ĐH mà giảng viên đang dạy học, mini-MBA hay đại học gì thì cũng là sinh viên, ngay cả 1 nghiên cứu sinh TS cũng vẫn là 1 sinh viên. Nhiều bạn có thể đồng ý với TS Dương nhưng cũng có các bạn không đồng ý. TS Dương có khả năng lôi cuốn sinh viên, nhưng đó chỉ là vai trò của 1 người thợ giảng, còn về mặt kiến thức thì sao. Hãy nghe đủ 17 clip và nhận xét, tôi không đồng ý với TS Dương khi TS nói rằng, nếu nghe hết 3 tiếng nói chuyện của TS thì người nghe sẽ thấy thích. Hình như TS đánh giá quá cao mình….

  • mình thấy thế này nef. các thầy cô từ cấp 3 trở lên đều có nói về những vấn đề trai gái tình dục như trên… thậm chí 1 số người ném đá cũng xài cách tương tự trên lớp thậm chí tư cách còn chưa đủ để người ta kính phục ( cái này ai thì tự biết thẹn nha.. lôi ra chỉ nhục). cái mục đích người ta đem chuyện này đi lên mạng lại là mục đích cá nhân (tôi nghĩ thế chứ còn thanh tra từng trường cũng lôi ra 1 mớ chưa kể mấy ông nói xuyên tạc về chính trị). Sau vụ này mình càng thất vọng hơn vì thay vì có được 1 ông thầy tốt hơn thì mình thấy được sự thật những người thầy khác mình kính trọng cũng hành động không khác gì tiểu nhân “giậu đổ bìm leo”.

  • Cac bac coi bản full:http://www.youtube.com/watch?v=sED16hFrcUs…. di roi hãy nói chuyện! Ngoi đó mà đếm cua trong lỗ thì ai chang nói dc!
    Cac bác nhin năng lực thực tế va chuyen môn chứ ngồi nói dẫn chứng thì minh xin thưa cac bac quá hình thức.
    Hãy đặt cac bác la mot nguoi hoc sinh , sinh vien muon hieu bài tốt va thực tế thi thầy Dương đã làm được diều ấy.

  • cứ coi clip full đi rồi hãy nói. toàn bới móc vào những chỗ ko đâu !đạo đức giả chính là những đứa post clip vớ vẩn cho đó là tục đấy ! sống ko thực tế thì cứ đem sách vở ra mà giảng :)) .cái gì cũng phải nên tiếp nhận cái mới thì mới tiến bộ đc ! cứ đem cái lý “mình lạc hậu rồi” thì ngồi đó mà soi đi :))

  • Với bài viết này tôi xin miễn bình luận vì kiểu chỉ trích này mấy ngày nay đầy rẫy trên mạng. Nhưng xin thưa với tác giả rằng nếu một thầy giáo cứ lên giảng đường là “đánh lưỡi bảy lần” thì đánh xong ở dưới ngủ cả rồi. Ngôn ngữ là sự thể hiện của tư duy, để làm được như Thầy Dương không phải ai cũng làm được đâu. Cứ “võ đoán” theo như cách cắt ghép một đoạn trog suốt một bài giảng dài để chỉ trích thì đúng là không ai nói lại. Tôi ví dụ thế này, nếu bạn đem cuốn truyện “Rừng Na Uy” cắt vài đoạn nhạy cảm trong đó ra và gào lên rằng đó là sự dung tục, sự biến chất. Nhưng hãy đặt tất cả trong tổng thể tác giả à, cái riêng và cái chung sao cứ phải tách rời ra mà phân tích. Bác đi đông đi Tây nhiều rồi mà cách phán xét ấu trĩ như thế này âu là điều đáng buồn cho học giả Việt Nam.

  • Tôi thì nghĩ thế này. Cùng một hành động người ta, lúc này thì được coi là thích hợp, lúc khác thì không. Đúng hay sai chưa bàn đến nhưng trong hoàn cảnh này thì những phát ngôn của TS Dương là hơi quá đà. Song lỗi cũng không hoàn toàn ở TS Dương mà còn ở người học nữa. Học viên ở lớp này, nếu tôi hiểu đúng, thì dùng tiền của doanh nghiệp để dự học. Tại sao không tập trung học và yêu cầu giảng viên đưa những thông tin bổ ích, khoa học? Sao họ chấp nhận những câu chuyện suồng sã như vậy? Phải chăng như vậy dễ tiếp thu hơn? Theo tôi thì ngày nay để học ở tầm cao là khó khăn, nó không thoải mái, không hề dễ tiếp thu đâu. Trách nhiệm và chuyên môn phải rất cao. Bạn dùng sản phẩm của Apple thì nghĩ ngay đến ông Steve Job. Nhân viên làm phải năng suất, có chất lượng, có tinh thần trách nhiệm. Lơ mơ là đuổi việc luôn. Nước mình chưa bằng được nước họ thì phải cố gắng hơn chứ. Cấp lãnh đạo mà tán phét như vậy thì phát triển thế nào được?

  • Thầy ko duyệt comment của tôi chứng tỏ 1 điều, thầy đúng là 1 tên tiểu nhân bỉ ổi, Nhạc Bất Quần thời hiện đại. Thôi thì trời biết đất biết, thầy biết tôi biết về bản chất bẩn thỉu của thầy là đủ rồi.
    Chào thầy.

    • Bạn phải tự hiểu tại sao tôi không chấp nhận cái comment đó. Bạn viết tràng giang đại hải mà không có một ý gì đóng góp cho cuộc thảo luận này, ngoài những lời rủa xả, thóa mạ vô cớ, và vu khống một số giảng viên khác. Tôi xóa cái đó vì nhà sạch chẳng ai để rác. Cách nói chuyện cũng đủ thể hiện người nói học ở đâu ra.

  • Gởi chung các bạn bảo nên coi hết clip rồi bình luận. Xin thưa là tôi đã coi đủ, ngay cả trước khi sự việc này lên mặt báo GDVN.

    Ngoài ra, có vẻ như một số bạn không hiểu thành ngữ “Đánh lưỡi bảy lần …”.

  • nếu xét trên góc độ các nhà giáo và các nhà chuyên môn thì bài giảng đó là tục tỉu , ngoài lề, nhưng đối với sv thì kiến thức thầy truyền đạt như vậy là vừa đủ, hiểu được.90% sv Việt Nam ủng hồ thầy vì thầy là thầy của sv. hiểu trình độ svvn tới đâu thầy hướng dẫn sv bước vào đời. thầy văng tục là thầy chua chát với đời, thầy hiểu đời. các vị gs ts khác oi!trong các tác phẩm vhvn đầy rẩy các tiếng chửi thì các vị khen hay rồi ca tụng nhưng sv tụi em chẳng thấy có gì hay( chắc tại trình độ) nhưng thây D chửi đời thì tụi em đủ hiểu được và thấy thấm thía.Các vị cứ nói là v hóa, đ đức nhưng các vị có được 90% sv yêu mến như thầy D ko.Hay là bây giờ các vị muốn nói 90% vsvvn
    mất đ đức.

  • Ha ha ha, có 1 bạn, Lê Chí Thanh, tự xưng là học luật bên Úc, tưởng học luật về giáo dục hay xã hội gì đó, bạn ta học về luật… kế toán/kiểm toán mà xách ra hù dọa! Sợ hết hồn luôn!

    Bạn chịu khó search trên Google từ khóa “ethics and teaching profession in Australia” rồi chịu khó đọc dùm chỉ cần 1 giờ thôi! Sau khi mở to con mắt ra rồi nói gì đó thì nói nhé!

    Đừng chém gió như một thằng mù không biết võ mà tưởng mình là “hiệp sĩ mù” chắc!

  • Gửi Phong Trần:
    Bạn nói đúng về phim Rừng Na Uy đấy. Nhưng so bài giảng của ông Dương với Rừng Na Uy là một việc làm hết sức khập khiễng. Ở phương Tây nghệ sĩ chỉ mới có quyền thể hiện kiểu ấy cách đây chưa lâu lắm còn nhà giáo thì tuyệt đối không. Ở ta nghệ sĩ còn chưa dám theo gót Rừng Na Uy thì nói gì đến chuyện nhà giáo?

    • Ý của tôi đâu phải so sánh bài giảng của thầy Dương với một tác phẩm văn học nào đó, ý tôi muốn nói là không nên cắt một cái riêng trong tổng thể cái chung mà xem xét, đánh giá, đâu có thể nói một cô gái có cặp mắt xấu thì cô gái đó xấu. Phải đặt mọi cái trong tổng thể để so sánh. Với bài giảng hay con người thầy Dương cũng vậy, giống như món thịt chó, ai ăn được thì ăn, không ăn được thì thôi, không nên nói ăn thịt bò mới có đạo đức. Bạn có thể không thích phong cách đó là quyền của bạn, nhưng nói thầy văng tục là quá đáng, và báo Giáo dục VN chỉ đang bới móc câu chuyện đi theo hướng hạ thấp uy tín của một cá nhân riêng rẽ.
      Theo như Mac đã nói thì “đạo đức cao nhất của loài người là đạo đức làm việc”, và theo tôi với tư cách là thầy giáo thì việc truyền đạt kiến thức cho học trò hiểu và ủng hộ là việc mà thầy Dương đã làm được, còn năng lực chuyên môn thì không cần phải bàn cãi vì thầy là người thành công trên lĩnh vực tài chính.
      Thêm nữa, theo tôi phim ảnh và tiểu thuyết chẳng qua cũng là phản ánh hiện thực cuộc sống khách quan mà thôi, và người dạy học cũng là một nghệ sĩ, dạy học như thầy Dương cũng đã là một nghệ thuật. Đạo đức của người thầy giáo không phải ở những điều mà ông nói ra mà là những cái mà ông đã làm được. Những bài giảng và đóng góp sâu sắc về kiến thức tài chính cho sinh viên VN mà thầy Dương đã làm, chỉ cần những tấm lòng như vậy thôi là đủ để xứng đáng với chữ THẦY

      • Cảm ơn bạn Phong Trần đã giải thích rõ hơn phương pháp nhận thức của mình. Đặt vấn đề trong tổng thể để xem xét là rất đúng. Mong bạn triệt để hơn nữa khi vận dụng quan điểm đó. Cụ thể trong nghề dạy học, bài giảng vừa truyền đạt một nội dung theo quy định chương trình, vừa thực hiện những mục tiêu giáo dục khác nữa. Xin nhường việc phân tích nội dung lại cho các chuyên gia kinh tế. Việc thầy Dương nói tục không bị trừng phạt chứng tỏ cho mọi người thấy là bạn có thể nói năng như vậy về phụ nữ, về tình dục… ở bất cứ nơi đâu, miễn là bạn trình bày xong cái nội dung (về ngân hàng hay về đầu tư).
        Bạn Phong Trần hãy thành thật với chính mình. Có ai đó nói năng như vậy với mẹ bạn, em gái bạn, người yêu bạn…, bạn vui vẻ chấp nhận chứ? Tôi không tin là bạn quen việc để người khác cợt nhả như thế với người thân của mình.
        Về chuyện thịt chó, thịt bò, bạn nói rất đúng nhưng chẳng có liên quan gì đến tư cách người thầy. Chỉ có thằng ngờ ngẩn mới nói ai không ăn được thịt bò là vô đạo đức. Và cũng chỉ có thằng ngớ ngẩn tâm thần mới đồng nhất chuyện dạy học với chuyện ăn thịt bò, thịt chó.
        Sau cùng về ông Mac (chắc là Marx), mong bạn trưởng thành hơn trong việc trích dẫn. Marx có thể đúng việc này việc khác, nhưng tôi cần biết ông ấy nói câu ấy trong hoàn cảnh nào để xem có áp dụng được vào hoàn cảnh đang thảo luận không. Bạn có biết rằng Mao đã từng nói “trí thức không đáng cục phân” đó không? Ông ấy nói thế thì cúi đầu nghe thế, không cần suy nghĩ nữa sao?

  • @ Lê Chí Thanh: Giáo sư ở Việt Nam bây giờ không nói tục không đưa được bài giảng vào đầu người học hả bạn? Thực sự không có cách nào khác sao? Bạn đã học ở nước ngoài thực ư? Vậy bạn làm ơn cho mình biết tên ông thầy nào nói tục trước mặt bạn đi (kể cả ở ngoài lớp học). Mình bảo đảm là sau khi mình báo lại cho cơ quan có trách nhiệm 1) Bạn sẽ bị kiện vì tội mạ lỵ 2) Ông thầy kia bị mất việc.
    Mình cũng đã học và sống ở Úc nhiều năm cho nên bạn đừng có tìm cách lòe mình nhé. Bằng cấp của mình thì nhất định là cao hơn bạn nhiều (cứ hỏi chủ blog sẽ rõ), vậy bạn đừng có đem cái CPA vớ vẩn gì ra mà hù anh em.

  • Bài viết hay. Chỉ xin mở ngoặc, chỗ “trong não trạng” của GS Tây ấy, có lẽ là “trong não”.
    Mình đang dạy ở 1 ĐH Y, đã định viết gì đó, nhưng về khía cạnh khác, nhưng mà chưa biết đăng nhờ ở đâu. Nay thấy bày này (có vẻ) là (tạm) đủ. Có vài ý nhỏ:

    Một, là, 1 cách làm báo ở VN, ngay trên đầu trang chủ giaoduc.net.vn mà còn viết tắt (ĐH, CĐ, NCL?), ừ thì là “chấm net” thôi mà. Thế mà bài cứ như đi dạy người ta. Rồi còn giật tít kiểu câu khách “xôn xao dư luận”, “SV các trường” (mấy ông bà SV này sao đại diện cho trường ấy?), rồi “bức xúc”. Như vụ Tiên Lãng mà “xôn xao” còn được. Chả thấy gì xôn xao ở đây cả. Còn bức xúc không thì có hai cái vote nó nói hộ rồi.

    Hai, là, cái bác gì “Nguyên” thứ trưởng GD. Mình định “giật” cái tít bài (tương lai) của mình là “Đau lòng vì một sự… “đau lòng”” (cho nó kêu… hi hi). Tôi đố bạn nào nhớ bác đấy “Thứ” hồi nào. Nghe bác ý đau lòng rất “quặn thắt”, cứ như GD ĐH Việt Nam hết việc rồi hay sao ý, chẳng còn gì để phải “đau” nữa. Các bác “nguyên”, “cựu” của chúng ta đều trên cả tuyệt vời, đến nỗi có bác cựu gì đấy “được” ra về khi “tín nhiệm còn đang cao”, rồi lên giọng dạy “bốn biết”, “bốn học” gì gì đấy. Chán mớ đời, các bác cựu ạ.

    Ba, là, công bằng ra, giảng như TS Dương thì không hẳn là nên, nhưng mà VN ta có nhiều người giảng ở trình độ ấy thì tốt biết mấy. Thế mà cứ thi nhau ném đá làm gì. Học sinh họ có là con nít đâu, toàn giám đốc công ty cả, làm gì mà nghiêm trọng đến thế.

  • Tôi không tranh cãi vơi bạn Từ Nguyên Học về vấn đề này nữabạn ạ, vì ai cũng có quan điểm của riêng mình, mà đã là quan điểm cá nhân cũng khó phân biệt đúng sai, với tôi bài giảng đó chẳng có điều gì là xúc phạm, có chăng là do bạn huyễn hoặc ra mà thôi. Và đến 99% người nghe cũng chẳng nhận ra điều đó. Tôi thấy bạn đang tự làm khổ mình khi bắt bản thân ở 1% còn lại phải nghĩ rằng trong lời nói, trong hành động của thầy Dương là xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự ai đó, sao lại lấy bụng dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử vậy bạn. Thiết nghĩ tôi thấy bạn cũng là một người đi Đông đi Tây và có học thức, cũng không nên đả kích những điều mà hầu hết mọi người đều ủng hộ, nếu 1,2 người đồng tình với thầy Dương thì tôi không nói làm gì, đằng này có đến rất nhiều người, trong đó cũng không ít trí thức làm ra của cải cho đất nước, không lẽ tất cả đều có mắt như mù, và chỉ riêng số ít còn lại là tuyệt nhiên đúng.
    Thêm nữa việc của thầy Dương cũng chẳng có ai kết luận gì, có chăng là báo chí làm rùm beng lên mà thôi. Khi nào xong việc, chúng ta sẽ tiếp tục bình luận bạn nhé, đứng ngoài cuộc mà phẩm bình, đó là cái nết xấu của kẻ học giả.
    Với chúng tôi, những sinh viên học ở môi trường trong nước, những trường đại học cũng chẳng có trong top nào của thế giới, nhưng chúng tôi cũng thành thật nói với bạn rằng trường đại học lớn nhất của con người cũng chỉ là cuộc đời thôi bạn ạ, ngoài những kiến thức hàn lâm thì những kiến thức đời thường trong cuộc sống cũng nên kết hợp trong bài giảng, chẳng có điều gì là sai trái. Thầy giáo thì cũng là một con người mà thôi, đừng thần thánh họ lên làm gì bạn ạ, hãy nghĩ họ là một người quân tử, có xấu, có tốt, có độc, có lợi,..Mà tôi thấy cũng đúng ở đời thường lại hay Chó sủa người lạ, kẻ tầm thường ngờ vực chê bai người tuấn kiệt. Tôi nói vậy chắc bạn cũng hiểu

  • E xem toàn bộ clip & cảm giác giống xem hài giải trí hơn là học tập. Pha trò gây cười là 1 phần của bài giảng lôi cuốn, nhưng mà dùng quá nhiều + nội dung tục tiểu thì khó có thể chấp nhận. Giảng dạy gì mà dùng tới 2/3 thời gian để nói bậy, nói chuyện trai gái vậy mà ko hiểu sao vẫn có nhiều sinh viên bảo vệ thầy LTD.
    Ngôn ngữ bình dân lôi cuốn nó khác với ngôn ngữ tục tiểu. Thầy LTD đã tự hạ thấp mình khi dùng những ngôn từ như thế. Mà cách giải quyết vấn đề sau vụ việc e thấy còn tệ hơn. Thầy ko dám nhận mình sai khi dùng ngôn từ như vậy, mà lại toàn biện hộ, đổ lỗi hoàn cảnh…

  • “quan điểm cá nhân cũng khó phân biệt đúng sai”. Chí lý, Bởi vậy người kém hiểu biết mới cần học hỏi nhiều hơn để tìm ra lẽ phải.

    “với tôi bài giảng đó chẳng có điều gì là xúc phạm”. Có phải đây là một cách gián tiếp trả lời cho câu hỏi: ai cũng có quyền nói năng tục tĩu như thế với người yêu của bạn (nếu chẳng may cô ấy ngồi trong cái lớp ấy)

    “sao lại lấy bụng dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử vậy bạn”. Bạn có hiếu ý nghĩa của các khái niệm “tiểu nhân” và “quân tử” không? Bạn hãy hỏi lại Khổng Tử xem tiêu nhân có nói tục hay không đã nhé?

    “Thiết nghĩ tôi thấy bạn cũng là một người đi Đông đi Tây và có học thức, cũng không nên đả kích những điều mà hầu hết mọi người đều ủng hộ, nếu 1,2 người đồng tình với thầy Dương thì tôi không nói làm gì, đằng này có đến rất nhiều người, trong đó cũng không ít trí thức làm ra của cải cho đất nước, không lẽ tất cả đều có mắt như mù, và chỉ riêng số ít còn lại là tuyệt nhiên đúng.” Bây giò bạn đã hiểu vì sao mà cái số 1% kia cảm thấy đau khổ rồi đấy. Đất nước ra đến nông nỗi ấy không phải là một sự đáng buồn ư?

    “Thêm nữa việc của thầy Dương cũng chẳng có ai kết luận gì, có chăng là báo chí làm rùm beng lên mà thôi.” Việc gì bạn cũng đợi bộ trưởng hay thủ tướng hả? Khi bạn nhìn thấy một người ăn cướp, hiếp dâm (nói tục cũng là hiếp dâm bằng ngôn gừ đấy), bạn không thể biết đó là điều xấu hay sao?

    “Khi nào xong việc, chúng ta sẽ tiếp tục bình luận bạn nhé, đứng ngoài cuộc mà phẩm bình, đó là cái nết xấu của kẻ học giả.” Bạn biết tôi là ai mà bào tôi là người ngoài cuộc? Định nghìa người trong cuộc của bạn bao gồm những ai? Chỉ những người ngồi trong cái giảng đường của ông Dương thôi chứ hả? Vậy bạn đứng ở đâu trong cái cuộc ấy?

    “Với chúng tôi, những sinh viên học ở môi trường trong nước, những trường đại học cũng chẳng có trong top nào của thế giới, nhưng chúng tôi cũng thành thật nói với bạn rằng trường đại học lớn nhất của con người cũng chỉ là cuộc đời thôi bạn ạ, ngoài những kiến thức hàn lâm thì những kiến thức đời thường trong cuộc sống cũng nên kết hợp trong bài giảng, chẳng có điều gì là sai trái.” Đồng ý với bạn. Hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng ở các nước khác họ lồng nội dung yêu nước, yêu con người, yêu các giá trị cao đẹp vào bài giảng. Tại sao họ không dạy chuyện tục tĩu như ông Dương. Bạn là trí thức, bạn thử nghĩ xem sao bọn Tây không học theo cách làm của “chúng ta”?

    “Thầy giáo thì cũng là một con người mà thôi, đừng thần thánh họ lên làm gì bạn ạ, hãy nghĩ họ là một người quân tử, có xấu, có tốt, có độc, có lợi,.” Bạn chỉ nói đúng. Nhưng câu này không có liên quan gì với đề tài. Anh X có thể là một người rất xấu xa, nhưng anh ấy .không được phép có hành động xấu xa. Chẳng hạn, tính tôi rất nóng và tôi rất muốn chửi bạn, nhưng tôi không được phép nhục mạ bạn hay hành hung bạn. Ông nào đó có thể bị tình dục ám ảnh, xấu tốt ra sao kệ ổng, ổng làm gì trong phòng kệ ổng nhưng ổng ra giảng đường, ổng nói chuyện với phụ nữ thì không được đổ những cái ẩn ức sinh lý của ổng vào tai người ta.

    “Mà tôi thấy cũng đúng ở đời thường lại hay Chó sủa người lạ, kẻ tầm thường ngờ vực chê bai người tuấn kiệt. Tôi nói vậy chắc bạn cũng hiểu”. Tôi hiểu quá. Người tuần kiệt là số 1%, trong đó có tôi. Còn số kia là gì thì bạn đã tự nhận.

  • Không thể vì từ chối cái dở này (có những thầy/cô giảng bài cực tệ, khiến học trò ngủ gật) để đi đến chỗ ủng hộ cái tầm bậy và tởm lợm (hoa chân múa tay, uốn người như một thằng hề rẻ tiền kết hợp với nói tục tĩu, bậy bạ trên bục giảng). Trong chuyện này, bình luận đơn giản và không kém phần tha thiết như bạn Mpham trên đây, tôi hoàn toàn ủng hộ.

  • troi oi doc vai cai comments o tren thay nguoi minh thiet la ignorant. Giang bai chu dau phai sitcom dau ma an noi nhu vay, tham chi neu la sitcom di nua thi kieu an noi cua ong Duong la rude, sexist, and misogynistic.

    btw, hi thay Ha. How are you? i was one of your students last century. So happy you’re (seemingly) doing great. Best wishes:)

  • ở đời đúng là có nhiều quan điểm.nhưng cái quan trọng nhất là đã làm được cái gì.những quan điểm phê phán thầy như vậy chứng tỏ 1 điều họ chẳng hiểu gì về xã hội cả.thời buổi hội nhập rồi mà vẫn cái quan điểm của mấy ông này thảo nào đất nước chậm phát triển là đúng rồi.nếu như thầy nói như vậy với học sinh cấp 3 trở xuống thì không nên,đằng này sv đại học rồi phải biết học cái gì từ thầy chứ.lễ phép như vậy thì chỉ như triều tiên thôi nhé.

  • Đành rằng cũng có những từ hơi tục, nhưng tôi nghĩ quan trọng là người nghe tiếp thu được nhiều điều. Có thầy nói về đạo đức thì tuyệt nhưng trò không tiếp thu được chữ nào của thầy, thế cũng đâu bằng TS Lê Thẩm Dương.
    Tôi thích cách giảng của Lê Thẩm Dương

Trả lời wolffit Hủy

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.