Tư tưởng của John Stuart Mill vẫn hợp thời

Làm quan, Tác giả & tác phẩm

Robert D. Kaplan

Nguồn: Wikipedia Commons

Nhìn chung, năm vừa qua là năm ta day dứt với câu hỏi thâm thúy nhất trong triết lý chính trị: làm thế nào tạo dựng tập quyền trung ương (central authority) chính đáng. Lần lượt ở các nước Ả Rập – Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen, Syria – người dân đã xuống đường đòi lật đổ giới cai trị, dù chẳng rõ tiếp theo sẽ ra sao sau khi chính quyền sập.

Và câu hỏi đó không chỉ dành cho thế giới Ả Rập. Ví dụ, không rõ liệu chế độ cai trị cách mạng bán giáo quyền (quasi-clerical) của Iran có tương lai lâu dài hay không, với tình hình đấu đá nội bộ khốc liệt bên trong chế độ và nhiều bộ phận lớn dân chúng có tâm lý bất bình sâu sắc với chế độ. Liệu chế độ kiểm soát độc đảng của Trung Quốc có thể trường tồn? Chế độ của Miến Điện có bền lâu? Trong khi Mỹ về cơ bản thừa hưởng hệ thống dân chủ từ người Anh, và màn kịch [chính trị] chủ yếu của Mỹ trong hơn hai thế kỷ xoay quanh việc hạn chế tập quyền trung ương, thách thức ở rất, rất nhiều nơi khác lại hoàn toàn ngược lại: trước tiên làm sao dựng lên một chính thể biết đáp ứng ý nguyện người dân. 

Nguồn: NXB Trí Thức

Không có nhà tư tưởng nào giải đáp những câu hỏi này một cách thấu đáo và hùng hồn như John Stuart Mill, triết gia người Anh vào thế kỷ 19. Chính vì vậy, ông là người dẫn đường hết sức phù hợp cho những thời buổi phức tạp như hiện nay. Trong tác phẩm Bàn về Tự do (On Liberty), và đặc biệt là trong Nghiên cứu về Chính thể Đại diện (Considerations on Representative Government), John Stuart Mill nhận định rằng mặc dù chính thể dân chủ chắc chắn được ưa chuộng trên lý thuyết, chính thể dân chủ vẫn còn nhiều đặc điểm chưa ổn. Đây hẳn nhiên chỉ là một phần trong những khảo cứu về tự do của John Stuart Mill, và là lý do tại sao khi chính quyền tước quyền tự do [của người dân], rốt cuộc cách biện minh duy nhất của chính quyền là vì hành vi của một người vi phạm đến quyền của người khác. Ông viết rằng trong một số trường hợp, chế độ chuyên quyền có thể hiệu quả hơn, nếu chỉ là một biện pháp tạm thời; dân chủ không phù hợp cho tất cả mọi xã hội trong những giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển xã hội đó. Tôi đang diễn giải quá đơn giản tư tưởng của Mill; ông có lối viết vừa rất trong sáng vừa thấm đẫm biết bao hàm ý, nên vô cùng dễ hiểu.

Nguồn: NXB Trí Thức

Trong Nghiên cứu về Chính thể Đại diện, Mill viết: “Tiến bộ bao gồm Trật tự, nhưng Trật tự không bao gồm Tiến bộ.” Chuyên chế có thể là nền tảng chính trị của tất cả mọi xã hội loài người, nhưng nếu những xã hội đó không tiến xa hơn chuyên chế, kết quả sẽ là tình trạng hỗn loạn và bế tắc về luân lý. Giới cai trị chuyên quyền ở Trung Đông ngày nay thường chỉ mang lại Trật tự; giới cai trị chuyên quyền ở Châu Á cũng đã mang lại Tiến bộ. Như vậy, giới cầm quyền của Trung Quốc – những người đến một lúc nào đó phải rút lui, những người áp dụng chế độ kỹ trị, và cai trị theo lối tập thể – đáng được ưa chuộng hơn so với hình thái ở Bắc Phi, đó là chưa kể đến giới cai trị ở Syria hay Yemen. Tuy nhiên ngay cả trong những trường hợp đó, viễn cảnh sụp đổ tập quyền trung ương cho thấy rằng, xin mạn phép Mill, có thể không có hình thái thay thế nào  khác, mà đành phải chấp nhận một kiểu độc tài nào đó, ít nhất là trước mắt.

Triết lý của Mill thực ra dựa trên triết ký của đồng hương của ông vào thế kỷ 17, Thomas Hobbes, một triết gia khác có tư tưởng cũng vô cùng phù hợp cho thời đại của chúng ta. Hobbes thường được xem là người thuyết giảng tư tưởng diệt vong và tận mệnh (doom and gloom). Thực ra, ông phải như vậy. Ông nhìn xuống vực thẳm của tình trạng vô chính phủ và nhận thấy rằng quả thực có giải pháp có thể dẫn đến trật tự và tiến bộ. Giải pháp đó là nhà nước. Hobbes ca ngợi những lợi ích về luân lý của nỗi sợ và xem tình trạng vô chính phủ đầy bạo lực là mối đe dọa chính cho xã hội. Theo Hobbes – nổi tiếng nhất về nhận xét cho rằng cuộc sống con người là “kinh khủng, hung bạo và ngắn ngủi” – nỗi sợ bị chết vì bạo lực là nền tảng của [động cơ] tư lợi vị tha (enlightened self-interest)*. Bằng cách thiết lập nhà nước, con người thay thế nỗi sợ bị chết vì bạo lực bằng nỗi sợ mà chỉ những kẻ phạm luật mới phải đối mặt. Do đó, trong khi Hobbes đưa ra lập luận ủng hộ tập quyền trung ương, Mill dựa trên tư tưởng của Hobbes để giúp chúng ta hiểu bằng cách nào nhân loại phải tiến xa hơn hình thái tập quyền đơn thuần để dựng lên một chế độ tự do.

Những khái niệm như vậy đôi khi khó hiểu đối với tầng lớp trung lưu thành thị hiện nay, vốn dĩ từ lâu đã rời xa điều kiện (sống) tự nhiên của con người. Nhưng tình trạng bạo lực ghê rợn của một nước Iraq đang rệu rã, hay những nỗi sợ sụp đổ nhà nước ở những nơi như Yemen và Syria trong năm nay, đã cho phép nhiều người trong chúng ta hình dung lại trạng thái nguyên thủy của con người. Thực vậy, khi ngày càng nhiều chế độ phi dân chủ thấy ngày càng khó sinh tồn trong thời đại liên lạc điện tử trong tích tắc này, Mill và Hobbes sẽ đứng đầu danh sách những nhà tư tưởng quá cố cho nhiều năm đến. Iraq, một đất nước pha trộn giữa dân chủ, độc tài ngầm và vô chính phủ, là nơi dành cho Mill và Hobbes, trong khi Afghanistan chỉ dành riêng cho Hobbes. Thử hình dung tính phù hợp của tư tưởng Hobbes trong trường hợp sụp đổ chế độ ở Bắc Triều Tiên; hay của tư tưởng Mill khi Ai Cập chật vật trong nhiều năm để biến đổi một chế độ độc tài quân sự sang một nền dân chủ dân sự. Hai nhà tư tưởng này đã qua đời từ lâu, nhưng triết lý của họ là một cẩm nang đáng tin cậy cho thời sự ngày nay. Nhu cầu cần phải có trật tự – dù là trật tự phải được thiết lập khi đã thoát khỏi chế độ chuyên quyền – chính là vấn đề đang ám ảnh Trung Đông và vùng lân cận.

* Enlightened self-interest là triết lý cho rằng những người hành động vì lợi ích của người khác, hay lợi ích của (những) tập thể mà họ là thành viên, rốt cuộc sẽ có lợi cho chính mình. Từ enlightened (được khai sáng) hàm ý họ hiểu rõ quan hệ giữa tư lợi và công lợi. Ngược lại, [động cơ] tư lợi vị kỷ (unenlightened self-interest) ám chỉ những người hành động vì lòng tham ích kỷ, không đếm xỉa đến người khác. (N.D.)

Robert D. Kaplan là nghiên cứu viên cao cấp ở Center for a New American Security, thông tín viên quốc gia cho tờ Atlantic, và là ủy viên Hội đồng Chính sách Quốc phòng  của Bộ Quốc phòng Mỹ.  Ông là tác giả của cuốn sách Monsoon: The Indian Ocean and the Future of American Power (Gió mùa: Ấn Độ Dương và Tương lai của Quyền lực Mỹ).

Bản tiếng Anh: John Stuart Mill, Dead Thinker of the Year (John Stuart Mill, nhà tư tưởng quá cố tiêu biểu cho năm 2011), Foreign Policy, Tháng 12/2011.

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/29/john-stuart-mill/

Đọc thêm trên blog này: Những nguy cơ bạo lực của ý thức hệ

5 comments

Trả lời Nguyễn Minh Tấn Hủy

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.