Thế giới năm 2012: Triển vọng thị trường đầu tư

Làm giàu, Làm quan

Trong năm 2012 chắc chắn sẽ có người thấy mình sai lầm và sẽ lỗ nặng. Hoặc thị trường vàng hoặc thị trường công trái Mỹ sẽ sai về triển vọng lạm phát dài hạn.

Đầu tháng 9/2011, vàng giao dịch ở mức khoảng 1.900 đô-la/ounce, một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư cảm nhận rằng lạm phát sắp sửa tăng vọt. Một triển vọng như vậy thường là tin xấu cho các thị trường trái phiếu. Nhưng cùng lúc đó, công trái Mỹ kỳ hạn 10 năm có lợi suất thấp hơn 2%, một dấu hiệu cho thấy “giới đầu tư thao túng để bảo vệ quyền lợi công trái” (bond vigilantes)* lo lắng về giảm phát hơn là lạm phát. Mặc dù giá vàng đã giảm và lợi suất công trái tăng trong tháng 10, sự mâu thuẫn cơ bản này chưa biến mất.

Lợi suất công trái thấp kỷ lục trong lịch sử như vậy thực ra có vẻ rất hời, nhưng coi chừng bị hớ. Nhưng giới đầu tư có ví dụ Nhật để suy ngẫm. Nhiều năm thâm hụt tài khóa, tỉ số nợ/GDP cao, lãi suất thấp và chính sách nới lỏng cung tiền (quantitative easing): Nhật đã thử hết những phương cách này mà vẫn không thoát ra khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm của mình. Đến tháng 9/2011, lợi suất công trái 10 năm của Nhật đã giảm xuống dưới 1%. 

Nếu những nước giàu đi theo vết xe của Nhật, các thị trường cổ phiếu có thể có một năm 2012 sóng gió. Một năm mà lợi suất công trái Mỹ ở mức 2% hoặc thấp hơn có lẽ sẽ là một năm mà nước Mỹ chí ít cũng mấp mé miệng hố suy thoái. Nhưng giới đầu tư cổ phiếu không chắc sẽ vui hơn nếu giới đầu tư ưa chuộng vàng hóa ra lại đúng. Mặc dù cổ phiếu có thể là cách phòng ngừa (hedge) chống lạm phát tốt hơn công trái, chúng vẫn có nguy cơ thua lỗ nếu mức giá tăng mạnh, như trong thập niên 1970. Những mức định giá cổ phiếu, theo thước đo tỉ số P/E, có xu hướng ở mức cao nhất khi lạm phát ở mức thấp và ổn định. Hơn nữa, nếu lạm phát tăng mạnh, thì có lẽ Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ buộc phải từ bỏ cam kết giữ lãi suất ở mức thấp hiện nay. Cam kết đó tự thân nó là một dấu hiệu của những mối quan ngại của Quỹ Dự trữ Liên bang về triển vọng kinh tế.

Thực vậy, khác với năm 2008 và 2009, các thị trường cổ phiếu có thể không được chính quyền hỗ trợ gì lắm trong năm 2012, vì giới hoạch định chính sách dường như đã cạn giải pháp. Lãi suất sắp sửa xuống đến mức không thể thấp hơn nữa, trong khi các chính phủ nặng gánh nợ công đang chọn biện pháp thắt lưng buộc bụng thay vì áp dụng thêm chính sách kích thích kinh tế (pump-priming – như tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế và giảm lãi suất, N.D.). Những khó khăn của Châu Âu đã đè nặng tâm trí của giới đầu tư trong suốt năm 2011, khi các chính khách tìm kiếm cách giải quyết nợ công cao ngất ở Hy Lạp và những nước khác.

Luôn có hy vọng có thêm những đợt nới lỏng cung tiền, với ngân hàng trung ương tăng thêm cung tiền bằng cách mua các tài sản tài chính. Nhưng chính sách này đã gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn thống đốc bang Texas, Rick Perry, một ứng viên cho suất đề cử của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ, gọi ý tưởng này là “gần như phản quốc”. Cũng không biết rõ là những đợt nới lỏng cung tiền trước đây có giúp ích được gì cho nền kinh tế thực (real economy – tức các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, N.D.).

Bối cảnh chính trị đầy bất trắc cũng có thể tác động xấu đến các thị trường trong năm 2012. Tuy cư dân Wall Street có thể không hâm mộ cuồng nhiệt Tổng thống Barack Obama (và thường thích lãnh tụ thuộc Đảng Cộng hòa), họ cũng có thể lo lắng nếu một ứng cử viên chịu ảnh hưởng cương lĩnh của đảng trà bước vào Nhà Trắng. Một cam kết ngay lập tức cân bằng ngân sách có thể là một chính sách kinh tế chi tiêu dè xẻn hơn mong muốn của giới đầu tư cổ phiếu, dù giới đầu tư trái phiếu vui mừng. Trong khi đó, ở Châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Pháp có thể khiến càng khó tiến triển thêm về giải quyết khủng hoảng nợ công (vốn cũng chẳng dễ vào những lúc kinh tế phát đạt).

Tuy nhiên, viễn cảnh cho giới đầu tư cổ phiếu không nhất thiết hoàn toàn ảm đạm. Trước hết, thị trường phản ứng không chỉ với những yếu tố căn bản của nền kinh tế mà còn với sự khác biệt giữa những yếu tố căn bản đó với các kỳ vọng của họ. Ví dụ, các thị trường chứng khoán sụt giảm trong mùa hè 2011 vì tăng trưởng kinh tế hóa ra thấp hơn kỳ vọng. Toàn bộ những tin xấu về năm 2012 có thể đã được tính vào giá (cổ phiếu) trước khi năm 2012 bắt đầu.

Thứ hai, thị trường cũng hướng về tương lai. Vì vậy, cho dù các nước đã phát triển thực sự trượt vào suy thoái trong năm 2012, vào một thời điểm nào đó, giới đầu tư sẽ bắt đầu tiên liệu kinh tế phục hồi vào cuối năm 2012, hoặc trong năm 2013.

Một yếu tố khác có thể giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư là tình hình tài chính của khu vực doanh nghiệp đã vững mạnh. Biên lợi nhuận của các công ty Mỹ theo một số thước đo trong năm 2011 thậm chí đã cao hơn so với trước khi xảy ra khủng hoảng (thiếu) tín dụng; lần gần đây nhất mà các chỉ số này ở mức cao như vậy là vào thập niên 1960. Mặc dù điều đó cho thấy các biên lợi nhuận sẽ giảm, các công ty đã tích lũy tiền mặt làm đệm chống sốc nếu có xảy ra suy thoái; một số công ty thậm chí còn tận dụng tình hình sút giảm kinh tế như một cơ hội tung tiền mua lại các công ty khác. 

Hy vọng lớn nhất của giới đầu tư cổ phiếu trong năm 2012 là cả giới đầu tư ưa chuộng vàng và giới đầu tư thao túng để bảo vệ quyền lợi công trái (bond vigilantes) đều sai. Thay vì quỵ ngã trước lạm phát hay suy thoái, nền kinh tế toàn cầu sẽ vất vả vượt qua khó khăn, như đã từng nhiều lần thoát hiểm trong quá khứ. Một kết quả như vậy là hoàn toàn khả dĩ, dù giới đầu tư sẽ cần phải cầu suốt ngày khấn suốt đêm trước khi họ đặt cược những khoản tiết kiệm cả đời của mình để tin vào một viễn cảnh tốt lành như vậy.

Philip Coggan: biên tập viên về thị trường vốn, tạp chí The Economist

* Thuật ngữ “bond vigilantes” do nhà kinh tế Ed Yardeni đưa ra hồi thập niên 1980, dùng để chỉ những định chế đầu tư vì bất bình và lo ngại những chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ có thể tăng lạm phát, nên thao túng bằng cách bán (hoặc bán khống) công trái để đẩy giá xuống, và nâng lợi suất lên. Mục đích của họ là làm tăng chi phí vay mượn của chính phủ nói riêng, và chi phí tín dụng nói chung, để hạn chế chi tiêu trong nền kinh tế, qua đó kìm hãm lạm phát. (N.D.)

Bản tiếng Anh: Two views of the future, The World In 2012, The Economist, 17/11/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/24/the-world-in-2012-investing/

Bài liên quan: Đầu tư thời khủng hoảng: Chạy trời không khỏi nắng

One thought on “Thế giới năm 2012: Triển vọng thị trường đầu tư

  • Lượm được từ “hedge” của Thầy! Lâu nay, chữ này vẫn khó dịch để hiểu được trong tiếng Việt: phòng ngừa, bảo hiểm… Một số từ em vẫn còn lúng túng là “leverage” (verb), exposure (verb and noun). Vẫn mong tiếp tục làm đệ tử theo học Thầy trong lĩnh vực này. Thanks Thầy!

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.